Các bạn thân mến, niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời chúng ta là được sinh ra và cảm nhận tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ. Giây phút một sinh linh bé bỏng chào đời, bố mẹ rơi nước mắt trong niềm vui sướng sau chín tháng mang nặng đẻ đau. Cha mẹ nào cũng mong con mình khỏe mạnh, được chăm sóc tốt nhất, rồi lớn lên trở thành người có ích cho xã hội. Con cái là món quà quý giá, là thiên thần trong cuộc đời chúng ta. Nhưng không phải ai cũng may mắn có được niềm vui trọn vẹn ấy khi những đứa con không may bị dị tật bẩm sinh, tật nguyền.
'Ba ơi, mình đi đâu?' là tác phẩm đầy cảm xúc của nhà văn trào lộng và đạo diễn Jean-Louis Fournier, viết ở tuổi 70. Cuốn sách mở ra thế giới tăm tối của tật nguyền, đau đớn, day dứt, và thất vọng, nhưng cách kể chuyện hài hước đen tối của Fournier khiến ta cười, khóc và suy ngẫm. Tác phẩm kể về nỗi đau của ông khi có hai người con tật nguyền, hay như ông gọi là 'hai ngày tận thế'. Cuốn sách nhỏ này mang đến niềm vui sống cơ bản, dù mong manh nhưng không bao giờ tắt – một kiệt tác nhỏ đoạt giải Fémina, nổi bật trong mùa sách văn học Pháp năm 2008.
Mỗi trang sách là một mẩu chuyện cảm động như một cuốn nhật ký, nơi tác giả ghi lại tình yêu thương vô bờ bến dành cho hai người con tật nguyền. Từng chữ, từng câu đều toát lên lòng thương yêu của người cha. Ngay từ những ngày đầu khi biết con mình bị tật nguyền, ông đã rất đau lòng và suy nghĩ không nguôi qua từng dòng hồi tưởng.
Mathieu yêu quý, Thomas yêu quý
Khi các con còn nhỏ, ba từng muốn tặng các con một cuốn sách Tintin vào dịp Noel để có thể cùng nhau trò chuyện. Ba đã đọc nhiều lần tất cả các tập Tintin, nhưng ý định đó chưa bao giờ thành hiện thực vì các con không biết đọc và sẽ chẳng bao giờ biết đọc. Cuối cùng, quà Noel cho các con vẫn là những khối hộp hoặc chiếc ô tô nhỏ. Bây giờ, Mathieu đã tìm được quả bóng của mình ở nơi không ai có thể giúp thằng bé lấy lại, còn Thomas dù hiện diện trên Trái Đất nhưng tâm hồn lại phiêu du giữa những đám mây.
Từng dòng chữ thấm vào lòng người đọc khi ông bộc bạch nỗi niềm. Có gì đau đớn hơn khi niềm hạnh phúc làm cha chỉ thoáng qua như giấc mơ, để rồi sau đó là những ngày tháng u ám. Hai đứa trẻ ngây thơ quá, chúng không bao giờ nhận thức được sự tồn tại của mình trên đời. Thật đáng thương biết bao! Nhưng người cha mới là người đau khổ nhất. Nỗi đau quá lớn khiến trụ cột gia đình cũng phải gục ngã. Ông tự trách mình vì đã đưa con vào thế giới đầy đau khổ và nước mắt:
Có lẽ là những nỗi niềm hối hận. Ba không phải là người cha tốt. Ba thường không chịu nổi các con, thật khó để yêu thương các con. Để yêu các con cần có lòng kiên nhẫn vô hạn của một thiên thần, mà ba thì không phải thiên thần. Ba rất tiếc vì chúng ta không thể hạnh phúc bên nhau, và có lẽ, cũng là lời xin lỗi vì ba đã làm các con hư hỏng. Chúng ta không có cơ hội, đó là số phận nghiệt ngã.
'Ba ơi, mình đi đâu?' là câu hỏi duy nhất mà những đứa trẻ tật nguyền thường hỏi mỗi khi ông đưa chúng đi dạo hay đi khám bệnh. Câu hỏi lặp đi lặp lại dù ông đã trả lời nhiều lần. Câu hỏi tu từ này sẽ mãi vang vọng trong tâm trí người cha, cũng như những độc giả từng làm cha. Đó là lý do câu hỏi này trở thành tựa đề tác phẩm: 'Òu on va, papa?' (Ba ơi, mình đi đâu?)
Ba ơi, mình đi đâu?
Mình đi ngược chiều trên xa lộ
Mình đến Alaska, mình vuốt ve lũ gấu.
Mình sẽ bị chúng xé xác
Mình đi hái nấm, chọn những loại nấm tử thần và làm món ốp lếp ngon lành
Mình đến bể bơi, nhảy từ ván nhún xuống bể cạn
Mình đi ra biển, đến làng Mont-Saint-Michel
Mình sẽ dạo trong cát lún, sa lầy, và xuống địa ngục
Hành trình của người cha có hai con tật nguyền đã được dự báo là dài và gian khó. Dù trải qua nhiều biến cố, tác giả không ngừng tìm kiếm và hy vọng vào một phương pháp chữa trị hay một điều kỳ diệu. Tôi đã học được bài học về sự lạc quan và cái nhìn tích cực từ tác giả. Dù ngày đó đến sớm hay muộn, chúng ta vẫn sẽ đón nhận và vượt qua với tâm thế sẵn sàng.
Mathieu và Thomas đang ngủ, tôi ngắm nhìn chúng. Chúng mơ gì nhỉ? Chúng có mơ như những đứa trẻ khác không? Có lẽ về đêm, chúng mơ mình trở nên thông minh. Có lẽ chúng mơ mình là thiên tài, là sinh viên Đại học Bách khoa, nhà bác học, nhà nghiên cứu, nhà phát minh. Có lẽ về đêm, chúng khám phá ra các định luật, nguyên tắc, định đề, định lý. Có lẽ chúng tiến hành các phép tính uyên bác. Có lẽ chúng nói tiếng Hy Lạp và tiếng La Tinh.
Yêu thương, dằn vặt, đau đớn, tủi hổ, oán hờn… tất cả những cảm xúc nặng nề đều đặt lên vai người cha. Càng đọc, ta càng trân trọng cuộc sống và hạnh phúc giản đơn mình có. Những điều tưởng chừng đơn sơ lại là ước mơ của biết bao người. Ta sẽ thôi so sánh, ganh đua, và an trú với hạnh phúc hiện tại.
Khi có con bị tật nguyền, người ta phải nghe nhiều lời ngu ngốc. Có người nghĩ rằng chúng tôi đáng bị thế. Có người nói không phải ngẫu nhiên mà bạn sinh ra con tật nguyền, 'Lỗi là do ba của anh'. Cũng có người nói: 'Con cái tật nguyền là món quà của Chúa'. Và họ không nói đùa. Đó hiếm khi là những người có con tật nguyền. Khi nhận món quà đó, chúng ta muốn thốt lên với Chúa: 'Ôi, không cần phải!'
Dường như cuộc đời chưa đủ bất hạnh nên lại giáng thêm bi kịch: mẹ của hai đứa trẻ tật nguyền, vợ của ông, quyết định ra đi. Là đáng thương hay đáng trách? Nam Cao từng nói: 'Khi một người bị đau chân, người ta không nghĩ đến cái chân đau của người khác'. Độc giả có thể trách người vợ vì rũ bỏ trách nhiệm, nhưng Jean Fournier cho ta thấy khía cạnh khác. Ông không trách vợ mà trách mình chưa đủ tốt. Trải qua nhiều biến cố, ông có được sự bao dung và rộng lượng kỳ diệu:
Mẹ của các con, người từng bị tôi làm phát bực, đã rất chán nản và chia tay tôi. Cô ấy tìm tiếng cười ở nơi khác. Đáng đời tôi, tôi đáng bị thế. Tôi còn lại một mình, khốn đốn. Những chú chim bé nhỏ của ba, ba rất buồn khi nghĩ rằng các con không biết những khoảnh khắc tuyệt vời nhất của ba. Những khoảnh khắc ấy là khi thế giới thu bé lại bằng một người duy nhất, sống vì người ấy và nhờ vào người ấy. Chúng ta run rẩy mỗi lần nghe tiếng bước chân, giọng nói của người ấy. Chúng ta ngây ngất mỗi lần trông thấy người ấy. Chúng ta sợ làm đau người ấy nếu ôm quá chặt, rạo rực mỗi lần ôm hôn người ấy và thế giới xung quanh trở nên nhạt nhòa. Vì thế, những chú chim bé nhỏ của ba, các con sẽ chẳng bao giờ biết chia động từ 'yêu' ở ngôi thứ nhất số ít trong hiện tại đơn.
Ai đó từng nói 'Đau lòng nhất không phải là khi không còn được gặp nhau mỗi ngày mà là khi người thân không còn trên đời'. Đau đớn thay khi Mathieu, người con trai tật nguyền của ông, đã ra đi. Mọi ngôn từ không thể diễn tả hết tâm trạng người cha lúc này. Có điều gì đó nhói lên trong lòng khi đọc những dòng này. Còn gì chua xót hơn cảnh kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh về nơi tận cùng?
Dường như một ngày nào đó cả ba chúng ta sẽ gặp lại nhau. Liệu chúng ta có nhận ra nhau không? Các con trông sẽ thế nào, mặc đồ gì? Ba vẫn quen hình ảnh các con trong bộ quần yếm, biết đâu các con sẽ mặc comple hoặc áo lễ trắng như các thiên thần? Ba sẽ không dám hỏi liệu rằng các con có còn tật nguyền không? Liệu trên trời có tồn tại những kẻ tật nguyền không? Biết đâu các con sẽ trở nên giống như những người khác? Đừng nghĩ rằng cái chết của một đứa trẻ tật nguyền thì ít buồn hơn. Nó cũng buồn như cái chết của một đứa trẻ bình thường vậy. Thật khủng khiếp, cái chết của kẻ chưa bao giờ được hạnh phúc, kẻ đến Trái Đất chỉ để chịu đau khổ. Từ kẻ ấy, chúng ta khó mà giữ được ký ức nào về một nụ cười.
Ngày tháng dần trôi qua, cuộc sống vẫn tiếp diễn, duy chỉ có tình thương phụ tử là mãi mãi. Thomas dần lớn lên nhưng vẫn mang tâm hồn của một đứa trẻ trong thân xác người trưởng thành. Người bố năm xưa nay cũng già đi, tóc đã bạc, da thêm nhăn nheo. Ông quyết định gửi Thomas đi nơi khác. Khoảnh khắc gặp lại con, ông không khỏi thương xót cho cậu con trai:
Lâu rồi tôi không đến thăm Thomas. Hôm qua tôi đến thăm nó. Nó càng ngày càng phải ngồi xe lăn nhiều hơn, đi lại rất khó khăn. Một lúc sau nó mới nhận ra tôi và hỏi: 'Ba ơi, mình đi đâu?'
Đi đến những trang cuối cùng của cuốn sách, chúng ta vẫn nghe thấy tiếng lòng của người cha đáng thương. Ông kể về ước mơ giản dị về một tổ ấm nhỏ, nơi có những đứa con thơ, có người vợ. Ông hình dung ra viễn cảnh tuyệt vời của người cha dạy con những bài học đầu đời, cùng song hành với chúng trong những năm tháng còn lại. Nhưng thực tế phũ phàng, giờ đây ông vĩnh viễn không có được niềm hạnh phúc đơn giản ấy:
Hồi còn trẻ, tôi ao ước sinh được một lũ con. Tôi tưởng tượng mình hát vang khi leo núi, vượt đại dương cùng những thủy thủ bé bỏng giống hệt tôi, đi khắp thế giới với đám trẻ con vui vẻ, tò mò, ánh mắt sống động. Những đứa trẻ được tôi dạy nhiều điều, từ tên gọi cây cối, chim muông đến các vì sao. Tôi dạy chúng chơi bóng rổ, bóng chuyền, cùng thi đấu và không phải trận nào tôi cũng thắng. Những đứa trẻ được xem tranh, nghe nhạc, học cách nói tục và hiểu cách hoạt động của máy nổ. Tôi sẽ sáng tác những câu chuyện cười vì chúng. Nhưng tôi đã không may mắn. Tôi đã chơi trò xổ số di truyền học và tôi đã thua.
Kết
Các bạn thân mến, cuộc sống của chúng ta là một chuỗi xoay quanh những câu chuyện về hạnh phúc, khổ đau, chiêm nghiệm và nếm trải. Mỗi người khi sinh ra đã là một điều kỳ diệu Chúa ban tặng. Và sẽ tuyệt vời hơn khi ta được sinh ra với một thân thể khỏe mạnh, đủ đầy, có khả năng học tập và lao động. Nhiệm vụ của chúng ta là biết yêu quý và giữ gìn sinh mạng, chăm sóc thân – tâm của mình. Bên cạnh ta luôn có những mảnh đời kém may mắn, những câu chuyện chưa kể như trong cuốn “Ba ơi mình đi đâu”. Hạnh phúc nằm ở thực tại và những gì ta đang có. Gia đình, bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp xung quanh ta luôn đáng để thương yêu với một trái tim rộng mở. Hạnh phúc thường ngày của người này đôi khi là niềm mơ ước của người khác. Trân quý cuộc sống hiện tại, biết ơn những điều nhỏ bé trong tầm tay, bạn đã chạm đến con đường hạnh phúc thực sự.
Review chi tiết bởi Bùi Hoài Nam – MyBook