Lúc ban đầu, chúng ta đều ngỡ ngàng trước câu chuyện kỳ lạ nơi bi kịch và hài hước, nơi nỗi buồn và nỗi sợ hãi hòa quyện với tình yêu thương và sự chăm sóc... Chúng ta sẽ mãi nhớ Mathieu và Thomas trong câu chuyện đặc biệt này, nơi tác giả, Jean-Louis Fournie, kể lại câu chuyện cuộc sống của mình làm cha. Cuộc sống làm cha của hai đứa con khuyết tật. Viết khi đã 70 tuổi, để nhìn lại hành trình đã qua.
Chấp nhận sự thật
Người ta thường nghĩ về đứa con 'đặc biệt' như là một sự kiện hiếm có, như một tai nạn, như ngày tận thế, 'điều gì đó chỉ xảy ra một lần'. Và nếu vậy, thì Jean-Louis đã trải qua hai ngày tận thế. Cả hai đứa con trai của ông, Mathieu và Thomas, đều là những đứa trẻ đặc biệt, một đứa sẽ luôn kêu 'brừm-brừm', còn đứa kia sẽ thường hỏi 'Ba ơi, mình đi đâu?'. Cuộc sống của những đứa trẻ đặc biệt, từ khi mới sinh ra, đã diễn ra với những khó khăn không tưởng.
Khi đứa con đầu tiên, Mathieu, ra đời, mọi người đều bất ngờ. Mọi người báo cho người cha đang sung sướng biết rằng đứa con của ông sẽ mãi mãi không phát triển bình thường. Mathieu phát triển chậm, và sẽ mãi chậm phát triển, dù làm gì đi nữa thì cũng không thể thay đổi, đứa bé khuyết tật cả về thể chất và tinh thần.
Việc chăm sóc Mathieu đã gặp nhiều khó khăn đến mức, khi họ có đứa con thứ hai, họ đã nghĩ đến tình huống tồi tệ nhất có thể xảy ra, họ đã sẵn sàng đối mặt với nỗi đau thêm một lần nữa. Họ đã sẵn sàng. Bởi 'thường thì những điều tồi tệ chỉ đến với những người không mong đợi, không nghĩ đến'. Và họ đã nghĩ về nó để nó không xảy ra. Và mọi thứ, lại trở về trạng thái bình thường.
Hai lần đối mặt với sự kết thúc trong một cuộc đời, hai lần được sinh ra, được ban cho hy vọng chỉ để rồi hai lần tan biến trong tuyệt vọng, đau khổ. Nhưng Jean-Louis mạnh mẽ, và đã đủ mạnh mẽ để chấp nhận sự thật, để vượt qua mọi khó khăn.
Khi các con còn nhỏ, đôi khi, vào dịp Noel, ba đã nghĩ đến việc tặng các con một cuốn sách, ví dụ như cuốn “Tintin”... Nhưng ba không bao giờ thực hiện ý định đó, không cần phải làm gì, vì các con không biết đọc. Các con sẽ không bao giờ hiểu biết về việc đọc sách.
Thậm chí, vợ chồng ông tự “an ủi” rằng đó là một “lợi thế” so với các bậc phụ huynh khác. Không cần phải lo lắng về học vấn. Không cần phải lo lắng về những cuộc trò chuyện kiểu như “Mathieu, bạn đã làm bài tập về Montaigne chưa? Bạn đã nhận được điểm bao nhiêu cho bài tiểu luận của mình? Còn bạn, Thomas, bài viết tiếng Latin của bạn có bao nhiêu lỗi? Lượng giác thì sao?”. Chỉ có câu hỏi đơn giản “Ba ơi, mình đi đâu?” và tiếng “brừm-brừm” của Mathieu. Vợ chồng ông không cần phải lo lắng về tương lai nghề nghiệp của các con. Bởi họ đã biết: không có gì cả.
Và vì sự thật không bao giờ thay đổi, kể cả những điều tồi tệ nhất mà con người có thể tưởng tượng.
Từng trải qua cảm giác mất kiên nhẫn
Ba ơi, mình đi đâu? là một câu chuyện đơn giản, và “bình thường”. Nó bình thường, vì nó kể về cuộc sống của những người bình thường, không giàu có, không quyền lực, và không phải lúc nào cũng có sức mạnh phi thường. Một người bình thường không thể chịu đựng mọi nỗi đau suốt một thời gian dài mà không cảm thấy mệt mỏi. Một người bình thường không thể che giấu sự bất lực của bản thân khi không thể giúp đỡ hai đứa con khuyết tật của mình trở nên khỏe mạnh, “bình thường” hơn… mà không một lần nào muốn từ bỏ tất cả.
Jean-Louis là một người hoàn toàn bình thường.
Sau nhiều nỗ lực, không có sự tiến triển nào. Bất lực, tuyệt vọng, ông đã trải qua một thời kỳ khủng hoảng tuyệt vọng. Thời kỳ của sự tan vỡ.
Từ khi bước lên chiếc Camaro, Thomas, 10 tuổi, không ngừng hỏi như một đứa trẻ: “Ba ơi, mình đi đâu?”
Ba cũng không biết chúng ta đang đi đâu, thật tội nghiệp Thomas của ba à.
Chúng ta chỉ đi quanh quẩn. Chúng ta va vào tường.
Một đứa con tật nguyền, sau đó là hai. Tại sao không phải là ba…
Tôi không kỳ vọng điều đó.
Ba ơi, chúng ta sẽ đi đâu?
Chúng ta sẽ đi ngược chiều trên đường cao tốc.
Chúng ta sẽ đi hái nấm. Chúng ta sẽ hái loại nấm tử thần và làm món ốp lết ngon lành.
Chúng ta sẽ đi đến bể bơi, chúng ta sẽ nhảy xuống một cái hồ cạn từ một cái ván nhảy.
Chúng ta sẽ ra biển. Chúng ta sẽ đến làng Mont-Saint-Michel. Chúng ta sẽ đi bộ trong cát lún. Chúng ta sẽ chui vào sa lầy. Chúng ta sẽ hướng xuống địa ngục.
Tất cả, chỉ nghe mới đau lòng thôi, mới đau đớn thế đấy. Có những lúc, mọi thứ dường như đã kết thúc với Fournier, vì họ từ từ bỏ ông. Họ, bỏ đi.
Vươn lên mạnh mẽ....
Những đứa con mong manh, yếu đuối của ông, Mathieu và Thomas, bị tật nguyền, chúng không thể đi học, và cả cuộc đời chúng sẽ sống trong sự ngốc nghếch. Mặc dù đau đớn, nhưng đó là sự thật. Và mặc dù mọi thứ trở nên khó khăn, nhưng ông không thể từ bỏ. Đó là con của ông, những đứa con mà ông đã tạo ra. Nỗi đau không chỉ là của riêng ông. Những đứa con của ông cũng đau không kém. Ông hiểu, và yêu thương hết lòng những gì thuộc về những chú sẻ con bé nhỏ của ông.
Tôi không thích điều gì ở mức trung bình, tôi thích những người không trung bình, những người vượt trội hơn, và tại sao không phải là những người dưới mức trung bình, nói chung là không giống những người khác. Tôi thích sự khác biệt. Bởi không phải lúc nào tôi cũng thích giống người khác.
Khác biệt, điều đó không nhất thiết ngụ ý kém hơn, mà ngụ ý là khác biệt.
Khi nói đến các con tôi, tôi nói rằng chúng “khác biệt”. Điều này tạo ra sự nghi ngờ trong không khí.
Einstein, Mozart, Michel-Ange đều khác biệt so với người khác.
...Để tới điều quan trọng nhất
Điều quan trọng là, hai đứa con trai của ông không “lạ thường”, chỉ “khác biệt”; và có thể chúng đã quá mệt mỏi với việc trở thành thiên tài trong những giấc mơ mỗi đêm, nên khi bình minh tới, chúng phải làm những điều đơn giản hơn, để không gây nghi ngờ, và để được bình yên.
Điều quan trọng là, những đứa trẻ của Jean-Louis cần được yêu thương và che chở nhiều hơn là bị đánh giá, soi mói, và nói xấu. Tất cả đều cần như vậy. Đặc biệt là những đứa trẻ có tật nguyền.
Và điều quan trọng là, bất kể ta là ai, bất kể ta như thế nào, “bình thường” hay “đặc biệt”, thành công hay thất bại, được người khác tôn trọng hay khinh thường, thì gia đình vẫn luôn là người đầu tiên, luôn sẵn sàng che chở cho chúng ta, bảo vệ chúng ta trước những thử thách của cuộc sống, và dẫn dắt chúng ta trên con đường phía trước. Gia đình, chính là điều quan trọng nhất trong cuộc sống của mỗi người.
Kết luận
Giọng văn hài hước nhưng cảm xúc, như lạnh lùng nhưng đầy đau lòng, như vô tình nhưng sâu sắc, Jean-Louis Fournier và câu chuyện của ông đã thực sự chạm đến lòng người độc giả. Cuốn sách nhỏ bé này, với những câu chuyện ngắn gọn chỉ trong một, hai trang, đã thành công trong việc diễn đạt những cảm xúc thăng trầm cũng như những hy vọng mong manh nhưng không bao giờ tắt trong tâm hồn của người cha giàu ý chí này. “Sự phong phú, cảm động và độc đáo tràn đầy đã khiến Ba ơi, mình đi đâu? trở thành một tác phẩm nghệ thuật nhỏ bé, đoạt giải Fémina và thu hút sự chú ý của độc giả văn học Pháp vào năm 2008”
Tác giả: Thúy Hạnh - MyBook
Ưu đãi mua cuốn sách này với giá tốt hiện tại: https://goo.gl/Ro6a7r