Nếu bạn đang tìm kiếm một cuốn sách với những quan điểm kinh doanh truyền thống, quen thuộc, đã được nhiều tác giả và doanh nhân nhắc đi nhắc lại, thì hãy đặt cuốn sách này lại vào kệ. Vì chắc chắn rằng đây không phải là cuốn sách dành cho bạn.
Những ai yêu thích sách kinh doanh chắc chắn đã gặp nhiều khái niệm, lời khuyên kinh doanh quen thuộc, lặp đi lặp lại trong các cuốn sách về lĩnh vực này. Ta dần chấp nhận rằng đó là những quy tắc bất biến để thành công. Nhưng liệu điều này còn đúng trong thời đại hiện nay, khi thế giới quanh ta thay đổi không ngừng? Jason Fried và David Heinemeier, hai nhà sáng lập 37 Signals, đã lật lại những quan điểm kinh doanh truyền thống và mang đến một góc nhìn hoàn toàn mới về những điều mà ta luôn cho là đúng đắn.
Nếu bạn đang tìm kiếm một cuốn sách với những quan điểm kinh doanh truyền thống, quen thuộc, đã được nhiều tác giả và doanh nhân khẳng định, thì hãy đặt cuốn sách này lại vào kệ. Vì chắc chắn rằng đây không phải là cuốn sách dành cho bạn. “Khác biệt để bứt phá” là cuốn sách cho những ai luôn tìm kiếm cái mới, sẵn sàng thay đổi và dám bước ra khỏi vùng an toàn. Nếu bạn là người như vậy, thì xin chúc mừng, bạn đã tìm được một cuốn sách giá trị cho tủ sách của mình. Với cách viết cô đọng, súc tích, thẳng thắn, cuốn sách này sẽ mang đến cho bạn một góc nhìn hoàn toàn mới về kinh doanh và thành công.
Chương 1: Khởi đầu
Đây là một cuốn sách kinh doanh khác biệt dành cho những người khác biệt
Trong chương này, các tác giả khẳng định mạnh mẽ rằng đây là cuốn sách dành cho mọi người từ mọi ngành nghề, với các vấn đề và mục tiêu khác nhau đều có thể học hỏi. Thực tế hiện nay cho thấy bất kỳ ai cũng có thể kinh doanh. Công nghệ hiện đại đã làm cho việc kinh doanh trở nên dễ dàng, hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều. Chính những tiến bộ này đã biến những việc tưởng chừng không thể thành có thể. Để bắt kịp thời đại, chúng ta cần thay đổi cách làm việc của mình.
Hãy chuẩn bị tinh thần và sẵn sàng đón nhận những chương tiếp theo với một tâm trí rộng mở, vì từ đây, bạn sẽ thấy nhiều quan điểm cố hữu của mình bị thách thức bởi những tư duy khác biệt.
Chương 2: Đập Tan
Đúng như tên gọi, chương này nhằm lật ngược và phủ nhận những quan điểm truyền thống đã lỗi thời hoặc không còn phù hợp trong thời đại ngày nay. Khi sẵn sàng thay đổi tư duy và cách nhìn nhận của mình, bạn đã đặt bước đầu tiên trên con đường trở nên “khác biệt để bứt phá”. Dưới đây là những quan điểm của các tác giả:
- Phớt lờ thế giới thực.
- Đừng tôn vinh việc học từ sai lầm.
- Lên kế hoạch là phỏng đoán.
- Không nhất thiết phải mở rộng quy mô.
- Chứng nghiện công việc không nên được tán dương.
- Đã đủ với từ 'ông chủ'.
Nếu bạn cảm thấy khó chấp nhận khi đọc những quan điểm trên, bạn không phải là người duy nhất. Những ý kiến này quá khác biệt so với những gì thường thấy trên truyền hình, báo chí và sách vở, và thật khó để tưởng tượng làm sao áp dụng những lời khuyên này vào cuộc sống và công việc hàng ngày. Nhưng sau khi được giải thích, tôi đã bị thuyết phục. Trong số những quan điểm trên, tôi tâm đắc nhất lời khuyên về việc mở rộng quy mô. Một trong những sai lầm mà chúng ta hay mắc phải là đánh giá sự thành công của một công ty qua quy mô của nó. Mọi người thường cho rằng công ty càng lớn, càng nhiều nhân viên, thì càng thành công. Họ không nhận ra rằng quy mô nào cũng có ưu và nhược điểm và điều quan trọng là quy mô đó phải phù hợp để công ty có thể thành công.
Chương 3: Vươn Lên
Giờ đây, khi bạn đã bắt đầu thay đổi tư duy, dù ít hay nhiều, hãy cùng tiến bước trên con đường trở nên khác biệt đầy thử thách nhưng hoàn toàn xứng đáng. Trong giai đoạn đầu này, những gì chúng ta cần làm là:
Tạo dấu ấn riêng.
Gãi đúng chỗ ngứa: hãy tạo ra sản phẩm mà chính bạn cũng muốn sử dụng.
Bắt tay vào làm ngay.
Đừng viện cớ thiếu thời gian.
Giữ vững lập trường của bạn.
Đừng tuyên bố những sứ mệnh bất khả thi.
Huy động vốn bên ngoài chỉ là phương án cuối cùng.
Bạn cần ít hơn những gì bạn nghĩ.
Thành lập một công ty – đừng chỉ là một công ty mới ra đời.
Trốn chạy không phải là giải pháp.
Hạn chế quy mô lớn.
Trong các ý kiến trên, quan điểm không tán thành việc huy động vốn từ bên ngoài có thể khiến nhiều người cảm thấy khó tin, nhất là khi hiện nay, ta thường thấy nhiều thông tin về lợi ích và cách huy động vốn. Tuy nhiên, hãy nghĩ theo hướng này: càng huy động nhiều vốn từ bên ngoài, công ty và sản phẩm của bạn càng phụ thuộc vào nhà đầu tư, và tiếng nói của bạn trong các quyết định kinh doanh sẽ giảm đi. Cuối cùng, những gì bạn tạo dựng có thể sẽ đi theo hướng của nhà đầu tư thay vì đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Để giảm phụ thuộc vào vốn bên ngoài, bạn có thể tham khảo hai lời khuyên trong chương này: bạn cần ít hơn bạn nghĩ và hạn chế quy mô lớn. Tưởng tượng điều hành một công ty lớn với không gian làm việc rộng rãi và dàn máy tính mới tinh thì thích thật đấy, nhưng hãy tự hỏi liệu những điều này có thực sự cần thiết để thành công, hay chỉ đang lãng phí tài nguyên. Hãy nhớ rằng nhiều công ty vĩ đại như Apple, Google, HP,... đã khởi nghiệp trong gara. Có thể sẽ đến lúc bạn cần mở rộng và chi tiêu nhiều hơn, nhưng không phải lúc này.
Chương 4: Phát triển
Tôi đã học được rất nhiều từ quan điểm Tận dụng sự hạn chế trong chương này. Trước đây, tôi thường ước có thêm thời gian/tiền bạc/cơ hội để thành công. Nhưng thực ra, ta không cần quá nhiều để thành công. Sự hạn chế đảm bảo ta không thể lãng phí và buộc ta phải sáng tạo để phát triển. Đây có thể là yếu tố giúp bạn tìm ra cách làm nhanh hơn, tiết kiệm hơn hoặc làm mọi việc bớt phức tạp hơn. Nguồn lực hạn chế cũng có lợi thế riêng, nếu biết phát huy đúng cách.
Chương 5: Hiệu suất
Khi công việc kinh doanh của bạn đã đi vào ổn định, đây là lúc tập trung tăng năng suất cho công ty. Trong tất cả các lời khuyên về làm việc hiệu quả, tôi thấy ý kiến 'họp hành là độc dược' đặc biệt đúng với nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam. Chúng ta dễ dàng rơi vào các buổi họp dài lê thê, vô nghĩa, tưởng rằng mình đang đóng góp, nhưng thực chất lại lãng phí tài nguyên. Chỉ nên họp khi thật sự cần thiết và đảm bảo cuộc họp đó hiệu quả.
Chương 6: Đối thủ cạnh tranh
Để vượt qua đối thủ, bạn phải tạo ra sự khác biệt trong sản phẩm của mình, thay vì bắt chước các công ty khác. Dù bạn không bắt chước, vẫn sẽ có những kẻ sao chép. Hãy biến mình thành một phần của sản phẩm hoặc dịch vụ, để những gì bạn cung cấp mang đậm dấu ấn cá nhân của công ty bạn. Đó là điều không ai có thể bắt chước được.
Điều tôi thấy thú vị nhất là, sau khi thảo luận về cách vượt mặt các đối thủ, hai tác giả đã kết thúc chương này bằng câu hỏi 'Ai quan tâm họ đang làm gì?', khiến người đọc bất ngờ. Đừng để việc cạnh tranh ám ảnh bạn, vì môi trường cạnh tranh luôn thay đổi. Ngày mai, đối thủ có thể sẽ là những người hoàn toàn mới. Vì vậy, quan trọng nhất là tập trung vào công ty của mình.
Chương 7 & 8: Tiến triển & Chiêu thị
Hai chương này nói về việc quản lý, giữ chân và thu hút khách hàng. Có ba bài học đáng nhớ. Thứ nhất, bạn không thể thu hút mọi tầng lớp khách hàng, nên hãy tập trung vào một nhóm khách hàng cụ thể. Thứ hai, giai đoạn đầu, khi chưa ai biết đến bạn, là cơ hội để thử nghiệm và phạm sai lầm. Hãy trân trọng cơ hội này, vì khi nổi tiếng hơn, bạn sẽ trở nên bảo thủ và ít mạo hiểm. Cuối cùng, có nhiều cách để công ty bạn được biết đến rộng rãi. Nếu công ty còn non trẻ và chưa có tiếng tăm, thay vì nhắm tới các tạp chí, báo đài nổi tiếng, hãy tìm đến các trang tin thương mại hoặc những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Chương 9: Tuyển dụng
Một đội ngũ nhân viên xuất sắc là yếu tố then chốt đưa công ty đến thành công. Vì thế, việc tuyển dụng đúng người luôn là ưu tiên hàng đầu và các công ty sẵn sàng chi mạnh tay để có được những nhân viên giỏi. Vậy làm sao để tìm được nhân viên phù hợp? Hãy bỏ qua các tiêu chí lỗi thời như hồ sơ cá nhân, kinh nghiệm hay bằng cấp. Thay vào đó, hãy chú trọng vào những người có trách nhiệm, kỹ năng quản lý, và nếu có thể, có khả năng viết lách và giao tiếp tốt. Cuối cùng, hãy có những bài kiểm tra năng lực và khả năng làm việc của ứng viên.
Chương 10: Quản lý rủi ro
Bạn không thể đảm bảo rằng mọi thứ sẽ luôn suôn sẻ. Điều đó vượt ngoài tầm kiểm soát của bạn. Khả năng cao là sẽ có lúc bạn gặp phải tình huống xấu, và cần phải quản lý, giảm thiểu thiệt hại cho công ty. Hãy cố gắng giải quyết mọi việc nhanh chóng, chân thành nhận lỗi và tích cực lắng nghe ý kiến, đóng góp của khách hàng.
Chương 11: Văn hóa doanh nghiệp
Ngày nay, văn hóa doanh nghiệp là yếu tố giúp khách hàng nhận diện và ghi nhớ công ty của bạn. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng văn hóa là kết quả của những hành động nhất quán của doanh nghiệp trong suốt quá trình làm việc. Bạn không thể ép buộc tạo ra văn hóa ngay từ đầu. Hãy cho nhân viên thấy những giá trị văn hóa mà công ty bạn hướng đến.
Chương 12: Kết thúc
Bạn đã bao giờ cảm thấy vô cùng hứng khởi với một ý tưởng, dự án nào đó, lên kế hoạch chi tiết và tính toán kỹ lưỡng, nhưng sau đó nhanh chóng mệt mỏi và chán nản ngay cả khi chưa bắt đầu? Nếu đã từng, bạn không cô đơn. Trong chương cuối, tác giả khẳng định rằng cảm hứng là nguồn động lực mạnh mẽ, tăng cường hiệu suất và giúp hoàn thành công việc nhanh chóng. Tuy nhiên, cảm hứng có thể phai nhạt nhanh chóng. Vì vậy, khi cảm thấy hứng thú, hãy hành động ngay lập tức.
Lời kết
“Khác biệt để bứt phá” để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc từ tựa đề mạnh mẽ, đến thiết kế bìa sách đơn giản nhưng lạ mắt. Tuy nhiên, điều khiến cuốn sách trở nên đặc biệt là những lời khuyên mới mẻ và hữu ích. Dù đã xuất bản từ lâu và một số quan điểm có thể không còn quá khác biệt, nhưng những lời khuyên vẫn mang giá trị lớn và dạy chúng ta nhiều bài học quý báu. Mỗi lần đọc lại, tôi lại học thêm nhiều điều mới. Hy vọng bạn sẽ có trải nghiệm thú vị và bổ ích khi đọc cuốn sách này.
Tác giả: Huỳnh Nhã Uyên - MyBook