
“Học cách kiểm soát cảm xúc của bạn để có thể chọn một chuỗi đầy đủ những cảm xúc lành mạnh. Bạn có thể chọn sôi nổi hay trầm ngâm, ngây ngất và hào hứng hay bình tĩnh và thanh thản. Đúng vậy, bạn thật sự có thể lựa chọn các cảm nhận của mình.”
Con người thường cho rằng mình đã đưa ra các quyết định một cách logic và lý trí, có thể là vì quyết định đó đã tốn nhiều thời gian xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, được đặt lên đặt xuống nhiều lần. Nhưng có một sự thật là phần lớn chúng ta chần chừ hay quyết định không lựa chọn một điều gì đó vì có cảm giác nó không đúng lắm, hay quyết định một cách nhanh chóng và chắc chắn hơn vì ta cảm giác nó là một lựa chọn đúng đắn.
Thực tế, cảm xúc chi phối hành động của con người nhiều hơn chúng ta tưởng. Bạn thấy ai đó đưa ra quyết định một cách thiếu logic, ngớ ngẩn, bởi vì bạn đang xem xét nó mà không bị chi phối bởi cảm xúc giống như họ. Nhưng có thể hành động của bạn cũng đang được đánh giá bởi một người khác, và người này không có những cảm xúc giống như bạn, cũng sẽ cho rằng bạn thật ngớ ngẩn và chẳng hề có tí logic nào.
Bản chất của bẫy cảm xúc
Khi chúng ta lớn lên mà không được dạy kiểm soát cảm xúc, các cảm xúc tiêu cực như lo âu, trầm cảm, tức giận sẽ giống như các thói quen xấu được phát triển trong tiềm thức, được nuôi dưỡng và lớn lên mà không tuân theo bất kỳ mong muốn hay ý định có ý thức nào. Dần dần, chúng ta hình thành một thái độ “nó là như thế mà”, chúng ta rơi vào các cảm xúc tiêu cực và cảm thấy quen với nó dù không hề dễ chịu và không biết làm thế nào để thoát khỏi đó.
Tất nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ, không tránh khỏi những cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta có thể chọn cách cảm nhận, suy nghĩ và những lựa chọn đó ảnh hưởng đến cách chúng ta cảm thấy. Khi kiểm soát được cảm xúc của mình, tức là lựa chọn được cảm xúc của mình, chúng ta có thể trải qua những cảm xúc lành mạnh hơn, từ đó tạo ra cuộc sống hạnh phúc và thỏa mãn hơn.

Học cách kiểm soát cảm xúc chính là nội dung chính của cuốn sách Thoát khỏi bẫy cảm xúc. Daniel Rutley đã dành nhiều năm để nghiên cứu và giúp mọi người thoát khỏi các cạm bẫy cảm xúc. Cuốn sách này được viết để bạn có thể chọn lựa những cảm xúc lành mạnh trong cuộc sống của mình. Các cảm xúc tiêu cực không lành mạnh như trầm cảm, lo âu, tức giận có thể khiến bạn cảm thấy rối bời, mất phương hướng; ngược lại, các cảm xúc tiêu cực lành mạnh như buồn bã, ân hận, quan tâm có thể trở thành động lực để thay đổi.
Trong cuốn sách này, Daniel sẽ giải thích về sự hình thành của cảm xúc và cách chúng ta có thể kiểm soát chúng. Có ba nhóm tư duy cơ bản gây ra nỗi đau (Nài ép, Phóng đại tiêu cực, Định giá giá trị bản thân), tạo ra các cạm bẫy cảm xúc và cách giải thoát khỏi chúng sẽ được bàn luận chi tiết trong ba chương của sách. Ngoài ra, tác giả cũng phân tích ba cạm bẫy cảm xúc cơ bản (Trầm cảm, Lo âu/Lo lắng, Tức giận) và các hậu quả của chúng.
Cảm xúc hình thành như thế nào?
Yêu thương và chấp nhận bản thân mà không điều kiện
Truyền thông, nơi đặt nhiều trọng tâm vào việc giáo dục trẻ em, thường thúc đẩy những thông điệp mạnh mẽ rằng, “Hãy mua sản phẩm của chúng tôi để được yêu thương và chấp nhận. Bạn không đủ tốt.”
Chắc chắn bạn đã từng nghe ai đó nói về việc luôn yêu thương những người xung quanh. Tuy nhiên, Daniel lại cho rằng, việc yêu thương người khác vô điều kiện không phù hợp, và các mối quan hệ cần phải có ranh giới về những điều nên và không nên làm. Thay vào đó, bạn nên dành tình yêu thương và chấp nhận bản thân vô điều kiện. Bạn có thể đẩy người bạn không thích ra khỏi cuộc sống của mình, nhưng bạn không thể rời bỏ bản thân dù có thích hay không, vì vậy thì thích thì vẫn hơn.
Tác giả cũng có quan điểm khác biệt về tình yêu thương, rằng chúng ta muốn có tình yêu thương, nhưng không cần phải có nó. Cuộc sống của chúng ta sẽ hạnh phúc hơn nếu có tình yêu thương, nhưng nếu không có nó thì vẫn hạnh phúc. Lợi ích thực sự nằm ở việc chủ động yêu thương chứ không phải được yêu thương. Nếu có người yêu bạn ngày hôm nay, cuộc sống của bạn có thay đổi không? Không. Chỉ khi bạn yêu họ thì mới đáng nói. Vì vậy, hãy học cách yêu thương bản thân mình trước, trở thành tấm gương cho họ về cách bạn muốn được đối xử với mình theo cách đó trước.

Tuy nhiên, có một ranh giới mỏng manh giữa tự yêu thương bản thân và ích kỷ. Bí quyết để có cuộc sống hạnh phúc hơn chính là tôn trọng bản thân mà không ích kỷ.
Tôn trọng bản thân khác với sự ích kỷ ở chỗ, sự tôn trọng bản thân thể hiện những gì bạn nghĩ, cảm nhận và cư xử theo những cách giúp bạn thực hiện được mục tiêu của mình mà không nhất thiết gây trở ngại cho người khác.
Điều đó có nghĩa là, những hành động của bạn đã cân nhắc đến cảm giác của những người xung quanh nhưng không nhún nhường và hi sinh lợi ích của mình một cách cực đoan thái quá. Đạt được trạng thái này, bạn sẽ cần có một ý thức về bản thân mạnh mẽ, sự ổn định cảm xúc và mong muốn mạo hiểm gắn bó thân mật.
Thoát khỏi bẫy cảm xúc xuất phát từ điều cơ bản của mọi trạng thái tinh thần lành mạnh: một sự yêu thương và chấp nhận bản thân vô điều kiện. Một người có những cảm xúc lành mạnh sẽ biết yêu thương bản thân, kể cả khi đứng trước những thất bại, lỗi lầm và những giới hạn của mình.
Sự hình thành của cảm xúc
Khi hỏi về nguyên nhân của sự tức giận hoặc lo lắng, thường sẽ nhận được câu trả lời liên quan đến các sự kiện không như mong đợi, những thất bại, hoặc những biến động không lường trước. Tuy nhiên, không phải sự kiện bên ngoài mà cách chúng ta đánh giá và phản ứng với chúng là yếu tố quyết định tạo ra cảm xúc.
Thuyết S-O-R cho rằng, có một Tác nhân kích thích đã tồn tại và phản ứng của chúng ta đối với tác nhân này tạo ra các cảm xúc cụ thể. Điều này cho thấy ý nghĩ, niềm tin, và thái độ của chúng ta ảnh hưởng đến cảm xúc hơn là những sự kiện bên ngoài.
Thường chúng ta nói...
“Anh ta làm tôi tức giận.”
Thay vì mô tả chính xác rằng...
“Tôi tự khiến mình tức giận với những gì anh ta làm khi tôi cứ khăng khăng đòi anh ta phải hành xử theo cách mà tôi đòi hỏi, mặc định rằng anh ta không có quyền được là chính anh ta.”
Suy nghĩ của bạn quyết định cảm xúc của bạn chứ không phải là sự kiện, tác nhân kích thích hay tình huống. Tuỳ thuộc vào quá trình suy nghĩ của bạn sẽ diễn ra như thế nào mà đưa ra kết quả là các cảm xúc tương ứng.

Ba giai đoạn tạo ra cảm xúc
Giai đoạn 1: “Sự kiện châm ngòi” xảy ra, khởi phát cho một chuỗi hành động tiếp theo. Sự kiện này không phải là nguyên nhân trực tiếp của cảm xúc, nhưng nó có thể kích thích hệ thống niềm tin, tư tưởng của bạn.
Giai đoạn 2: Giai đoạn tiếp theo là “hệ thống niềm tin” của bạn. Sự kết hợp giữa niềm tin tích cực và tiêu cực sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cảm xúc của bạn.
Giai đoạn 3: “Hiệu ứng cảm xúc” là bước thứ ba, khi bạn đánh giá lại hệ thống niềm tin và có ý nghĩa nhất định về sự kiện đã xảy ra. Nếu những ý nghĩa của bạn logic, hợp lý, bạn sẽ có một hiệu ứng cảm xúc lành mạnh; ngược lại, những ý nghĩa không hợp lý sẽ tạo ra một hiệu ứng cảm xúc mạnh mẽ và cực đoan.
Các bước kiểm soát cảm xúc
Trước khi đi vào chi tiết các nhóm cảm xúc, Daniel Rutley chia sẻ với bạn đọc các bước cơ bản để phát triển kỹ năng kiểm soát cảm xúc. Việc này không dễ dàng vì bạn cần phải thay đổi những quan niệm trước đây của mình, hãy luyện tập và thực hành thường xuyên để đem lại kết quả. Các bước mà Daniel đưa ra là:
1. Ý thức hơn về suy nghĩ của mình
Nếu các ý nghĩ là nguyên nhân chủ yếu tạo ra các cảm xúc của bạn, việc lưu ý đến các suy nghĩ của mình là điều bạn bắt buộc phải làm để kiểm soát được cảm xúc. Nếu bạn để ý kỹ ý nghĩ của mình, bạn sẽ thấy một phần logic, hợp lý và một phần phi lý. Phần phi lý này chính là nguyên nhân gây ra sự đau khổ cho bạn.
2. Tìm hiểu xem những loại ý nghĩ nào khiến bạn đau khổ
Có ba loại hệ thống niềm tin phi lý dẫn đến cảm xúc tiêu cực cho bạn là: Nài ép, Phóng đại tiêu cực và Định giá giá trị. Cuốn sách này sẽ phân tích chi tiết ba mảng đó và chỉ cho bạn cách để thoát khỏi bẫy cảm xúc mà chúng tạo ra. Tìm hiểu xem bạn đang trải qua cảm xúc tiêu cực vì loại ý nghĩ nào sẽ giúp bạn tìm được cách thoát khỏi nó.

Tranh luận, tranh cãi và từ chối tin theo các suy luận phi lý
Để thay đổi những niềm tin thiếu lý trí, bạn cần đối mặt và loại bỏ chúng một cách triệt để. Việc lấp đầy tâm trí bằng những suy nghĩ tích cực chỉ là giải pháp tạm thời vì những niềm tin này có thể lan truyền và mất tác dụng sau này.
Tuân thủ các niềm tin mới mang tính lý trí và thực tế hơn
Sau khi loại bỏ những niềm tin phi lý, bạn cần thay thế chúng bằng những niềm tin có giá trị, thực tế, và có khả năng kích thích cảm xúc tích cực mà bạn mong muốn. Quan trọng nhất, bạn cần thực hành những niềm tin mới này cho đến khi chúng trở thành phản ứng tự nhiên và tự động.
Hành động dựa trên những niềm tin mới này có lý trí
Không chỉ áp dụng trong việc thay đổi cảm xúc, mọi thay đổi khác cũng yêu cầu bạn luyện tập và thực hành thường xuyên.
Dành thời gian thực hành theo cường độ và tần suất
Khi cố gắng thay đổi cách hành xử, việc tập trung vào việc thực hiện theo cường độ và tần suất sẽ giúp bạn nhận ra tiến bộ trong việc kiểm soát cảm xúc của mình.
Vấn đề này là một phần cơ bản và quan trọng về cảm xúc mà tác giả Daniel Rutley đã nhấn mạnh trước khi bắt đầu phần chính, đó là phân tích, giải thích và đề xuất giải pháp cho những cảm xúc tiêu cực, không lành mạnh như trầm cảm, tức giận... Cuốn sách không sử dụng ngôn ngữ chuyên môn mà truyền đạt thông điệp một cách đơn giản, dễ hiểu nhất để người đọc dễ tiếp nhận.
Với cuốn sách Thoát khỏi Bẫy Cảm xúc của Daniel Rutley, bạn sẽ hiểu rõ hơn về những cảm xúc tồn tại bên trong bạn và cách kiểm soát chúng để tạo ra cảm xúc tích cực, mang lại sự hài lòng và hạnh phúc cho cuộc sống của mình.
Đánh giá chi tiết từ Khánh Huyền - MyBook
Cơ hội mua sách với giá ưu đãi tại: https://goo.gl/reoKna hoặc https://goo.gl/3wsjbo