Luffa acutangula | |
---|---|
Phân loại khoa học | |
Giới (regnum) | Plantae |
Ngành (divisio) | Magnoliophyta |
Lớp (class) | Magnoliopsida |
Bộ (ordo) | Cucurbitales |
Họ (familia) | Cucurbitaceae |
Chi (genus) | Luffa
|
Loài (species) | L. acutangula |
Danh pháp hai phần | |
Luffa acutangula (L.) Roxb. |
Mướp tây, còn được gọi là mướp tàu (danh pháp khoa học: Luffa acutangula), là một loại thực vật có hoa thuộc họ Bầu bí, được mô tả lần đầu tiên bởi (L.) Roxb. vào năm 1832.
Phạm vi phân bố
Cây mướp tây mọc từ Trung Á đến Đông Á và Đông Nam Á, đồng thời cũng được trồng trong nhà kính ở những vùng có khí hậu lạnh.
Loài cây này còn được trồng ở Nam Á và châu Phi.
Tên gọi
- Tiếng Assam: জিকা, ঝিকা (jeeka)
- Tiếng Bengal: Jhingge hoặc Jhinga
- Tiếng Myanma: ဗြူးဒါး (bju: da: [byú dá]), hoặc ပုံလုံ (boun loun [bòʊ̃ lòʊ̃])
- Tiếng Khmer: ននោងជ្រុង ([nɔnooŋ cruŋ])
- Tiếng Lào: ລອຽ ([lɔ́ːj])
- Tiếng Tamil: Pirkanga
- Tiếng Telugu: beera kaaya
- Tiếng Marathi: dodaki दोडकी
- Tiếng Indonesia: gambas, oyong
- Tiếng Java: oyong
- Tiếng Trung Quốc (phổ thông): 广东丝瓜 (bính âm: Guǎngdōngsīguā)
Mô tả
Cây thảo sống lâu năm với thân leo có thể dài từ 3 đến 6 mét, phân nhánh nhiều và có đường kính lên tới 2 cm với nhiều rãnh. Lá đơn, màu xanh, hình ngũ giác, dài từ 15–20 cm và có thể lên tới 30 cm, rộng đến 25 cm, mép lá có răng to; tua cuốn chia thành năm nhánh. Hoa nở vào mùa hè và thu. Hoa đơn tính, hoa đực mọc thành chùm, mỗi hoa có một lá bắc màu xanh; đài hoa màu trắng xanh dính nhau ở gốc; cánh hoa màu vàng sáng, cũng dính nhau ở gốc. Có 5 nhị, trong đó một nhị rời và 4 nhị có chỉ nhị dính nhau theo từng đôi. Hoa cái mọc đơn độc, có bao hoa giống hoa đực; vòi nhụy ngắn với đầu nhụy có 3 núm, có lông mềm màu vàng; bầu dài từ 3–5 cm, đường kính 1 cm. Quả có hình dáng giống quả dưa chuột, dài từ 30–40 cm, đường kính từ 7–10 cm, có 10 cạnh nhọn dọc theo quả. Hạt khi chín có màu đen, bề mặt sần sùi.
Thành phần hóa học
Quả chứa luffin, một chất đắng, và các amino acid tự do như arginin, glycin, threonin, acid glutamic, và leucin.
Hạt có chứa 19,9% dầu; hạt chín chứa các chất đắng như cucurbitacin B, O, C và H. Hạt cũng chứa một saponin glucosid, enzym và dầu cố định, có thể gây tiết nước bọt, nôn mửa và tiêu chảy ở chó thí nghiệm.
Rễ chứa cucurbitacin B và một lượng nhỏ cucurbitacin C.
Công dụng
Quả non thường được dùng để chế biến món rau, làm dưa hoặc ăn sống. Chồi và hoa cũng có thể ăn được. Quả già được phơi khô và xử lý để loại bỏ phần thịt, chỉ giữ lại xơ để làm miếng rửa bát hoặc chế tạo mũ nón. Mướp khía cũng có ứng dụng trong y học cổ truyền Đông y.
Ứng dụng trong Đông y
- Bộ phận sử dụng: Toàn bộ cây hoặc chỉ xơ mướp (Retinervus Luffae Fructus), còn gọi là Ty qua lạc. Dây, lá và hạt cũng có công dụng.
- Tính chất và tác dụng:
- Xơ mướp có vị ngọt, tính bình; giúp thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, thông lạc, và lợi tiểu.
- Lá mướp có vị đắng và chua, tính hơi hàn; có tác dụng cầm máu, thanh nhiệt và giải độc.
- Hạt có vị hơi ngọt, tính bình; có công dụng tiêu nhiệt, hóa đàm, nhuận táo, và sát trùng.
- Dây mướp có vị ngọt, tính bình; giúp thông kinh lạc, giảm ho và hóa đàm.
- Rễ mướp có vị ngọt, tính bình; có tác dụng thanh nhiệt và giải độc.
- Ứng dụng:
- Xơ mướp được sử dụng để điều trị các chứng gân cốt tê nhức, đau ngực sườn, bế kinh, mất sữa, viêm tuyến sữa, và thủy thủng;
- Lá mướp dùng để chữa ho, ho gà, khát nước do nắng nóng vào mùa hè; ngoài ra, còn dùng để điều trị chảy máu ở vết thương, eczema, mảng tròn, chốc lở và các bệnh mụn.
- Hạt mướp được dùng để điều trị ho có nhiều đờm, sát trùng, và khó tiểu.
- Dây mướp giúp chữa đau thắt lưng, ho, viêm mũi và viêm khí quản.
- Rễ mướp được sử dụng để trị viêm mũi, viêm xoang và nấu nước rửa để làm dịu các vết lở ngứa có chảy nước.
- Tại Ấn Độ, dịch lá tươi được nhỏ vào mắt để điều trị đau mắt hột; lá tươi giã ra đắp lên vùng bị viêm lách, trĩ và phong hủi.
Hình ảnh
Ghi chú
Liên kết bên ngoài
- Hồ sơ loài trên GRIN
Tài liệu liên quan đến Luffa acutangula trên Wikimedia Commons