“Hana, ý nghĩa của hoa. Hoa là biểu tượng của tình yêu thương và sự quý trọng. Nó là phương thuốc lành cho những vết thương trong lòng. Tôi hy vọng Hana sẽ trở thành một người con tốt và biết chia sẻ yêu thương với mọi người. Đó là ước mơ của tôi khi đặt tên cho Hana.”
Súp miso của bé Hana là một cuốn nhật ký đặc biệt của cặp vợ chồng Yasutake Shingo, 36 tuổi làm việc tại một báo Tây Nhật Bản và giáo viên âm nhạc Yasukate Chie, 25 tuổi, cùng với cô con gái của họ, Yasutake Hana.
Đơn giản, thật thà và cảm động, cuốn nhật ký này dẫn dắt người đọc khám phá từng chặng đường của một gia đình Nhật Bản. Từ khi họ gặp nhau, yêu nhau, kết hôn cho đến khi Hana chào đời và những thử thách trong cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư khó lường.
Trong Súp miso của bé Hana, bạn có thể tìm thấy niềm tin vào tình yêu và cuộc sống, cũng như những bài học về chế độ dinh dưỡng, lối sống lành mạnh và nhiều điều khác nữa. Tình yêu không chỉ là sự kết hợp giữa hai người mà còn là tình cảm sâu lắng giữa bố mẹ và con cái, hay giữa con người với nhau.
1. Tình cảm giữa vợ chồng đầy ấm áp và gắn kết.
Chương 1 với tựa đề “Bệnh ung thư và hôn nhân” là phần mở đầu của nhật ký. Trong toàn bộ chương này, độc giả có thể cảm nhận được lòng trung thành và sự chắc chắn trong tình yêu của Shingo và Chie. Họ gặp nhau, yêu nhau và quyết định tiến tới hôn nhân giống như những cặp đôi khác. Tuy nhiên, hạnh phúc không bao giờ đến dễ dàng. Năm 2001, Chie phát hiện mình có khối u trong ngực và sau đó được chẩn đoán mắc ung thư vú. Đó là một khối u ác tính và cô được khuyên phải phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn ngực trái. Bất chấp sự phản đối từ gia đình và xã hội, Shingo mong muốn kết hôn với Chie sớm nhất có thể. Bởi vì 'Bên cạnh Chie, tôi cảm thấy yên bình. Cô gái dịu dàng và mạnh mẽ... Tôi nhận ra mình đã yêu mọi thứ về Chie, kể cả căn bệnh ung thư mà cô ấy đang mang trong mình'. Với tình cảm chân thành ấy, anh đã thuyết phục được gia đình chấp nhận hôn nhân của anh và Chie. Có thể nói tình yêu của họ đã vượt qua mọi thử thách: căn bệnh, sự phản đối từ gia đình và những khó khăn tại nơi làm việc. Trên thế giới này, người như Shingo không phải là dễ tìm thấy.Sau khi kết hôn, Shingo và Chie luôn ở bên nhau, cùng nhau chiến đấu với căn bệnh. Mỗi khi Chie đau đớn, Shingo luôn ở bên, trở thành nguồn động viên và niềm tin cho vợ. Shingo giúp đỡ, chia sẻ với vợ trong công việc nhà, chăm sóc và dạy dỗ con.
2. Tình yêu của cha mẹ dành cho con cái
Việc một người mắc bệnh ung thư như Chie mang thai được coi là một phép màu. Tuy nhiên, không giống như những bà mẹ khác, cô không hạnh phúc khi nhận được “tin vui” này. Chie cảm thấy mất phương hướng. Cô lo sợ về thời gian sống, khả năng tái phát hoặc di căn của bệnh, và có nguy cơ cao là đứa bé sẽ mắc các bệnh di truyền từ mẹ. Sau khi nghe nhịp tim mạnh mẽ của thai nhi và lời động viên từ những người thân, Chie quyết định tiếp tục mang thai. Vào lúc 9 giờ 25 phút sáng ngày 20 tháng 2 năm 2003, Hana ra đời.
Tình yêu của cha mẹ dành cho con cái là vô biên và vô cùng thiêng liêng. Như câu chuyện về một phụ nữ trẻ đã hy sinh bản thân để che chở và bảo vệ đứa con nhỏ trong trận động đất ở Nhật Bản. Có một thông điệp trên màn hình, viết rằng: 'Nếu con có thể sống sót, hãy nhớ rằng mẹ yêu con'. Chắc chắn không chỉ ở Nhật Bản mà trên toàn thế giới, tất cả các bậc cha mẹ đều yêu thương con cái mình hết mực.
Yêu thương có nhiều cách, và mỗi người lại có cách yêu thương con cái theo cách riêng của mình. Chie yêu thương Hana bằng cách dạy Hana làm quen với cuộc sống không có mẹ ở bên. Khi Hana ba tuổi, cô bắt đầu học làm việc nhà, bao gồm phơi quần áo, xếp đồ, dọn dẹp và chuẩn bị trước khi đi học. Khi Hana bốn tuổi, Chie tặng cô bé một chiếc tạp dề và bắt đầu dạy cách nấu ăn. Trên blog của mình, cô viết rằng: 'Khi con biết tự chăm sóc bản thân, con có thể sống ở bất cứ đâu, với bất cứ ai. Vì vậy, điều quan trọng đầu tiên mà Hana phải học là tự chăm sóc bản thân và biết cách nấu cơm. Nếu thân thể khỏe mạnh, không quan trọng tương lai ra sao, Hana vẫn có thể sống được. Chỉ cần Hana tự mình làm được, thì ngày nào khi mẹ đi, Hana cũng sẽ không sao.
Có lẽ cách yêu thương tốt nhất là chuẩn bị cho con cái một cuộc sống độc lập. Vì “Chúng ta ra đời trước con cái và cũng sẽ ra đi trước họ. Chúng ta phải để lại họ trên thế gian này... Dù bố mẹ có ốm đau hay không, trách nhiệm của họ vẫn là dạy con cái để tồn tại tự lập”
Mặc dù yêu thương Hana nhưng mẹ Chie không bao giờ bao bọc, mà cô dạy Hana sống tự lập. Có lẽ nhiệm vụ của người mẹ không phải là trở thành một điểm dựa cho con cái, mà là giúp con cái trở nên độc lập.
3. Tình yêu thương của Hana dành cho cha mẹ
Hana là niềm tự hào của bố mẹ. Khi quyết định sinh Hana, Chie trở nên vui vẻ và năng động hơn. Yếu tố tinh thần này có thể là một phần giúp Chie vượt qua bệnh tật và sức khỏe của cô đã dần ổn định hơn.
Sự độc lập, sự vâng lời, và sự ngoan ngoãn học hỏi là cách Hana thể hiện tình yêu thương đối với cha mẹ của mình.
Trong quá trình chiến đấu với căn bệnh ung thư, người mẹ luôn nghĩ “Cho đến khi con 4 tuổi có thể tự lập, dù tình trạng sức khỏe của tôi ra sao, tôi vẫn phải sống”. Mỗi ngày, Chie luôn mong muốn Hana có chế độ dinh dưỡng và sức khỏe tốt bằng cách không cho cô bé ăn quá nhiều bánh mì và kẹo. Món ăn chính của Hana là cơm gạo lức xay nhuyễn, và một món ăn yêu thích khác là natto, một món ăn truyền thống của Nhật được làm từ đậu nành lên men và súp miso. Điều này đã giúp Hana nhận ra tầm quan trọng của việc ăn uống đúng cách.
Hana, 5 tuổi, tự làm mọi việc nhà từ phơi áo, xếp đồ, chùi rửa bồn tắm, chuẩn bị đồ trước khi đi học, dọn dẹp quần áo, giày dép và nấu ăn. Hình ảnh cô bé đứng trong bếp, dưới sự hướng dẫn của mẹ, tự sử dụng dao, nấu gạo và nêm nếm, khiến nhiều người cảm thấy lo sợ về sự nguy hiểm. Nhưng với tình yêu dành cho mẹ, Hana luôn nỗ lực và thành công. Miso là món đầu tiên Hana tự nấu. Ban đầu có thể chưa ngon nhưng sau đó, nhận xét của bố là không khác gì của mẹ. Những việc đó có vẻ quá sức với một đứa trẻ 5 tuổi, nhưng với việc mẹ không biết mình sẽ ra đi khi nào, cô bé đã được chuẩn bị tốt cho mọi tình huống khi không còn mẹ.
Hana hỗ trợ bố nhiều trong việc chăm sóc và động viên mẹ như mang túi gừng để làm ấm thắt lưng và rửa chén bát, chuyển thư của chú Miyage đến bố. Hana luôn cười và an ủi mẹ “mẹ có đau không”, “mẹ cố lên nhé”. Và “tiếng cười của Hana làm căn phòng sáng sủa và cứu rỗi chúng tôi”.
Sau khi Chie qua đời, Hana tự chăm sóc bản thân và bố đang trong tình trạng buồn bã vì sự ra đi của vợ. Nhờ vào súp miso của Hana, bố cô bé, Shingo, đã dần lấy lại tinh thần. Hana trưởng thành và kiên cường hơn sau khi mất mẹ. Cô bé luôn an ủi và động viên bố trước nỗi đau lớn ấy. Hana thành thạo việc nấu ăn, làm việc nhà và nhớ hết lời dặn dò của mẹ trước khi ra đi. Chính những điều đó đã là động lực giúp người bố vượt qua cú sốc. Trước khi đi ngủ, Hana thắp nến hương cho mẹ và khóc rất nhiều, nhưng cô bé quyết không bao giờ nói “cô đơn”. “Có lẽ đó là cách mà em thể hiện tình yêu thương hết lòng theo cách riêng của mình dành cho bố”. Có thể nói cách tốt nhất để thể hiện tình yêu thương với bố mẹ là học cách tự sống tốt trên đôi chân của mình.
Tinh thần đối mặt với khó khăn
Chúng ta không xa lạ gì với tinh thần của người Nhật khi đối mặt với thiên tai khốc liệt. Và để tạo nên tinh thần dân tộc đó, đó là tinh thần, thái độ của từng người Nhật.
Trong Súp miso của Hana, đó là câu chuyện của một gia đình đã phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách. Mẹ Chie phát hiện bị ung thư vú năm 25 tuổi và phải cắt bỏ một bên ngực. Khi biết mình mắc bệnh, cô nhận được sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc và cuối cùng phải nghỉ việc. Niềm vui trở lại sau khi khỏi bệnh chưa kéo dài được bao lâu thì hai năm sau, bệnh tái phát và di căn toàn thân. Bố Shingo bị bệnh thận. Nỗi đau lớn nhất anh phải chịu đựng là mất vợ. Đối với Hana, ở tuổi 5, em phải chấp nhận sự thật rằng mẹ không còn ở bên nữa và chấp nhận thử thách trưởng thành sớm hơn những bạn cùng trang lứa.
Dù gặp phải khó khăn và thử thách, gia đình ba người ấy đã chứng minh được tinh thần, thái độ của người Nhật Bản trước khó khăn: bình tĩnh, mạnh mẽ, lạc quan và vui vẻ. Chie và Shingo bình tĩnh chấp nhận bệnh tật, và Hana bình tĩnh chấp nhận cái chết của mẹ. Họ bình tĩnh nhưng mạnh mẽ.
Lạc quan và vui vẻ là hai yếu tố không thể thiếu khi nói về tinh thần của gia đình Hana khi đối mặt với khó khăn. Chie tin rằng: “Ung thư, giống như cảm cúm và các bệnh khác, có thể chữa được... Điều đó là do con người quyết định”.Khó khăn là thế nhưng gia đình ba người ấy không bao giờ từ bỏ. Ngược lại họ còn nghĩ cách để giúp đỡ những người khác, người cũng đang chịu đựng hoàn cảnh giống mình. Chie đã lập ra một Blog và có những chia sẻ về bệnh ung thư, về cách ăn uống tốt cho sức khỏe.
Súp miso của bé Hana còn thể hiện sự gắn kết cộng đồng, sự yêu thương đùm bọc lẫn nhau, cùng nhau vượt qua khó khăn của người dân Nhật Bản. Gia đình Hana nhận được rất nhiều sự động viên, ủng hộ, giúp đỡ từ cộng đồng xung quanh.
Đọc Súp miso của bé Hana để thấy mình may mắn. Cuốn sách khiến chúng ta quý trọng cuộc sống, nhận ra rằng trước khi quá muộn, chúng ta hãy quan tâm đến sức khỏe của mình.
Xin mượn lời của Chie để kết thúc bài viết này: “Khi đã được sinh ra trên đời này, chúng ta không được phép tự thổi tắt ngọn lửa sống ấy, mà phải sống hết mình, cho cả phần của những người không được sinh ra. Đã đặt bàn chân lên mặt đất, chúng ta phải bước đi.”
Tác giả: Vân Nguyễn - Sách của tôi