Qua quá trình lịch sử kéo dài, ngôn ngữ thay đổi cả về số lượng và ngữ nghĩa để phục vụ cho mục tiêu giao tiếp của loài người. Thống kê tại trang languagemonitor.com cho thấy, hiện tại có khoảng 1,057,379 từ vựng tiếng Anh. Ngạc nhiên hơn là cứ mỗi 98 phút, một từ tiếng Anh mới được tạo ra, tức mỗi ngày có 14,7 từ mới được ghi nhận. Con số này còn nhiều hơn nữa khi con người đã, đang và sẽ gán ngữ nghĩa mới trên chính những từ vựng có sẵn. Hiện tượng này đã mang đến sự đa dạng hơn cho ngôn ngữ.
Tổng quan về lý thuyết nghĩa đa nghĩa (polysemy)
Định nghĩa
Polysemy là hiện tượng mà một từ có nhiều nghĩa, và những nghĩa này có liên quan tới nhau. Hay nói các khác, một từ gốc theo thời gian mang thêm một hoặc nhiều sắc thái nghĩa khác. Trong tiếng Việt, hiện tượng này được gọi là hiện tượng chuyển nghĩa của từ.
Ví dụ:
Mùa xuân là tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.
Từ xuân là từ có nhiều nghĩa chuyển. Từ “xuân” đầu tiên có nghĩa là một mùa trong năm, ý chỉ thời gian lí tưởng để trồng cây. “Xuân” trong câu thứ 2 có nghĩa là thịnh vượng, tươi mới. Từ xuân này có hai sắc thái nghĩa như giải thích trên, nhưng nghĩa của chúng có nét tương đồng. “Mùa xuân” và “xuân” đều nói biểu hiện cho sức sống và về một khởi đầu tươi đẹp.
Trong tiếng Anh, có đến 40% từ có nghĩa chuyển. Một số từ như run/set có tới 30 nghĩa chuyển khác nhau.
Để hình dung các từ có nghĩa chuyển hoạt động như thế nào. Ta xét ví dụ sau của từ “mouth”:
Nghĩa gốc: Một bộ phận trên cơ thể dùng để ăn, uống, nói chuyện.
Ví dụ: you shouldn’t put so much food in your mouth at once.
Nghĩa chuyển 1: Phần đầu mở của một lỗ, hang. Phần của sông nối ra biển.
Ví dụ:
- Chúng tôi nhìn xuống vào miệng của núi lửa.
- Quebec nằm ở miệng của sông St Lawrence.
Nghĩa chuyển 2: Phần mở đầu hẹp của một đồ chứa
Ví dụ: The mouth of the bottle is too narrow that I can not pure water into.
Nghĩa chuyển 3: Tạo ra từ bằng môi mà không tạo ra âm thanh.
Ví dụ: It looks to me as if the singers are only mouthing the words.
Nghĩa chuyển 4: Nói ra những từ ngữ không thật lòng.
Ví dụ: I don’t want to stand here listening to you mouthing apologies.
Như vậy, theo từ điển, từ “mouth” có bố nghĩa chuyển khác nhau. Các nghĩa chuyển này đều có sắc thái nghĩa liên quan đến nghĩa của từ gốc.
Tầm quan trọng của Polysemy
Vai trò của Polysemy trong quá trình học từ vựng
Verspoor,M.,&Lowie,W (2003) kết luận rằng người học đoán từ chính xác hơn nếu đã biết nghĩa gốc của một từ so với việc đoán từ dựa vào một nghĩa chuyển khác.
Ví dụ, khi biết nghĩa gốc của từ “healthy” là khỏe mạnh, người học có thể đoán “a healthy relationship” là một mối quan hệ có chiều hướng phát triển tốt. Tuy nhiên, nếu biết từ nghĩa chuyển “mouth” trong “the mouth of the mountain” (miệng núi) thì có thể không suy ra được ý nghĩa của từ “mouth” trong cụm “mouth a word”.
So với từ đa nghĩa – giải thích, các từ có nghĩa chuyển có mạng lưới các nghĩa của từ liên quan đến nhau. Nếu biết cách vận dụng đặc điểm này của polysemy, người học có thể nắm bắt được nhiều nghĩa của từ chỉ bằng tra cứu từ gốc tương ứng.
Phương pháp học: Người học lấy một danh từ và tra nghĩa của từ vựng đó trên từ điển. Từ xuất hiện đầu tiên trên từ điển là từ gốc, một số từ tiếp theo trong từ điển là các từ chuyển nghĩa của từ gốc đó.
Ví dụ: Tra từ “wall” trên từ điển Cambridge. Nghĩa xuất hiện đầu tiên trên từ điển là: “a vertical structure, often made of stone or brick, that divides or surrounds something”. Vì vậy, nghĩa gốc của từ wall là một cấu trúc làm bằng gạch, đá mà ngăn cách hoặc bao quanh gì đó
Ví dụ: The walls of the fortress were more than eighteen inches thick.
Các nghĩ chuyển của “wall” lần lượt là:
- Phần vùng xung quanh kết cấu rỗng của một phần trên cơ thể
Ví dụ: The wall of the stomach. (Thành dạ dày)
- Một “bức tường” tự nhiên hoặc cơ cấu được tổ chức sao cho người hoặc vật khó có thể đi qua.
Ví dụ: The demonstrators formed a solid wall to stop the police from getting past them. (Những người biểu tình đã tạo thành một bức tường vững chắc để ngăn cảnh sát vượt qua họ)
- Một cảm xúc hoặc hành vi hoàn toàn ngăn cản hai nhóm người trong việc giao tiếp hoặc hiểu lẫn nhau.
Ví dụ: There is a wall of mistrust between the two groups. (Có một bức tường nghi ngờ giữa hai nhóm người)
- Nếu một doanh nghiệp “đối mặt với vấn đề”, có nghĩa là nó đối diện với nguy cơ phá sản.
Vai trò của từ đa nghĩa trong việc đoán từ vựng dựa vào ngữ cảnh.
Tại sao học từ vựng dựa vào ngữ cảnh lại có hiệu quả?
Theo Christian Lexcellent (2018), trí nhớ hoạt động theo 03 quá trình: giải mã, lưu trữ/ củng cố, và khôi phục.
Bước giải mã: Não bộ ghi nhận lại thông tin. Lượng thông tin này càng chính xác và chi tiết hơn khi não bộ tập trung vào thông tin và có động lực để ghi nhớ.
Bước lưu trữ/củng cố: Bằng việc gán các thông tin mới với các mẩu thông tin có sẵn trong bộ nhớ, các thông tin được não bộ đưa đến vùng trí nhớ dài hạn, đồng nghĩa với việc thông tin sẽ lưu lại lâu hơn. Khi con người cố ý liên kết với các nội dung trước, não bộ tập trung vào thông tin hơn và có động lực ghi nhớ hơn. Điều này có nghĩa hai bước giải mã và lưu trữ, củng cố thông tin liên quan và phối hợp với nhau.
Bước khôi phục: Khi đặt trong một trường hợp não bộ phải lấy lại thông tin trong bộ nhớ để xử lí, quá trình khôi phục dữ liệu diễn ra. Quá trình này sử dụng cả thông tin mới và cũ (có trước) ví dụ: thời gian, địa điểm, hình ảnh, màu sắc, mùi hương, v.v để trích xuất ra các thông tin cần thiết cho tình huống.
Theo Giang,D. (2020), để thực hiện được ba bước hoạt động của trí nhớ một cách hiệu quả, não bộ cần thực hiện tốt bước đầu tiên trong quá trình này. Cụ thể hơn, sự hiệu quả này phụ thuộc lớn vào nhiệm vụ kết nối các thông tin mới và thông tin có sẵn trong bộ nhớ. Thông tin mới cần có liên quan tới các thông tin, dấu hiệu cũ để thiết lập một bộ thông tin liên kết với nhau, và sẵn sàng phối hợp giúp não bộ thực hiện các bước khác trong quá trình một các trơn tru.
Các dấu hiệu, thông tin cũ như thời gian, địa điểm, màu sắc, mùi vị, hành động, con người,… tạo thành một bức tranh lớn – ngữ cảnh. Nếu đặt từ vựng trong một ngữ cảnh thân thuộc với người học, có nghĩa là đã thành công trong việc gắn ghép các từ vựng mới này với những nội dung, từ vựng quen thuộc. Điều này có nghĩa là bước thứ nhất – giải mã – đã được thực hiện.
Tại sao việc học từ vựng trở nên hiệu quả khi kết hợp học từ gốc và nghĩa chuyển của từ?
Verspoor,M.,&Lowie,W (2003) cho rằng, việc học từ nghĩa chuyển đạt hiệu quả cao hơn khi người học đã biết từ gốc của chúng. Từ gốc thường là từ tượng hình mang nghĩa phổ biến nhất. Người học có thể nhớ được các từ vựng này thông qua việc việc quan sát và cảm nhận qua các giác quan của người học đặc biệt là thị giác.
Lấy ví dụ người học muốn nắm bắt được các nghĩa chuyển của từ “mouth” trong khi đã biết nghĩa gốc của từ này: phần mở trên phần mặt của người và động vật, dùng để ăn uống.
Để học được nghĩa chuyển trong ví dụ: We looked down into the mouth of the volcano.
Bước giải mã: Não bộ liên kết thông tin mới “mouth” (nghĩa chuyển) của núi lửa với “mouth” của con người (nghĩa gốc). Não bộ sử dụng thêm các dấu hiệu của bộ phận này như tính chất nằm ở bề mặt, có khoảng không, có thể chứa đựng vật chất bên trong.
Bước lưu trữ/ củng cố: Não bộ lưu thông tin này lại trong lưu trữ dài hạn.
Bước khôi phục: Khi đặt trong ngữ cảnh miêu tả núi lửa hay các hiện tượng thiên nhiên, não bộ liên kết các thông tin lại, gợi ra các chi tiết để dẫn khôi phục lại thông tin: như một bộ phận của con người, nằm ở bề mặt, có khoảng không, có thể chứa đựng vật chất bên trong.
Do đó, người học có thể tiếp tục học thêm nhiều nghĩa của từ mới thông qua việc tiếp tục học nghĩa gốc. Nghĩa gốc là các dữ liệu quen thuộc, tạo ra một ngữ cảnh sử dụng để nghĩa mới được ghi nhớ lâu hơn và dễ dàng khôi phục để não bộ sử dụng hơn.
Tổng kết
Mục tiêu của các phần trong chuỗi các bài tiếp theo là cung cấp cho độc giả 60 từ vựng có nghĩa chuyển trong 6 chủ đề từ vựng phổ biến, có ứng dụng trong tiếng Anh học thuật và tiếng Anh giao tiếp hàng ngày.
Vũ Khánh Ly