Với thiết kế, hình dáng, và cả hộp đựng đến thông tin firmware, phiên bản 'nhái' của ổ cứng SSD Samsung 980 Pro khiến người dùng thực sự rơi vào 'lưới lửa' khi khó có thể phân biệt được hàng thật và hàng giả.
Mặc dù đã ra mắt được gần 3 năm, Samsung 980 Pro từng được đánh giá cao nhất trên thị trường PC là một trong số những ổ cứng SSD chuẩn PCIe 4.0 dạng M.2. Ngay cả khi Samsung 990 Pro ra mắt, Samsung 980 Pro vẫn được nhiều người dùng tìm mua nhờ hiệu suất tốt và giá cả phải chăng hơn so với phiên bản kế nhiệm. Tuy nhiên, với độ bền và tốc độ đọc ghi cực kỳ cao, Samsung 980 Pro cũng có giá bán đắt hơn đáng kể so với các ổ SSD thông thường ít được biết đến của các hãng khác.
Thực tế cho thấy, hàng loạt phiên bản nhái được sản xuất tại Trung Quốc của dòng SSD này đang xuất hiện trên thị trường với giá cực kỳ rẻ, theo thông tin từ trang web công nghệ Tom's Hardware.
Một cái nhìn cận cảnh vào phiên bản 'nhái' của ổ SSD Samsung 980 Pro. So với hàng chính hãng, phiên bản nhái này có ngoại hình và nhãn dán giống hệt bản gốc và rất khó nhận biết. Ảnh: Baidu Tieba
Theo một người dùng từ diễn đàn Baidu Tieba ở Trung Quốc, gần đây đã mua một phiên bản 'nhái' của ổ SSD Samsung 980 Pro. Về bề ngoài, ổ nhái này không khác gì so với hàng 'xịn', từ màu sắc, kích thước cho tới nhãn dán ghi thông tin ổ Samsung 980 Pro 2TB.
Đáng chú ý, phiên bản nhái này được làm giả tinh vi đến mức, phần mềm quản lý ổ SSD của Samsung là Samsung Magician cũng bị đánh lừa và không thể phát hiện ra, bởi vì ổ này hiển thị phiên bản firmware và ID phần cứng y hệt 'hàng thật'.
Tuy nhiên, chỉ khi lớp nhãn dán trên ổ được gỡ bỏ, người dùng mới phát hiện rằng đây thực sự là một ổ cứng SSD hàng nhái, rõ ràng từ các linh kiện phần cứng mà nó sử dụng.
Cụ thể, ổ cứng SSD hàng nhái này sử dụng bộ điều khiển SSD MAP1602A chuẩn PCIe 4.0 của Maxio, cũng được trang bị trên ổ Predator GM7 của Acer. Đây là bộ điều khiển SSD được Maxio sản xuất trên quy trình 12nm của TSMC, và với thiết kế không có bộ nhớ RAM.
Điều này có thể được coi là một hiện tượng lạ, vì các ổ SSD của Samsung thường không sử dụng linh kiện từ các nhà sản xuất bên ngoài. Thay vào đó, chúng thường sử dụng bộ điều khiển SSD và chip NAND dạng 'cây nhà lá vườn', được tự sản xuất bởi hãng công nghệ Hàn Quốc tại nhà máy của mình.
Chỉ sau khi gỡ bỏ lớp nhãn dán, phiên bản nhái của Samsung 980 Pro mới 'vạch trần', sử dụng linh kiện phần cứng rẻ tiền hoàn toàn khác với hàng chính hãng. Ảnh: Baidu Tieba
Với ổ cứng SSD Samsung 980 Pro, nó sử dụng bộ điều khiển Elpis 8nm kèm theo thiết kế DRAM, song song với chip TLC 3D V-NAND 128 lớp. So với đó, phiên bản nhái của Samsung 980 Pro sử dụng chip TLC 3D NAND (X2-9060) 128 lớp được sản xuất bằng công nghệ Xtacking 2.0 của YTMC.
Dĩ nhiên, với bộ điều khiển và chip NAND thuộc dạng 'thập cẩm' từ nhiều nhà sản xuất khác nhau như vậy, hiệu suất hoạt động của ổ nhái không thể sánh kịp với ổ Samsung 980 Pro chính hãng.
Tốc độ đọc ghi của phiên bản nhái chậm hơn rất nhiều so với phiên bản chính hãng của Samsung 980 Pro. Ảnh: Baidu Tieba
Được biết, các phiên bản ổ cứng SSD nhái Samsung 980 Pro 2TB thường được bày bán trên Xianyu, một trong những chợ trực tuyến phổ biến trên Taobao, với mức giá 880 nhân dân tệ, tương đương khoảng 127,77 USD. Đây là giá cực kỳ rẻ so với hàng chính hãng, vì Samsung 980 Pro hiện đang được bán tại thị trường Mỹ với giá 169 USD. Đáng chú ý, phiên bản nhái của Samsung 980 Pro 2TB còn 'chăm sóc' đến mức, nó được đóng gói và đựng trong hộp với thiết kế và bề ngoài giống hệt hàng thật.
Tất nhiên, với những người dùng không có kinh nghiệm và hiểu biết về linh kiện PC, việc phân biệt hàng giả và hàng thật là một thử thách không hề đơn giản. Trong trường hợp của một người dùng mua phải ổ SSD Samsung 980 Pro giả, anh này thừa nhận rằng mình đã không sử dụng PC để chơi game trong một thời gian dài. Do đó, kiến thức về phần cứng và các công nghệ mới nhất gần như không được cập nhật.
Hơn nữa, vào thời điểm mua hàng, anh ta không có sẵn một PC tại nhà, nên đã mất khoảng 10 ngày để có thể kiểm tra mẫu ổ SSD 'rẻ tiền' này. Điều này là một bài học cho nhiều người dùng khác, khi chất lượng của các linh kiện phần cứng PC thực sự phản ánh câu 'tiền nào của nấy'.
Nói một cách khác, nếu bạn thấy một linh kiện phần cứng mới xuất hiện và được bán trên các sàn TMĐT, đặc biệt là ở Trung Quốc với mức giá rẻ hơn rất nhiều so với giá niêm yết, hãy cẩn thận để tránh mua phải hàng nhái.
Tham khảo Tomshardware