Bí Mật Của Naoko là một tác phẩm xuất sắc khác của Keigo, một trong những nhà văn mà tôi ngưỡng mộ nhất.
Đúng vậy, tôi hối hận, hối hận vì đã quên rằng chính Keigo là người đã viết nên câu chuyện này. Tôi đã quên mất cảm giác tim đập nhanh và lồng ngực nặng trĩu khi đọc Phía Sau Nghi Can X hay Bạch Dạ Hành. Nhiều lần tôi bị tác giả đánh lừa, bị cuốn vào thế giới kỳ ảo, phi thực nhưng nhẹ nhàng, bình dị của ông, để rồi khi tưởng rằng mọi chuyện chỉ đơn giản là vậy, tôi bị bất ngờ đến không kịp trở tay. Trong chớp mắt, thế giới đó tan biến, thay vào đó là thực tại trần trụi, tàn nhẫn, hiện hữu rõ rệt, bao trọn lấy tác phẩm và dằn xé tâm can người đọc.
Dằn xé tâm can người đọc chính là tài năng của Keigo
“…Heisuke nhìn vào bóng tối, thầm nghĩ không biết gã vừa mất vợ hay mất con gái”. Đây là câu nói mở đầu cho chuỗi ngày tăm tối của Heisuke, nhân vật chính. Anh đã mất vợ hay mất con? Nếu Heisuke coi Naoko (trong thân xác Monami) là vợ, anh phải xóa đi sự tồn tại của con gái khỏi tiềm thức, nhưng không thể đối xử với Naoko như vợ vì đó vẫn là thân xác con gái anh. Ngược lại, nếu anh chấp nhận Naoko là con gái và đi bước nữa, liệu cuộc sống mới của anh có suôn sẻ không? Naoko có đủ cao thượng để nhìn cha mình, tức chồng mình, sống với người phụ nữ khác không? Liệu cô có thể gọi người phụ nữ đó là mẹ không? Tóm lại, dù chọn con đường nào, Heisuke cũng sẽ mất cả hai. Nhưng Keigo, bậc thầy tạo ra hoàn cảnh trớ trêu, đã quyết định để Heisuke nhận cái kết cục tàn nhẫn nhất, đau đớn nhất...
Tình nghĩa vợ chồng và cơ hội sống lại một cuộc đời thứ hai?
Sự lựa chọn nào là đúng? Heisuke là người cao thượng hay ích kỷ? Tôi đã có câu trả lời. Trong tác phẩm này, tôi không ghét ai cả vì mọi thứ diễn ra đều là tất yếu, tương lai có thể đoán trước. Không có một kết thúc viên mãn cho câu chuyện này. Tôi thương cho số phận Heisuke (và nhiều nhân vật khác), nhưng không ghét Naoko, nếu có, chỉ trách chị ta không chọn cách ít tàn nhẫn hơn. Lẽ ra mọi chuyện đã khác nếu không có sơ sót vô lý đó, lẽ ra sự thật sẽ mãi chôn vùi. Tôi không thích truyện tâm lý Mỹ, dù mô tả kỹ lưỡng, có cơ sở khoa học, tôi cảm thấy là người ngoài cuộc. Nhưng văn học Nhật, điển hình là Higashino Keigo, không phân tích chi tiết tâm lý nhân vật, đôi khi chỉ qua hành động nhỏ thôi, tôi như bị cuốn vào thế giới nội tâm của họ, tự đặt mình vào hoàn cảnh nhân vật, cảm nhận đau thương, mất mát của họ. Truyện Keigo không chỉ xoay quanh nhân vật chính, mà còn soi chiếu góc khuất trong số phận con người qua các nhân vật phụ, đặc biệt là những người bị xã hội lên án. Đọc tác phẩm của Keigo, tôi luôn nhận ra: chúng ta không có quyền phán xét ai, vì không thể hiểu hết bản chất con người. Cái ta thấy hằng ngày chỉ là bề nổi. Con người là thực thể phức tạp, nếu nghĩ có thể đánh giá toàn diện qua quan sát, bạn đã lầm. Ai đọc Naoko rồi, chắc hẳn cùng suy nghĩ với tôi, không phải Heisuke là người cao thượng nhất, hy sinh nhiều nhất.
Nguồn: https://goo.gl/LQAKrf