Tựa đề cuốn sách là một câu hỏi gợi lên rất nhiều sự tò mò cho người đọc? Có phải khi sử dụng ví dài thì tiền sẽ nhiều hơn không? Liệu ví và tiền có liên quan nhiều đến nhau như vậy không? Nếu bạn đang phải đối mặt với các vấn đề về tài chính, đang loay hoay với việc quản lý chi tiêu thì đây chính là cuốn sách hướng dẫn bạn cách thức để làm bạn với tiền. Hãy đọc và bạn sẽ nhận ra, theo quan điểm của nhà văn Kameda Junichiro, tiền không chỉ là một loại tài sản không hồn, mà thậm chí còn là một sinh vật sống, có tâm hồn. Tiền có tính nhân cách và chúng vẫn đang trong quá trình tìm kiếm những người xứng đáng để biến họ trở nên giàu có và hạnh phúc.
1. Đổi ví đón tiền về:
Dựa trên kinh nghiệm nhiều năm làm cố vấn thuế, thường xuyên tiếp xúc với những người giàu có, Kameda nhận thấy một điểm chung rằng:
Những người liên tục kiếm tiền trong nhiều năm thường sử dụng những chiếc ví tuyệt vời
Có thể nhiều người nghĩ rằng, việc sử dụng ví dài hay ví gấp chỉ là về hình thức, người giàu thường quan tâm đến hình thức hơn, và việc giàu nghèo phụ thuộc vào khả năng kinh doanh hơn là việc sử dụng ví. Tuy nhiên, ở đây, Kameda đã nhận ra rằng ví còn ảnh hưởng đến tư duy và tâm trạng, và quyết định hành động của bạn.
Ví cũng có “ví vịt”, nhìn thấy một chiếc ví căng tròn vì phải “chứa đựng” mọi thứ chỉ chứng tỏ một điều, bạn không thể xác định được điều gì quan trọng và đang tiêu hao tiền của bạn.
Triết lý của ông bắt nguồn từ quan điểm:
Hoạt động của tiền mà bạn cầm trong tay phản ánh lối sống của bạn
Việc thay chiếc ví mới cho tiền như một cách để thay đổi tư duy về tiền giúp bạn tiêu tiền một cách tỉnh táo hơn. Người giàu có và người phải vật lộn từng đồng một thì khác biệt nằm ở tư duy. Để thay đổi tư duy, hãy thử thay đổi chiếc ví của bạn, bạn sẽ thấy sự khác biệt.
Qua những trải nghiệm đậm chất cá nhân, Kameda đã tự mình rút ra một nguyên tắc:
Thu nhập của những giám đốc hầu như luôn tương đương với khoảng 200 lần giá trị của chiếc ví mà họ đang sử dụng
Hãy thử áp dụng với chiếc ví của bạn xem, bạn sẽ bất ngờ đấy. Nếu có thể, hãy áp dụng nguyên tắc này ngay bây giờ, bạn có muốn đón tiền về không phải là bạn cần chuẩn bị một nơi thoải mái trước không?
Kameda sẽ chỉ cho bạn cách để mua sắm, chi tiêu, biết điều gì làm tiền của bạn mất và đặc biệt là cách sử dụng ví một cách đúng đắn nhất. Hãy đọc những mẹo nhỏ này nếu bạn vẫn đang theo đuổi các đợt giảm giá, tích lũy hàng trăm thẻ tích điểm trong túi và thường xuyên tự hỏi, tiền của bạn đã đi đâu rồi?
2. Mười nguyên tắc sử dụng ví của những người kiếm tiền:
Ví là khách sạn mà bạn dùng để đón tiền, giữ cho chúng một nơi ở tốt là cách để bạn thu hút chúng nhiều hơn. Trong chương này, Kameda tập trung vào 10 cách bạn nên xử lý ví của mình. Có những hành động nhỏ nhưng thật sự thể hiện sự tôn trọng của bạn với tiền. Bạn còn phân vân không biết nên làm gì với chiếc ví mới của mình, ví nhỏ mà bạn chỉ muốn nhét vào đủ loại thẻ... thì chương này sẽ chỉ cho bạn cách sử dụng ví đúng cách để bạn thu hút được lòng yêu mến của tiền.
Điều đặc biệt nhất khiến tôi ấn tượng, đó là không bị áp đặt việc giữ tiền cho bản thân mình, Kameda tin rằng việc đóng góp cho cộng đồng là cách để tiền quay trở lại với bạn. Những người được tiền ưa thích thật sự sẽ nói lời 'Tạm biệt' với những đồng tiền của mình khi mua bán và đặc biệt là đóng thuế. Hãy hiểu rằng tiền là phần lợi ích mà xã hội dành cho bạn, bạn nhận được chúng trong mối quan hệ gắn bó với những người xung quanh, vì vậy đừng ngần ngại khi phản hồi. Nếu bạn tiếp tục từ chối nghĩa vụ của mình, xã hội sẽ ngay lập tức từ bỏ quyền lợi của bạn.
Những nguyên tắc mà ông rút ra thực sự đều bắt nguồn từ thái độ của bạn đối với tiền. Với tôi, nguyên tắc thú vị nhất là hãy chia sẻ những đồng tiền mới của bạn cho người khác.
3. Hãy phân chia chiếc ví của bạn thành 3 phần:
Nếu bạn vẫn đang gặp khó khăn trong việc quản lý tài chính, thì chương này dành cho bạn. Ông tin rằng tiền mà mỗi người tiêu có thể chia thành 3 loại: Tiêu dùng, Đầu tư và Lãng phí. Với mỗi phần đều có tỉ lệ khác nhau và những cách ứng xử đặc biệt. Kameda tập trung vào cách quản lý tiền bạc dưới góc độ khoa học, làm thế nào để bạn có thể thoải mái chi tiêu trong mức độ cho phép, và vẫn giữ được những khoản tiết kiệm. Ông cho rằng cách tốt nhất để 'Tiêu dùng' là biến nó thành 'Đầu tư'. Đôi khi, việc chi tiêu vào những vật phẩm đắt tiền có thể là đầu tư cho sự phát triển cá nhân, và chi tiêu cho chất lượng thức ăn là cách để tiết kiệm cả sức khỏe và tiền bạc.
Thú vị nhất ở chương này, bạn sẽ tìm được những bí kíp tưởng chừng như vô nghĩa nhưng có thể sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều, như: Đừng bao giờ rút tiền gần cửa hàng tiện lợi, nhận lương vào cuối tuần... Chúng ta đều biết rằng tiền thường rò rỉ theo những cách không lường trước và đến từ những thói quen dễ dãi của chúng ta. Những mẹo nhỏ này có thể giúp bạn tránh xa rất nhiều cám dỗ. Đặc biệt, có một câu hỏi ông đặt ra trong chương này mà tôi rất thích:
Cuối cùng, việc tích lũy tiền là để làm gì?
Những mục tiêu như 'đến thời điểm này phải tiết kiệm được bao nhiêu' đôi khi có thể mệt mỏi và trống rỗng, và chúng ta cần những động lực cụ thể hơn để tiết kiệm tiền. Với tác giả, tiết kiệm tiền có nghĩa là:
Mở ra nhiều lựa chọn hơn trong cuộc sống
Tiền biểu thị cho sự tự do và thoải mái. Tự đẩy mình vào hoàn cảnh túng quẫn chỉ là tự hạ thấp bản thân mình trong cuộc sống. Đừng tự làm mình trở thành kẻ ki bo và tự hành hạ bản thân chỉ vì những khoản tiết kiệm. Bạn cần có kế hoạch dành cho tương lai nhưng cũng cần biết tận hưởng từng khoảnh khắc hiện tại. Cuối cùng, tiền là công cụ giúp bạn tận hưởng cuộc sống.
4. Triết lý về việc sử dụng ví của những người có được tiền yêu thích
Đây là phần mà tôi rất ưa thích trong cuốn sách. Có thể sẽ có người không đồng tình, nhưng ý của Kameda là rằng chỉ cần bạn trở thành người giàu có thì dù bạn cảm thấy sung sướng hay bất hạnh cũng không quan trọng. Điều đó là suy nghĩ điển hình của những người nghèo và không hạnh phúc. Tiền sẽ đến với bạn khi bạn thay đổi bản thân.
Những triết lý cuối cùng không chỉ xoay quanh tiền bạc, mà chủ yếu là về cách tư duy và cách bạn xây dựng con người của chính mình. Nếu bạn muốn có một tương lai thoải mái và thành công với tiền bạc, hãy xem chương này như một hướng dẫn cho cuộc sống của bạn.
Nếu bạn muốn những hạt giống nảy mầm vào tương lai, hãy bắt đầu gieo trong bản thân từ bây giờ.
Hãy chú ý đến việc đầu tư vào bản thân và tri thức. Tri thức mở ra nhiều cơ hội kiếm tiền mới. Đừng ngần ngại, hãy xây dựng một kế hoạch phát triển và khai thác tiềm năng cá nhân của bạn, và tiền sẽ đến với bạn.
Đánh giá chi tiết từ Dương Phương Anh - MyBook
Ưu đãi mua sách với giá tốt hiện có: https://goo.gl/ynafC6