Nghiên cứu mô hình giả lập cho thấy, khi thiên thạch va chạm với Trái Đất ở góc 60 độ, đã tạo ra lượng khí gas như lưu huỳnh và carbon dioxide đủ để gây biến đổi khí hậu, so với khi va chạm ở góc thấp hoặc gần thẳng đứng.
66 triệu năm trước, một thiên thạch khổng lồ với đường kính khoảng 81 km đã va chạm vào Trái Đất ở góc nguy hiểm nhất có thể, giải phóng tối đa lượng khí gas gây biến đổi khí hậu, khiến khủng long biến mất hoàn toàn. Đây là kết luận được công bố gần đây trong tạp chí Nature Communication của các nhà nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia London.
Cộng đồng khảo cổ học lâu nay đã đồng thuận với giả thuyết rằng loài khủng long đã biến mất sau khi một thiên thạch kích thước lớn va chạm mạnh vào bề mặt Trái Đất, tạo ra miệng hố Chicxulub rộng 200 km ở Mexico ngày nay. Tuy nhiên, quỹ đạo và hướng bay của thiên thạch khi va chạm vẫn là đề tài gây tranh cãi trong giới khoa học.
Để hiểu rõ hơn về thảm họa này, các nhà nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia London đã sử dụng một siêu máy tính cung cấp bởi hãng HP để tạo ra mô hình 3D giả lập vụ va chạm xảy ra cách đây 66 triệu năm. Kết quả cho thấy, khi thiên thạch va chạm với Trái Đất ở góc 60 độ, đã tạo ra lượng khí gas như lưu huỳnh và carbon dioxide đủ để gây biến đổi khí hậu, so với khi va chạm ở góc thấp hoặc gần thẳng đứng.
Tính toán của các nhà nghiên cứu cho thấy, khoảng 325 tỷ tấn lưu huỳnh được đẩy vào khí quyển do tác động của vụ va chạm, cao gấp 4 lần so với vụ phun trào núi lửa Krakatoa năm 1883, khiến nhiệt độ trái đất giảm trong vòng 5 năm.
Kết quả là, lượng khí ga lớn từ vụ va chạm đã che phủ hoàn toàn Mặt Trời, gây ra hiện tượng 'mùa đông hạt nhân' khiến Trái Đất bước vào thời kỳ Băng Hà. Sự thay đổi môi trường sống, biến đổi nhiệt độ đột ngột, giảm nguồn thức ăn, kết hợp với không khí ô nhiễm khiến 75% sự sống trên Trái Đất, bao gồm cả khủng long, bị diệt vong.
'Khủng long đã trải qua kịch bản tồi tệ nhất thực sự. Vụ va chạm thiên thạch đã giải phóng một lượng lớn khí gas gây biến đổi khí hậu, kích hoạt chuỗi sự kiện dẫn tới tuyệt chủng. Thảm họa này càng trở nên tồi tệ hơn khi thiên thạch lao vào Trái Đất ở góc nguy hiểm nhất có thể', giáo sư Gareth Collins, trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia London phát biểu.
'Mô hình giả lập chỉ ra rằng có những bằng chứng đáng tin cậy cho thấy thiên thạch đã đâm vào Trái Đất ở góc rất dốc, khoảng 60 độ so với mặt phẳng của đường xích đạo, theo hướng Đông Bắc'.
Trước đó, nhóm nghiên cứu từ Đại học Texas cũng đã xác định được sức mạnh phá hủy của thiên thạch khi va chạm với Trái Đất. Dựa vào việc phân tích độ tan chảy của các mẫu đá còn sót lại dưới miệng hố Chicxulub, các nhà khoa học định lượng được sức phá hủy của tiểu hành tinh tương đương với lực công phá của 10 tỷ quả bom nguyên tử.
Ngay sau khi tiểu hành tinh rơi xuống vùng biển gần Mexico ngày nay, cú va chạm đã tạo ra một cơn sóng thần cao hàng trăm mét, đồng thời ném đá và bụi bẩn trở lại miệng hố do tiểu hành tinh tạo ra trước đó với tốc độ kinh khủng. Khoảng 130 mét vật chất được nén và chôn vùi chỉ trong một ngày. Nhiều khu vực xung quanh miệng hố ngay lập tức mất nước biển và bị phủ đầy bởi vật chất này, trong khi hàng ngàn km2 rừng bị thiêu đốt.
Xem thêm trên ZDNet