Leica, Canon, Sony, Nikon lưu ý nhé!
Một vấn đề mà tất cả các nhiếp ảnh gia đều biết: dù có sử dụng ống kính đắt tiền đến đâu, vẫn luôn tồn tại những tác động tiêu cực như viền và các góc không đẹp. Điều này xuất phát từ hiện tượng 'cầu sai' (spherical aberration) của ống kính.
Trên lý thuyết, các thành phần kính cong có thể thu nhận ánh sáng từ nhiều hướng khác nhau, sau đó hội tụ tại một điểm (cảm biến trong máy ảnh). Tuy nhiên, hiện tượng phản xạ và khúc xạ của ánh sáng khi đi qua ống kính thường xuyên xảy ra ở các vị trí khác nhau. Đây là một vấn đề mà cả Isaac Newton và nhà toán học Diocles đều không thể giải quyết.
Một sinh viên cao học ngành Vật lý tại trường Tecnológico de Monterrey ở Mexico, tên là Rafael G. González-Acuña, đã tìm ra một phương trình giải quyết hoàn toàn vấn đề cầu sai trong ống kính máy ảnh. Đây là lời giải đầu tiên sau hơn 70 năm.
Phương trình giải quyết cầu sai của González-Acuña
Phương trình này rất phức tạp và khó hiểu, nhưng đối với các nhà sản xuất ống kính, đó là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm. Họ có thể áp dụng phương trình này để tạo ra các thiết kế ống kính hoàn hảo, không có cầu sai và mang lại hình ảnh sắc nét từ trung tâm ra các góc. Bên cạnh đó, vì sử dụng ít thành phần kính hơn, ống kính thế hệ mới này cũng nhẹ hơn, nhỏ gọn và giá cả hợp lý hơn.
Khám phá này không chỉ mang lại lợi ích cho các nhiếp ảnh gia và người chụp ảnh nghiệp dư (bao gồm cả điện thoại thông minh), mà còn có thể áp dụng vào các lĩnh vực khám phá khoa học khác. Chúng ta có thể tạo ra các ống kính hiển vi hoặc ống kính viễn vọng với chất lượng cao hơn nhiều so với hiện nay, để khám phá Thế giới vi sinh hoặc Vũ trụ rộng lớn. Tất cả điều này chỉ có thể thực hiện nhờ vào công trình của Rafael G. González-Acuña!