Một người phụ nữ đã bị mắc hội chứng 'Auto Brewery Syndrome - ABS', một bệnh lạ do nấm men và vi khuẩn trong đường tiêu hoá biến đổi carbohydrate từ thực phẩm thành cồn một cách quá mức, làm tăng nồng độ cồn trong cơ thể vượt quá mức bình thường.
Tiến sĩ Rahel Zewude, một chuyên gia truyền nhiễm tại Đại học Toronto, đã báo cáo một trường hợp bệnh lạ trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Canada. Nồng độ cồn trong hơi thở của bệnh nhân thường dao động từ 30 đến 62 milimol trên một lít khí, trong khi nồng độ cồn bình thường là dưới 2 milimol trên một lít khí thở. Bệnh nhân có thể say ngất bất cứ lúc nào và phải chịu đựng nhiều triệu chứng như buồn nôn, mệt mỏi và tê bì ở chân tay.
Người phụ nữ này thường xuyên bị buồn ngủ quá mức. Cô ấy có thể bất ngờ ngủ thiếp đi khi chuẩn bị đi làm hoặc nấu cơm. Bệnh nhân đã thăm khám nhiều lần về vấn đề giấc ngủ. Các bác sĩ cấp cứu cũng ghi nhận cô ấy đã ngã nhiều lần vì buồn ngủ, nói lắp và có mùi rượu trong hơi thở. Cuối cùng, cô ấy được giới thiệu đến một phòng khám tiêu hóa.
Tại đây, các bác sĩ nhận thấy triệu chứng của bệnh nhân không nghiêm trọng nếu không ăn tinh bột. Tuy nhiên, chỉ sau khi ăn một miếng bánh mì hoặc bữa ăn có chứa carbohydrate, nồng độ cồn trong cơ thể cô ấy tăng đột ngột. Đây là lúc cô ấy bị buồn ngủ.
Từ khi bước sang tuổi 40, cô ấy mắc nhiễm trùng đường tiết niệu và phải điều trị bằng kháng sinh. Cô ấy cũng dùng thuốc ợ nóng để điều trị bệnh trào ngược dạ dày. Tiến sĩ Zewude cho biết hệ vi sinh đường ruột của bệnh nhân bắt đầu suy yếu, mở đường cho nấm men phát triển. Vì vậy, bệnh nhân bị mắc chứng ABS.
Các bệnh nhân mắc chứng ABS có thể được chỉ định sử dụng thuốc chống nấm trước khi bắt đầu sử dụng men vi sinh lâu dài để cải thiện mức độ lợi khuẩn. Họ cũng nên mua thiết bị đo nồng độ cồn để sử dụng vào buổi sáng, tối hoặc khi xuất hiện triệu chứng. Một bệnh nhân 50 tuổi gần đây đã hoàn thành liệu trình điều trị chống nấm và hiện đang áp dụng chế độ ăn ít carbohydrate để ngăn ngừa sự tái phát của bệnh.