Sau khi kết thúc mỗi bài giảng, thầy cô thường hỏi: “Các em có câu hỏi gì không?”. Tại các buổi hội thảo, luôn có phần trao đổi, đặt câu hỏi với diễn giả. Điều này chứng tỏ việc đặt câu hỏi rất quan trọng trong học tập và cuộc sống. Vậy làm sao để đặt câu hỏi hay? Hãy cùng ngài Hiệu trưởng thứ 11 của Harvard khám phá 5 câu hỏi quan trọng và đơn giản có thể thay đổi cuộc đời bạn.
Từ nhỏ, James E. Ryan đã thích đặt câu hỏi cho ba mình, vì vậy ông khuyên cậu học làm luật sư. Khi học luật, ông thấy các giảng viên đặt câu hỏi cho sinh viên và nhận ra nghề giảng viên luật là dành cho mình. Bất ngờ, ông được mời làm Hiệu trưởng Trường Giáo dục Harvard. Trong vai trò này, ông thường phải phát biểu. Mùa xuân năm 2016, khi lễ tốt nghiệp đến gần, ông chọn chủ đề “những câu hỏi hay” cho bài phát biểu của mình. Bài phát biểu đã thu hút hàng triệu lượt xem và sau đó được biên tập thành cuốn sách “Biết Hỏi Mới Là Giỏi”.
Có rất nhiều câu hỏi, nhưng chỉ có 5 câu hỏi thực sự quan trọng để hỏi bản thân và mọi người, giúp bạn thay đổi cuộc sống. Cuốn sách “Biết Hỏi Mới Là Giỏi” gồm 5 chương, mỗi chương giải thích ý nghĩa, ngữ cảnh và tầm quan trọng của từng câu hỏi, kết thúc bằng một chương kết luận. Hãy cùng khám phá 5 câu hỏi quan trọng này.
Chương 1: Hả, gì cơ?
Câu tiếng Anh chính xác là “Wait, What?” khi dùng nguyên bản sẽ hay hơn và hợp ngữ cảnh hơn. “Wait, What?” là một câu hỏi phổ biến ở Canada. Một số nhà nghiên cứu cho rằng từ “Wait” là thừa, nhưng thực tế câu “Wait, What?” rất tuyệt vời và đơn giản. Câu hỏi này có thể sử dụng linh hoạt trong nhiều tình huống, giống như “Anh đùa với tôi sao?” mà người Việt hay dùng để diễn tả sự hoài nghi. “Wait, What?” đứng đầu danh sách của James vì nó giúp làm rõ vấn đề, bước đầu để hiểu rõ một điều gì đó.
Trong nhiều tình huống, chúng ta thường đưa ra nhận xét và kết luận vội vàng mà chưa hiểu rõ vấn đề. Để tránh sai lầm, hãy luôn hỏi “Wait, What?” để hiểu rõ hơn. Quan trọng hơn, hãy tập lắng nghe. Tôi luôn nhớ câu “3 năm học nói, cả đời học nghe”. Việc lắng nghe giúp tránh mâu thuẫn và hiểu rõ hơn về người khác. “Wait, What?” có thể dịch là “Hả, gì cơ” hay “Hả, cái gì dạ?”. Chúng ta thường kéo dài “hả?” để người khác nhắc lại, một thói quen vô tình có sức mạnh.
Chương 2: “Không hiểu…?”
Khi đọc sách, tôi không hiểu rõ câu hỏi này và xem lại bài phát biểu của James. Câu gốc tiếng Anh là “I wonder…?”. Tiếng Việt có thể là “Tôi tự hỏi rằng…?”. Câu này mở đầu cho nhiều câu hỏi khác như “Không hiểu tại sao lại…?”, “Không hiểu nếu…?”, “Không hiểu liệu…?”. Đây là câu hỏi hữu ích, dùng để hỏi bản thân hoặc thế giới xung quanh. Ví dụ, hỏi giảng viên “Không hiểu tại sao đĩa ma sát lại quan trọng trong ly hợp?” sẽ giúp bạn hiểu rõ vấn đề. Sự tò mò tạo ra câu hỏi này và giúp bạn tiến bộ.
Chương 3: Chúng ta không ít nhất…?
“Couldn’t we at least…?” giống như câu hỏi thứ hai, tạo nền tảng cho nhiều câu hỏi khác. Hỏi “Chúng ta không thể ít nhất đồng ý sao?” giúp tìm ra điểm chung và duy trì mối quan hệ. Trong tranh cãi, câu này giúp giảm căng thẳng. “Couldn’t we at least…?” còn là cách để bắt đầu hành động dù kế hoạch chưa hoàn chỉnh. Ví dụ, khi nhóm bạn nhận dự án và chưa biết làm sao, hỏi “Chúng ta không thể ít nhất tìm giáo trình tham khảo sao?” sẽ mở đường cho nhóm hoàn thành dự án.
Chương 4: Tôi có thể giúp gì?
Trong mỗi người Việt Nam, chúng ta đều có xu hướng thích giúp đỡ người khác. Sự giúp đỡ lan tỏa niềm vui từ người này sang người khác. Ví dụ, khi bạn thấy một bà lão trên xe buýt, bạn vội vàng nhường ghế cho bà ấy; một ngày khác, khi bạn mệt mỏi, có người lại nhường ghế cho bạn. Những hành động nhỏ như vậy sẽ làm bạn cảm thấy thoải mái và vui vẻ. Tuy nhiên, đôi khi sự giúp đỡ có thể gây ra rắc rối. Có lẽ, chúng ta hiếm khi nói “Tôi có thể giúp gì không?” hay “Con có thể giúp mẹ gì không?” vì cảm thấy khá trang trọng. Nhưng thực sự, đây là một câu hỏi hay. Khi bạn nói “Tôi có thể giúp gì?” hay “How can I help?”, nghĩa là bạn có thiện chí giúp đỡ một cách nghiêm túc. Nếu đối phương chấp nhận lời đề nghị giúp đỡ của bạn thì hành động của bạn sẽ không bao giờ là vô ích. Đồng thời, nhờ câu hỏi này, chúng ta tạo nền tảng cho những mối quan hệ tốt đẹp, thể hiện sự quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ. Cuối cùng, bạn sẽ nhận lại sự giúp đỡ khác. Điều đặc biệt là khi hỏi, bạn không gây rắc rối cho mình và người khác.
Chương 5: Điều gì mới thực sự quan trọng?
Tôi từng tham gia một cuộc họp dự án khi mới là thành viên mới. Khi cuộc họp bắt đầu được một lúc, các thành viên cũ bắt đầu nói chuyện phiếm và đùa giỡn với nhau. Điều này khiến tôi rất khó chịu và ít nhất một lần bạn sẽ gặp tình huống tương tự. Lúc này, câu hỏi “Điều gì mới thực sự quan trọng?” xuất hiện và giúp chúng ta đưa cuộc họp trở lại nội dung chính, tập trung vào vấn đề cần giải quyết. “Điều gì mới thực sự quan trọng?” còn dùng để hỏi chính bản thân chúng ta. Khi bạn gặp vấn đề và cảm thấy trống trải sau nhiều năm học tập, làm việc, tự hỏi “Điều gì mới thực sự quan trọng với mình lúc này?”. Câu trả lời có thể là lâu rồi bạn chưa thăm gia đình, bạn cần một cuộc gọi cho mẹ, và điều này sẽ giải quyết nỗi trống vắng của bạn. Đó là lý do vì sao câu hỏi này trở thành một trong năm câu hỏi quan trọng của James. Nó không chỉ giúp chúng ta học tập và làm việc hiệu quả, mà còn giúp chúng ta hiểu rõ bản thân mình.
Kết luận
Với giọng văn hài hước nhưng đầy ý nghĩa của James E. Ryan, cuốn sách trở nên hấp dẫn và không dài dòng nhưng vẫn truyền tải đầy đủ những điều quan trọng nhất về 5 câu hỏi. Ông lồng ghép những câu chuyện và trải nghiệm của bản thân, rồi đúc kết ra 5 câu hỏi quan trọng trong cuộc đời.
“Hả, gì cơ?” là gốc rễ của mọi sự hiểu biết.
“Không hiểu...?” là nguồn cội của sự tò mò.
“Chúng ta không thể ít nhất...?” là điểm khởi đầu của mọi sự tiến bộ.
“Tôi có thể giúp gì?” là nền tảng cho mọi mối quan hệ tốt đẹp.
“Điều gì mới thực sự quan trọng?” giúp bạn tập trung vào cốt lõi của cuộc sống.
Nếu bạn không biết, hãy mạnh dạn đặt câu hỏi. Nếu bạn ngại câu hỏi của mình sẽ ngớ ngẩn, hãy thử áp dụng 5 câu hỏi đơn giản của James để mở ra những điều tốt đẹp. Sự tò mò giúp chúng ta mở rộng kiến thức. Giúp đỡ thể hiện sự quan tâm, và sự quan tâm, giúp đỡ sẽ làm cuộc sống bạn tốt đẹp hơn. Cuối cùng, hãy tự hỏi mình muốn gì, cần gì? Điều gì thực sự quan trọng với bạn? Biết cách vận dụng tốt, cuộc sống của bạn sẽ thay đổi theo hướng tích cực. Hãy bắt đầu đặt câu hỏi ngay ngày mai.
Đánh giá chi tiết bởi Thanh Ngân - MyBook