1. Tổng quan về chứng rối loạn chuyển hóa lipid máu
Rối loạn lipid máu là tình trạng các chỉ số mỡ máu biến đổi không bình thường bao gồm tăng Cholesterol, Triglyceride, LDL-Cholesterol và giảm HDL-Cholesterol. Bệnh thường xuyên gặp ở người trung niên và người cao tuổi. Tuy nhiên, hiện nay có dấu hiệu trẻ hóa dần khiến không ít người lo lắng.
Sự biến đổi không bình thường của các chỉ số mỡ máu dẫn đến chứng rối loạn chuyển hóa lipid
Ở giai đoạn ban đầu, các biểu hiện của rối loạn lipid máu khó phát hiện qua các triệu chứng. Bệnh phát triển âm thầm trong thời gian dài và chỉ rõ biểu hiện khi có biến chứng trên các cơ quan.
2. Nguyên nhân
Rối loạn lipid máu chặt chẽ liên quan đến lối sống và chế độ ăn uống hàng ngày. Những thói quen xấu có thể tăng nguy cơ mỡ máu bao gồm:
Chế độ ăn uống không cân đối
-
Đồ chiên, rán, xào dầu mỡ, nội tạng động vật, đồ ăn nhanh... tất cả đều tăng nguy cơ gây rối loạn lipid máu.
-
Uống bia, rượu, nước ngọt có cồn, gas,... sẽ làm tăng hàm lượng lipid trong máu.
Ít vận động
Hoạt động vận động giúp tiêu hao năng lượng, đốt mỡ thừa và ngăn ngừa tích tụ mỡ trong máu và vấn đề tim mạch. Ngược lại, ít vận động khiến cho chuyển hóa chậm, mỡ thừa tích tụ và gây nên máu nhiễm mỡ.
Lối sống không khoa học là nguyên nhân gây mỡ máu
Di truyền
Một số trường hợp mỡ máu có nguyên nhân từ gene không hoạt động đúng cách, hoặc thiếu enzyme Lipase được kế thừa từ thế hệ trước. Ngoài ra, sự biến đổi gene có thể làm giảm quá trình loại bỏ cholesterol hoặc tăng sản xuất Cholesterol, Triglyceride, góp phần vào tình trạng mỡ máu
Nguyên nhân khác
Ngoài ra, các nguyên nhân khác gây ra rối loạn chuyển hóa lipid bao gồm các bệnh lý cơ bản hoặc tác dụng phụ của các loại thuốc đang sử dụng.
-
Người mắc các bệnh như tiểu đường, suy gan, suy thận, suy tuyến giáp,... có nguy cơ cao mắc phải rối loạn lipid máu thứ phát.
-
Nhiều bệnh nhân đang dùng estrogen, corticoid, thuốc lợi tiểu, an thần hay sử dụng thuốc ngừa thai cũng có thể gây ra rối loạn lipid máu.
3. Triệu chứng
Rối loạn lipid máu nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách có thể gây biến chứng cho các cơ quan nội tạng, tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm. Dưới đây là những dấu hiệu của mỡ máu mà bạn cần lưu ý:
Triệu chứng bên ngoài
-
Những bệnh nhân dưới 50 tuổi thường thấy có sự thay đổi màu sắc của giác mạc, hình dạng không đều, có thể thấy quanh mắt.
-
Trên mi mắt hoặc dưới mi mắt, nếp gấp của ngón tay, lòng bàn tay có thể xuất hiện vết vàng.
-
Gân xung quanh ngón tay, gân ở bàn chân và các khớp ngón tay có thể phát hiện nốt u vàng.
-
Nốt u vàng có thể thấy ở dưới da ở vùng củ ngón tay, đỉnh của xương trán và mũi chày.
-
Vùng khuỷu tay và đầu gối có thể thấy các nốt u vàng trên da hoặc ở gân.
Triệu chứng bên trong cơ thể
Tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu có thể dẫn đến biến chứng trên các cơ quan nội tạng như sau:
-
Mỡ trong máu tích tụ kéo dài có thể gây xơ vữa động mạch và làm giảm tuần hoàn máu, tăng nguy cơ cao huyết áp, bệnh tim mạch.
-
Mỡ không được chuyển hóa hết có thể gây tình trạng gan nhiễm mỡ từng phần hoặc toàn bộ.
-
Rối loạn lipid máu còn có thể gây viêm tụy ở cấp hoặc bán cấp, bao gồm đau bụng cấp, buồn nôn, nôn, sốt,...
Rối loạn lipid máu tăng nguy cơ phát triển các vấn đề tim mạch
4. Chẩn đoán và điều trị
Quá trình chẩn đoán và điều trị rối loạn chuyển hóa lipid máu được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên môn. Đối với từng trường hợp cụ thể và mức độ bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra các tư vấn chi tiết nhất.
Chẩn đoán
Hiện nay, xét nghiệm máu là phương pháp an toàn và nhanh chóng để kiểm tra sự bất thường của các chỉ số lipid trong máu. Sau khi có kết quả xét nghiệm, các bác sĩ chuyên môn sẽ so sánh các chỉ số máu của người bệnh với mức độ bình thường. Từ đó đưa ra kết luận chính xác về tình trạng bệnh cũng như hướng điều trị mỡ máu.
Một lưu ý cho mọi người trước khi thực hiện xét nghiệm máu kiểm tra chỉ số lipid là cần nhịn ăn và nên thực hiện vào buổi sáng. Những trường hợp đã ăn thì có thể trao đổi với các bác sĩ để điều chỉnh lịch xét nghiệm vì sau khi ăn, các chỉ số lipid trong máu đều tăng và có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
Điều trị
Điều trị rối loạn chuyển hóa lipid máu cần thực hiện trong thời gian dài và kết hợp giữa thuốc và chế độ ăn uống, sinh hoạt. Hiện nay, rối loạn lipid có thể kiểm soát qua sự kết hợp của các biện pháp sau:
-
Sử dụng các nhóm thuốc như Statin, Niacin, fibrat hoặc renins gắn acid mật. Việc sử dụng thuốc cần có sự chỉ định và tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
-
Thay đổi thói quen ăn uống, bổ sung thực phẩm giàu chất xơ, vitamin, kiểm soát chất béo trong cơ thể. Đặc biệt, hạn chế sử dụng thực phẩm gây tăng mỡ máu.
-
Thường xuyên vận động, xây dựng lối sống khoa học bằng cách đi bộ, đạp xe, tập yoga, ngồi thiền, đọc sách,... để giảm mỡ thừa và cải thiện tinh thần.
-
Cung cấp đủ nước cho cơ thể hàng ngày, uống tối thiểu 2 lít nước lọc. Có thể uống nước ép trái cây, trà thanh lọc cơ thể, chè xanh.
Xây dựng lối sống khoa học giúp kiểm soát tốt tình trạng mỡ máu cao
Ngoài ra, người bị rối loạn chuyển hóa lipid cần chú ý kiểm tra sức khỏe định kỳ để điều chỉnh các chỉ số về mức bình thường. Khi sử dụng thuốc giảm mỡ máu có thể gây tác dụng phụ, cần theo dõi liên tục trong quá trình điều trị.