OSCAR VÀ BÀ ÁO HỒNG
Tác giả ERIC – EMMANUEL SCHMITT
Cuộc sống qua mắt của trẻ em sẽ ra sao? Có phức tạp, âu lo và đầy lo lắng như người lớn không? Bạn đã từng tò mò về điều đó chưa? Eric – Emmanuel Schmitt sẽ đưa chúng ta vào một cuộc phiêu lưu khám phá với những lời văn hài hước, hóm hỉnh nhưng cũng không kém phần sâu lắng.
Cuốn sách kể về cuộc sống của cậu bé Oscar, mười tuổi, còn được gọi là Sọ Trứng, do một căn bệnh máu trắng khiến đầu cậu mất tóc. Oscar luôn cảm thấy khó chịu với bố mẹ và ông bác sĩ Dusseldorf - người đang điều trị cho cậu. Tuy nhiên, cậu lại dễ dàng thân thiết với Bà Hoa Hồng - một trong những bà mặc áo hồng đến chơi với các bệnh nhân trẻ con, bà ấy là người già nhất.
Nghe lén cuộc trò chuyện giữa bác sĩ và bố mẹ, Oscar biết mình không còn nhiều thời gian. Mặc dù mọi người xung quanh luôn cố gắng che giấu sự thật với cậu, nhưng Oscar lại khác, cách suy nghĩ của cậu khiến mọi người phải ngạc nhiên.
'Ý nghĩ của bác sĩ là một thứ truyền nhiễm. Bây giờ cả tầng, tất cả các y tá, các bác sĩ nội trú và các bà lao công đều nhìn cháu như thế. Họ có vẻ buồn khi cháu vui vẻ; học cố rắn cười khi cháu pha trò. Đúng là bây giờ mọi người không còn như trước nữa.'
Nếu mọi người luôn lo lắng về cái chết thì Oscar không như vậy, cậu bé chấp nhận cái chết như là một phần không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Khi nhìn thấy bác sĩ buồn vì không thể chữa trị cho mình, cậu bé đã nói:
'Bác không cần phải buồn khổ như thế, bác sĩ Dusseldorf ơi. Nghe này, cháu sẽ nói thẳng với bác, vì cháu rất nghiêm túc trong việc uống thuốc, còn bác thì chưa chắc đã tận dụng tốt cơ hội chữa trị. Bác đừng cảm thấy tội lỗi nữa. Đấy không phải là lỗi của bác, khi bác buộc phải báo tin xấu cho người ta, về mấy cái bệnh có tên Latinh với các cách điều trị vô ích. Bác thư giãn đi. Thả lỏng người ra. Bác không phải là Đức Chúa Cha. Bác cũng không thể kiểm soát tự nhiên. Bác chỉ là người sửa chữa thôi. Hãy chậm lại, bác sĩ Dusseldorf ơi, và thở ra một chút, bác đừng có ôm rơm quá nhiều, nếu không bác sẽ không thể làm nghề này lâu dài được đâu. Hãy nhìn vào bản thân bác ở lúc này thì sẽ biết.'
Hãy nhìn mọi thứ theo góc nhìn của trẻ con đôi khi cuộc sống trở nên nhẹ nhàng và thoải mái hơn. Tại sao phải làm cho mọi vấn đề trở nên quan trọng khi mọi thứ đều có cách giải quyết của riêng nó, đôi khi đơn giản chính là tốt nhất.
'Mỗi ngày, hãy nhìn thế giới như thể đó là lần đầu tiên.'
Bà Hoa Hồng - một nhân vật quan trọng trong cuộc sống cuối đời của Sọ Trứng. Người đã lắng nghe từ 'chết' của Oscar. Người đã khuyến khích cậu viết thư cho bạn Bà là Chúa vào những ngày cuối đời của mình. Người đã dạy cho cậu rất nhiều điều hay và cũng là điều điên rồ mà cậu bé mười tuổi chưa bao giờ nghĩ tới. Bà ấy kể với cậu rằng mình từng làm nghề đấu vật, người ta gọi bà là 'Bà bóp cổ vùng Languedoc'. Mỗi câu chuyện về những trận đấu đó liên quan đến những khó khăn của Oscar.
'Ta thấy mọi thứ luôn liên quan đấy chứ. Luôn luôn có một giải pháp nào đó. Oscar ạ, luôn luôn có một túi bột ở đâu đó. Cháu nên viết thư cho Chúa đi. Ông ấy giỏi hơn ta.'
Niềm tin vào một điều gì đó không hẳn là mê tín, nhưng là sự hy vọng. Khi sống trong đau khổ và tuyệt vọng, con người luôn mong sẽ có một ai đó, một phép màu có thể xảy đến trong cuộc sống để có thể giúp họ thoát khỏi được nghịch cảnh thì đó cũng chính là lúc các vị thần thánh xuất hiện. Ban đầu Oscar không tin vào Chúa, sau khi nghe bà Hoa Hồng giải thích và cậu cũng thấy có lý nên đã viết thư cho ông ấy mỗi ngày. Bà Hoa Hồng đã nói với cậu bé rằng hãy kể với Chúa về những mong ước của mình, những gì diễn ra trong mười hai ngày có lẽ là cuối cũng của cuộc đời cậu. Mười hai ngày đó diễn ra như chuỗi những năm tháng tươi đẹp của cuộc đời mà Oscar trải qua. Cứ một ngày của mọi người lại là mười năm của cậu.
Ngày thứ nhất là khi cậu ở độ tuổi dậy thì, cũng có những bối rối, băn khoăn trong độ tuổi ấy. Oscar đã có cảm tình với Peggy Blue – một cô bé da xanh, có nụ cười rất hiền nhưng chẳng nói năng gì mấy, “cứ như một nàng tiên ghé qua bệnh viện nghỉ ngơi một chốc”. Khi yêu người ta sẽ yêu luôn những gì thuộc về người ấy dù cho nó không đẹp, không hoàn hảo.
'Mối quan hệ đầu tiên thì mong manh và lúc nào cũng nhiều vấp váp, nhưng phải đấu tranh để giữ lấy, nếu đó là điều tốt đẹp'.
Tình yêu là vậy, ai rồi cũng trải qua những cung bậc trong tình yêu. Những rung động đầu đời, những hạnh phúc khi yêu và những hiểu lầm, giận dỗi. Oscar cũng thế, khi yêu Peggy cậu cũng trải qua những ngọt ngào trong tình yêu, những ánh nhìn, những nụ hôn và điều tốt đẹp hơn hết là bên cạnh nhau trong những lúc đớn đau, sợ hãi.
Cuối cùng thì Oscar và Peggy cũng đã kết hôn vào ngày 21 tháng mười hai lúc cậu ba tuổi (tức là ngày hôm sau), tình yêu hôn nhân và gia đình cần có sự chuẩn bị rõ ràng, sinh con cũng là một vấn đề khiến cả hai phải suy nghĩ. Peggy và Oscar đã trải qua một ngày thật tuyệt vời, mà đúng hơn là mười năm của Oscar. Nhưng rồi điều gì đến cũng đến, Peggy được phẫu thuật, ca phẫu thuật đã thành công như lời cầu nguyện của Oscar, cô bé dần khỏe lạnh và da đã hồng hào hơn. Thế rồi cả hai phải chia xa, hạnh phúc chỉ đây thôi mà nay đã xa rồi. Cậu biết là cô bé sẽ không quay lại đây nữa, chỉ còn mình cậu trải qua cuộc đời trong bệnh viện.
“Thật ra cháu không sợ cái cháu không biết. Chỉ là cháu lo sẽ đánh mất cái cháu đã biết.”
Rồi cứ thế từng ngày từng ngày trôi qua đồng nghĩa với việc cậu bé đã lớn tuổi hơn một chút, qua từng giờ, từng ngày. Bốn mươi, năm mươi, sáu mươi, bảy mươi, tám mươi, chín mươi rồi một trăm...
“Cháu đã thử giải thích cho bố mẹ rằng cuộc sống là một món quà kỳ lạ. Lúc đầu, người ta coi trọng món quà đó quá: Sau đấy, người ta lại coi thường nó, cho rằng nó hỏng bét, lại quá ngắn, người ta sẵn sàng vứt bỏ nó. Cuối cùng, người ta nhận ra rằng đó không phải là một món quà, chỉ là một khoản vay. Thế là người ta cố gắng để cho bõ khoản vay. Cháu ấy mà, đã trăm tuổi rồi, nên biết mình đang nói gì. Càng già, người ta càng phải chứng tỏ có gu thưởng thức cuộc sống. Ta phải trở nên tinh tế, sống nghệ sĩ. Bất cứ đứa đần nào cũng có thể tận hưởng cuộc đời lúc mười bảy tuổi hay hai mươi tuổi, nhưng đến tận một trăm tuổi, khi không còn cựa mình được ấy, phải dùng đến trí khôn thôi”.
Ngay từ lúc đầu, Oscar không hề thích bố mẹ mình, nghĩ họ là những người ngu ngốc và ghét bố mẹ. Họ đã lừa Oscar rằng ông già Noel là có thật, vì họ nghĩ là cậu bé không biết điều đó. Cả việc bố mẹ che giấu việc đến bệnh viện để trao đổi về tình trạng của cậu ngày một xấu đi. Họ cố gắng tỏ ra không có gì trước mặt Oscar, nhưng họ không hề biết rằng Oscar ghét điều đó. Thế rồi, sau khi được Bà Hoa Hồng giải thích thì cậu dần nhận ra rằng bố mẹ đã yêu và hy sinh cho cậu nhiều như thế nào. Vào ngày Giáng sinh, Bà Hoa Hồng đã làm một việc vô cùng điên rồ đó là đưa cậu bé rời khỏi bệnh viện, vượt qua một cuộc đua tốc độ để đến nhà mình. Sau khi mọi người cuống cuồng đi tìm thì Oscar cũng chịu gọi điện cho bố mẹ và cho họ biết rằng cậu đang ở nhà của Bà Hoa Hồng.
“Khi bố mẹ đến, cháu bảo họ:
- Con xin lỗi, con quên mất rằng cả bố mẹ nữa, một ngày nào đó, bố mẹ cũng sẽ chết.”
Câu nói như trút được gánh nặng cho bố mẹ của Oscar, con của mình như đã trưởng thành từ lâu lắm rồi và còn hiểu chuyện, bố mẹ nào mà không hạnh phúc khi nghe những điều hằng chôn giấu vì sợ con buồn, nhưng khi nghe câu nói đó từ con, thì cuộc sống của bố mẹ dần tươi sáng hơn, nhẹ nhàng hơn. Giáng sinh ấy thật là một ngày hạnh phúc và ấm áp với tất cả mọi người.
Lúc bé, ta không hiểu được hết những gì bố mẹ đã làm cho chúng ta. Cứ nghĩ đó là những quy tắc cứng nhắc, những ràng buộc hoặc những điều vô tâm. Chúng ta đâu biết rằng bố mẹ cũng đã từng trải qua lứa tuổi ấy. Bố mẹ nào cũng mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến với con, mong con khỏe mạnh, mong con khôn lớn. Còn nỗi đau nào có thể diễn tả được khi giọt máu mà mình cưu mang chín tháng mười ngày bị căn bệnh quái ác giày vò. Đau lắm chứ nhưng nào có thể để con biết mình đau, cố tỏ ra mạnh mẽ đến con không buồn theo, để rồi những giọt nước mắt lăn dài trên khóe mi lặng im. Mạnh mẽ không phải là không biết đau, mạnh mẽ là hiểu được nỗi đau và chấp nhận nó.
Oscar cũng rất mong muốn được gặp Chúa, người bạn đồng hành, người lắng nghe những lời tâm sự vào mười hai cuối đời của Sọ Trứng. Cậu đã viết trong thư rằng: “Vậy đấy Chúa ạ. Nhưng còn ông đấy nhé, cháu vẫn đang chờ ông đến thăm. Đến đi. Đừng có ngại! Ông cứ đến nhé, ngay cả khi bây giờ xung quanh cháu đang có rất nhiều người. Cháu sẽ vui lắm đấy.” Dần dần, Oscar đã coi Chúa là người đồng hành không thể thiếu của mình. Mỗi thứ xuất hiện trong cuộc đời chúng ta đều có lý do của nó. Bà Hoa Hồng rồi đến Chúa, những người đang mang lại sức mạnh tinh thần cho cậu bé.
“Chúa thân mến,
Một trăm tuổi rồi. Nhiều quá nhỉ. Cháu nghĩ mình đang bắt đầu chết.”
Cảm nhận về cái của Oscar đang dần rõ ràng, cậu không còn nhiều thời gian nữa. Một trăm mười tuổi có lẽ là độ tuổi người ta mỉm cười vì mình đã sống được ngần ấy năm nhưng cũng phần nào dự cảm được mình gần đất xa trời. Mười hai ngày cũng gần như đồng nghĩa với việc sống đến một trăm hai mươi tuổi, cậu bé đã dần tiệm cận đến cái đích đến cuối cùng của đời mình. Dù cho ngày mai thế nào, dù cho có bước được đến cùng đích thì Oscar có lẽ đã mãn nguyện với cuộc sống của mình, với những gì mình trải qua, với những người xung quanh luôn luôn tử tế và yêu quý cậu hết lòng.
Hạnh phúc là khi làm ai đó mỉm cười. Sự ra đi của Oscar đã làm những người ở lại thật sự đau lòng nhưng trong nỗi đau ấy cũng sẽ có niềm vui vì giờ đây Oscar đã được giải thoát khỏi nỗi đau mà căn bệnh gây ra cho cậu bé, cảm ơn vì đứa trẻ đó đã sinh ra đời và mang lại cho nhiều người nhận ra được rằng thiên thần luôn có thật.
“Nếu mà cứ quan tâm xem những kẻ đần độn nghĩ gì thì cháu sẽ chẳng còn thời gian để biết suy nghĩ của những người khôn ngoan.”
Chúng ta ai cũng có những mỗi lo ưu, phiền muộn, đau đớn không chỉ thể xác mà cả tinh thần nữa, nhưng điều đó không quan trọng, quan trọng là cách mà bạn nhìn nhận và giải quyết vấn đề. Có người sợ hãi, có người trở nên suy sụp, có người dễ dàng chấp nhận nhưng cũng có người nhìn nhận theo hướng tích cực hơn, nhẹ nhàng hơn. Bà Hoa Hồng đã nói với Oscar điều này:
“Phải phân biệt hai loại đau khổ, Oscar bé bỏng của ta ạ, đau đớn thể xác và đau đớn tinh thần. Đau đớn thể xác, ta phải chấp nhận. Đau đớn tinh thần, ta được lựa chọn.”
Không nên dễ dàng chấp nhận mọi thứ, những gì xảy đến với cuộc đời của mỗi chúng ta đều có lý do của nó cả, hôm nay bạn thất bại, gục ngã nhưng không có nghĩa là bạn mất đi tất cả, chỉ là đang mỏi mệt nghỉ chân sau đó lại mạnh mẽ bước tiếp, đối mặt với những khó khăn thử thách trong cuộc đời này. Không ai có thể lựa chọn nơi mình sinh ra, nhưng chắc chắn là mỗi người điều được lựa chọn cách tồn tại trong xã hội đó.
Nhật ký ngày mười hai của Oscar không phải do chính tay Oscar viết nữa mà là người đã gợi ý cho cậu bé viết nó – Bà Hoa Hồng. Bà thông báo với Chúa rằng cậu bé con đã ra đi vào lúc mà mọi người ra ngoài, như thể muốn tránh cho mọi người những xúc động khi nhìn cậu bé ra đi.
“Cảm ơn đã cho con gặp Oscar. Nhờ cậu bé, con đã cười và đã biết đến niềm vui. Cậu bé đã khiến con tin vào Người. Con tràn đầy tình yêu, nó thiêu đốt con, cháu đã trao con biết bao yêu thương để dành cho những năm tháng sau này.”
“Chỉ có Chúa mới có quyền đánh thức tôi.”
Cái chết rồi cũng đến với cậu bé, biết đấy mà vẫn phải chấp nhận thôi – điểm đến cuối cùng của nỗi đau đớn về thể xác. Chấp nhận nó như lời Bà Hoa Hồng đã nói, đến cuối cùng con người vẫn không chống lại được quy luật vốn có của tự nhiên, tiếc là Sọ Trứng chưa trải qua Lão mà đã Bệnh và Tử. Cuộc sống là như thế, không hoàn toàn công bằng, được cái này đồng nghĩa cũng sẽ mất đi nhiều thứ, nhưng Oscar đã được nhiều hơn là mất, được mọi người yêu thương, được trải qua những giây phút hạnh phúc bên bố mẹ, bà Hoa Hồng, Peggy và những người bạn. Phải mất đến mấy chục năm để người ta trưởng thành và chín chắn hơn, còn với cậu bé thì chỉ mười hai ngày thôi là cả một đời người rồi.
Cười đó rồi lại khóc đó, Schmitt thật biết dẫn dắt cảm xúc của độc giả, sau những tiếng cười bởi suy nghĩ hồn nhiên, ngô nghê của Oscar để rồi kết thúc lại là một nốt lặng buồn. Không phải vì may mắn hay điều gì, nhưng chỉ với khoảng 100 trang sách nhưng tác giả Eric – Emmanuel Schmitt đã để lại cho chúng ta một cuốn sách thật nhiều cung bậc cảm xúc. Có lẽ vì thế mà cuốn sách đã được độc giả Pháp bình chọn trong danh sách “những cuốn sách đã thay đổi cuộc đời tôi”.
Tác giả: Linh Tuyền - MyBook