Chúng ta luôn tự nhủ rằng cách con người sử dụng công nghệ mới là quan trọng, rằng công cụ vô tri sẽ vẫn vô tri khi bị gạt sang một bên. Tuy nhiên, chúng ta đang dần học cách tư duy của chính những công cụ mình sử dụng, hay nói cách khác, chúng ta đang trở thành những cỗ máy bằng xương bằng thịt.
Internet là một phát minh kỳ diệu và tuyệt vời, nhưng cũng gây ra những tranh cãi không hồi kết về ảnh hưởng của nó đến cuộc sống con người. Khi Internet bắt đầu phát triển mạnh mẽ, những người ủng hộ nói về một thời đại bùng nổ thông tin và chia sẻ, trong khi những người phản đối hình dung một kỷ nguyên u ám và tầm thường.
Người ta đã quá chú trọng vào nội dung mà Internet mang lại, bỏ quên cách nó tác động đến tư duy và hành vi của con người. Với vốn hiểu biết sâu rộng về công nghệ, lịch sử, văn hóa, Nicholas Carr trong 'Trí Tuệ Giả Tạo' đã chỉ ra một sự thật: Internet đang tạo ra một sự chuyển tiếp giữa hai cách tư duy khác nhau. Khi đã quen với tốc độ tìm kiếm nhanh chóng của Internet, chúng ta tư duy ngắt quãng, mất khả năng đọc sách hay đoạn văn dài. Khi những thông báo email hay Facebook vang lên trong lúc làm việc, chúng ta trở nên quen thuộc với sự gián đoạn và phân tâm. Internet cung cấp thông tin cho suy nghĩ nhưng cũng định hình suy nghĩ của chúng ta. Dù tưởng rằng mình làm chủ, công nghệ đang ảnh hưởng ngược lại, biến chúng ta thành những cỗ máy bằng xương bằng thịt.
Bộ não của chúng ta
Trước kia, người ta tin rằng bộ não sẽ biến đổi theo những gì ta trải qua và quá trình này dừng lại khi ta trưởng thành. Điều đó có nghĩa là sau thời niên thiếu, bộ não không phát triển thêm và không mất đi khả năng gì, nó trở nên cứng nhắc và “kiên cố”. Tuy nhiên, một số người cho rằng bộ não vẫn tiếp tục thay đổi theo những trải nghiệm của chúng ta cho đến khi chết, nó linh hoạt và mềm dẻo. Qua nhiều nghiên cứu khoa học, ngày nay chúng ta biết rằng ý kiến thứ hai là đúng.
'Tính mềm dẻo của bộ não giảm dần theo tuổi tác, nhưng nó không bao giờ ngừng hoạt động. Các tế bào thần kinh liên tục phá vỡ các kết nối cũ và hình thành các kết nối mới, và luôn có các tế bào thần kinh mới được tạo ra. Olds nhận định rằng 'bộ não có khả năng tự lập trình lại chính nó, thay đổi cách nó hoạt động.''
Bộ não của chúng ta không phải là một cỗ máy, mặc dù những bộ phận của nó hoạt động rất trật tự. Gen quy định các kết nối thần kinh và những khuôn mẫu hành vi trong não. Nhưng chính trải nghiệm sống của chúng ta quyết định tính bền vững của những kết nối đó, hay nói cách khác, chúng có khả năng tái định hình và tạo ra những khuôn mẫu mới.
Tính mềm dẻo của bộ não giúp chúng ta thích nghi với những thay đổi của môi trường và sinh lý. Tuy nhiên, tính mềm dẻo này cũng là lý do công nghệ có thể tác động sâu sắc đến não bộ. Thói quen, dù xấu hay tốt, đều có khả năng thay đổi các kết nối thần kinh. Những kết nối được sử dụng thường xuyên sẽ mạnh mẽ hơn, còn những kết nối ít được dùng sẽ yếu đi, nhường chỗ cho những kỹ năng mới. Như vậy, 'kẻ sinh tồn' sẽ là 'kẻ bận rộn' nhất.
Công nghệ ảnh hưởng thế nào đến tư duy?
Trong 'Trí Tuệ Giả Tạo', Nicholas Carr chia công nghệ thành bốn nhóm dựa trên tác động của nó tới khả năng của con người. Một nhóm giúp tăng cường thể chất và sự khéo léo. Nhóm thứ hai mở rộng biên độ và độ nhạy bén, như kính hiển vi và máy khuếch đại. Nhóm thứ ba cho phép chúng ta biến đổi tự nhiên để phục vụ nhu cầu của mình, như thực vật biến đổi gen và bể chứa nước. Nhóm cuối cùng gồm những công cụ tăng cường sức mạnh trí tuệ, phân loại thông tin, trình bày ý tưởng, khả năng ghi nhớ, đong đếm và chia sẻ kiến thức. Tác giả đã phân tích hai ví dụ tiêu biểu là bản đồ và đồng hồ trong bảy trang.
Nhóm công nghệ thứ tư có tác động sâu sắc nhất đến cách chúng ta nghĩ và tư duy. Khi một công nghệ tri thức trở nên phổ biến, người ta thường chỉ chú ý đến giá trị sử dụng của nó mà không nhận thấy cách tư duy của chúng ta thay đổi. Ví dụ, chiếc đồng hồ được phát minh để biết chính xác thời gian. Ban đầu, đồng hồ mặt trời và đồng hồ nước có độ chia lớn, con người chỉ chia hoạt động theo giờ hay nửa giờ. Khi đồng hồ được cải tiến, con người có thể biết chính xác đến từng phút, từng giây, và hoạt động cũng được sắp xếp chi tiết hơn. Sự tranh luận về vai trò của công nghệ trong việc định hình nền văn minh đã kéo dài hàng thế kỷ.
Karl Marx đã chia sẻ quan điểm này khi viết: 'Cối xay gió tạo ra xã hội địa chủ phong kiến; máy hơi nước tạo ra xã hội nhà tư bản công nghiệp.' Ralph Waldo Emerson còn quả quyết hơn: 'Đồ vật đang nắm quyền/ Con người bị sai khiến'. Vai trò của chúng ta là sản sinh ra nhiều công cụ phức tạp hơn nữa - để 'thụ thai' cho máy móc như ong thụ phấn cho cây hoa – cho đến khi công nghệ đạt khả năng tự tái sản xuất. Lúc đó, sự tồn tại của chúng ta sẽ không còn cần thiết.
Tất nhiên, chúng ta có quyền lựa chọn công cụ và cách sử dụng chúng. Nhưng thật khiên cưỡng khi nói rằng mình quyết định dùng đồng hồ hay Internet, như thể có thể lựa chọn không dùng chúng. Việc sử dụng công nghệ sẽ tăng cường một số mạch thần kinh và làm yếu đi một số mạch khác. Mạch thần kinh nào mạnh hay yếu phụ thuộc vào công nghệ chúng ta dùng, hay có thể nói, công nghệ đang thay đổi và định hình bộ não theo cách tư duy của nó.
Sách và sự ảnh hưởng của Internet đến việc đọc sách
Các giác quan của chúng ta rất nhạy bén với sự thay đổi, giúp tránh bị tấn công bất ngờ và phát hiện nguồn thức ăn. Việc đọc sách đòi hỏi sự tập trung, tránh xao nhãng và tạm quên đi xung quanh. Trong không gian tĩnh lặng, người đọc sẽ tạo ra các liên hệ, suy luận, tưởng tượng và cảm xúc bên trong. Một nghiên cứu tại Đại học Washington chỉ ra rằng, vùng não được kích hoạt khi đọc trùng với vùng não sử dụng khi chúng ta làm những điều tương tự trong thực tế. Độc giả khắt khe với con chữ đòi hỏi nhà văn phải khắt khe với luận điểm và từ ngữ trong tác phẩm.
Nicholas Carr cho rằng sách là phương tiện chống lại sự ảnh hưởng của Internet nhiều nhất, nhưng cũng không thể thoát khỏi sức mạnh này do sự phát triển của thiết bị đọc điện tử. Sự thay đổi từ sách sang thiết bị này có thể dẫn đến thay đổi trong cách đọc và cách viết. Người đọc bị bao quanh bởi các liên kết, tính liền mạch không còn nguyên vẹn, lo sợ rằng chúng ta sẽ đọc chỗ này một ít, chỗ kia một ít như đọc tạp chí. Nhà văn thay vì tập trung vào cảm xúc của người đọc, giờ phải nghĩ cách để từng trang, từng chương lọt vào kết quả tìm kiếm của Google. Báo, tạp chí phải thay đổi hình thức để đem lại cảm giác như lướt web, rút ngắn bài báo để phù hợp với độc giả quen với việc đọc trên Internet.
Internet và tác động đến bộ não
Internet đã thay thế nhiều phương tiện truyền thông trong lịch sử như máy in, truyền hình, phát thanh và thư tín. Nhưng điều đặc biệt làm Internet vượt trội hơn là tính hai chiều: cho phép gửi, nhận, trao đổi thông tin, tải lên và tải xuống.
Văn bản xuất hiện khắp các trang web và chúng ta dành nhiều thời gian cho việc đọc. Mặc dù từ ngữ trên màn hình máy tính và trên giấy in là như nhau, nhưng trải nghiệm đọc lại khác biệt. Tính tương tác, siêu liên kết, khả năng tìm kiếm và đa phương tiện làm Internet hấp dẫn, nhưng đồng thời cũng khiến ta sao nhãng và mất đi sự tập trung có được khi đọc sách giấy.
Với nhiều dẫn chứng chi tiết và nghiên cứu khoa học, tác giả cho rằng Internet kích thích thần kinh mạnh hơn, thu hút mọi giác quan - trừ vị giác và khứu giác, như bài tập thể dục cho não bộ. Nếu đọc sách giảm mong muốn kích thích của não, thì Internet đưa ta trở lại trạng thái phân tâm tự nhiên.
Tuy nhiên, Nicholas Carr viết:
“Chính vì việc đọc sách “giảm các kích thích giác quan” nên hoạt động này có lợi cho trí óc. Đọc sâu giúp loại bỏ phiền nhiễu, tạo không gian yên tĩnh cho chức năng giải quyết vấn đề của thùy trước, do đó đọc sâu là một dạng tư duy sâu. Trí óc của người đọc sách lão luyện luôn điềm tĩnh, không nhốn nháo. Khi nói về kích thích tế bào thần kinh, cho rằng nhiều hơn là tốt hơn là một sai lầm.”
Qua các nghiên cứu về cách thức hoạt động của bộ não, ông chỉ ra rằng chúng ta đang tiếp nhận thông tin quá tải, làm giảm khả năng đọc hiểu sâu. Chúng ta đọc lướt thông tin, liên tục chuyển hướng và mong muốn bị ngắt quãng bởi thông báo. Chúng ta khao khát thông tin mới, tiếng báo email, Facebook,..., dù biết rằng những thông tin mới thường tầm thường và không cần thiết.
Những thay đổi trong cách chúng ta đọc tất yếu dẫn đến sự thay đổi trong lối tư duy. Các dây thần kinh dùng để đọc lướt và đa nhiệm ngày càng mạnh mẽ, trong khi những liên kết dùng cho việc đọc hiểu sâu, tập trung bền bỉ đang suy yếu.
“Những chức năng thần kinh thua cuộc trong trận chiến “ai bận rộn nhất thì sống” là những chức năng hỗ trợ suy nghĩ tuần tự, bình tĩnh… Kẻ chiến thắng là những chức năng giúp ta nhanh chóng xác định, phân loại và đánh giá các mẩu thông tin đa dạng, giúp duy trì tinh thần khi bị quá tải bởi các tác nhân kích thích. Điều này không phải ngẫu nhiên khi những chức năng này tương tự như máy tính, được lập trình để nhanh chóng truyền tải dữ liệu ra vào bộ nhớ. Một lần nữa, chúng ta dường như đang học tập các đặc tính của một công nghệ trí tuệ mới phổ biến.”
Trí tuệ nhân tạo
Máy tính và Internet khiến chúng ta cảm thấy mình thông minh hơn. Chúng ta có thể tìm kiếm thông tin bất cứ lúc nào, với tốc độ nhanh chóng và dữ liệu khổng lồ. Nhưng có thật sự chúng ta đang trở nên thông minh hơn? Những tri thức mà chúng ta có liệu có phải là tri thức mà bộ não chúng ta sở hữu? Cuốn sách Trí tuệ giả tạo sẽ mang đến một câu trả lời mở, với những tư tưởng sắc bén và chứng cứ khoa học, đây là một phần của cuộc tranh luận không có hồi kết về sức mạnh và mối nguy của Internet, của công nghệ đối với cuộc sống con người.
Tác Giả: Khánh Huyền - MyBook