1. Xác định đúng vị trí chảy máu
Trước khi ngừng máu, bạn cần nhận biết chính xác vị trí chảy máu. Điều này rất quan trọng để đánh giá mức độ nguy hiểm của vết thương:
- Chảy máu từ mao mạch: đây là hệ thống mạch máu nhỏ li ti cung cấp máu cho các mô. Chảy máu từ mao mạch thường xảy ra ở các vết thương nhỏ, lượng máu chảy ra ít và chậm, sau đó tự ngừng lại sau vài phút.
Cách nhận biết vị trí chảy máu để đánh giá mức độ nguy hiểm
- Chảy máu từ tĩnh mạch: máu chảy từ từ, sẫm màu rồi tự đông lại. Nếu chảy máu từ các tĩnh mạch lớn như: tĩnh mạch cảnh, tĩnh mạch chủ hoặc giãn vỡ tĩnh mạch thực quản,... thì thường chảy máu mạnh, khó kiểm soát. Đây là những trường hợp chảy máu từ tĩnh mạch nguy hiểm cần cấp cứu ngay chứ không nên chần chừ tìm mọi cách ngừng máu nhanh tại nhà.
- Chảy máu từ động mạch: đây là mạch máu chính mang máu từ tim đi nuôi cơ thể nên rất quan trọng với sự sống. Nếu thấy máu phun theo nhịp đập của tim và thành tia tức là chảy máu từ động mạch cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế cấp cứu ngay.
2. Cách ngừng máu nhanh tại nhà và lưu ý khi ngừng máu
2.1. Phương pháp cầm máu nhanh
- Bấm giữ vết thương thật chặt
Hãy nắm chặt vùng bị chảy máu khoảng vài phút nếu đây là vết thương nhỏ. Cách thực hiện đơn giản là sử dụng một loại vật liệu y tế sạch và khô như bông gòn, băng gạc,... đặt lên vết thương rồi dùng hai tay ấn mạnh vào đó, giữ thật chặt đến khi máu dừng chảy.
- Nâng vùng bị thương lên cao
Đây là phương pháp giảm lưu lượng máu giúp cầm máu nhanh chóng. Khi bị thương ở tay bạn hãy nâng cao nó lên trên đầu còn nếu bị thương ở chân thì hãy nằm xuống và nâng vùng bị thương lên phía trên tim. Phương pháp cầm máu nhanh này tương đối đơn giản mà cũng an toàn.
- Sử dụng vật liệu có sẵn
+ Áp dụng phương pháp chườm đá lạnh
Chườm đá lạnh lên vết thương sẽ làm co lại mạch máu, giúp cầm máu nhanh chóng. Tuy nhiên, bạn không nên đặt đá lạnh trực tiếp lên vết thương mà cần bọc nó trong một chiếc khăn hoặc túi vải trước khi chườm.
Áp dụng phương pháp chườm túi đá lên vết thương là một cách cầm máu nhanh và đơn giản
+ Sử dụng trà xanh
Tanin trong trà xanh giúp kích thích quá trình đông máu, sát khuẩn và làm co lại mạch máu, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Cách cầm máu nhanh bằng trà xanh làm lạnh túi trà và đặt lên vết thương.
+ Sử dụng nước súc miệng
Nước súc miệng chứa cồn giúp kích thích quá trình đông máu và axit aminocaproic trong nước này cũng ngăn chặn sự chảy máu. Đổ nước súc miệng lên vết thương cũng là một cách cầm máu nhanh có thể thực hiện ngay tại nhà.
+ Sử dụng lá tía tô
Lá tía tô không chỉ có tác dụng chống nôn, giảm đau, giải độc mà còn cực kỳ hiệu quả trong việc cầm máu. Để cầm máu nhanh, bạn chỉ cần lấy lá tía tô đã được rửa sạch, nghiền nhuyễn và đắp trực tiếp lên vết thương sau đó cố định bằng gạc y tế.
+ Sử dụng lá nhọ nồi
Lá nhọ nồi có khả năng cầm máu cực kỳ nhạy, đây là một dược liệu tự nhiên mà bạn không nên bỏ qua khi cần cầm máu. Để ngừng chảy máu, bạn chỉ cần lấy lá nhọ nồi đã rửa sạch, giã nát và đắp trực tiếp lên vết thương, sau đó cố định bằng gạc y tế. Sau khoảng 3 - 5 phút, máu sẽ ngừng chảy.
2.2. Lưu ý khi cầm máu
2.2.1. Chú ý tránh nhiễm trùng
Các phương pháp cầm máu nhanh trên chỉ nên áp dụng cho những vết thương nhẹ và ít chảy máu. Quan trọng nhất là phải sát trùng vết thương trước và sau khi cầm máu.
Không nên bỏ qua việc sát trùng vết thương dù bạn áp dụng phương pháp cầm máu nào.
Ngay cả khi máu đã ngừng chảy, vẫn cần đảm bảo vết thương sạch sẽ để ngăn chặn nguy cơ nhiễm trùng.
2.2.2. Cần sự trợ giúp y tế
Biết cách kìm máu đúng cách thì hầu như mọi vết thương đều có thể ngừng chảy máu. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng thích hợp để xử lý tại nhà. Không ít trường hợp chảy máu nếu không được xử lý nhanh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, những trường hợp sau đây nên đến cơ sở y tế để được cấp cứu ngay:
- Dù đã cố gắng kìm máu nhưng vết thương vẫn tiếp tục chảy máu.
- Máu chảy nhiều đến mức thấm ướt băng gạc và quần áo.
- Chấn thương gây mất mát một phần của cơ thể.
- Mất tỉnh táo hoặc ngất sau khi chảy máu.
Ngoài ra, những trường hợp sau đây, sau khi đã kìm máu cũng cần đến cơ sở y tế:
- Vết thương cần được khâu.
- Bên trong vết thương có vật lạ, bụi bẩn hoặc mảnh vụn chưa được loại bỏ.
- Vết thương có dấu hiệu viêm, tiết dịch, mưng mủ,... có nguy cơ bị nhiễm trùng.
- Vết thương do bị cắn.
- Người bị thương đã 5 năm chưa tiêm phòng uốn ván.
Phần lớn trường hợp chảy máu từ mao mạch, nếu biết cách cầm máu nhanh và vệ sinh sạch sẽ, sẽ ổn. Tuy nhiên, không nên chủ quan vì mất máu nhiều có thể gây tử vong. Do đó, nếu vết thương lớn, hãy tạm thời cầm máu và khâu sát trùng sau đó đến cơ sở y tế sớm để xử trí an toàn.