Cũng như nhiều nhân vật nữ chính khác trong văn học thiếu nhi, Anne Shirley có chút gì đó lập dị. Đúng vậy, cô bé thật sự khác biệt. Với mái tóc đỏ rực và trí tưởng tượng phong phú, Anne không giống như bất kỳ đứa trẻ nào bạn từng gặp. Những cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Anne đã chạm đến trái tim của nhiều bạn trẻ, bao gồm cả tôi. Mặc dù nhân vật Emily Starr của L.M. Montgomery gần gũi với tuổi thơ tôi hơn – nhút nhát, mê đọc sách và có khát vọng nghề nghiệp rõ ràng – nhưng Anne với tính cách vô tư lự lại có sức hút đặc biệt.
Anne dũng cảm. Anne thất thường. Anne thích đùa, dù thường không cố ý. Anne thông minh nhưng khiêm tốn. Anne thân thiện và chu đáo, bạn có thể cảm nhận được điều này qua từng trang sách. Và thật lòng mà nói, tình yêu của Anne dành cho Gilbert là mối tình đầu tiên của tôi trong văn học. Chứng kiến sự trưởng thành của Anne qua những thăng trầm, không bao giờ nhàm chán. Quan trọng hơn, tác phẩm dạy các độc giả trẻ về cuộc sống mà không hề giáo điều. Anne không phải là hình mẫu hoàn hảo, nhưng cô bé luôn suy nghĩ và tìm hiểu về con người mình muốn trở thành – giống như tất cả chúng ta ở độ tuổi đó.
Dưới đây là 11 bài học quan trọng nhất về cuộc sống, tình yêu và sự trưởng thành mà tôi học được từ Anne Shirley:
1. Hãy chấp nhận bản thân như chính mình.
Khi lần đầu gặp Anne Shirley, cô bé đang gặp vấn đề về tự trọng. Anne ghét những đặc điểm của mình: mái tóc đỏ, tàn nhang, khuỷu tay nhọn và tên gọi. Cô bé thường xuyên mua các sản phẩm làm đẹp không rõ nguồn gốc để thay đổi diện mạo, nhưng một tai nạn với thuốc nhuộm tóc khiến Anne nhận ra mái tóc xanh lá còn tệ hơn tóc đỏ. Qua các diễn biến trong “Anne tóc đỏ ở nhà xanh” và các tập tiếp theo, Anne học được rằng thay vì thay đổi diện mạo để phù hợp với mong muốn, cô nên chấp nhận và yêu thương chính bản thân mình. Dù cô tự an ủi bằng cái mũi xinh hay mái tóc đỏ dần chuyển màu, Anne dần tìm thấy nét đẹp trong chính mình. Đối với những cô gái trẻ, hành trình tự chấp nhận của Anne là lời nhắc nhở rằng chúng ta có thể tìm thấy vẻ đẹp trong mọi hình thức, kể cả chính mình.
2. Hãy trở thành một người bạn tốt.
Tình bạn giữa Anne và Diana Barry, cô bé hàng xóm, chiếm một vị trí quan trọng trong trái tim Anne. Khi mới đến chái nhà xanh, đơn độc và bắt đầu cuộc sống mới, Anne luôn ao ước có một người bạn tri kỷ. Dù sau này Anne kết bạn với nhiều người ở Avonlea, ở trường học và trong suốt cuộc đời, nhưng Diana luôn là người bạn đầu tiên và đặc biệt nhất. Tất cả các cô gái từng có một người bạn thân trung thành đều biết rằng một tình bạn như vậy là vô giá. Bạn thân là người đầu tiên yêu quý bạn không vì bất kỳ lý do nào; đó là người cùng bạn chơi và chia sẻ mọi niềm vui. Như lời Anne nói khi Diana bày tỏ tình cảm, “Tại sao chứ Diana, tớ không nghĩ có ai đó có thể yêu quý tớ. Chẳng ai yêu tớ kể từ khi tớ biết nhớ đến giờ.” Dễ hiểu vì sao Diana yêu quý Anne, bởi Anne dù có đôi chút đồng bóng nhưng lại là một người bạn tận tụy và trung thành. Anne còn thích chia sẻ niềm vui của mình với Diana hơn, bởi “Nếu tôi chia cho cô ấy một phần, phân nửa của tôi sẽ có vị ngọt ngào hơn gấp đôi.” Đối với một đứa trẻ khao khát tình yêu thương, đó chính là tình thương yêu.
3. Khi thế giới làm bạn thất vọng, hãy bù đắp bằng trí tưởng tượng của mình.
Cuộc sống của Anne không phải lúc nào cũng như cô mong muốn. Dù thoải mái với tổ ấm, bạn bè và hòn đảo Hoàng tử Edward của mình, cô vẫn không thể ngừng so sánh cuộc sống của mình với nàng công chúa Cordelia với mái tóc đen nhánh và làn da “trắng ngà.” Sự thiếu hụt ấy, như Anne nói, giúp trí tưởng tượng của cô bay bổng: “Đó là một niềm an ủi khi người ta nghèo khó – sẽ có nhiều thứ để tưởng tượng.” Tưởng tượng về một phòng ngủ phủ màn nhung, một bộ váy thanh nhã, hay những giấc mơ đẹp đẽ khác không tốn kém gì so với hiện thực – và nó mang đến cho ta sự sáng tạo. Thêm nữa, nếu tuần tới ta muốn tên mình là Geraldine thay vì Cordelia, ta chẳng cần phải làm thủ tục gì cả.
4. Đừng cố gắng đến khổ sở để hòa nhập.
Với một cô gái từng nói “tôi thà trông kỳ quặc khi những người khác cũng kỳ quặc còn hơn là giản dị và khác biệt,” tất nhiên Anne sẽ luôn có cách riêng của mình. Dù Anne thường khao khát được hòa nhập với bạn bè – ăn mặc giống nhau, có màu tóc bình thường – nhưng cô không ngại thể hiện lối nói khoa trương hay những trò chơi tưởng tượng kỳ lạ khiến cô trở nên đặc biệt. Khi bạn bị chế giễu vì những mối quan tâm kỳ lạ hay lối sống không giống ai, sự khác biệt của Anne là một lời nhắc nhở rằng không sao cả khi khác biệt. Và cũng không có gì ngạc nhiên khi thấy bạn bè và hàng xóm của Anne bắt đầu chấp nhận và sử dụng những từ ngữ đặc trưng của cô.
5. Đừng sợ mắc sai lầm.
Anne là một học sinh xuất sắc trong việc học từ kinh nghiệm. Có lẽ một phần sức hút của cô nằm ở sự sẵn sàng thử mọi thứ ít nhất một lần; trong tâm trí cô, không có chỗ cho câu “Ồ, tốt hơn là không làm, Marilla sẽ không vui” – điều này dẫn đến nhiều tình huống thú vị. Nhưng, như Anne đã chỉ ra, cô không bao giờ mắc cùng một sai lầm hai lần. (Một sự an ủi nhỏ đối với Marilla, người thường nói, “bác không biết việc cháu lúc nào cũng mắc sai lầm, toàn là những sai lầm mới, lại có ích đến thế.”) Ban đầu, Anne là nguyên nhân của nhiều thảm họa, nhưng dần dần, những sai lầm của cô trở nên ít hơn, và cuối cùng, Anne trở thành một thiếu nữ duyên dáng và hoàn thiện. Mắc lỗi không bao giờ là điều vui vẻ, nhưng đó sẽ không phải là lỗi mà bạn sẽ phạm phải lần sau – rốt cuộc, không có cách học nào tốt hơn nếu không tình cờ bỏ dầu xoa bóp thay vì tinh dầu vani vào trong bánh khiến chiếc bánh phải bỏ đi.
6. Luôn luôn chân thật.
Anne có nhiều điểm khác thường nhưng cô hiếm khi nào chế nhạo hay mỉa mai ai, nhất là đối với một đứa trẻ. Dù lời nói ngọt ngào đôi khi có thể giả tạo, nhưng sự miễn cưỡng của cô trong việc che giấu cảm xúc thật khiến người nghe cảm thấy dễ chịu và thú vị. Đôi khi, sự bày tỏ cảm xúc mãnh liệt hay những lời thơ ủy mị của cô có thể làm cô trở nên kỳ quặc, nhưng cô không bận tâm. Khi cô giấu đi cảm xúc thật của mình, khi cô cự tuyệt không tha thứ cho Gilbert vì cậu đã chọc ghẹo mái tóc của cô, cô giấu kỹ đến mức ngay cả cô cũng tin rằng Gilbert vẫn là đối thủ của mình. Tuy nhiên, thiên hướng vui vẻ của Anne nhắc nhở chúng ta rằng sự hài hước không chỉ có mỗi kiểu châm biếm.
7. Niềm vui trong việc trông đợi là một nửa niềm vui.
“Ôi, bác Marilla ơi, trông đợi sự việc xảy ra là phân nửa niềm vui thích đấy,” Anne hét lên. “Bác có thể không đạt được điều bác muốn nhưng không có gì có thể ngăn bác có được niềm vui khi trông đợi chúng diễn ra.” Sự lạc quan vô tận và những kỳ vọng lớn lao của Anne thường giúp cô tránh khỏi thất vọng, nhưng rõ ràng thái độ này chắc chắn mang lại cho cô một cuộc sống đầy tiếng cười và hy vọng. Quan trọng hơn, khoa học đã chứng minh thái độ này của cô là đúng: Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng hầu hết các lợi ích về sức khỏe thể chất của một kỳ nghỉ đến từ việc lên kế hoạch và mong đợi chuyến đi nhiều hơn là từ chính kỳ nghỉ. Trông chờ một sự kiện vui vẻ giúp chúng ta trải nghiệm trước những cảm xúc hứng khởi, phấn khích, nhiều hơn là niềm vui sau khi sự kiện đó kết thúc. Và dù đôi khi sự kiện không xảy ra, như Anne chỉ ra, điều đó không lấy mất đi niềm vui trong những ngày trông đợi trước đó.
8. Tích lũy từng chút một.
Thật vậy, bao nhiêu người trong chúng ta đã từng nói khi đi học rằng “giờ ra chơi” là lúc yêu thích nhất? Hầu hết trẻ con đều ghét việc phải dậy sớm, mang cặp sách nặng và phải trải qua một ngày dài nghe giảng và làm bài tập. Nhưng với Anne, việc học là một phần thiết yếu của cuộc sống, nếu không muốn nói là niềm vui vĩnh cửu. Ban đầu, trường học chỉ là nơi để cô trò chuyện với bạn bè trong giờ ăn trưa, nhưng khi đã bắt kịp kiến thức, Anne trở thành một người học thức sắc bén, rồi sau đó là một giáo viên và thậm chí còn vào đại học – một trải nghiệm hiếm có trong thời của cô. Những câu thơ, đoạn văn và lịch sử trong lời nói của Anne nhắc nhở chúng ta về sự sâu sắc trong học hỏi của cô. Thật truyền cảm hứng!
9. Đừng bỏ lỡ tình yêu chân thật vì mộng tưởng.
Khi đọc hết “Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh”, chúng ta thấy chuyện tình giữa Gilbert và Anne bắt đầu nảy nở và sẽ được phát triển trong hai cuốn tiếp theo. Ở cuối cuốn sách, ác cảm mà Anne dành cho Gilbert từ khi 16 tuổi đã tan biến, và hai người trở thành bạn thân thực sự. Tuy nhiên, Anne không thể thừa nhận rằng tình cảm của họ vượt xa hơn tình bạn. Bỏ qua những ảo mộng tình cảm, Anne vẫn kỳ vọng người yêu lý tưởng của mình là một nhà thơ đẹp trai, cao ráo, da ngăm và hơi u sầu. Gilbert không hề giống vậy. Anne suýt nữa đã mắc sai lầm lớn khi nghĩ đến việc kết hôn với một chàng trai đẹp mã nhưng lại nhận ra tình cảm đó không thật – hoàn toàn dựa trên giấc mơ thuở bé của cô. Khi Anne nhận ra mình đã yêu Gilbert, thì mọi việc đã gần như quá muộn. Khó tin rằng cô gần như từ bỏ tình yêu chân thật chỉ vì anh không phải “tuýp người” của cô! Đó là lời nhắc nhở đầy xúc động rằng chúng ta nên mở mắt để nhìn thấy những gì đang thực sự xảy ra trước mắt, thay vì sống trong ảo mộng.
10. Học cách đối mặt với thực tế.
Qua thời gian, Anne nhận ra rằng sống trong thế giới mơ mộng sẽ dẫn đến việc ngày càng xa rời thực tế. Cô không thể nấn ná suốt buổi chiều ở chốn yêu thích trong rừng trong khi đã hứa sẽ về nhà giúp Marilla, và cô học được rằng việc dựng nên một cảnh đẹp bên bờ ao có thể dẫn đến suýt chết đuối. Ở cuối truyện “Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh”, Anne quyết định từ bỏ giấc mơ vào đại học để ở nhà chăm sóc Marilla và duy trì nông trại. Montgomery viết: “Cô đã dũng cảm nhìn thẳng vào trách nhiệm của mình và nhận ra đó là một người bạn – vì trách nhiệm chưa bao giờ là gánh nặng nếu chúng ta nhìn nhận nó một cách đúng đắn.” Anne đã trưởng thành rất nhiều so với cô bé bốc đồng ban đầu, và cuối cùng đã thực sự nhận thức và đối mặt với thực tế của cuộc sống. Tính mơ mộng của Anne khi còn bé tạo nên sự thú vị, nhưng sự sẵn sàng chấp nhận trách nhiệm trưởng thành nhắc nhở chúng ta rằng không thể mãi không lớn. Cuộc đời bao gồm cả những công việc nặng nhọc và trách nhiệm cần thực hiện, cũng nhiều như niềm vui và tính tự phát.
11. Nhưng đừng bao giờ ngừng mơ mộng.
Việc Anne hoàn toàn trưởng thành không có nghĩa là cô đánh mất hết trí tưởng tượng phong phú của mình. Anne vẫn luôn là Anne với tình yêu mãnh liệt và niềm hy vọng bất tận rằng tương lai chứa đựng những điều tuyệt vời chưa biết trước. “Tôi tự hỏi con đường xa kia sẽ dẫn tới đâu – một màu xanh tươi mát, ánh sáng và bóng tối đan xen như một bàn cờ – những cảnh đẹp mới mẻ – những điều thú vị mới – hay những cung đường vòng, những ngọn đồi và thung lũng trải dài,” Anne thốt lên sau khi quyết định tạm dừng việc học đại học. Một năm giảng dạy nhàm chán và những trách nhiệm gia đình không thể làm mờ đi những giấc mơ về cuộc sống đầy ắp điều kỳ diệu và thú vị của cô. Ngay cả niềm tin vào những câu chuyện cổ tích và yêu tinh của cô vẫn không hề mất đi. Anne cho chúng ta thấy rằng trong khi công việc và trách nhiệm là cần thiết để giữ cho gia đình tồn tại, thì hy vọng và trí tưởng tượng là cần thiết để mọi người hạnh phúc và mãn nguyện. Không có chỉ dẫn nào hay hơn để có một cuộc sống tốt đẹp.
Nguồn: http://bookaholic.vn/