Chủ nghĩa Khắc Kỷ - Từ Tự Chủ Đến An Nhiên
Chủ nghĩa Khắc Kỷ - Hiểu Đúng và Đủ Về Người Khắc Kỷ
Những năm gần đây, Khắc Kỷ dường như trở thành một chủ nghĩa hoàn hảo và được ưa chuộng. Lý do rất đơn giản, bởi chúng ta đang đối mặt với nhiều khó khăn hơn: đại dịch, biến đổi khí hậu, bất ổn việc làm và nền kinh tế… khiến ai ai cũng muốn học cách sống bình thản của các nhà Khắc Kỷ cổ đại.
Hiểu Đúng Để Không Trở Thành Người Vô Cảm
Xin ban cho con sự an tĩnh để chấp nhận những điều không thể thay đổi, can đảm để thay đổi những điều có thể, và khôn ngoan để nhận ra sự khác biệt.Thật trùng hợp, lời nguyện này cũng cô đọng nguyên tắc cốt lõi của chủ nghĩa Khắc Kỷ: phân biệt giữa những điều nằm trong và ngoài tầm kiểm soát của con người. Sự phân chia này và tác dụng chữa lành cảm xúc kèm theo chính là điểm cuốn hút nhất của học thuyết Khắc Kỷ đối với độc giả hiện đại.
Trong cuốn sách “Chủ nghĩa Khắc Kỷ” (tựa gốc “Stoicism and the Art of Happiness”), Donald Robertson - một trong những tác giả nổi tiếng nhất về học thuyết này - đã khảo sát lại tất cả các nguồn tư liệu có sẵn, từ đó trình bày một cách cặn kẽ, có hệ thống và dễ hiểu về triết học Khắc Kỷ.
Những quan điểm và bài tập tâm lý Khắc Kỷ cần được hiểu trong bức tranh toàn cảnh của học thuyết này. Sự thờ ơ của người Khắc Kỷ với điều “không quan trọng” nếu không được hiểu đúng và chi tiết có thể dẫn đến hiểu sai và áp dụng sai. Mặc dù người Khắc Kỷ phân chia ranh giới giữa điều có thể và không thể kiểm soát, họ vẫn cho phép mình có những cảm xúc tự nhiên, tức thời với mất mát và đau thương.
Tương tự, người Khắc Kỷ cũng có tình yêu, tình bạn và lòng bác ái - những điều tưởng chừng thuộc về phạm trù “ngoại tại” vì liên quan đến cuộc đời của người khác. Marcus Aurelius đã mô tả lý tưởng của người Khắc Kỷ là “thoát khỏi mọi cảm xúc nhưng vẫn đầy tình thương”. Trong cuốn sách của mình, Robertson cũng nhận định “ước muốn nhân loại đều được hạnh phúc, phồn thịnh chính là cốt lõi của lòng bác ái Khắc Kỷ”.
Dù người Khắc Kỷ biết cách chấp nhận thanh thản những điều ngoài tầm kiểm soát, họ không hề thụ động, không phải là “tấm thảm chùi chân” dễ bị ngược đãi. Người Khắc Kỷ có thể bàng quan với điều “không quan trọng”, nhưng đôi khi họ cũng ưu tiên điều “không quan trọng” này hơn điều “không quan trọng” kia, chẳng hạn ưu tiên sức khỏe hơn bệnh tật; miễn là sự ưu tiên đó không làm tổn hại đến đức hạnh.
Thuyết Khắc Kỷ và khả năng trị liệu cảm xúc
Jules Evans, một người bạn của tác giả, đồng thời là một cây viết và nhà nghiên cứu, đã từng mắc chứng trầm cảm và rối loạn lo âu nghiêm trọng khi còn là sinh viên. Sau đó, ông tham gia nhóm trị liệu bằng liệu pháp CBT, có nguồn gốc từ triết học Khắc Kỷ, nhờ đó mà ông đã vượt qua được chứng hoảng loạn và kiểm soát tốt hơn các vấn đề cảm xúc của mình.
Sau trải nghiệm này, nhà nghiên cứu nhận ra rằng triết học cổ đại thực chất là một hình thức trị liệu tâm lý. Jules nhận định rằng các trục trặc cảm xúc của bản thân phần nào xuất phát từ việc quá chú trọng vào sự công nhận và tán thành của người khác, tức là chú trọng vào những điều không quan trọng.
“Chúng ta có thể lấy lại sự tự chủ bằng cách lựa chọn các giá trị nội tại như trí tuệ, thay vì những giá trị ngoại tại như địa vị hay quyền lực”, Jules nhắc lại ý triết học của Socrates cổ đại.
Trong cuốn “Chủ nghĩa Khắc Kỷ”, sau khi trình bày về những nguyên tắc cốt lõi của học thuyết, Donald Robertson đi sâu vào ba phương diện thực hành của thuyết Khắc Kỷ: Kỷ luật khát khao, Hành động và Phán xét.
Liên hệ chặt chẽ với ba kỷ luật này là kho bài tập tâm lý Khắc Kỷ đa dạng và phong phú, như: suy ngẫm về hiện tại; hành động với dự phòng; tiên liệu tai ương và cái chết; chiêm nghiệm vạn vật từ “góc nhìn trên cao”… Đây chính là các bài tập hàng ngày để người Khắc Kỷ rèn luyện thái độ thờ ơ với những điều “không quan trọng”.
“Tiên liệu tai ương” là phương pháp nổi tiếng nhất của chủ nghĩa Khắc Kỷ. Robertson giải thích rằng khi được dự liệu trước, những tai hoạ sẽ giảm bớt tính bất ngờ và ít gây đau đớn hơn; đồng thời, khi nhìn nhận bình thản và trực diện một tai ương, ta sẽ nhận ra chúng “trung lập”, tức không tốt, không xấu, thuộc phạm trù “không quan trọng”.
Trong cuốn “Chủ nghĩa Khắc Kỷ”, Donald Robertson là một cầu nối cẩn trọng và khiêm nhường, giúp người đọc hiện đại hiểu đúng những tinh hoa của học thuyết. Ông không cố gắng diễn giải lại tư tưởng Khắc Kỷ trong bối cảnh hiện đại, nên tác phẩm vẫn giữ được hơi thở và tư tưởng nguyên gốc từ cổ đại.
Nhờ nỗ lực truyền tải của Donald Robertson trong việc diễn giải ý tứ và lựa chọn từ ngữ, cuốn sách này trở nên gần gũi và dễ hiểu, ngay cả với những người mới làm quen với thuyết Khắc Kỷ.
“Đây là một cuốn cẩm nang, hy vọng sẽ hướng dẫn bạn những phương pháp mà chủ nghĩa Khắc Kỷ đã đề ra, hoặc ít nhất là góp phần vào ‘triết lý sống’ cho thế giới hiện đại”, Robertson chia sẻ.
Về tác giả
Donald Robertson là một nhà tâm lý trị liệu chuyên về Liệu pháp Nhận thức - Hành vi (CBT) và điều trị các chứng lo âu. Ông có nghiên cứu sâu rộng về mối quan hệ giữa triết học cổ đại và liệu pháp tâm lý hiện đại, đặc biệt là mối liên hệ giữa chủ nghĩa Khắc Kỷ và Liệu pháp Nhận thức - Hành vi. Ông là tác giả của năm cuốn sách về tâm lý và tâm lý trị liệu, bao gồm “Build Your Resilience” (2012) trong loạt sách “Teach Yourself”, và “The Philosophy of Cognitive-Behavioural Therapy: Stoic Philosophy as Rational and Cognitive Psychotherapy”.
Robertson nuôi dưỡng tình yêu triết học từ năm 17 tuổi, theo học triết tại Đại học Aberdeen (Anh quốc) đồng thời thực hành thiền Phật giáo. Sau khi tốt nghiệp, ông theo đuổi con đường tư vấn và trị liệu tâm lý. Ông tóm gọn về những mối quan tâm đa dạng của mình: “Tôi luôn khát khao làm sao để ba thứ - trị liệu, triết học và thiền - hòa hợp với nhau càng tốt”.