“Nếu bạn được quay lại từ đầu, bạn sẽ có lựa chọn khác không? Và nếu có, bạn có chắc chắn rằng không có điều gì phải hối tiếc không?”
Thông Tin Về Tác Giả Lư Tô Vỹ
Ông sinh vào năm 1960. Khi ông 8 tuổi, ông mắc phải bệnh viêm não Nhật Bản, dẫn đến bại não. Tình trạng này làm cho chỉ số IQ của ông chỉ đạt 70 và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và học tập. Ông bắt đầu học viết vào lớp 5, và trong suốt 7 năm, ông đã thi đại học 5 lần trước khi cuối cùng đỗ vào khoa Phòng chống Tội phạm tại Đại học Cảnh sát. Ông tốt nghiệp đại học với thành tích đứng thứ 3 trong khoa.
Trong tuổi thơ, ông luôn nhận được điểm 0 trong các bài kiểm tra, nhưng cha mẹ ông luôn cổ vũ và động viên tinh thần. Khi ông đạt được điểm 1, đó trở thành một kỳ tích và niềm vui lớn đối với cả ông và cha mẹ.
Nhờ sự giúp đỡ đầy tình thương của chị cả và gia đình, Lư Tô Vỹ đã vượt qua những thử thách và thành công trong học tập cũng như trong cuộc sống. Thành công của ông chủ yếu là nhờ vào sự hỗ trợ và giáo dục đúng đắn từ cha mẹ và chị cả.
Hiện tại, Lư Tô Vỹ đã viết hơn 50 quyển sách về giáo dục con cái tại Đài Loan, có hơn 500 phát minh, và là một diễn giả nổi tiếng tại Đài Loan và nhiều quốc gia khác trong lĩnh vực khai thác và phát triển năng lực tiềm ẩn.
Lư Tô Vỹ: Cuộc Hồi Sinh
Bố của Lư Tô Vỹ từng là du học sinh tại Nhật Bản và trở thành Hội trưởng Hội nông nghiệp của huyện Bình Khê khi mới 20 tuổi. Tuy nhiên, do bị buộc tội trong một vụ án cá nhân và bị xử tù, ông mất mọi thứ. Mẹ của Vỹ, mặc dù đang mang thai, phải làm việc vất vả để nuôi gia đình.
Vào năm 8 tuổi, Lư Tô Vỹ mắc phải bệnh viêm não Nhật Bản và được bác sĩ dự đoán chỉ sống được ba năm. Mặc dù đối diện với sự khó khăn, mẹ của Vỹ vẫn quyết tâm dạy con học, dù bản thân bà không biết chữ.
Mẹ của Lư Tô Vỹ là người mù chữ nhưng vẫn hy sinh để dạy con học. Bà dành thời gian cùng con đi học và học cùng con mọi thứ từ chữ viết đến làm phép tính, vì tình yêu thương với con.
Cuộc đời của Lư Tô Vỹ đã đầy gian truân. Mặc dù vượt qua bệnh tật và sống lâu hơn dự đoán, ông vẫn phải đối mặt với khó khăn về chỉ số IQ. Tuy nhiên, mỗi thành tựu nhỏ trong cuộc sống của ông đều là niềm vui và hạnh phúc đối với gia đình.
“Xem bài cuối cùng, cha bất ngờ mở to mắt, chăm chú nhìn kỹ lại, rồi bất ngờ kêu lên: “Vỹ ơi, bài này con thật sự 'có điểm'!”
Có lẽ vì quá vui mừng, cha hét lên phấn khích: “Vỹ, con đã đạt được điểm thật rồi! Đúng là thế!”
“May mắn đến từ cách suy nghĩ tích cực, nuôi dưỡng thói quen luôn hướng về ánh sáng. Khi quay về phía ánh sáng, bóng tối sẽ tự tan biến phía sau. Khi suy nghĩ về những điều tốt lành, hãy tin rằng mọi việc xảy ra đều có lý do của nó, và điều đó sẽ có lợi cho chúng ta. Không có sự việc nào là hoàn toàn tốt hoặc xấu, chỉ có những cách nhìn khác nhau, tại sao lại phải tự đổ lỗi cho bản thân? Thất bại và khó khăn đến khi chúng ta tập trung vào những điều không cần thiết và những thứ đã mất đi, thành công đến khi nhìn thấy sự nỗ lực và những gì mà chúng ta đạt được. Khi đặt ra mục tiêu phải hoàn hảo, chúng ta đang tự đẩy mình vào vũng lầy của thất bại và khó khăn. Tại sao không bắt đầu mọi thứ từ con số không, và cảm nhận niềm vui và hạnh phúc mỗi khi đạt được từng điểm?”
“Trên con đường dài vạn dặm của cuộc đời, tôi luôn quan tâm đến việc mình không biết ghép từ, không biết tính toán cộng trừ nhân chia, không biết tiếng Anh, không biết về âm nhạc, không biết hát, không biết về nhiều thứ khác…
Cho đến khi trưởng thành, tôi mới thấy “không biết” cũng không phải là chuyện quá nghiêm trọng. Nghiêm trọng nhất là khi chúng ta không hiểu rõ về những gì mình “biết”. Chỉ cần biết làm một điều mà không ai khác có thể làm được, hoặc ít người có thể làm được, thì đó là đủ!”
Bạn biết làm gì không? Và bạn có hiểu rõ không?”
Chờ đợi cho đến khi thời gian thuộc về chúng ta!
Chị cả của Lư Tô Vỹ đã hy sinh rất nhiều vì ông, từ bỏ ngành Ngoại văn ở trường Đại học Đài Loan với ước mơ trở thành nhà ngoại giao để học sư phạm ở trường Đại học Sư phạm để sau này có thể dạy dỗ em mình. Chị ấy có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của ông, từ cách chỉ dẫn, động viên và giúp ông vượt qua khó khăn, thất bại và tâm trạng thất vọng.
“Cho đi mà không cần nhận lại” là điều không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào ngoài gia đình của chúng ta. Ông bà, bố mẹ, anh chị em vẫn luôn yêu thương, quan tâm, và giúp đỡ chúng ta. Có lúc họ không nói ra, nhưng không phải vì thế mà họ không yêu thương chúng ta. Không có gì có thể sánh được với tình yêu thương vô điều kiện của gia đình.
“Chúng ta cần nhận ra rằng mọi tình yêu và quan tâm không phải lúc nào cũng cần phải được trả lại, mà cần biết biết ơn và chấp nhận. Khi không nhận được, nếu chúng ta có thể hiểu rằng cha mẹ, thầy cô không có nghĩa vụ và trách nhiệm gì ngoài việc dạy dỗ, chăm sóc và mang lại cho chúng ta những điều quý báu khác, và không giữ mối oán trách trong lòng, thì tình yêu sẽ luôn hiện diện, và quan tâm sẽ luôn tồn tại.
Bởi tình yêu và quan tâm luôn thuộc về chúng ta, chỉ là chúng ta mong đợi quá nhiều, cho rằng điều đó là hiển nhiên, và do đó, chúng ta đã vô tình làm mất khả năng cảm nhận tình yêu và sự quan tâm trong trái tim mình. Khi bắt đầu trân trọng sự hy sinh của người khác, chúng ta sẽ được làm sạch bởi dòng suối của tình yêu và sự ấm áp.
Sau khi tham gia kỳ thi đại học 5 lần trong 7 năm, cuối cùng ông cũng đỗ, hoa quả ngọt ngào của sự cố gắng cuối cùng cũng được thu hoạch. Ông chọn học hệ Phòng chống Tội phạm của Học viện Sỹ quan Cảnh sát Trung ương, chính thức chấm dứt cuộc chiến cho giấc mơ nhập học đại học. Mọi nỗ lực sẽ được đền đáp xứng đáng. Ai có thể ngờ rằng Lư Tô Vỹ, với chỉ số IQ 70 và không có thành tích học tập tốt, lại có thể đậu đại học. Ông là minh chứng sống cho câu nói “Cần cù bù thông minh.”
“Trước đây, tôi tin rằng “vận mệnh” là một số định sẵn, nhưng giờ đây tôi không còn nghĩ như vậy nữa. Tôi tin rằng dù cuộc sống có diễn ra như thế nào đi chăng nữa, nó vẫn đẹp đẽ, vẫn là món quà quý giá. Bởi quá khứ không thể thay đổi, tương lai không bao giờ là rõ ràng, vì vậy tại sao chúng ta không tận hưởng mọi thứ ở hiện tại?”
“Biết được bản thân có thể làm được gì là quan trọng hơn là biết bản thân không thể làm được gì!”
Xin cảm ơn cha mẹ.
“Vỹ à! Dù con muốn làm gì đi nữa, cha sẽ luôn ủng hộ con, hãy dũng cảm lên nhé!”
Tôi tự hỏi có bao nhiêu bố mẹ nói với con của mình như thế. Có những người cha, người mẹ vẫn ép buộc con phải làm theo suy nghĩ của họ, muốn con phải làm như thế này, như thế kia, không cho con tự do trong suy nghĩ và hành động của mình. Cũng có thể hiểu vì yêu thương và muốn bảo vệ con mà bố mẹ mới làm như thế. Nhưng họ không biết rằng họ đã vô tình cắt đứt đôi cánh ước mơ của con. Bấy nhiêu lần hỏi con: Con muốn học gì? Con muốn làm nghề gì? Con muốn thi vào trường đại học nào?,… hay chỉ đơn giản là: Mẹ nghĩ con nên học ngành này, Trường này tốt đấy, Con phải làm thế này mới đúng,…
“Con người ta” luôn là người được gọi ra khi muốn so sánh con mình. “Con người ta” như thế này, như thế kia, còn con mình thì không làm được gì, không học đến nơi đến chốn,… Những đứa con khi nghe câu đó sẽ đau lòng, đau không phải vì bố mẹ nói sai, mà đau vì bố mẹ chưa thực sự hiểu con mình. Sao bố mẹ không thử một lần đặt mình vào vị trí của con để biết con đã cố gắng như thế nào. Hi vọng quá nhiều vào con vô tình tạo ra áp lực và gánh nặng cho đứa con của mình, khiến cho con trẻ không thoải mái hay tự tin vào những điều mình làm.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận hay giả vờ không thấy tình cảm mà bố mẹ dành cho chúng ta. Có người bày tỏ mở màng, nhưng cũng có người quan tâm âm thầm, lặng lẽ theo dõi những bước đi của con trong cuộc sống. Nếu con gặp khó khăn, bố mẹ sẽ ở đây cùng con, là điểm tựa cho con. Có nhiều cách yêu thương con khác nhau, có roi cũng có vòng tay ôm.
“Cha mẹ của mỗi người không phải là hoàn hảo, không phải là tuyệt vời. Khi trở thành một bậc phụ huynh, chúng ta mới thấu hiểu sâu sắc rằng, làm cha mẹ là một quá trình học tập, và giảm bớt những kỳ vọng quá cao đối với cha mẹ trong quá khứ. Mỗi bậc cha mẹ đều mong muốn làm một người biết yêu thương của mình, nhưng có vẻ như hầu hết các bậc làm cha mẹ đều làm quá nhiều những việc tương tự như “yêu thương”. Vậy mà con cái lại không thấu hiểu được lòng hiếu thảo và sự cố gắng của cha mẹ, nên chúng không nhận được món quà tên là “yêu thương”!'
Bất kỳ bố mẹ nào cũng mong muốn con thành công và hạnh phúc trong cuộc sống. “Dù con lớn lên nhưng vẫn là con của mẹ”, chúng ta luôn nhỏ bé trong tâm trí của cha mẹ của mình, vẫn cần sự yêu thương và quan tâm từ gia đình. Đó là sức mạnh vô hình và động lực lớn giúp chúng ta vượt qua những thử thách, gian khổ, và lừa dối trong cuộc sống này.
'Khi chúng ta hiểu rằng “yêu” và “được yêu” không phải là chuyện dễ dàng, không kỳ vọng quá nhiều với người thân hoặc người yêu của mình, tình yêu thương sẽ âm thầm đến một cách kỳ diệu.
Nếu chúng ta đánh giá những việc làm của con cái trong một ngày, phân biệt những việc làm nào mang theo “tình yêu thương”, những việc nào lại không, chúng ta sẽ nhận thấy rằng, tình yêu thương thường không hiện diện. Tôi không hiểu, không biết cách yêu thương cha, mẹ, vợ, con của mình, tôi luôn cố gắng để trở thành người biết yêu thương. Nhận thức được rằng bản thân không biết “yêu thương”, chúng ta sẽ có những phát hiện kỳ lạ, nhìn thấy rằng các gặp gỡ trong cuộc đời không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận được. Sự khiêm tốn, nụ cười của người qua đường, sự chào đón của người phục vụ cửa hàng, những cuộc gặp gỡ tưởng như rất bình thường, đều có thể làm ấm lòng chúng ta. Sự quan tâm và nỗ lực của cha mẹ sẽ khiến chúng ta cảm động, mỗi người đều chứa đựng vô vàn “tình yêu thương”, chỉ là chúng ta chưa có trái tim để cảm nhận tình yêu thương mà thôi.
Tuy nhiên,
Cảm ơn mọi điều! Cảm ơn cha mẹ! Ai có lòng yêu thương, sẽ được hòa mình trong hơi ấm của cả thế giới!
Ai có trái tim yêu thương, mỗi khoảnh khắc sẽ là lời chúc, niềm vui và lòng biết ơn!
Người mang trái tim yêu thương, những cuộc đấu tranh và cạnh tranh trong cuộc sống sẽ ngừng lại để bắt đầu thưởng thức mọi khoảnh khắc!
Ai có trái tim yêu thương, cuộc sống chính là một lời chúc!
“Tôi mong rằng nhiều cha mẹ sẽ đọc cuốn sách này, để thức tỉnh tài năng trong con cái, như cha mẹ của Lư Tô Vỹ đã làm.” (Nhà văn Trần Thị Hồng Hạnh)
Cuốn sách Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách đặc biệt đã được tái bản 60 lần, bán được 100.000 bản tại Đài Loan. Điều này thể hiện thông điệp mà cuốn sách muốn truyền đạt đến mọi người, đặc biệt là các bậc phụ huynh, để họ có thể hiểu và áp dụng phương pháp giáo dục phù hợp với con cái.
Người sáng tác: Linh Tuyền - MyBook