Bao nhiêu lần bạn định dậy sớm nhưng lại tắt chuông và ngủ tiếp? Bao nhiêu lần bạn dự định học ngoại ngữ nhưng lại gấp sách lại vì nghĩ rằng còn nhiều thời gian? Bao nhiêu lần bạn hứa sẽ tập thể dục nhưng lại nhanh chóng quên đi?
Tôi tin là rất nhiều lần. Con người thường ngại khó và tìm đến những điều đơn giản hơn. Nhưng chúng ta có bao nhiêu lần 60 năm cuộc đời để trì hoãn, bỏ cuộc? Cuộc sống có ý nghĩa gì nếu không nỗ lực hết mình, sống như ngày mai sẽ chết? Đây là thông điệp Ngô Mục Thiên muốn chia sẻ trong cuốn sách này.
Từ bỏ thì sao? Việc tự quản lý bản thân có thực sự cần thiết không?
Có một câu chuyện ngụ ngôn rằng: Mọi người thường giẫm lên bậc đá để lạy tượng Phật trong miếu. Bậc đá cảm thấy bất công và than phiền với tượng Phật rằng: “Chúng ta đều từ một mỏ đá mà ra, tại sao người ta luôn giẫm tôi dưới chân mà lại quỳ lạy người?”
Tượng Phật mỉm cười và nói: “Vì ngươi không được khắc tạc. Khi người ta khắc tạc, ngươi dễ dàng vỡ ra vì sợ đau. Còn ta, dù đau đớn với ngàn vạn vết cắt, nhưng ta chịu được, nên người ta mới tạc ta thành tượng Phật.”
Trưởng thành là như vậy, từ bỏ thì dễ nhưng vượt qua chính mình mới khó.
Con người là kết quả của những mối quan hệ xã hội. Chúng ta không tồn tại độc lập mà gắn kết với người khác. Có những việc cần sự hợp tác, nhưng cũng có những việc chỉ bản thân mình mới làm được. Trưởng thành là một trong những việc như vậy. Người khác dù tài giỏi hay thúc ép bạn đến đâu, họ cũng không thể trưởng thành thay cho bạn.
Sự trưởng thành của bạn không ai có thể thay thế! Như việc ăn uống, cha mẹ hay giáo viên không thể ăn thay bạn khi bạn đói, hay mặc áo ấm thay bạn khi bạn lạnh. Chỉ bạn mới có thể làm điều đó cho chính mình.
Vì vậy, thay vì chờ người khác thúc ép, tại sao không tự quản lý bản thân?
Từ bỏ thì dễ, vượt qua chính mình mới khó là cuốn sách không chỉ nhấn mạnh giá trị của tự quản lý bản thân mà còn đưa ra các phương pháp hiệu quả để thực hiện điều đó. Những trải nghiệm của tác giả Ngô Mục Thiên, một sinh viên ưu tú của đại học Purdue - cái nôi của ngành hàng không vũ trụ, được chia sẻ trong sách. Từ một học sinh thiếu tinh thần tự giác đến sinh viên xuất sắc, câu chuyện của Ngô Mục Thiên rất chân thực và hấp dẫn.
Bạn có thể đọc cuốn sách này khi thực sự muốn, đọc chậm rãi và suy ngẫm, không cần phải đọc hết ngay. Hãy thưởng thức cuốn sách, theo dõi câu chuyện trưởng thành của Ngô Mục Thiên và từ đó rút ra bài học cho bản thân. Đọc khi bạn cảm thấy mất phương hướng, không biết bắt đầu từ đâu hay tiếp tục như thế nào. Và đọc vì đây là một cuốn sách hay.
“Cuốn sách bồi dưỡng tinh thần tự giác và kỹ năng tự lập tốt nhất cho thanh thiếu niên...”
Từ bỏ thì dễ, vượt qua chính mình mới khó được chia thành 4 chương, ba chương đầu là những kinh nghiệm cá nhân của tác giả, chương cuối tập trung vào phương pháp giúp thanh thiếu niên tự quản lý bản thân một cách toàn diện.
Chương 1: Học cách tự quản lý bản thân, tận hưởng trái ngọt của sự trưởng thành.
Điều gì đã khiến tác giả từ chỗ không thích, thậm chí ghét, đến yêu thích việc quản lý bản thân? Những yếu tố nào đã ảnh hưởng đến Ngô Mục Thiên? Đây là những gì anh ấy trình bày trong phần này.
Chỉ cần bạn dám thách thức bản thân, bạn chắc chắn sẽ đạt được thành công.
Từ bỏ chỉ cần một giây, kiên trì cần cả một đời.
Lòng kiên trì giống như khi bạn leo từng bước trên vách đá dựng đứng, rất mệt mỏi và cần nhiều thời gian, nỗ lực không ngừng nghỉ; nếu muốn từ bỏ thì vô cùng dễ dàng, chỉ cần buông tay. Tuy nhiên, cái giá phải trả không chỉ là công sức trở nên vô ích, mà còn có thể rơi xuống vực thẳm. Con người luôn muốn thỏa hiệp vì cái giá của kiên trì là sự mệt mỏi và khó khăn. Từ bỏ rất dễ dàng, chỉ cần một giây là đủ. Nhưng khi từ bỏ rồi, mọi nỗ lực trước đây đều vô nghĩa. Do đó, khi ý nghĩ từ bỏ xuất hiện, tuyệt đối không để nó lấn át.
Có một bức tranh rất thú vị: hai người cùng đào hầm tìm báu vật. Một người đào đến cách kho báu một bước chân nhưng nản chí, quay về; còn người kia dù cách khá xa nhưng vẫn dốc sức đào không ngừng. Dưới bức tranh có dòng chữ “Khi muốn từ bỏ, sao không nghĩ xem bạn đã kiên trì thế nào để đến hôm nay?”
Rõ ràng, khác biệt lớn nhất giữa người với người không chỉ ở tài năng mà còn ở sự nỗ lực. Thành quả hôm nay là do bạn đã nghiêm túc đầu tư cho việc mình muốn làm đến đâu.
Ba khẩu quyết quan trọng để tự quản lý bản thân
1. Mục đích của ta là gì? Câu hỏi này nhắc nhở rằng cần phải có mục đích, phương hướng phấn đấu. Có 2 yêu cầu: mục tiêu phải rõ ràng và thứ hai là phóng to mục tiêu rồi truyền cho nó tình cảm mãnh liệt nhất.
2. Hiện tại ta đang làm gì? Điều này yêu cầu liên tục kiểm tra hành động của mình, vì mỗi hành động đều ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích của chúng ta.
3. Những việc đang làm có giúp ích gì cho mục tiêu của chúng ta không? Đây là điều cần xác định rõ ràng: việc nào giúp hoàn thành mục tiêu, việc nào cản trở. Đối với việc có ích, ta dùng phép cộng; ngược lại, đối với việc không có ích, ta dùng phép trừ.
Chỉ khi quản lý tốt bản thân, chúng ta mới có thể quản lý tốt mọi việc. Quản lý bản thân bắt đầu từ việc quản lý những suy nghĩ trong hiện tại.
Chương 2: Thu hoạch từ cuốn nhật ký tự quản lý bản thân
Trong chương hai, tác giả chia sẻ một phương pháp đặc biệt hiệu quả - viết nhật ký tổng kết tự quản lý hàng ngày. Từ tháng 4 năm 2011, anh kiên trì viết ra suy nghĩ, tổng kết lại những việc đã qua, và đến hết kỳ nghỉ hè năm 2012 thì được hơn 300 nghìn chữ.
Tổng kết mỗi ngày có lợi ích gì?
Ngô Mục Thiên đưa ra quan điểm thú vị: “Thất bại là mẹ thành công, tổng kết là cha thành công.” Anh cho rằng:
Trong cuộc sống, ai cũng có thể thất bại, nhưng chỉ thất bại thôi thì không đủ để tạo nên một người thành công. Để thành công, bạn cần tự hỏi mình vì sao thất bại và rút ra bài học để tiến bộ hơn trong lần sau.
Hơn nữa, không chỉ rút kinh nghiệm từ thất bại của bản thân mà còn từ sai lầm của người khác để tránh mắc phải.
Làm sao để viết tổng kết mỗi ngày?
1. Lời nói đầu: Sử dụng từ ngữ ngắn gọn, súc tích để khái quát lại nội dung chính trong ngày.
2. Tình hình thực hiện kế hoạch ngày hôm qua: Ngày đầu tiên không có, nhưng từ ngày thứ hai trở đi, phải hồi tưởng lại chi tiết tình hình thực hiện kế hoạch của ngày trước đó để tránh gián đoạn.
3. Thu hoạch trong ngày: Những thành tích nổi bật hoặc những gợi mở tích cực từ các hoạt động trong ngày.
4. Bài học kinh nghiệm: Nhận ra điều rút ra từ những sai lầm của bản thân và người xung quanh trong ngày.
5. Lập kế hoạch cho ngày mai: Sắp xếp các công việc cần làm vào ngày hôm sau.
Chủ động mọi lúc mọi nơi, thể hiện sự ảnh hưởng và khả năng lãnh đạo trong tập thể. Chủ động là chiếm được sự đồng tình của mọi người trong thời gian ngắn nhất. Dù trong công việc hay cuộc sống, chúng ta luôn tiếp xúc với môi trường và con người mới. Để thích ứng nhanh chóng và nhận được sự công nhận, quan trọng nhất là phải chủ động, thấy việc là làm. Ngược lại, nếu không chủ động, không ai biết đến bạn. Thế giới có nhiều người tài năng nhưng cũng có nhiều người bị lãng quên vì không biết chủ động thể hiện. Cổ nhân nói “hữu xạ tự nhiên hương” nhưng trong xã hội hiện đại, nếu không bộc lộ tài năng thì khi “tự nhiên hương” cũng đã quá muộn, người khác đã thành công trước bạn.
Cuối cùng, tác giả muốn chúng ta ghi nhớ một quy luật quan trọng:
Chủ động đứng đầu, bị động xếp thứ hai, bất động ở cuối.
Chương 3: Cảm nhận sâu sắc về việc quản lý bản thân để tiến bộ.
Trái ngược với hai phần trước, chương ba chủ yếu là hành trình trải nghiệm của tác giả, những bài học mà anh học được từ cuộc sống hàng ngày. Ở phần này, cuốn sách dường như trở thành một cuốn nhật ký ghi lại câu chuyện của tác giả chứ không chỉ là một cuốn sách về kỹ năng.
Một số bài học mà chúng ta có thể rút ra là:
1. Sau sự vĩ đại là những nỗ lực đau khổ
Muốn trở thành người thành công, chúng ta cần phải làm những điều khác biệt. Khi hầu hết mọi người đang thư giãn và tận hưởng cuộc sống, có một số người chủ động lựa chọn khó khăn và nỗ lực để tự cải thiện bản thân. Những người đó sẽ tỏa sáng với ánh hào quang khiến người khác phải ngưỡng mộ.
2. Dao sắc không bao giờ bén bằng bông
“Kiếm chỉ sắc nhờ mài, hoa chỉ thơm nhờ gió lạnh”, một người đấu tranh trong hoàn cảnh khắc nghiệt, nhất định sẽ đạt được thành công hơn so với những người ở trong môi trường thoải mái. Môi trường dễ chịu không chỉ khó để phát triển mà còn làm cho con người trở nên yếu đuối. Sự trưởng thành đến từ sự khẳng định, sự mạnh mẽ đến từ những khó khăn, và thành công đến từ sự nỗ lực không ngừng nghỉ.
3. Trong lòng tồn tại ánh sáng mặt trời, niềm vui sẽ tự nhiên đến
Vận may của mỗi người luôn liên quan mật thiết đến thái độ sống. Sở hữu một thái độ tích cực, vận may của bạn sẽ luôn tỏa sáng. Đắm chìm trong thái độ tiêu cực, vận may sẽ trở nên tối tăm. Muốn chiếu sáng cả thế giới, bạn cần phải sở hữu ánh sáng trong lòng.
4. Người thông minh càng phải cố gắng gấp đôi
Khả năng trí tuệ không định đoạt sự xuất sắc của một người, nhưng sự nghiêm túc và cố gắng có thể thay đổi số phận của họ.
5. Ngàn lần bình tĩnh hơn ngàn lần nóng giận
Sự trưởng thành đòi hỏi phải trải qua nhiều cuộc đấu tranh. Sự trưởng thành cần những phản hồi mang tính xây dựng. Do đó, mặc dù có thể gặp phải phản đối và chỉ trích, nhưng không phải lúc nào cũng là điều xấu, bởi nó có thể thúc đẩy bạn phát triển, cải thiện bản thân và trở nên mạnh mẽ hơn.
6. Từ bỏ chỉ là thất bại khi bạn dừng lại
Khi muốn từ bỏ nhất, đó chính là lúc bạn không nên từ bỏ nhất. Việc từ bỏ chỉ mất một phút, nhưng kiên nhẫn lại cần cả đời. Dù việc kiên nhẫn không dễ dàng, nhưng chỉ có như vậy chúng ta mới có cơ hội để thể hiện bản thân.
Chương 4: Học cách tự quản lý bản thân trên bảy khía cạnh
Tự quản lý bản thân là một hành trình dài và đầy thách thức. Chỉ có ý chí và mong muốn quản lý bản thân không đủ, chúng ta cần phải tìm ra những phương pháp hiệu quả. Trong cuốn sách này, tác giả đã chỉ ra bảy khía cạnh quan trọng bao gồm:
1. Quản lý tốt thái độ từ việc phải học thành việc muốn học
2. Quản lý tốt an toàn: luôn tránh xa khỏi nguy cơ
3. Quản lý cảm xúc một cách hiệu quả: nói lời chào tạm biệt với những cảm xúc tiêu cực
4. Quản lý mong muốn một cách có trách nhiệm: từ chối những cám dỗ tiêu cực
5. Quản lý ngôn từ một cách khôn ngoan: suy nghĩ kỹ trước khi nói
6. Quản lý hành động một cách thông minh: học hỏi từ những hành động của những nhân vật xuất sắc
7. Quản lý mối quan hệ giao tiếp một cách thông thái: hiểu biết sâu sắc về tính cách con người, sẽ giành chiến thắng trong mọi mối quan hệ.
Đây là phần rất toàn diện và đặc biệt có tính ứng dụng cao. Bạn có thể áp dụng vào mọi tình huống cụ thể và đồng thời dựa trên nhu cầu và điểm yếu của bản thân để đọc hoặc nghiên cứu một cách có hiệu quả.
Tạm biệt
Việc từ bỏ có thể dễ dàng, nhưng vượt qua chính bản thân mới thực sự khó khăn, như lời của Ngô Mục Thiên đã để lại nhiều suy tư về ý chí, lòng quyết tâm và nghị lực trong cuộc sống. Sự trưởng thành không phải là một quá trình đơn giản. Hy vọng rằng trong những cuộc chiến với bản thân để trưởng thành, cuốn sách nhỏ này sẽ trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy giúp bạn vững bước thực hiện những khát vọng của mình. Bởi nếu chính bản thân không thể vượt lên được, thì làm sao có thể chinh phục được thế giới bên ngoài?
Tác giả: Thu Thảo - MyBook