Tôi là một người có tính cách hướng nội và luôn cảm thấy e dè khi phải nói chuyện với mọi người, nhất là khi phải thuyết trình trước một đám đông. Lần đầu tiên thuyết trình trước lớp là vào năm đầu tiên ở đại học. Tôi vẫn nhớ rõ câu nói của một bạn cùng lớp sau khi tôi kết thúc bài thuyết trình của mình: “Thất bại lớn.” Câu nói đó khiến tôi cảm thấy thất vọng, tự ti và tự ghét bản thân. Nó làm mất đi sự tự tin của tôi trong một khoảng thời gian dài, khiến tôi sợ hãi hơn đối với những môn học cần phải thuyết trình. Nhưng trong tâm trí của tôi, tôi vẫn nhận ra rằng thuyết trình là một kỹ năng quan trọng và tôi không thể tránh khỏi nó mãi mãi. Tuy nhiên, tôi không biết phải làm thế nào để vượt qua nỗi sợ này. Tôi tự hỏi liệu những người thuyết trình giỏi là người được sinh ra với tài năng đó, hay chỉ có những người hướng ngoại mới có thể làm tốt công việc thuyết trình, và liệu thuyết trình có phải chỉ dành cho những người hướng ngoại. Tôi bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của nghi ngờ và tuyệt vọng, mong muốn phá vỡ nhưng lại sợ hãi về những lời phê bình từ mọi người.
Người mới bắt đầu thuyết trình thường thiếu niềm tin vào bản thân. Họ sợ mọi thứ, sợ người nghe sẽ không quan tâm đến những gì họ nói, sợ họ sẽ quên một cách không kiểm soát, sợ họ sẽ không biết điều tiếp theo mình cần nói là gì.
Bruce Lee từng nói: “Bạn không thể học được điều mới nếu bạn không chấp nhận giới hạn của mình. Bạn phải thừa nhận rằng bạn có khả năng trong một số lĩnh vực và có giới hạn trong những lĩnh vực khác, và bạn phải phát triển những khả năng của mình.” Tôi phải chấp nhận rằng mình không có tài năng tự nhiên trong việc giao tiếp, nhưng mình có thể học hỏi, nỗ lực, và kiên nhẫn không ngừng, và tôi không bỏ cuộc trước những khó khăn này. Không biết thì học, và tôi tin rằng bản thân mình sẽ trở thành một người thuyết trình giỏi. Và cuốn sách “Nói ra đừng sợ: Kỹ năng thuyết trình cho người mới bắt đầu” đang và sẽ giúp chúng ta rất nhiều trên con đường trở thành một người thuyết trình giỏi.
Trong cuộc sống, để làm được bất cứ điều gì, chúng ta cần thời gian để suy nghĩ và trải nghiệm. Chính vì vậy, hãy đọc và suy ngẫm sâu sắc những điều đã được trích dẫn, vì chúng có thể là những bài học từ những trải nghiệm của bạn trong việc thuyết trình, hoặc chúng có thể là những lời khuyên hữu ích giúp bạn thành công hơn trong việc thu hút sự chú ý của người nghe.
Shy or Shine - Sự lựa chọn giữa sống trong sự tĩnh lặng hoặc tỏa sáng phụ thuộc vào quyết định của chính bạn từ lúc này.
Phần 1: Những Yếu Tố Quan Trọng Tạo Nên Một Người Thuyết Trình Giỏi
Để trở thành một người thuyết trình giỏi, trước hết bạn phải tự tin, tin vào bản thân mình và vào khả năng của mình. Hãy tin rằng những khả năng đó sẽ giúp bạn thuyết trình tốt hơn. Đừng để ý đến những lời bình phẩm của người khác, chỉ có bạn mới biết rằng khả năng của mình lớn hơn nhiều và vượt xa những đánh giá của người khác. Chỉ có lòng tin vào bản thân mới giúp bạn nhận ra điểm mạnh, điểm yếu, và mong muốn học hỏi, khắc phục những yếu điểm đó, mà không bao giờ sợ hãi trước thất bại.
Hơn nữa, việc tin tưởng rằng mọi người sẽ yêu thích bài nói của bạn cũng rất quan trọng. Tin rằng họ sẽ ủng hộ bạn và tận hưởng những điều bạn chia sẻ sẽ tạo nên nhiều năng lượng, giúp bạn phấn khởi và tự tin hơn.
Để có sự tự tin, cũng như sự tin tưởng từ người nghe, việc chuẩn bị kỹ lưỡng cho nội dung của bài nói rất quan trọng. Một bài thuyết trình được chuẩn bị kỹ lưỡng, chi tiết sẽ tạo ra sự tự tin trong việc trình bày cũng như nhận được sự hưởng ứng tích cực từ đám đông.
Đừng lo lắng nếu bạn tin tưởng quá nhiều và nhận lại sự thất vọng. Chúng ta không thể biết được kết quả nếu chúng ta không thử. Lo lắng và sợ hãi chỉ khiến bạn mệt mỏi hơn, làm bạn trì trệ và giảm sức mạnh. Chấp nhận giới hạn của bản thân và tin vào những khả năng khác của chính mình sẽ mang lại sức mạnh để vươn xa hơn.
Khi bạn đứng trước đám đông, hãy cho họ biết bạn là ai. Tên tuổi, vị trí hay những thứ khác không quan trọng bằng việc bạn đang ở đó với mục đích gì, bạn sẽ truyền cảm hứng cho họ và mang đến những thông điệp hữu ích, chứ không phải chỉ với vẻ ngoài lộng lẫy. Hãy trở thành chuyên gia trong mắt của mọi người bằng cách tập trung vào những điều sau trong bài thuyết trình của bạn.
- Trình bày một cách ngắn gọn, dễ hiểu để giúp người nghe nắm được thông tin quan trọng nhất mà bạn muốn truyền đạt và tránh sự buồn chán.
- Nói chuyện một cách tích cực, tự tin: Nếu bạn run rẩy và tỏ ra mất bình tĩnh, bài nói của bạn sẽ mất đi một nửa giá trị. Mọi người biết được điểm yếu của bạn, họ sẽ mất hứng thú và tập trung vào bài nói của mình vì họ biết đây cũng sẽ là một trong hàng ngàn bài thuyết trình nhàm chán.
- Hiểu được những gì người khác muốn nghe
- Luôn sử dụng ngôn từ tích cực để truyền động lực và năng lượng cho người nghe. Giúp họ thấy được lợi ích mà họ đạt được qua bài thuyết trình của bạn.
Phần 2: Xây dựng và phát triển nội dung
Đây là phần quan trọng quyết định đến sự thành bại của một người thuyết trình. Nếu bạn tự tin vào khả năng nói của mình, nhưng chỉ có những nội dung sơ sài, thì người nghe sẽ không dễ dàng bị mắc lừa bởi bề ngoài của bạn. Họ đến đây để nghe nội dung bạn nói chứ không phải để đánh giá khả năng nói của bạn.
Để có một diễn thuyết xuất sắc, việc đầu tiên là phải xây dựng nội dung một cách cẩn thận. Tùy thuộc vào loại hình của đề tài, chúng ta có thể xây dựng nội dung theo nhiều phương hướng khác nhau:
Hướng I: “Tôi có ý kiến mới”
Hãy đề xuất những ý tưởng mới để tránh sự lặp lại và gây nhàm chán cho người nghe. Độ “mới” của kiến thức bạn sử dụng cũng cần phải đảm bảo tính minh bạch, độ chính xác và khả thi.
Hướng II: “Tôi có hiểu biết về vấn đề”
Dựa trên hiểu biết của chính mình để chọn ra ý tưởng cho bài thuyết trình, bạn cần tập trung vào tính đúng đắn của thông tin, nguồn gốc của nó, và giá trị trong thời đại hiện đại đang thay đổi không ngừng. Sử dụng thông tin mới sẽ hấp dẫn hơn so với những điều cũ. Khi lựa chọn ý tưởng cho bài thuyết trình, bạn cũng cần phải làm việc một cách khách quan, không chỉ nói về những điều tốt mà bỏ qua các khía cạnh khác còn tồn tại trong vấn đề. Mọi vấn đề đều có hai mặt, không có gì hoàn hảo hoàn toàn và cũng không có gì tồi tệ hoàn toàn. Nếu bạn thảo luận từ nhiều góc độ, sẽ giúp tăng tính thuyết phục của bài thuyết trình.
Hướng III: “Tôi có kinh nghiệm thực tiễn”
Việc khai thác nội dung này khác biệt so với hai hướng còn lại ở điểm là bạn sẽ tập trung vào xây dựng vấn đề dựa trên kinh nghiệm của chính mình. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý khi chọn hướng này. Hãy tự đặt câu hỏi liệu kinh nghiệm đó có phải của riêng mình hay không. Bạn không thể đòi hỏi mọi người ngồi nghe đi nghe lại những trải nghiệm, kĩ năng mà họ đã đọc trong sách vở. Người nghe sẽ luôn hứng thú với câu chuyện của chính người nói, vì bạn sẽ có minh chứng rõ ràng nhất cho những điều bạn nói. Và đừng quên một điều quan trọng là bạn phải chứng minh bạn đã thành công khi áp dụng những điều bạn nói. Người nghe sẽ không thấy thuyết phục hoặc tin tưởng vào những lời nói trừ khi họ thấy được thành tựu của bạn.
Sau khi đã xác định ý tưởng cho nội dung, bước tiếp theo là bắt tay vào xây dựng nó. Quyển sách này đã cung cấp những cách thức rất cụ thể, đi kèm với ví dụ sinh động mà bạn không nên bỏ qua. Dưới đây là phần tóm tắt:
Bước 1: Xác định yêu cầu
Bước 2: Tìm kiếm thông tin
Bước 3: Xử lý thông tin
Bước 4: Xây dựng thành hệ thống
Trong việc trình bày, hãy đặt thêm những ví dụ cụ thể để làm cho bài nói thêm phần thuyết phục.
Phần 3: Bắt đầu (Mở đầu bài nói)
Trước khi đứng trước đám đông, hãy chọn trang phục phù hợp với bối cảnh và mục đích của buổi thuyết trình.
Tạo ấn tượng mạnh mẽ bằng cách thể hiện phong thái tự tin, nụ cười và sự chân thành đối với khán giả.
Kỹ năng kể chuyện là điều không thể thiếu để thu hút và giữ chân sự chú ý của người nghe.
Hãy biết cách điều khiển khán giả và giữ vững quyền lực trong suốt quá trình trình bày.
Phần 4: Kết Thúc (phần kết)
Khi kết thúc bài diễn thuyết, việc tóm tắt lại những điều quan trọng giúp người nghe nhớ được thông điệp của bạn.
Phần 5: Nghệ Thuật Sân Khấu
Giống như một nghệ sĩ biểu diễn, bạn đóng vai trò chính trên sân khấu và luôn muốn khán giả hài lòng với màn trình diễn của mình.
- Giọng Nói
Một giọng điệu truyền cảm sẽ làm cho nội dung trở nên sống động hơn và ghi điểm với khán giả.
- Bắt đầu bài diễn với một giọng điệu uyển chuyển và tốc độ điều chỉnh phù hợp.
- Biết khi nào nên nói, khi nào nên im lặng và khi nào cần kết thúc.
- Tránh việc sử dụng từ ngữ không cần thiết như 'à', 'ừm' và rèn luyện khả năng nói trôi chảy trước công chúng.
- Luyện hít thở để có thể nói dài mà vẫn duy trì được âm điệu và sự rõ ràng.
- Đọc câu và từ rõ ràng, tránh nói nhanh và nuốt chữ. Nói mạch lạc, rõ ràng và biết tôn trọng các điểm chính.
- Luyện tập kỹ thuật phát âm và diễn ngôn.
- Tạo các dấu chấm dừng khi nói.
- Giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể
Việc giao tiếp không chỉ qua lời nói mà còn bằng ngôn ngữ cơ thể. Sự phối hợp hài hòa giữa hành động và lời nói giúp thu hút sự chú ý, làm cho thông điệp dễ hiểu và truyền tải năng lượng tích cực cho người nghe. Sử dụng ngôn ngữ cơ thể một cách chín chắn là yếu tố quan trọng đối với sự thành công của bài thuyết trình.
- Ánh mắt : Thường xuyên duy trì liên lạc bằng ánh mắt với khán giả. Trong quá trình nói, hãy nhìn nhẹ nhàng qua khán phòng, không nên nhìn chằm chằm vào một điểm nhất định. Ánh mắt của bạn sẽ truyền đạt sự tự tin và niềm tin vào bài nói của bạn.
- Miệng : Khi bắt đầu, đừng quên mỉm cười với khán giả. Nụ cười giúp tạo cảm giác gần gũi, xóa tan sự cô đơn và mệt mỏi trong quá trình lắng nghe. Khi kết thúc, việc mỉm cười sẽ để lại ấn tượng về một diễn giả thân thiện. Hãy biết cười đúng lúc và duyên dáng.
- Cổ : Điều chỉnh cử động của cổ phù hợp với ánh nhìn của người nghe. Khi cử động cổ lên cao, bạn thể hiện sự tự tin; khi hạ thấp, bạn thể hiện sự tôn trọng với khán giả.
- Vai : Hãy thả lỏng vai, nhấc vai khi muốn tỏ ra tò mò, hoặc nghi ngờ.
- Tay : Hành động của tay có ý nghĩa gọi mời mọi người tham gia trả lời câu hỏi, còn khi nắm chặt đấm thì thể hiện sự kiên định, quyết tâm.
Tuy nhiên, để có thể biểu diễn bài thuyết trình một cách ấn tượng, bạn cần phải luyện tập nhiều. Hãy để cơ thể thư giãn trước khi bắt đầu, đừng cố gắng quá mức.
- Phong cách diễn đạt
Mỗi người sẽ có một phong cách diễn đạt riêng. Có người thích hài hước, kể chuyện, còn người khác lại thích sự chín chắn, nghiêm túc. Tuy nhiên, đa dạng phong cách càng tạo nên sự thành công. Qua trải nghiệm và học hỏi, bạn sẽ có thể xác định phong cách phù hợp với bản thân, mọi hoàn cảnh và đối tượng nghe. Để xác định phong cách diễn đạt, hãy xem xét về độ tuổi, vị trí xã hội, vai trò, đối tượng nghe, và nội dung bài thuyết trình.
Phần 6: Nguyên tắc sử dụng Power Point một cách hiệu quả
PowerPoint là một công cụ hỗ trợ thuyết trình giúp diễn giả trình bày một cách sinh động, dễ hiểu và thu hút sự chú ý của khán giả. Tuy nhiên, việc lạm dụng và quá phụ thuộc vào nó có thể gây ra hậu quả ngược lại. Để sử dụng PowerPoint một cách hiệu quả, bạn cần chú ý đến những điểm sau:
- Bắt đầu bằng việc tạo những slide mặc định, bao gồm:
- Slide giới thiệu: Thông tin về diễn giả và đề tài.
- Slide tóm tắt nội dung chính: Đưa ra những điểm chính trong bài thuyết trình để khán giả hiểu rõ về nội dung và mục đích của bài nói.
- Slide hình ảnh: Sử dụng hình ảnh minh họa cho thông tin trình bày.
- Slide kết thúc: Thay vì viết “Tạm biệt” hay “Kết thúc”, hãy sử dụng “Mời các bạn đặt câu hỏi”. Điều này cho thấy bài thuyết trình đã kết thúc và mở cửa cho cuộc trao đổi giữa người nói và người nghe.
- Slide cần tuân thủ cấu trúc chuẩn, bao gồm: font chữ, kích thước, in đậm, in nghiêng, viết hoa, gạch đầu dòng.
- Áp dụng nguyên tắc 7x7: Mỗi slide chỉ có 7 dòng, mỗi dòng có 7 từ, tóm tắt ý chính để tránh khán giả chỉ đọc slide mà không tập trung vào nội dung diễn giả.
- Sử dụng hiệu ứng đơn giản, tránh làm mất tập trung của khán giả vào slide thay vì vào nội dung.
- Chọn hình ảnh và màu sắc phù hợp, tạo sự hòa nhã và phù hợp với bối cảnh thuyết trình.
- Bạn là người thuyết trình, hãy tự tay làm slide cho bài nói của mình vì chỉ bạn mới hiểu rõ nhất về nội dung và cách truyền tải ý tưởng của mình.
Phần 7: Những lỗi không thể bỏ qua
Trong quá trình thuyết trình, chắc chắn bạn sẽ gặp phải những lỗi, và chỉ khi gặp lỗi, bạn mới biết cách khắc phục để tránh tái diễn chúng.
- Lỗi thiếu ý chính: Sử dụng ghi chú để ghi lại ý chính và sử dụng khi thuyết trình.
- Lỗi vị trí đứng không đúng: Tránh đứng trước màn hình PowerPoint, chọn vị trí bên cạnh để không làm che tầm nhìn của khán giả.
- Lỗi không tương tác với khán giả: Sử dụng ánh mắt, cử chỉ để thể hiện sự quan tâm đến khán giả.
- Lỗi mở bài và kết bài dài dòng: Luyện tập viết và thực hành nói trước nhà để có những mở bài và kết bài ngắn gọn, súc tích.
- Lỗi trang phục không chuyên nghiệp: Tôn trọng vẻ ngoài của mình cũng là cách để thu hút sự tôn trọng từ phía khán giả.
- Sử dụng ngôn từ tích cực thay vì tiêu cực
- Đề xuất sử dụng nhịp điệu phù hợp: Để lan tỏa cảm xúc và tạo ấn tượng sâu sắc, bạn cần điều chỉnh âm điệu của mình. Nếu muốn kích thích người nghe và giữ họ chú ý, hãy nói với tốc độ nhanh và giọng cao. Để làm cho người nghe suy tư và nhớ mãi những gì bạn nói, hãy sử dụng giọng điệu trầm ấm và chậm rãi.
Kết luận
Tôi từng là một người sợ nói trước đám đông, và cho đến bây giờ, nỗi lo đó vẫn còn ẩn hiện mỗi khi tôi đứng trước đám đông. Nhưng trong lòng tôi, niềm tin vẫn luôn tồn tại rằng qua sự nỗ lực và vượt qua những thách thức, tôi sẽ vượt qua nỗi sợ đó. Shy or Shine là thông điệp tôi muốn chia sẻ với những người giống tôi, quyết định là của họ. Tôi tin rằng bằng những kỹ năng bạn học được từ cuốn sách này, bạn sẽ tìm thấy thêm niềm tin vào bản thân, để vượt qua những rào cản trước mặt. Như tác giả Nguyễn Ngọc Sơn đã nói:
“Hãy nói lên đi, đừng ngần ngại.”
Tác giả: Mai Hương - MyBook