Không cần phải là những Bill Gates hay Jack Ma, Steve Jobs hay Mark Zuckerberg mà ai cũng biết, trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường nghe những câu chuyện về “con nhà người ta” bỏ học/bỏ việc/bỏ thành phố về quê kinh doanh kiếm bạc tỷ, bán mỹ phẩm online thu về hàng chục tỷ, khởi nghiệp thành công và sở hữu doanh nghiệp triệu đô… Những từ khóa “thành công”, “đam mê”, “bứt phá” và “bạc tỷ” làm người ta cảm thấy được truyền cảm hứng và thêm khát khao.
Nhưng khi chúng ta gặp thất bại, hoặc cảm thấy mệt mỏi sau nhiều năm cố gắng mà thực tế chỉ toàn đắng cay, ta bắt đầu nhận ra có điều gì đó không đúng!
Đó cũng là lúc bạn học được bài học đầu tiên về cách đặt lòng tin.
Và bây giờ, để tôi nói cho bạn biết, vì sao chúng ta không nên tin vào câu chuyện làm giàu hay thành công của người khác.
Trong một buổi phỏng vấn, Chủ tịch công ty quảng cáo 24h, Phan Minh Tâm, từng chia sẻ: “Đừng tin vào những câu chuyện thành công, dù là của Bill Gates hay Jack Ma, hay ngay cả câu chuyện thành công của tôi. Mọi người luôn yêu cầu tôi chia sẻ bí quyết thành công, nhưng bạn không thể tái hiện thành công đó. Có thể đã từng có một câu chuyện thành công như vậy, nhưng thời điểm ấy đã qua rồi (PV: Gọi là thiên thời địa lợi khi sự việc ấy xảy ra). Các doanh nhân chia sẻ bí quyết, dù bạn có thông minh và tài giỏi hơn, thì khả năng thành công chỉ là 1/1000, 999 người còn lại không thể thành công”.
Nếu bạn đã từng đọc tiểu thuyết “Hồn ma sành điệu” của Sophie Kinsella, chắc hẳn bạn nhớ chi tiết hài hước về một “diễn giả làm giàu”. Ông ta đi khắp nơi với bài diễn thuyết bắt khán giả giơ cao đồng tiền và đọc khẩu hiệu, như thể gửi khát khao kiếm tiền vào vũ trụ để rồi được đền đáp, cùng với hàng loạt giáo lý về cách ông ta làm giàu.
Nhưng điều bất ngờ nhất là ông không kiếm bạc tỷ từ nơi nào khác, mà từ chính những khán giả đang đặt hết niềm tin vào ông. “Diễn giả” không bán kinh nghiệm, mà chỉ bán những lời hô hào đẹp đẽ. Xã hội đã quá quen với việc hỏi Ai đó thành công như thế nào? Các quầy sách đầy rẫy sách về những điều bạn cần làm để giàu có. Nhưng rồi bạn sẽ nhận ra có quá nhiều “thuyết âm mưu” hay điều chưa kể đằng sau những lời đó.
AI ĐÓ ĐÃ THÀNH CÔNG NHƯ THẾ NÀO?
Trước đây, tôi biên tập một bài phỏng vấn một bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực mới mẻ. Nhưng có một câu hỏi vẫn chưa được trả lời đầy đủ, tôi bảo cộng tác viên đi khai thác thêm. Cụ thể là bạn ấy huy động vốn như thế nào, vì ai cũng biết điều quan trọng khi khởi nghiệp là tìm nhà đầu tư thiên thần. Cuối cùng, câu trả lời là: Gia đình của bạn trẻ đó rất giàu có, và họ đã chi rất nhiều tiền để con mình khởi nghiệp.
Nhưng bạn trẻ đó đề nghị không ghi chi tiết này vào bài viết với lý do: Sợ rằng sẽ làm chùn bước những bạn trẻ khác muốn khởi nghiệp (!). Câu chuyện này khiến tôi nhớ về Donald Trump, rằng khi còn trẻ, ông quyết định không dựa dẫm gia đình và khởi nghiệp với… 14 triệu đô la vay từ bố, chưa kể trong lúc khó khăn đã mượn thêm 9 triệu đô la nữa.
Không có ý nói rằng anh bạn trẻ kia hay Donald Trump hay bất kỳ ai khởi nghiệp từ tài sản khổng lồ của gia đình đều không tài giỏi. Họ có tài năng chứ, nhưng ở đây không bàn về họ! Tôi chỉ muốn nói rằng nếu bạn chưa từng là phóng viên hay biên tập viên, khi lướt qua những bài báo về câu chuyện thành công khiến cả thế giới ngưỡng mộ, bạn sẽ không biết điều gì đã được chọn lọc và che giấu đi.
Nếu tôi không tình cờ là biên tập viên của bài phỏng vấn đó, nếu Donald Trump không ra ứng cử tổng thống khiến đối thủ phải điều tra hồ sơ thực sự của ông, thì có lẽ những điều này cũng sẽ không bao giờ được viết ra.
Lý do cuối cùng tôi muốn nói vì sao bạn không nên tin vào những điều đẹp đẽ, đó là xã hội chúng ta chưa quen với việc nhìn nhận thất bại. Với nhiều người, thất bại chỉ là thua cuộc! Mark Cuban đã viết trong cuốn sách của ông: “Không quan trọng bạn thất bại bao nhiêu lần (…) Tất cả những gì bạn cần làm là học từ chúng và từ mọi thứ xung quanh, bởi vì điều quan trọng nhất trong kinh doanh là một lần bạn đạt đến thành công. Và khi đó, mọi người sẽ nói rằng bạn may mắn như thế nào”.
Tất cả những người thành công đều từng trải qua nhiều lần thất bại. Chúng ta không phải không biết điều này! Thực ra thế giới đã đầy rẫy những câu chuyện thành công và thất bại. Nhưng giống như khi bước vào một cuộc hôn nhân, đa phần chúng ta đều đặt sai câu hỏi. Thay vì hỏi: “Anh/em tuyệt vời đến mức nào”, lẽ ra chúng ta nên hỏi: “Anh/em có thể điên rồ và không thể chịu nổi đến mức nào?”. Trong công việc, sự nghiệp, chúng ta thường hỏi: “Mình có thể thành công như người đó không?”, trong khi lẽ ra nên hỏi: “Mình có thể chịu đựng những thất bại mà người đó từng trải qua hay không?”.