Dạng bài viết thư than phiền (Complaint) trong bài thi TOEIC Writing: Respond to a written request (Viết thư trả lời một yêu cầu) xuất hiện tại phần 2 trong bài thi TOEIC Writing. Qua đó, thí sinh được yêu cầu viết thư trả lời (thường dưới dạng thư điện tử) một bức thư được cho sẵn với mục đích đưa thêm thông tin. Để có thể hoàn thành bài viết chính xác và hiệu quả, ngoài việc biến đổi và vận dụng ngôn ngữ linh hoạt, việc có một chiến thuật trong cách khai triển và lên dàn bài phù hợp cũng giúp thí sinh đưa ra câu trả lời hiệu quả trong thời gian ngắn. Bài viết sẽ giới thiệu về Mô hình Tam giác (Triangle Model) trong cách khai triển và lên ý tưởng để thí sinh có thể trả lời một cách lời chặt chẽ và chính xác với dạng bài trên.
Mô hình Tam giác (Triangle Model) và cách ứng dụng vào viết TOEIC: Phản hồi yêu cầu bằng văn bản dạng than phiền (Complaint)
Tổng quan về mô hình
Mô hình Tam giác (Triangle Model) được sáng tạo dựa theo mô hình Tam giác nhận thức (Cognitive Triangle) – một phát minh của Aaron Beck vào những năm 1960. Đây được xem là một trong số các mô hình được sử dụng phổ biến và rộng rãi nhất trong việc xây dựng mối tương quan giữa suy nghĩ, cảm xúc và hành động. Theo đó, mô hình nhấn mạnh mối quan hệ giữa suy nghĩ, cảm xúc và hành động cũng như cách mà quan hệ diễn ra lặp đi lặp lại ảnh hưởng đến con người trong cuộc sống thường ngày tại góc độ tâm lý và hành vi.
Mô hình tam giác Cognitive Triangle
Theo đó, con người có xu hướng tạo thành những suy nghĩ trong đầu sau khi tiếp nhận thông tin bất kì như một cơ chế phản ứng lại thông tin. Suy nghĩ được triển khai thành cảm giác và cuối cùng được thể hiện ra ngoài bằng hành động. Do đó, hành động - công cụ giao tiếp của con người với thế giới bên ngoài được điều khiển và chi phối bởi suy nghĩ. Việc phân tích mô hình giúp người viết đặt bản thân vào vị trí của nhân vật trong bài thi để có hướng giải quyết phù hợp trong từng tình huống được đưa ra.
Mô hình Tam giác (Triangle Model) áp dụng trong dạng bài viết câu hỏi phàn nàn
Triangle Model được áp dụng trong việc lên ý tưởng trong bài viết thư than phiền về vấn đề cụ thể được đưa ra trong câu hỏi như sau:
Phân tích bài viết: thí sinh đóng vai du khách đã nghỉ tại nhà nghỉ Hardwick và đã viết thư than phiền về chất lượng dịch vụ trong phòng nghỉ. Người gửi thư là quản lý khách sạn muốn du khách Melanie Furmark nói rõ hơn vấn đề và đưa ra một gợi ý phù hợp.
Áp dụng mô hình Tam giác cụ thể như sau:
Thoughts - Information: wrong booking (couple-room at first but it turned out single-room), air conditioning system was subpar. Thí sinh nên đọc kĩ đề để xác định càng nhiều thông tin càng tốt, điều này sẽ giúp họ có cái nhìn chi tiết nhất về vấn đề để có thể đưa ra những nhận định phù hợp.
Feeling - Consequence: make room changes twice, cannot sleep soundly (resulting in lacking focus on the next morning). Thí sinh có thể suy xét mức độ nghiêm trọng của hậu quả bằng việc đứng trên lập trường của người gửi - những người đã trực tiếp trải nghiệm và sử dụng dịch vụ, cơ sở vật chất.
-
Behaviors - Solution: get the air conditioning system repaired. Từ những thông tin thu thập được cùng với những cảm nhận về mức độ của vấn đề trên lập trường khách hàng, thí sinh có thể đưa ra những giải pháp một cách thỏa đáng.
Áp dụng Triangle Model vào bài viết như sau:
To whom it may concern
I am writing to you to report problems I have encountered during my trip in more detail and I hope your hotel can make some amendments to improve the situation.
First, I was taken aback when receiving a single room. I remembered that I had reserved a couple one but the receptionist refused to give us a satisfying answer, which made me frustrated a lot because I had to share the same bed with my friend all night. Second, I think something happened with the air conditioning system in my lounge. It operated with loud noise and we were still so hot although I kept lowering temperatures many times. Consequently, we couldn't sleep soundly that night, which really affected our concentration the next day when we had to attend a business meeting.
I think we should receive a timely reason from your customer service staff and it could be better if enhancement can be done with the air conditioning system of your hotel.
Sincerely,
Melanie Furmark
(Gửi đến người có liên quan
Tôi viết thư để nói lên những vấn đề bản thân đã gặp phải trong kỳ nghỉ ở khách sạn của bạn một cách chi tiết và tôi mong khách sạn có thể thực hiện một số sửa đổi để cải thiện tình hình.
Đầu tiên, tôi đã rất ngạc nhiên khi nhận được một phòng đơn. Tôi nhớ rõ rằng mình đã đặt một phòng đôi nhưng lúc đó nhân viên lễ tân đã từ chối đưa ra một câu trả lời thỏa đáng, điều này khiến chúng tôi khá khó chịu bởi hai người đã phải chia giường cùng nhau trong cả một đêm. Việc thứ hai là tôi nghĩ rằng hệ thống điều hòa trong phòng tôi đã xảy ra vấn đề. Nó vận hành phát ra âm thanh rất lớn và trong phòng vẫn rất nóng dù tôi liên tục giảm nhiệt độ. Hậu quả là chúng tôi không thể ngủ được vào đêm đó và ảnh hưởng đến sự tập trung của bản thân trong ngày hôm sau, khi tôi tham gia cuộc họp.
Tôi nghĩ chúng tôi nên nhận được một lời giải thích thỏa đáng từ nhân viên chăm sóc khách hàng và sẽ tốt hơn nếu khách sạn cải thiện hệ thống điều hòa trong phòng.
Trân trọng
Melanie Furmark)
Thông thường, người viết sẽ thường gặp phải những vấn đề khi viết thư cụ thể như sau:
Thí sinh mất quá nhiều thời gian để nghĩ ý tưởng: thông thường thí sinh chỉ có 10 phút với ba nhiệm vụ cần thực hiện: đọc thư, xác định các yêu cầu đề bài, trình bày bài viết. Trong khi việc đọc thư và xác định những yêu cầu cần thực hiện có thể đơn giản hoặc tốn ít thời gian hơn theo một khía cạnh nào đó, việc xác định nội dung được đưa ra trong bài viết cũng như dùng ngôn ngữ để diễn đạt ý tưởng lại là công việc tốn nhiều thời gian và công sức nhất. Do vậy, nếu không có chiến lược chuẩn bị, thí sinh thường rơi vào tình trạng mất quá nhiều thời gian để nghĩ ra những câu hỏi mình cần đặt dẫn đến thiếu thời gian trình bày bài viết.
Các câu hỏi thí sinh đặt ta có xuất hiện những điểm không hợp lý về ngữ cảnh: vấn đề này thường xảy ra đối với các đối tượng thí sinh là học sinh hoặc sinh viên chưa có cơ hội làm việc trong các công ty do đó chưa quen thuộc với các tình huống doanh nghiệp thường gặp. Nếu không có sự chuẩn bị và hiểu biết cơ bản về những công việc hoặc sự kiện thường xảy ra trong bối cảnh công ty, khách hàng, các điểm dịch vụ, thí sinh có thể gặp khó khăn trong quá trình lên ý tưởng cũng như triển khai phù hợp.
Các câu hỏi đặt ra có thể bị trùng lặp ý tưởng:thông thường bài viết sẽ yêu cầu thí sinh đưa 3 nội dung như: 2 yêu cầu và 1 câu hỏi, 2 thông tin và 1 yêu cầu,… Nếu không thể triển khai các ý tưởng phù hợp, thí sinh có thể sẽ dễ lạc vào việc đưa ra những câu hỏi hoặc yêu cầu với nội dung giống nhau. Điều này có thể dẫn đến sự thiếu logic cũng như ảnh hưởng đến độ liên kết giữa hai bức thư.
Mô hình sẽ giúp giải quyết những vấn đề thí sinh thường gặp trong việc khai triển bài viết, cụ thể:
Mô hình giúp thí sinh đóng vai trò là người nhận thông tin, giúp thí sinh suy nghĩ vấn đề trên lập trường nhân vật và từ đó đưa ra hành động cụ thể để giải quyết vấn đề phàn nàn được đề cập đến trong thư
Giúp thí sinh đưa ra các ý tưởng liên quan nhanh hơn và thực tế hơn khi vấn đề đưa ra dựa theo các dữ liệu được cung cấp trong bài, tránh sự xuất hiện của những điểm không hợp lý về ngữ cảnh
Tránh sự trùng lặp giữa các ý tưởng khi mỗi vấn đề được biểu hiện trên một cạnh tam giác
Một số hạn chế của Mô hình Tam giác và cách vượt qua
Mô hình chỉ giải quyết được vấn đề lên ý tưởng cho bài: nói cách khác, mô hinh giúp thí sinh lên ý tưởng trong thời gian ngắn và hiệu quả hơn trong thời gian giới hạn. Tuy nhiên, thí sinh vẫn cần học thêm các cụm từ cần thiết và cách biểu đạt ý tưởng để có thể diễn đạt bài viết một cách hiệu quả.
Hiện tại mô hình mới chỉ được nghiên cứu và áp dụng trong dạng thư phàn nàn (Complaint). Đối với những dạng bài khác, thí sinh có thể chỉnh sửa bằng cách nếu thêm, loại bỏ hoặc mở rộng, thu hẹp các tiêu chí một cách phù hợp hoặc khéo léo áp dụng mô hình trong việc đưa ra câu trả lời hiệu quả giúp giải quyết những tình huống đưa ra.