Có vẻ như Microsoft đang phát triển một phiên bản Windows 10 hoàn toàn mới với tên mã Polaris, trong đó loại bỏ hoàn toàn các ứng dụng máy tính để bàn truyền thống và chuyển sang mô hình tính toán mô-đun
Theo một số nguồn tin, Polaris được biết sẽ là phiên bản Windows 10 được phát triển dựa trên Windows Core OS - một phiên bản của hệ điều hành Windows theo kiểu mô-đun mà Microsoft đang theo đuổi để đáp ứng nhiều nhu cầu và môi trường khác nhau.
Cụ thể, Polaris có thể chạy trên desktop, laptop và các thiết bị 2-trong-1. Hệ điều hành này sẽ sử dụng các ứng dụng UWP (Universal Windows Platform) trên Microsoft Store thay vì các ứng dụng máy tính để bàn truyền thống.
Nghe quen không? Chính xác, vì Microsoft đã từng phát hành một phiên bản Windows chỉ hỗ trợ ứng dụng UWP là Windows 10 S. Tuy nhiên, Windows 10 S dường như không thành công, một nền tảng không hoàn hảo, khi được phát triển từ bộ mã Windows 10 đầy đủ nhưng được Microsoft điều chỉnh để giới hạn người dùng chỉ có thể chạy được ứng dụng UWP.
Polaris khác biệt. Giống như các phiên bản Windows 10 được xây dựng trên Windows Core OS, nó sẽ tích hợp CShell - một giao diện đồ hoạ người dùng hoàn toàn mới. Windows Shell hiện tại đã được Microsoft sử dụng trên Windows từ thời Windows 95, do đó nó còn lại nhiều tính năng và yếu tố không còn cần thiết nữa và không thể áp dụng được trên các thiết bị hiện đại.
Chuyển sang CShell sẽ giúp Microsoft mở rộng phạm vi của Windows 10 lên một loạt các thiết bị khác nhau, như điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị 2-trong-1, đồng thời loại bỏ những tính năng dư thừa để hệ điều hành trở nên nhẹ nhàng và nhanh chóng hơn.
Điều này có nghĩa là các ứng dụng truyền thống trên Windows sẽ không còn hoạt động nữa. Với việc chỉ hỗ trợ ứng dụng UWP, Windows 10 Polaris sẽ đảm bảo tính bảo mật cao hơn, tiêu thụ ít tài nguyên hơn, từ đó kéo dài thời lượng pin cho các thiết bị sử dụng hệ điều hành này.
Chuyển sang CShell cũng có nghĩa là người dùng sẽ không thể nâng cấp từ Polaris lên phiên bản Windows 10 Pro đầy đủ. Tuy nhiên, Microsoft đang nghiên cứu cách để đưa các ứng dụng desktop truyền thống lên hệ điều hành mới này thông qua tính năng 'ảo hóa từ xa' - tức là chạy các ứng dụng truyền thống trong một môi trường ảo.
Việc chạy trong môi trường ảo sẽ giúp các ứng dụng desktop cũ có thể hoạt động trên Polaris mà không cần sửa đổi mã nguồn của hệ điều hành.
Theo các nguồn tin, Windows 10 Polaris dự kiến sẽ được công bố vào năm 2019. Mặc dù Windows 10 S không được đánh giá cao - được kỳ vọng nhiều nhưng lại không đáp ứng được, nhưng vẫn có nhiều chuyên gia rất quan tâm để xem Microsoft sẽ phát triển Windows 10 như thế nào để hoạt động tốt trên các thiết bị hiện đại ngày nay.
Tham khảo: TechRadar