Nếu bạn quan tâm đến sách giáo dục hướng đến thành công toàn diện, chắc chắn bạn đã đọc qua 'The 7 Habits of Highly Effective People - Bảy Thói Quen Để Thành Đạt' của Stephen R. Covey. Cuốn sách này thực sự giúp chúng ta rèn luyện tính cách, khả năng lãnh đạo và cách đối mặt với các vấn đề trong cuộc sống để đạt được thành công.
Rõ ràng, mỗi người trong chúng ta luôn khao khát sự thành công từ sâu thẳm trong tâm hồn. Nhưng nếu không nhận thức được bản chất của sự thành công và cứ mù quáng theo đuổi, thì cuộc sống sẽ trở nên vô nghĩa và uổng phí.
Thành công không chỉ là đạt được một chức vụ hay công việc với mức lương cao, mà chính là nắm giữ vận mệnh của mình.
Tôi thấy tên sách rất hay - 'Bảy Thói Quen Để Thành Đạt', không phải 'Bảy Phương Pháp' hay 'Bảy Công Thức'. Vì sao? Vì gieo ý nghĩ gặt hành động, gieo hành động gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, và gieo tính cách sẽ gặt lấy vận mệnh! Thói quen là yếu tố quan trọng nhất quyết định tính cách của bạn, từ đó ảnh hưởng lớn đến vận mệnh của mỗi người.
Ví dụ từ bản thân tôi: Tôi có thói quen dậy lúc 5h15 sáng, từ 5h45 đến 6h15 tôi lên kế hoạch cho ngày mới, kiểm tra tiến độ công việc và điều chỉnh mục tiêu ngắn hạn nếu cần. Những điều này giúp tôi hoàn thành mục tiêu và hướng đến những giá trị mà tôi tìm kiếm. Nếu tôi dậy lúc 7h và 7h30 phải đi làm ngay, thì ngày làm việc của tôi sẽ không do tôi nắm giữ, nó sẽ trở nên vô nghĩa. Thói quen dậy sớm giúp tôi nắm giữ những giá trị quan trọng, và nắm một phần vận mệnh của mình.
Haha, chắc các bạn nghĩ rằng trong bảy thói quen này có thói quen dậy sớm đúng không? Không phải vậy đâu, bảy thói quen này rất quen thuộc và có thể bạn đã có vài thói quen trong số đó rồi. Dưới đây là bảy thói quen cùng với những trải nghiệm cá nhân của tôi:
1. THÓI QUEN THỨ NHẤT: LUÔN CHỦ ĐỘNG
Với thói quen này, thay vì chỉ nộp hồ sơ và chờ đợi nhà tuyển dụng liên lạc, tôi chủ động gọi đến văn phòng để hỏi rõ các yêu cầu kỹ năng. Tôi thể hiện rõ ràng rằng mình cần công việc và có đủ năng lực. Sau bốn cuộc điện thoại đến ba văn phòng, tôi đã có được công việc đầu tiên mà chưa hề gửi một CV nào. Thật thú vị phải không?
2. THÓI QUEN THỨ HAI: BẮT ĐẦU TỪ MỤC TIÊU ĐÃ ĐƯỢC XÁC ĐỊNH
Sau vài tháng ổn định trong công việc, tôi bắt đầu hành động theo một mục tiêu rõ ràng: tự do về thời gian. Dù hiện tại tôi vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi công việc toàn thời gian, nhưng tôi đã dành một phần không nhỏ thời gian cho đam mê của mình.
3. THÓI QUEN THỨ BA: ƯU TIÊN CHO ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT
Tôi đam mê viết truyện. Để viết được một truyện ngắn, điều quan trọng nhất là bắt đầu viết. Vì vậy, tôi đã tìm đến các trang tuyển cộng tác viên viết về các lĩnh vực mà tôi có kinh nghiệm như kỹ năng sống, sức khỏe, dược phẩm,... để rèn luyện câu chữ và tích lũy kiến thức. Khả năng lớn sau này tôi sẽ viết web nên đây cũng là một trải nghiệm quý báu.
Với kiến thức đông y sẵn có, tôi mong muốn có được bằng cấp về đông y, tương đương với Y sĩ Y học cổ truyền, để có thể dùng dược liệu tự nhiên chữa bệnh cho mọi người. Tuy nhiên, việc học và lấy bằng này đòi hỏi một số tiền lớn, vì vậy tôi cần tăng thu nhập và tiết kiệm ngay từ bây giờ.
4. THÓI QUEN THỨ TƯ: TƯ DUY CÙNG THẮNG
5. THÓI QUEN THỨ NĂM: LẮNG NGHE VÀ THẤU HIỂU
Lắng nghe thực sự là một nhiệm vụ khó khăn hơn là chỉ đơn giản nghe. Thường thì chúng ta không chỉ lắng nghe để hiểu mà còn để đưa ra ý kiến của mình sau đó.
Tôi cảm thấy xấu hổ khi phải thừa nhận rằng tôi chưa bao giờ thực sự lắng nghe ai cả. Đôi khi tôi hiểu những gì họ nói, nhưng thay vì cảm thông, tôi thường đưa ra ý kiến cá nhân của mình. Quyển sách đã nhắc nhở tôi về điều này một cách rõ ràng. Đây là một bài học quý giá, có lẽ sẽ mất rất nhiều thời gian để thực sự có thể thực hiện được thói quen này!
6. THÓI QUEN THỨ SÁU: SỰ ĐỒNG TÂM HIỆP LỰC
Khi tôi còn học môn Hoá học ứng dụng, chúng tôi được giao nhiệm vụ tạo ra một sản phẩm chăm sóc cơ thể. Nhóm của tôi đã phải đối mặt với nhiều thất bại, nhưng nhờ sự đồng tâm hiệp lực của chúng tôi, chúng tôi đã vượt qua được mọi khó khăn và hoàn thành sản phẩm trước thời hạn. Điều này thể hiện sự liên quan giữa tư duy cùng thắng và sự đồng tâm hiệp lực.
7. THÓI QUEN THỨ BẢY: TỰ RÈN LUYỆN
Đây có lẽ là thói quen quan trọng nhất. Tự rèn luyện là việc liên tục thực hiện sáu thói quen trước để tạo ra sự cân bằng trong nhiều tình huống khác nhau. Sự rèn luyện không chỉ để trở nên độc lập mà còn để tạo ra các thói quen giúp cân bằng và hòa nhập trong cả công việc và cuộc sống.
Một ví dụ đơn giản, chúng ta đã biết, kẻ thù của lười biếng là kỷ luật. Nếu sự rèn luyện bản thân trở thành một thói quen thực sự, những thói quen tốt khác sẽ được hình thành.
Tôi xin phép hỏi quý bạn đọc: Bạn đã có những thói quen nào trong 7 thói quen trên chưa? Tôi mới chỉ tạo ra được hai thói quen sau khi đọc quyển sách.
Thường chúng ta chỉ thấy được lợi ích ngắn hạn mà không nhận ra lợi ích dài hạn. Bảy thói quen này giúp tôi tạo ra sự cân bằng giữa việc thoả mãn nhu cầu ngay lập tức và tiềm năng tương lai.
Sau khi tốt nghiệp, tôi gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về việc chọn công việc cố định hay một lối sống khác. Quyển sách giúp tôi nhận ra rằng để thay đổi tình hình hiện tại, tôi cần thay đổi bản thân mình, và thay đổi bản thân mình bắt đầu từ những thói quen tốt.
LỜI KẾT: Một tấm bản đồ không phải là kho báu, nó chỉ là ảnh chụp của một vùng lãnh thổ mà có các con đường dẫn đến kho báu. Cũng như vậy, quyển sách này không phải là thành công mà nó hướng dẫn bạn từng bước một đến với thành công!
Tôi đã đọc quyển sách và bắt đầu có những thói quen tốt. Gieo thói quen sẽ gặt tính cách, gieo tính cách sẽ gặt vận mệnh.
Chúc bạn một ngày tràn đầy những thói quen tích cực!
Nguồn: sachdenroi.com