Khi cần thư giãn? Chắc chắn là khi áp lực cuộc sống tăng cao, chúng ta cần thời gian để nghỉ ngơi. Internet trở thành phương tiện giải trí hàng đầu trong thời đại công nghệ 4.0. Game online là một phần của giải pháp giảm stress, đặc biệt đối với các bạn trẻ. Tuy nhiên, trò chơi cũng có những hậu quả không lường trước đối với thanh thiếu niên.
Ý thức cá nhân là quan trọng. Nó thể hiện kiến thức và thái độ của mỗi người. Sự nhận thức và suy nghĩ về một vấn đề phụ thuộc vào trình độ hiểu biết và kinh nghiệm của mỗi người.
Liệu ý thức có ảnh hưởng đến việc chơi game? Chắc chắn. Cách bạn tiếp cận trò chơi phụ thuộc vào ý thức của bạn. Việc này ảnh hưởng đến những lợi ích và hậu quả của việc chơi game.
Những lợi ích của việc tham gia trò chơi
Khi nhắc đến game, hầu hết người lớn thường nghĩ rằng nó không mang lại lợi ích gì nhiều, chỉ là tốn thời gian và tiền bạc. Câu trả lời thường nghe là: “ Tại sao phải dành thời gian vào những thứ vô dụng như vậy!”. Đúng là đối với những người đã đi làm và kiếm được tiền, họ ít có thời gian để chơi game. Hoặc nếu có, họ sẽ chọn các phương tiện giải trí khác. Nhưng với những người trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường, ngoài thời gian học, họ có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn. Khi đó, game là một lựa chọn hoàn hảo cho những ai chưa kiếm ra tiền vì nó miễn phí.
Vậy chơi game có thực sự mang lại lợi ích? Dĩ nhiên là có. Mọi thứ đều có hai mặt. Một trong những lợi ích quan trọng nhất của việc chơi game là giải tỏa căng thẳng. Sau một ngày làm việc vất vả, việc chơi những tựa game mà bạn yêu thích là cách tốt nhất để thư giãn. Trong game, bạn là người kiểm soát. Ngoài ra, thông qua việc chơi game, có thể bạn sẽ học được một ngôn ngữ mới! Ngày càng có nhiều game không có nội dung tiếng Việt. Để chơi được, kiến thức về ngoại ngữ là cần thiết.
Đối với tôi, chơi game giống như tự mình giải một bài toán. Bạn sẽ phải tự tìm hiểu, học hỏi cách chơi, cách lên cấp, cách rèn nhân vật,... mà không có sự giúp đỡ của bất kỳ ai. Điều này sẽ thử thách sự kiên nhẫn của bạn đến đâu, xem bạn có đủ kiên nhẫn để vượt qua những trở ngại hay không. Khi qua màn hoặc tiêu diệt một con quái vật, cảm giác luôn là niềm vui và tự hào. Giống như khi bạn giải quyết xong một bài toán khó khăn. Mệt mỏi nhưng vui vẻ!
Chơi game cũng giúp tăng kiến thức, trí tưởng tượng và sự sáng tạo cho giới trẻ. Cốt truyện của game thường được xây dựng từ các sự kiện trong cuộc sống hoặc chỉ là những câu chuyện ảo tưởng do người sáng lập nghĩ ra. Mọi bí ẩn mà khoa học chưa giải thích được sẽ được biến hóa trong trò chơi, mở ra một thế giới kỳ diệu giống như trong bộ phim hoạt hình Alice In Wonderland, cho bạn có cơ hội khám phá.
Thêm một đặc điểm nữa mà tôi nhận được khi chơi game đó là cải thiện khả năng phán đoán và phản xạ nhanh chóng. Có những trò chơi đòi hỏi bạn phải giữ cho mình một cái đầu lạnh và sự tập trung hết mức có thể như BATTLEGROUNDS. Trò chơi này đặt người chơi vào tình huống sinh tồn ở mức cao nhất, nếu không bình tĩnh trước mọi tình huống, bạn sẽ thua cuộc.
Có rất nhiều trò chơi dành cho nhiều người tham gia để tăng tính đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau và giảm bớt cảm giác chán chường trong thời kỳ Covid-19. Ví dụ như trò Among Us, đã tạo ra cơn sốt toàn cầu và vẫn thu hút nhiều người đến hiện tại. Đó là trò chơi thách thức trí thông minh khi người chơi phải phán đoán ai là kẻ phạm tội trong một nhóm, cũng như người được chọn phải nói dối để chuyển sự chú ý ra khỏi mình. Về cơ bản, trò này tương tự như Ma sói, nhưng khả năng chiến thắng của người chơi thường cao hơn vì nếu hoàn thành nhiệm vụ trước khi bị tiêu diệt thì bạn sẽ thắng.
Từ đó, chúng ta thấy rằng, game online không phải lúc nào cũng xấu. Nó vẫn mang lại những lợi ích nhất định. Quan trọng là chúng ta có tự ý thức được bản thân để đạt được những lợi ích như vậy khi chơi game online hay không.
Tác động tiêu cực của việc chơi game
Như đã nói ở trên, mọi vấn đề đều có hai mặt trái ngược nhau. Game online mang lại lợi ích nhưng đồng thời cũng có ảnh hưởng rất xấu đến quá trình phát triển của giới trẻ. Nếu chúng ta chỉ đơn giản chơi game để giải tỏa stress thì không có gì sai, nhưng phần lớn lại dành quá nhiều thời gian cho nó hơn dự định ban đầu. Mặc dù luôn có khuyến cáo chơi dưới 180 phút sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng chúng ta vẫn phớt lờ nó.
Càng dành nhiều thời gian cho game online, sức khỏe càng suy giảm. Tiếp xúc quá lâu với thiết bị điện tử sẽ làm giảm trí nhớ, làm mệt mỏi tinh thần, uể oải và làm yếu thị lực. Những trò chơi có nội dung, đồ họa bạo lực còn ảnh hưởng đến tiềm thức của giới trẻ. Chơi càng nhiều thì càng lẫn lộn giữa thực và ảo, không đủ tỉnh táo để tiếp tục cuộc sống trong thực tại. Không chỉ thế, vì sự ganh đua và sĩ diện ảo trên mạng mà các “game thủ” sẵn sàng chi tiền để mua đồ hiệu, lên cấp, nâng cấp cho nhân vật trong game của mình. Hoặc có những người không giỏi, họ quyết định bỏ tiền để mua lại tài khoản hoặc thuê người chơi hộ. Vậy số tiền đó lấy từ đâu? Phần lớn là từ túi tiền của bố mẹ vì những người đã đi làm hiểu được giá trị của đồng tiền nên sẽ ít khi chi tiêu cho những thứ vô lý như vậy. Do đó, các tệ nạn xã hội như trộm cắp, cướp giật, lừa đảo cũng phần nào có nguyên nhân từ đây.
Hình ảnh những người nghiện game cắm đầu trong quán nét, mặc kệ sự la mắng của cha mẹ, vẫn cố gắng bám trụ. Có nhiều video ghi lại cảnh con đánh lại cha mẹ chỉ vì thua một trận game hoặc ngất xỉu ngay tại quán vì chơi game mà quên ăn. Thật đáng buồn! Có một bài báo viết về một thanh niên 9x, học giỏi, ngoan ngoãn, chăm chỉ giúp đỡ gia đình, tương lai tươi sáng. Nhưng bị bạn bè xấu rủ rê bỏ học để đi nét. Có lần còn lén lấy tiền của gia đình rồi bỏ đi mấy ngày. Cả nhà hoảng loạn tìm kiếm và thấy cậu đang ngồi trong quán game với gương mặt xanh xao, tóc bù xù, người gầy gò, đôi mắt thâm quầng như chưa ngủ mấy đêm. Hình ảnh ấy không khác gì một con nghiện ma túy.
Những ví dụ trên chỉ là một phần nhỏ, thực tế còn nhiều điều tàn nhẫn hơn. Ý thức chưa chín chắn đã đẩy con người vào vũng bùn, phá hoại tinh thần ngày càng xấu đi. Có câu “Giới trẻ là chủ nhân tương lai của đất nước” nhưng những ‘chủ nhân’ này lại mải mê xây dựng đất nước trong thế giới ảo thì làm sao nhớ đến cuộc sống thực? Đây là một mặt trái mà xã hội cần quan tâm nhiều hơn.
Biện pháp
Đã đến lúc chính quyền cần có biện pháp nghiêm khắc để răn đe và ngăn chặn ảnh hưởng xấu của game online. Trước hết, các nhà quản lý cần có quy định và biện pháp kỹ thuật nghiêm khắc hơn đối với lĩnh vực kinh doanh game online. Mỗi game mới trước khi phát hành cần được kiểm tra kỹ lưỡng. Nếu chưa đạt yêu cầu an toàn thì nhà phát hành cần thay đổi nội dung và hình ảnh của trò chơi. Các nhà cung cấp game cần kiểm soát chặt chẽ tài khoản game của người chơi, đưa ra khuyến cáo và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Nhà trường cần có trách nhiệm với học sinh, sinh viên của mình. Phối hợp với các tổ chức, đoàn đội để thực hiện các buổi tuyên truyền về game online. Điều này giúp các bạn hiểu sâu về những mặt tích cực và tiêu cực của trò chơi. Nhiệm vụ này không chỉ thuộc về nhà trường mà gia đình cũng cần hợp tác, kiểm soát chặt chẽ con em mình. Hạn chế cho con tiếp xúc quá nhiều với thiết bị điện tử, khuyến khích tham gia hoạt động ngoài trời hoặc rèn luyện trí óc. Thường xuyên tâm sự, tạo không khí gia đình ấm cúng, thân thiện để các con không thấy buồn chán và tìm đến thế giới ảo.
Kết luận
Game online không tồi. Nó chỉ trở nên tồi tệ khi chúng ta không tự kiểm soát được bản thân. Không ai cấm chúng ta chơi. Tuy nhiên, chơi một cách hợp lý lại là một vấn đề quan trọng. Bạn có thể giải tỏa stress và tạo cho mình một tinh thần hứng khởi để làm việc. Thay vì mải mê trong game online, có biết bao nhiêu hoạt động ngoài trời đang chờ đón bạn khám phá. Vậy tại sao bạn không rời bỏ thiết bị điện tử và thử ra ngoài để chiêm ngưỡng cuộc sống nhỉ?