Một người tham gia chương trình Thu cũ đổi mới của Apple Store Việt Nam đã phải đối mặt với kết quả không hề lạc quan.
Gần đây, một thành viên trên diễn đàn Tinh Tế đã chia sẻ trải nghiệm 'đau thương' của mình sau khi tham gia chương trình thu cũ, đổi mới trên Apple Store Online tại Việt Nam. Đây là chương trình được Apple tạo ra nhằm giúp người dùng dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm mới, thông qua việc định giá và thu hồi sản phẩm cũ.
Cụ thể, thành viên có nickname Chaebol đã quyết định nâng cấp từ chiếc iPhone 12 Pro Max 128GB lên iPhone 15 Pro Max 256GB. Theo quy định của chương trình thu cũ đổi mới của Apple, người mua sẽ phải thanh toán số tiền của chiếc máy mới trước (trong trường hợp này là 34.99 triệu đồng với iPhone 15 Pro Max), sau khi nhận hàng, Apple sẽ tiến hành thu lại chiếc máy cũ. Lúc này, Apple sẽ thẩm định máy và hoàn lại số tiền tương ứng giá trị máy cho người mua.
Apple Trade in, hay 'Thu cũ, đổi mới', là chương trình giúp người mua dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với các sản phẩm mới của Apple.
Thành viên này cho biết quá trình mua chiếc iPhone 15 Pro Max đã diễn ra một cách thuận lợi. Không lâu sau đó, anh nhận được một chiếc hộp từ Apple để gửi lại chiếc iPhone 12 Pro Max cũ. Toàn bộ quá trình giao nhận được thực hiện bởi đơn vị vận chuyển Giao Hàng Tiết Kiệm.
Theo ước tính ban đầu của Apple, chiếc iPhone 12 Pro Max 128GB được định giá 9.2 triệu đồng, với điều kiện máy ở trong 'tình trạng tốt'.
Theo Apple, một chiếc máy được xem xét đạt điều kiện khi:
- Máy hoạt động bình thường
- Tất cả các nút hoạt động bình thường
- Camera hoạt động bình thường và không hỏng
- Thân máy không bị lõm hoặc trầy xước
- Màn hình cảm ứng và mặt kính sau không bị hỏng
- Màn hình không bị biến dạng, sọc, có điểm đen hoặc trắng
- Pin hoạt động bình thường
Tuy nhiên, người dùng này thừa nhận rằng chiếc iPhone 12 Pro Max của anh ta 'bị vỡ lưng kính ở góc trên mặt sau'. Dù vậy, trong quá trình định giá trực tuyến, anh ta vẫn xác nhận rằng chiếc iPhone của mình 'vẫn ở tình trạng tốt', bất kể 'Mặt kính sau không bị hỏng' là một yêu cầu của Apple. Lý do anh ta đưa ra: 'Mình nghĩ rằng máy của mình vẫn đủ tốt để được định giá cao khi bán vì sau này, dù sao Apple cũng sẽ kiểm tra lại và thông báo quyết định cho sản phẩm này'.
Hai ngày sau đó, Apple gửi thông báo xác nhận về giá trị thu cũ đổi mới, cho thấy chiếc iPhone 12 Pro Max bị vỡ lưng được định giá 0 đồng (tức là vô giá). Khi đó, người dùng có hai lựa chọn: nhận lại máy hoặc Apple sẽ hỗ trợ tái chế miễn phí.
Tuy nhiên, thông báo từ Apple lại trộn lẫn giữa tiếng Anh và tiếng Việt, khiến thành viên Chaebol hiểu nhầm. Ba dòng nội dung quan trọng nhất là Giá trao đổi ban đầu (Original instant trade-in credit), Giá trao đổi sau xét duyệt (Revised instant trade-in credit) và Số tiền chênh lệch giữa hai mức giá trên (Difference to be charged to) đều bằng tiếng Anh.
Thông báo từ Apple về giá trị thu cũ bị lẫn lộn giữa tiếng Anh và tiếng Việt
Sự không rõ ràng trong ngôn ngữ đã khiến người dùng này hiểu sai rằng chiếc iPhone của anh vẫn được định giá 9.2 triệu đồng. Và sau đó, anh đã bấm 'Đồng ý' mà không biết rằng mình đang đồng ý cho Apple tái chế chiếc iPhone mà không nhận lại bất kỳ khoản tiền nào.
Sau đó, Apple gửi email xác nhận hoàn tất quá trình thu cũ đổi mới. Trong email, có ghi rõ 'Giá trị trao đổi cuối cùng: 9.200.000đ'. Tuy nhiên, sau nhiều ngày, không thấy khoản tiền được chuyển về, thành viên này kiểm tra lại trên trang web của Apple và hoảng hốt khi phát hiện chiếc máy của mình đã được tái chế. Mặc dù đã liên hệ với tổng đài CSKH của Apple, nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết.
Email mà Apple gửi đến người dùng này xác nhận quá trình đổi đã hoàn tất. Dù chiếc iPhone đã bị tái chế và không còn giá trị, nhưng email vẫn cho biết giá trị cuối cùng là 9.200.000 đồng.
Hiện tại, câu chuyện vẫn đang gây ra sự tranh luận sôi nổi trên diễn đàn Tinh Tế với hơn 80.000 lượt xem và gần 800 lượt phản hồi. Trong đó, nhiều người ủng hộ ý kiến rằng cả chủ sở hữu chiếc iPhone 12 Pro Max và Apple đều có lỗi. Nếu chủ nhân của chiếc iPhone đã không trung thực về tình trạng máy, thì Apple cũng đã đưa ra thông báo mập mờ, khó hiểu và chưa được dịch sang tiếng Việt để phù hợp với thị trường Việt Nam.