“Mặc dù rất đẹp nhưng tuổi trẻ lại ngắn ngủi và có thể khiến bạn chệch hướng; tựa như bóng đêm, tuổi trẻ bất chấp mọi hiểm nguy có thể phải đối mặt.”[1] – Rap Monster trong cuộc trò chuyện “Hoa Dạng Niên Hoa qua lời mô tả của BTS” với 10ASIA.
Vào ngày 23 tháng 7, nhóm chat của chúng tôi yên lặng chưa từng thấy. Sau những thất vọng xảy ra trong ngày, tôi nghĩ mình sẽ tìm thấy một chút an ủi ở đây. Có thể là những câu chuyện, những tiếng chuông thông báo tin nhắn chẳng hạn. Nhưng cả phòng chat 13 người không có một tài khoản nào sáng. Ngoại trừ tôi. Tin nhắn cuối cùng được gửi từ một ngày trước. Thật lạc lõng.
Tôi chán nản lướt qua danh sách nhạc trong máy tính, nhấn mạnh vào ca khúc tôi thấy phù hợp với tình huống này nhất. “Not Spring, Love or Cherry Blossoms” của IU và High4.
Và tôi bỗng nhớ đến Patrick Modiano cùng Ở Quán Cà Phê Của Tuổi Trẻ Lạc Lối.
Không hẳn là tôi lạc lối thực sự (mặc dù một phần là vậy nhưng không phải lý do chính cho ngày chán nản đó), nhưng tôi bất giác nghĩ nếu có thể đến Le Condé thì thật tốt. Thử nghĩ xem, một nơi bạn có thể nói chuyện với nhiều người nhưng không cần phải tiết lộ thông tin cá nhân. Một nơi gồm những con người sống ở hiện tại. Không quá khứ, không tương lai, chỉ hiện tại thôi.
Có vẻ như tôi đã mua cuốn sách vào năm 2014. Tôi không nhớ. Và có lẽ tôi đã đọc nó quá nhanh để nhớ được bất kỳ chi tiết nào. Nhưng Ở Quán Cà Phê Của Tuổi Trẻ Lạc Lối vẫn thu hút tôi chỉ bởi tựa đề và bìa sách, để rồi sau vài năm, ham muốn thấu hiểu lại bùng lên và thúc đẩy tôi phải đọc lại.
Quán cà phê Le Condé
Tôi đã tìm kiếm trên Google từ khóa Le Condé và thấy kết quả là một nhà hàng Pháp. Tôi không biết đó có phải là vị trí cũ của quán Le Condé không (nếu có). Nhưng họ có một món mì pasta trông rất ngon. Có lẽ tôi nên đến thử một ngày nào đó.
Trong truyện của Patrick Modiano, Le Condé là quán cà phê đóng cửa muộn nhất trong khu, và cũng là quán có đám khách kỳ cục nhất.
Những người đến đây chủ yếu là thanh niên, từ khoảng mười chín đến hai mươi lăm tuổi, và những người già nhưng vẫn trung thành với tuổi trẻ của họ. Họ chỉ sống cho hiện tại và biết đến hiện tại, không quan tâm đến quá khứ hay tương lai. Vì vậy không ai hỏi về nguồn gốc của mình, nếu cần, họ sẽ đặt cho nhau những cái tên mới và chấp nhận những thân phận đó mà không cần giải thích. “Khi trời tối đi, Le Condé trở thành nơi gặp gỡ của những ai bị cuốn vào ‘tuổi trẻ lạc lối’,” như một triết gia từng mô tả.
Tôi đang sống trong khoảnh khắc đẹp nhất cuộc đời. Đúng, nó đẹp đấy. Nhưng như BTS chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn năm 2015, tuổi trẻ không phải là một thời kỳ tỏa sáng mà chứa đựng nhiều màu xám, giống như một thời kỳ mơ mơ hồ hơn, nơi bạn phải lo lắng về nhiều điều trong cuộc sống, nơi bạn đối mặt với nhiều mối lo âu giữa bóng tối và ánh sáng, giữa đen và trắng. [2] Nếu có một nơi như Le Condé ở đây, chắc chắn tôi sẽ thường xuyên ghé thăm. Một nơi mà bạn không cần phải tiết lộ danh tính thực sự, nhưng vẫn có thể trò chuyện với mọi người và tạm quên đi cuộc sống bên ngoài. Thật là tuyệt vời.
Trên quãng đường đời, ta thường như lạc trong mênh mông, không biết lối mòn, giữa những ngã rẽ không thể nắm bắt. Ta cần một bản đồ để dễ dàng hơn trong việc điều hướng cuộc sống.
Quán cà phê Le Condé là nơi lưu giữ kỷ niệm tuổi trẻ đẹp đẽ. Đó là nơi tôi nghĩ sẽ ghi nhớ mãi.
Louki
Bốn câu chuyện. Bốn góc nhìn. Tất cả xoay quanh Jacqueline, hay còn được gọi là Louki ở quán cà phê Le Condé.
Chàng sinh viên trường Mỏ dường như đã yêu nàng Louki. Anh ta quan sát nàng rất kỹ lưỡng, từ cách nàng sơn móng tay cho đến cách nàng chọn chỗ ngồi trong quán.
Liệu có ai đã từng kể về quán Le Condé cho nàng trước khi nàng đến đây không? Hay có ai đã hẹn gặp nàng ở đây mà không tới? Nơi đây có lẽ đã trở thành nơi lưu giữ hy vọng của nàng, một điểm giao nhau duy nhất giữa nàng và người lạ kia.
Le Condé là nơi duy nhất họ gặp nhau. Dù họ đã đi cùng nhau qua phần đại lộ đến Port-Royal, nhưng chỉ một lần. Họ thường gặp nhau tại Le Condé. Tôi tự hỏi liệu anh ta đã biết thêm điều gì về nàng sau lần đó không.
Pierre Caisley không có hứng thú tìm kiếm Louki, tôi nghĩ vậy. Ông làm điều đó vì công việc. Nhưng liệu ông có cảm thấy ác cảm với nàng hay không?
Nhờ Bernolle, Caisley có được thông tin quan trọng về Jacqueline Delanque, nhưng ông không nói với chồng nàng.
Tôi đã thử gọi điện cho hắn nhưng lại bỏ máy. Tôi không muốn quay lại tầng trệt Neuilly, chờ dưới ngọn đèn chụp đỏ như lần trước. Jean-Pierre Choureu thì không còn quan tâm. Từng có rất nhiều Jacqueline trong đời tôi...
Ông đã gặp nhiều phụ nữ giống như Jacqueline? Ông sẽ tiếp tục tìm kiếm hay nghỉ hưu? Chỉ có Caisley mới biết.
17:17 ngày 28 tháng 7, tôi tiếp tục hành trình với Louki. Nàng là một cô gái dũng cảm. Bao nhiêu cô gái dám lén ra ngoài đêm tối như nàng?
Tôi đối diện với quãng đời dày đặc trước mắt mình. Làm sao tôi có thể tự giữ lại bản thân trước những bức tường ấy? Và tôi sợ điều gì? Tôi sẽ chinh phục những buổi gặp gỡ. Chỉ cần bước chân vào bất kỳ quán cà phê nào.
Cô đến Le Condé, không biết liệu điều đó là may mắn hay cô đã biết trước, ở đây không ai đặt câu hỏi về quá khứ của cô. Mọi người gọi cô là Louki, và cô đã chấp nhận tên đó như một phần của bản thân mới. Cô bắt đầu muốn gạt bỏ Jacqueline Delanque. Dần dần, danh tính mới của cô được định rõ hơn với thông tin 'nữ sinh viên khoa ngôn ngữ phương Đông'. Nghe có vẻ phức tạp! Cùng với nhiều cuộc gặp gỡ khác ngoài Le Condé. Cô kết hôn với một người mà cô bị cuốn hút, nhưng rồi lại bỏ đi. Như thể cuộc hôn nhân đó không có ý nghĩa gì đối với cô. Hoặc có lẽ cô đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào nó, nhưng hiện thực không giống như mong muốn? Cô có vẻ sợ hãi về quá khứ. Hoặc cô sợ rằng mình sẽ bị lộ danh tính Jacqueline Delanque. Khu phố cũ nơi cô từng sống, nơi có Moulin-Rouge khiến cô chóng mặt và có thể sẽ ngất xỉu.
Những bức tường ấy đã cách ly cô khỏi thế giới bên ngoài đến mức cô không còn biết đâu là ý nghĩa của cuộc sống.
Roland có lẽ là người hiểu cô nhất, bởi anh cũng có những ký ức đau thương và những cảm xúc về thời thơ ấu. Hẳn hai người họ là tình nhân. Họ đi cùng nhau nhiều, họ ở chung trong căn hộ của Roland và khách sạn Hirvenia, số 2, phố Grand-Prieuré, họ gặp gỡ bạn bè và người thân của nhau. Roland quan tâm đến Louki đến mức cảm thấy kết nối với cô. Nhưng tôi không chắc Louki có nhận ra tình cảm đó không. Hoặc cô đáp trả nó theo một cách khác.
Đến bây giờ, tôi vẫn nghe thấy, khi buổi tối buông xuống, một giọng nói gọi tôi theo tên trên đường phố. Một giọng nói khàn khàn. Hơi kéo dài một chút ở các nguyên âm và tôi nhận ra ngay: giọng của Louki. Tôi quay đầu lại, nhưng không có ai. Không chỉ vào buổi tối, mà cả vào những khoảnh khắc lặng lẽ trong những chiều hè khi bạn không biết mình đang sống ở năm nào. Mọi thứ sẽ quay trở lại như trước. Cùng những ngày ấy, cùng những đêm ấy, cùng những địa điểm ấy, cùng những cuộc gặp gỡ ấy. Hồi sinh Vĩnh cửu.
Những năm thanh xuân lạc lối
Ở trang 13, dịch giả Trần Bạch Lan ghi chú về từ 'perdu' trong tiêu đề tiếng Pháp của cuốn sách này, có thể hiểu theo hai cách: 'lạc lối' hoặc 'đã mất'.
Với chàng sinh viên trường Mỏ, tôi nghĩ anh ta đang lạc lối. Trường Mỏ là một trong những trường đại học nổi tiếng và lâu đời nhất ở Pháp. Để được vào đó, sinh viên phải trải qua một năm ôn thi khó khăn. Có lẽ sau khi nói chuyện với những người bohème, anh ta cảm thấy không hòa nhập được với họ. Đối với một sinh viên trường đại học nổi tiếng như anh, việc này khá khó khăn. Nếu không, anh ta không thường xuyên lui tới Le Condé và hỏi Roland và Louki nên tiếp tục học hay không.
Với thám tử tư Caisley, đó lại là một tuổi trẻ đã mất. Ông đã tới Le Condé vài lần để tìm Louki, và dùng thân phận giả để tiếp cận Bowing và hỏi mượn quyển vở anh ta dùng để chép tên những người khách của quán. Ở độ tuổi này, ông đã trải qua đủ nhiều tình huống trong cuộc sống. Có lẽ Caisley đã nhìn thấy trong Louki cái tuổi trẻ mà ông đã quên đi. Tuổi trẻ mà con người dễ bị bó buộc bởi quá khứ và áp lực tương lai.
Về Roland, tôi nghĩ anh ta đang lạc lối trong thực tại. Bóng đen của quá khứ vẫn ám ảnh anh, và anh chưa thể vượt qua nó. Có lẽ đó là lý do anh thờ ơ và đánh mất Louki. Mặc dù họ đã ở cùng nhau một thời gian, nhưng với Louki, điều đó không đủ.
Thật ngớ ngẩn khi tôi nói với anh đấy... Không có gì để hiểu... Khi yêu một người, chúng ta cần chấp nhận phần bí ẩn của họ... Và vì thế mà chúng ta yêu họ... đúng không, Roland?
Louki thật đáng thương khi lạc lối đến mức đánh mất cuộc sống của mình. Nàng mệt mỏi với cuộc sống cô đơn, rời đi và tìm kiếm ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Thế rồi Roland đến, nhưng tình cảm anh dành cho nàng không phải là tình yêu. Những đau đớn này phủ một màu xám lên cuộc đời Louki, kéo dài cho đến khi nàng không thể chịu đựng nữa. Không có đường lối, không có lối thoát, nàng đã thật sự lạc lối.
Cảm giác hoang mang vẫn chiếm lĩnh tôi vào buổi tối, mạnh mẽ hơn cả sợ hãi - cảm giác rằng từ giờ chỉ có mình tôi, không ai khác.
Rap Monster từng nói như vậy cách đây hơn ba năm: “Cuộc sống là một chuỗi lạc lối. Ai cũng lo sợ rằng họ đang đi đến đâu, họ thuộc về phương trời nào, và rồi sẽ vượt qua điều đó thôi.” [3] Nhưng có thực sự như vậy không?
Louki đã tìm đến ma túy và tự tử, không chỉ vì bị lạc lối, mà còn vì nỗi cô đơn không thể nào chấp nhận được. Nàng lạc lõng trong thế giới riêng của mình. Không ai hiểu nàng như nàng mong muốn. Và đó là điều giết chết nàng. Ai có thể tránh khỏi sự cô đơn trong cuộc sống chứ?
Tôi đi, lòng sợ sệt đến nơi đích, nơi chỉ còn bầu trời và khoảng không. (…) Rồi tôi sẽ đến bờ vách đá và bắt đầu bay vào không gian. Hạnh phúc khi đắm chìm trong không trung và cuối cùng biết được cảm giác mà tôi đã tìm kiếm suốt thời gian dài. Tôi vẫn nhớ rõ cái buổi sáng đó, con phố ấy và bầu trời ở cuối đường kia…
Cảm nhận cá nhân
Cuốn sách 'Quán Cà Phê Của Tuổi Trẻ Lạc Lối' không phải là một cuốn sách có thể hiểu ngay từ lần đọc đầu tiên. Patrick Modiano đã kết hợp nhiều mốc thời gian và không gian vào câu chuyện một cách khéo léo, với lời văn lãng mạn nhưng không nặng nề, khiến bạn phải đọc từ từ và tập trung. Tôi đã đọc cuốn sách này ba lần, hai lần cho bài đánh giá, nhưng vẫn có những phần không hiểu, như về Roland hoặc về các vùng trung tính như anh ta nói. Cuốn sách chứa đựng nhiều triết lý. Văn của Patrick Modiano thật cuốn hút, từ những câu từ đầu tiên, xứng đáng với giải Nobel Văn học 2014. Và có thể bạn sẽ tìm thấy chính mình trong cuốn sách này.
Lời văn của tác giả sẽ dẫn bạn đi khắp những con đường của Paris, mang đến cho bạn cái nhìn mới về Paris. Khi đọc, tôi tưởng tượng ra những con phố Paris đã từng thấy trong những bộ phim như Midnight in Paris hay Before Sunrise, nhưng cảm giác không giống như những gì Modiano mô tả. Tuy nhiên, câu chuyện của ông đã thành công khiến tôi cảm nhận về giấc mơ Paris.
Như đã nói ở đầu, cuốn sách 'Ở Quán Cà Phê Của Tuổi Trẻ Lạc Lối' đã thu hút tôi ngay từ tựa đề. Giờ nhìn lại, vào năm 2014, tôi có lẽ chưa biết mình sẽ bị lạc lối, cảm giác bơ vơ giữa thế giới của riêng mình như thế nào. Nhưng gần đây, tôi đã trải qua cảm giác ấy trong hơn một năm qua. Không có sự hướng dẫn, không có đường chỉ, chỉ tự mình khám phá từng bước đi trong tương lai mà bản thân mong muốn. Có lẽ không đáng sợ lắm, nhưng cảm giác bất an vẫn luôn hiện diện. Giống như bị lạc trong mê cung một mình và phải tìm đường ra, dù trời đã gần tối nhưng bạn vẫn không biết liệu con đường bạn chọn có đúng không. Đó là lý do tại sao những người như tôi cần một nơi để nghỉ ngơi, để tạm quên đi những gì đang xảy ra ở thế giới bên ngoài, tạm quên thời gian đang trôi, và để tìm ra những dấu mốc trong cuộc đời.
Tôi không cảm thấy bất ngờ với phần kết. Nếu tôi nhìn vào tuổi trẻ như một bức tranh với màu xám, hồng và xanh, có những người chỉ nhìn thấy màu xám tồn tại. Nhưng trong tôi vẫn còn một chút mất mát. Sau cái chết của Louki, những người còn lại sẽ ra sao? Chẳng có cách nào giúp những người như nàng ngoài việc tự tử sao?
Gần đây, tôi mới tìm hiểu thêm về ca khúc Youth của Oohyo. Ca khúc nằm trong playlist mang tên “When I hate myself…” của tôi, kể về những lo lắng, sợ hãi khi một mình bơ vơ giữa cuộc đời, kể về một cá nhân nhỏ bé giữa thế giới rộng lớn. Giai điệu và giọng hát của Oohyo khiến tôi đồng cảm, và dưới đây là những điều cô chia sẻ về ca khúc, về tuổi trẻ. Tôi hy vọng những lời này có thể giúp đỡ những tuổi trẻ đang lạc lối, giúp tinh thần các bạn vững vàng và tích cực hơn.
“Tuổi trẻ hóa ra lại không mấy hào hứng mà có vẻ không được ổn định như ta từng mong đợi. Ta nhận ra được giá trị thật sự của cuộc sống, nhận ra sự yếu đuối của bản thân. Khi đó, ta chợt trở nên nhỏ bé và cảm thấy thật tồi tệ. Nhưng vẫn luôn có những bài học quý giá từ sự khó khăn dành cho những ai có thể vượt qua được thử thách đó. Dạo này tôi bắt đầu đấu tranh vì tuổi trẻ của mình với một suy nghĩ thoáng hơn, chứ không còn bị ràng buộc bởi chính bản thân mình. Tôi hi vọng những người trẻ tuổi, trong đó có cả tôi, sẽ nắm bắt thời gian tốt hơn, để mỗi phút giây trôi qua đều thật vui vẻ và đầy ý nghĩa. Hãy chấm dứt sự ám ảnh bởi nỗi đau chúng ta trải qua trong quá khứ, những điều khác biệt với người khác trong hiện tại và cả những áp lực đè nặng về sự thành công mà ta đặt ra trong tương lai!” [4]
[1] Dịch từ bản tiếng Anh: http://bts-trans.tumblr.com/post/117737373710/150429-blooming-youth-as-described-by-bts-%E2%91%A0
[2] Trình bày và tổng hợp từ phiên bản tiếng Anh: http://kimmy-trans.tumblr.com/post/129440306671/20150430-bts-interview-trans-q-how-did
[3] Bản dịch bởi namjoonsays1209 @ Twitter: https://twitter.com/namjoonsays1209/status/714694845781172226
[4] Dịch bởi N Anh Ng @ YouTube: https://youtu.be/IIpjh7bVXCE
Tác giả: Thu Trang – Sách của tôi.