Hôm nay tình cờ xem quảng cáo cà phê Trung Nguyên, mình thấy câu nói: “Sách vừa là bạn vừa là thầy”, liền nghĩ ngay đến 'Những Tấm Lòng Cao Cả' của nhà văn Ý Edmondo De Amicis. Đây là cuốn sách tiêu biểu cho câu nói đó, với tính giáo dục rất cao. Không phải sách thiếu nhi khác không có giá trị, nhưng bài học từ 'Những Tấm Lòng Cao Cả' thì rõ ràng và dễ nhận ra ngay cả với trẻ nhỏ. Hãy đọc tiếp bài review này, bạn sẽ hiểu ngay thôi.
'Những Tấm Lòng Cao Cả' là một trong những truyện thiếu nhi kinh điển. Nếu bạn yêu thích đọc sách, có lẽ bạn đã đọc hoặc ít nhất biết đến tên sách này. Khi mình còn học tiểu học, sách này xuất hiện ở khắp nơi, khiến mình tò mò muốn đọc. Qua nhiều lần in ấn và phân phối, hình thức sách thay đổi nhiều nên mình không bàn về chất lượng bìa, giấy. Cuốn sách của mình có kích thước 12,5 cm × 20,5 cm với 335 trang, cầm rất vừa tay, đủ đọc trong một ngày cuối tuần đẹp trời.
Câu chuyện là nhật ký của cậu bé người Ý Enrico Bottini, ghi lại những sự kiện lớn nhỏ trong đời học sinh của cậu cùng cảm tưởng của mình. Nhân vật trong nhật ký là thầy cô giáo, bạn học, và gia đình Enrico. Mỗi tháng, thầy giáo đọc một truyện trong lớp, và bố mẹ viết thư cho con. Những ghi chép này tạo thành một bức tranh về năm học của cậu bé mười một tuổi. De Amicis đã biến những câu chuyện này thành một bản hùng ca về nghề dạy học, với các thầy cô giáo dạy học sinh phải trung thực, dũng cảm, giúp đỡ người khác. Vai trò giáo dục của gia đình cũng được khắc họa rõ nét qua những lá thư từ bố mẹ Enrico. Những bài học từ truyện rất rõ ràng, dễ hiểu, khiến cuốn sách như một người thầy dạy về cuộc sống.
Đầu sách (khoảng 20 trang) là phần giới thiệu tiểu sử tác giả và cảm nhận của người dịch. Phần này rất hay, giống như một bài review sâu sắc và hấp dẫn. Nội dung nhật ký chia thành 10 tháng, mỗi tháng gồm nhiều câu chuyện nhỏ với tiêu đề ngắn gọn như Ngày khai trường, Thầy giáo mới, Một tai nạn, Mùa xuân,… Truyện có nhiều nhân vật, mỗi người mang một tính cách riêng, như Garone luôn giúp đỡ mọi người, Derotxi luôn đứng đầu lớp, Vottini thì khoe khoang,… Tất cả được mô tả với sự yêu thương và đồng cảm, hướng đến sự tốt đẹp. Những câu chuyện trong sách vẽ ra một nền giáo dục lý tưởng, nơi thầy cô hết lòng vì học sinh, bố mẹ thì dạy con sâu sắc. Một truyện ngắn từ sách, 'Một vụ cãi lộn', đã được đưa vào chương trình học Tiếng Việt tiểu học. Những truyện kể hàng tháng như 'Cậu bé trinh sát người Lomba', 'Y tá của Tata',… cực kỳ hay và xúc động, khiến mình ấn tượng nhất.
Hồi nhỏ mình rất thích cuốn sách này, vì ở tuổi thiếu nhi, một cuốn sách dạy những điều tốt đẹp qua các câu chuyện ngắn gọn, dễ hiểu và nhân văn thì thật tuyệt vời. Đó là điểm mạnh không thể chối cãi. Tuy nhiên, bây giờ đọc lại, mình thấy có vài điểm yếu nhỏ như giọng văn đôi khi quá cảm thương hoặc nhân vật được hình tượng hóa một chiều, làm mình thấy không thực tế lắm. Mình thường nghĩ 'Làm gì có ai ngoài đời như vậy.' Nhưng thật ra, điều này không hẳn là điểm yếu vì truyện không nhất thiết phải phản ánh thực tế, mà là điều tác giả mong muốn. Đúng là khi lớn lên, cảm nhận thay đổi. À, có một điều vẫn không thay đổi, là mình hay nhầm tên nhân vật, nào là Enrico, Garophi, Bottini, Vottini, Garophi,... Tên cứ na ná nhau, mình chỉ nhớ tính cách nhân vật thôi, chứ tên thì chịu.
Nói vậy đủ rồi nhỉ, các bạn đã sẵn sàng đọc chưa? Mình khuyên cả người lớn (đặc biệt là phụ huynh) và trẻ em nên đọc, để cảm nhận về một xã hội và nền giáo dục lý tưởng.
Nguồn tham khảo: https://goo.gl/Yo3T2W