
Chỉ vào lúc sinh mệnh ngắn lại, ta mới thấy trân trọng mọi khoảnh khắc cuộc đời mà ta có được.
Hạnh cuốn sách là lời kể của một linh hồn cô gái tên Hạnh. Kể về chính cuộc sống dương gian mà cô đã trải qua, khó khăn và đầy nước mắt. Giọng kể đều đều, lạnh lẽo của một hồn ma đưa độc giả như cùng sống lại với cô, những cảm xúc thật sự của một con người đang kể lại những sự việc như vừa xảy ra ngày hôm qua.
Tôi đang lơ lửng trên trần phòng bệnh. Rất nhẹ! Rất yếu! Tôi vừa thoát ra từ cơ thể còn nằm dưới kia.
Xuyên suốt câu chuyện, người đọc luôn thấy được sự kiên cường, mạnh mẽ cũng có đôi lần yếu đuối nhưng vẫn đầy niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống vào tình yêu, không khi nào con người này nghĩ đến chuyện “từ bỏ” cuộc sống một cách dễ dàng. Từ một cô bé Hạnh luôn tự ti với quá khứ của chính gia đình và bản thân cho tới người phụ nữ trưởng thành và hai lần lận đận trong chuyện lập gia đình cũng không làm vơi bớt niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, vào tình yêu trong con người cô. Luôn tồn tại một cô gái tên Hạnh mà chính cô đến khi hồn lìa khỏi xác, cô vẫn tin rằng chữ “hạnh” tên mình là hạnh trong hạnh phúc chứ không phải bất hạnh.
Tuổi thơ của Hạnh
Hạnh trải qua một tuổi thơ khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, không đẹp đẽ như những đứa trẻ khác. Trước đó, gia đình Hạnh có bố, có mẹ, cũng rất hạnh phúc nhưng sau đó có thêm em trai, cuộc sống không được bình yên như vậy nữa.
Cũng như tất cả bố mẹ khác trên đời, tối nào hai người cũng hỏi tôi: 'Yêu bố hơn hay yêu mẹ hơn?', tôi nói tôi yêu cả hai người, bố vờ đánh mẹ, mẹ kêu a a, giả khóc, tôi lao vào đẩy bố ra, sợ đến nỗi bản thân cũng khóc theo. Bố mẹ nhìn nhau bật cười.
Sau khi có thêm Phúc, em trai của Hạnh, cuộc sống không được bình yên như vậy nữa. Nhiều hơn những trận cãi vã nho nhỏ về chuyện kinh tế, vì lương không đủ mua thịt mua cá, vì con ốm, con ho, con sốt. Dần dần những trận đấu khẩu của hai người nhiều hơn, ngay cả khi kinh tế gia đình mỗi ngày một khá giả thì số lượng cũng như độ trầm trọng của những cuộc cãi vã giữa hai ông bà ngày càng tang.
Tôi thích những ngày tháng vui vẻ trong căn nhà nhỏ mái lá chuột hơn là những căn nhà gạch mái bằng khang trang nhưng đầy cãi vã của bố mẹ. Vào năm tôi 14 tuổi, họ đã ly thân nhưng không ly dị, nhưng thà họ ly dị còn hơn đầy bi kịch khiến cuộc đời hai chị em tôi phủ mờ một màu ám ảnh.
Cô bé Hạnh đã phải khó khăn để trải qua nỗi khiếp sợ của tuổi thơ, những ám ảnh vẫn mãi theo cô đến khi trưởng thành, lập gia đình. Sự xâm hại tình dục đã làm tổn thương sâu sắc tâm hồn của cô bé, khiến cô trở nên ngỗ ngược, hỗn láo. Cho tới khi trưởng thành, cô vẫn sợ cảm giác va chạm với người khác giới.
Khi tôi có con, tôi cũng vô cùng cảnh giác không để con thân mật với ai trừ bố mẹ, ông bà. Tôi sợ những gì xảy ra với tôi có thể lặp lại trên thân thể con bé. Thậm chí với bố nó, bố ruột của nó, tôi cũng không cho anh ta nằm ngủ cạnh nó.
Nhiều đó đủ khiến con người mặc cảm, sống khép kín hơn với chính mình, mặc cảm với hoàn cảnh gia đình, mặc cảm về câu chuyện khó nói của bản thân. Hạnh bị mang tiếng một con bé chảnh trong mắt mọi người, nhưng điều cô quan tâm nhất là phải tìm cách kiếm nhiều tiền và quyết định “đâm đầu” vào học.
Cuộc cãi vã của bố mẹ khiến tôi nhận ra quan trọng là phải có nhiều tiền để trả nợ nần và mua nhà cho mọi người sống ở hai nơi khác nhau. Tôi lao vào học có chút điên cuồng với niềm tin rằng muốn kiếm nhiều tiền phải học thật giỏi.
Hạnh “chảnh” đã rung động trước anh trai cô bạn Thư mà Hạnh dạy kèm, anh chàng đã khiến cô thầm lặng yêu điên dại. Hạnh đắm đuối mỗi khi anh tủm tỉm cười, phát hiện lỗi trong lần học chung với Thư. Từ thần tượng, thích, những lần chat Yahoo, sự quan tâm của Nam khiến Hạnh càng có tình cảm đặc biệt với anh.
Từ khi phát hiện thích Nam, tôi không bao giờ mơ hão huyền trở thành nàng dâu trong gia đình anh, vì tôi biết bố mẹ anh sẽ chẳng bao giờ chấp thuận. Hạnh luôn giữ kín trong lòng, không ai biết bởi phần tự ti trong cô và luôn nghĩ cô không xứng đáng với anh.
Nhưng cả hai dường như biết giữa họ có một khoảng cách. Họ chat với nhau trên Yahoo mỗi tối, nhưng chưa bao giờ thể hiện tình cảm trong những tin nhắn. Giữa họ có sự thân thiết bất thường nhưng lại quá khách sáo và lịch sự nếu nói tới tình cảm.
Nam quan tâm đến từng sắc thái, tâm trạng của Hạnh hơn cô nghĩ. Nam luôn tìm cách rút ngăn khoảng cách giữa họ nhưng Hạnh không cho phép. Cô luôn suy nghĩ về sự đánh mất trong sáng, thuần khiết của tình yêu nếu họ công khai.
Hai đứa vẫn giữ liên lạc thường xuyên, chuyện gì cũng nói trừ chuyện tình cảm. Nửa năm sau khi Nam có bạn gái, Hạnh cố lao đầu vào học và làm việc để bận rộn, xua đuổi ý nghĩ lởn vởn quanh hàng internet.
Yêu thầm một người khi người ta đã có đôi, khiến tôi hổ thẹn như đang làm một việc mất mặt. Cảm giác đó khiến tôi mất ngủ, chỉ sợ bị phát giác như ăn trộm bị bắt quả tang.

Hạnh dùng nick ảo để viết những bài thơ giải tỏa nỗi nhớ tới Nam trên diễn đàn của cô.
Yêu thương anh em gửi cả nhà băng, để mỗi phút lãi thêm bội phần nhớ. Nếu em đòi chắc ngân hàng phải nợ.
Để mỗi phút lãi thêm bội phần nhớ, nếu em đòi chắc ngân hàng phải nợ.
Nếu em đòi chắc ngân hàng phải nợ, để mỗi phút lãi thêm bội phần nhớ.
Trả sao cho đủ nỗi vô bờ không tên.
Em cũng chẳng định đòi…
Thậm chí còn muốn gửi vào thêm.
Nhưng nhà băng nhất quyết không nhận thêm nữa.
Chẳng gói ghém nổi để em bay trong gió.
Tràn cả ra biển cho sóng đánh xô đi…
Đẹp là thế, lãng mạn là thế, trong sáng và thuần khiết đến vậy nhưng hai người chưa bao giờ thuộc về nhau đúng nghĩa. Có lẽ với những người yêu nhau, họ nghĩ về nhau là đủ nhưng nếu không là của nhau thì cũng chẳng trọn vẹn một mối tình.
‘’Hạnh’’ trong hạnh phúc hay là bất hạnh?
Tiến, người chồng đầu tiên và cũng là cái cớ giúp Hạnh quyết định chấm dứt chuyện tình không có hồi kết với Nam. Tiến là một trong những ‘’cây si’’ theo đuổi cô gái Hà Nội ‘’chảnh chó kiêu kỳ’’ thời hai người còn đang học Đại học. Lấy Tiến cũng chỉ là cái cớ để Hạnh chấm dứt với Nam. Không có tình cảm, nhưng vì Tiến đã quá nhiều lần trả nợ giúp gia đình cô, không thể nào không khiến cô suy nghĩ, mà kể cả cô không suy nghĩ thì cách Tiến đến nhà cô và trả giúp bố mẹ cô nhiều món nợ đã được đồn ầm khắp phố rằng Tiến là người yêu của Hạnh rồi. Hạnh miễn cưỡng mình chấp nhận tình cảm của Tiến, cô nghĩ đã đến lúc chấm dứt với Nam, cô chọn thời điểm này. Không còn lúc nào thích hợp hơn, tính ra Tiến cũng theo đuổi cô cũng khá lâu rồi, bốn năm Đại học. Mặc dù, trong thời gian đó, cô cũng được bạn bè kể lại, Tiến có qua lại với nhiều cô gái khác nữa. Nhưng xét cho cùng, Tiến có ham vui, ham chơi nhưng để cưới người làm vợ anh ta vẫn chỉ chọn cô, vẫn kiên trì theo đuổi cho dù cô không để ý tới tất cả việc anh làm cho cô và gia đình cô.
Tiến cũng chẳng có gì xấu cả, dù sao anh ấy cũng yêu chị, người ta chả bảo con gái nên lấy người yêu mình sao. Xét về gia cảnh cũng môn đăng hộ đối. Hơn nữa Tiến biết hết những chuyện không hay trong nhà mình mà anh ấy cũng chẳng chê bai gì cả, người tốt đấy chứ, đâu phải ai cũng làm được.
…
Tôi đã lờ đi tất cả, mặc kệ cho mọi chuyện bị đẩy đi quá xa. Vậy thì lỗi này chẳng phải của ai khác, bản thân tôi nên chịu trách nhiệm, nếu bây giờ tôi nói ‘’Em không yêu anh, hãy để em yên, đi tìm người khác đi’’ thì tôi thật là khốn nạn…
Sau khi suy nghĩ và phân tích một lúc, tôi chỉ biết thở dài. Thực sự đã không còn cách nào khác, chỉ còn cách thử một lần nữa, lao vào cuộc sống này, kết hôn sinh con, chắc chắn sẽ ổn thôi. Và đến lúc này, cũng đã đến lúc phải quên một người. Đến lúc rồi…
Tưởng rằng sẽ yên bình. Nhưng sóng gió lại đến với Hạnh. Tiến đã quá quen với cuộc sống được bố mẹ nuông chiều, nên anh ta không phải làm gì vất vả cả. Trước khi, Hạnh về làm dâu trong gia đình, phụ thuộc vào việc bán xôi và phở sáng chiều của mẹ Tiến ở đầu ngõ, bố của Tiến bị bệnh nên chỉ giúp cho mẹ Tiến ít việc vặt, còn Tiến, công việc của anh ta chẳng bao giờ tới đâu. Giờ có thêm Hạnh, thu nhập của cả gia đình đều giao trọng trách lên đôi vai của hai người phụ nữ. Thật là đau lòng!
Không chỉ thích chơi, thích vui mà Tiến còn thích thú với xác thịt, điều này khiến cho người như Hạnh, sợ va chạm, có cảm giác như cô đang sống cùng một người không phải là chồng của mình. Mỗi lần như vậy, cô đều sợ hãi và ngần ngại trước bố mẹ chồng, vốn đang nằm cách phòng vợ chồng cô chỉ với một tấm vách mỏng. Không lâu sau, Hạnh mang thai và có Thương. Biết tin vợ chồng cô sắp có em bé, bố Tiến vui mừng bấy nhiêu thì tới khi Thương ra đời, ông hụt hẫng bấy nhiêu, bởi ông luôn muốn có một cháu trai để nối dõi tông đời, Tiến là con một. Ông vẫn thương cháu nhưng cũng có chút hờ hững.
Có thêm một người, gia đình thêm một lo lắng. Tiến giờ phải làm thêm nhiều hơn để có tiền mua sữa cho con, lo lắng cho gia đình. Hạnh sau khi sinh con, cũng nhanh chóng trở lại công việc để trang trải cuộc sống, không thể để cho mẹ Tiến đã già phải làm việc vất vả như vậy để nuôi con trẻ. Biết rằng, bà rất thương con, thương cháu nhưng không thể để bà lo hết cả nhà được.
Tiến làm việc chăm chỉ hơn, kiếm tiền chăm chỉ hơn. Hạnh cũng bớt lo lắng một phần. Nhưng một người như Tiến, trước đây thích chơi như vậy mà bây giờ lại chịu khó kiếm tiền để nuôi gia đình, cũng không khỏi khiến người khác nghi ngờ. Đặc biệt là trước khi có Thương, mỗi tháng đều đặn, chỉ trừ có ngày cô ‘’đèn đỏ’’ Tiến mới tha cho cô, thì giờ anh không còn ham muốn đó với Hạnh nữa. Cô nghĩ chắc anh mệt, cô cũng cảm thấy nhẹ nhõm. Sau nhiều lần, cũng khiến Hạnh nghi ngờ cho tới lần cô được người báo tin Tiến đang ở chỗ một cô gái lạ. Hạnh tới đó khi đang mang thai Thương, bụng bầu lớn, đi lại khó khăn nhưng linh tính của một người phụ nữ đã mách bảo cô nên tới đó, có chuyện không hay xảy ra. Quả thật là như vậy, Tiến có người phụ nữ khác ở bên ngoài, Hạnh nhìn thấy họ tay trong tay, cười nói. Ba cặp mắt gặp nhau, chết đứng. Hạnh, mặc cho cái bụng bầu nghễu nghện, di chuyển rất chậm chạp, nhưng lúc đó cô như bay, mặc cho mưa xối xả, trút lên đầu, táp vào mặt… cô bước nhanh về phía chiếc taxi gần đó.
Cả cơ thể tôi như bị hút hết sức lực, chếnh choáng, mất thăng bằng. Bé Thương lại đạp liên tục và rất mạnh.
Tôi nghiêng người ra sau, tay ôm bụng, chạm vào bụng nhô nhấp mà con gái tạo ra để tìm một điểm yên bình trong thế giới đang quay cuồng.
...
Cái tôi cao ngạo vỡ vụn, chỉ còn lại sự hối hận và giày vò, giá như ngày ấy...
Trong chính khoảnh khắc phát hiện mình vẫn yêu Nam nhiều như vậy, tôi cảm thấy kinh tởm với bản thân mình như cách mà tôi đã khinh bỉ bỏ rơi hai kẻ ngoại tình sau lưng. Bởi vì tôi cũng là một kẻ ngoại tình, không khác gì họ.
Sau sự việc này, Tiến hối hận về việc mình đã làm, vì suýt chút nữa anh đã gián tiếp giết đứa con của mình. Thương ra đời sớm hơn dự tính và từ đây cuộc sống của vợ chồng Hạnh trở nên khó khăn hơn. Hạnh quyết định tha thứ cho Tiến, bởi vì cuối cùng, tình cảm cần được xây dựng từ cả hai phía.
Không ngừng lại ở đó, Tiến vẫn giữ nguyên tính cách. Lần này, thật trớ trêu khi đứa cháu gọi Hạnh là ‘’dì’’.
...trong một ngày bất ngờ về sớm vì học sinh xin nghỉ đột xuất, tôi được chứng kiến một cảnh tượng trớ trêu đến cạn lời.
Tôi bước vào nhà đúng lúc nghe được bố chồng tôi hỏi: ‘’Con trai hay con gái?’’ và Tiến thì lí nhí trả lời: “Con trai ạ!” Bên cạnh hai người là cô cháu gái mà mấy bữa trước ra quầy nó tôi còn trêu: “Dạo này trông mũm mĩm ra ấy nhỉ?”
Nó nhìn thấy tôi về, bàng hoàng qua lại gọi: ‘’Dì!’’
Tôi lập tức hiểu ngay vấn đề, đứng chết trân không nói được lời nào. Tiến lại như lần trước cụp mặt xuống đất. Vừa đúng lúc mẹ chồng tôi đón bé Thương từ nhà trẻ về. Tiến chắc hẳn là muốn tranh thủ trước khi tôi xuất hiện mang người tình bé nhỏ với cái bụng bầu ‘’có thằng chống gậy’’ về lấy lòng bố mình. Bởi tôi biết chắc, chỉ cần nghe thấy hai chữ “con trai” là ông đã có thể bỏ qua mọi lỗi lầm cho Tiến. Mẹ chồng tôi chắc hẳn sẽ đau buồn nhưng cuối cùng cũng sẽ chọn con ruột của mình mà thôi, vì vậy, tôi thua cuộc trên mọi mặt trận, ngay từ giây phút này.
Hai người ly dị, Hạnh về nhà mẹ ruột cùng Thương, đứa con bé bỏng, chưa đầy ba tuổi mà thời gian ở viện còn nhiều hơn ở nhà. Hai người đến với nhau không có nền tảng tình cảm nên đây có thể coi như một sự giả thoát cho nhau, cho Hạnh. Chỉ thương đứa trẻ vô tội, còn nhỏ mà thiếu hụt tình cha.

Cuối cùng,
Đến cuối truyện, Hòa nhân vật được Hạnh kể cuối cùng và nhiều chuyện bất ngờ được nhắc tới. Mặc dù ngay đầu truyện, Hòa được nhắc tới là chồng hiện tại của Hạnh nhưng tới đây, Hòa mới thực sự là nhân vật chính trong chuỗi ngày hạnh phúc của Hạnh. Như một sự sắp đặt!
Hòa, ít hơn Hạnh 4 tuổi, là bạn của Phúc – em trai Hạnh. Hòa đã thầm thích Hạnh từ ngày Hạnh giảng bài cho hai đứa em, nhưng Hạnh không hề hay biết. Hòa cũng biết thời điểm đó, Hạnh thích Nam, và cả sau này Hạnh lấy Tiến, Hòa vẫn luôn dõi theo từng bước đi của Hạnh. Một sự hy sinh thầm lặng, khiến người khác phải nể phục tính kiên nhẫn của anh. Nếu như để Hạnh nói về tình yêu của Hạnh và Nam là mãnh liệt, trong sáng thì tình đơn phương mà Hòa dành cho Hạnh thực sự rất cao thượng.
Sau khi Hạnh ly dị với Tiến, về nhà mẹ ở, Hoà liên tục tới chăm nom, chơi với Thương, Thương cũng quen gọi Hòa là ba, người cha mà con bé luôn yêu quý mặc dù không phải cha ruột. Quả thật, công sinh không bằng công dưỡng mà. Ổn định được thời gian, Hạnh cũng tới công ty của Hòa làm việc, cô cũng nhận ra sự khác biệt trong cách đối xử của Hòa với cô.
Nhất là sau khi tôi ly dị lên công ty làm, thì biểu hiện theo đuổi của Hòa càng rõ. Nhưng, tôi là ai chứ, một người đàn bà bị chồng bỏ, lại hơn người ta những 4 tuổi, trai tân chưa từng yêu ai.
Hòa gọi cho công ty đối tác, yêu cầu đổi ông chú giao hàng, gặp thẳng người tầng trên để cảnh cáo anh ta đừng có lại gần tôi. Chỉ qua gần nửa năm, nhân viên nào cũng hiểu sếp có tình ý với chị Hạnh, bắt đầu xầm xì bàn tán.
Tình cũ không rủ cũng tới. Hạnh gặp lại Nam sau 12 năm xa cách khi cô cùng Hòa đi gặp đối tác.
Tôi không hề được chuẩn bị tâm lý nên đứng chết trân tại chỗ, tim đập thình thịch, bối rối. Nam cũng vậy. Hai đứa tôi đã không thể cất nên lời gì trước khi cơn xúc động lắng xuống. Anh vẫn vậy, chỉ già hơn đôi chút, khuôn mặt không còn vẻ thanh niên bốc đồng ngày nào, thay vào đó là vẻ chin chắn của người chồng, người cha. 12 năm! 12 năm đã qua kể từ lần đầu tiên tôi bắt gặp nụ cười ấy.
Rồi có hẹn gặp nói chuyện, cũng chỉ là ôn lại chuyện cũ. Nhưng tưởng thế là hết, ai dè, mấy hôm sau, Nga vợ của Nam tới văn phòng làm ầm ĩ. Nga cũng là bạn của Hạnh, chính Hạnh là người tác hợp cho Nam và Nga trước khi Hạnh lấy Tiến, cô muốn chính mình quên đi Nam bằng cách này. Việc giữa Hạnh và Nam, Nga biết và cô sợ rằng hai người có cơ hội gặp nhau như thế này có thể sẽ có chuyện xảy ra. Gia đình Nam và Nga cũng không thực sự hạnh phúc, nên Nga có lo lắng điều này cũng là đương nhiên, huống gì Nga đã từng bắt gặp những lá thư Hạnh viết cho Nam từ hồi Nam đi du học (dù Hạnh luôn viết cuối thư, bảo Nam đọc xong đốt lá thư đó đi vì cô cũng nghĩ tới sẽ có ngày này) mà đến giờ Nam vẫn thi thoảng bỏ ra đọc, người vợ nào có thể chịu được cảnh tượng ấy cơ chứ.
Hòa thấy Nga tới công ty làm ầm lên, nổi khùng, lớn tiếng quát thẳng vào Nga: “Mời chị đi ra cho, chuyện gia đình của chị thì về nhà mà giải quyết. Đi ra ngay!”.
Hòa vẫn quan tâm hai mẹ con Hạnh dù cho Hạnh có từ chối nhiều lần. Hòa chỉ nói: “Đợi đến khi Hạnh cảm thấy sẵn sang cho một gia đình mới”.
Mẹ của Hòa biết chuyện, cũng không tán thành, không muốn cho con trai mình dây dưa gì với một người đã một đời chồng. Hòa hiền lành bao nhiêu, bà chua ngoa bấy nhiêu.
Bà ta muốn cho cả làng cả nước biết nên cứ đứng ở cổng gào lên: “Cái loại giáo viên gì như mày, cái loại đàn bà bị chồng bỏ, cái loại đĩ chỉ biết ăn bám vào đàn ông”
Hạnh hiểu hoàn cảnh của bà, nể Hòa là bạn Phúc nên cũng không cãi lại, chỉ để cho bà chửi chán rồi về.
Có lẽ, bà đã đánh ghen vì nỗi oan ức của chính mình, của một người đàn bà chỉ biết ôm con nhìn chồng bỏ đi theo gái ngày xưa. Cùng là kiếp đàn bà, sao cứ mãi làm khổ nhau?
Để tới được khi hai nhà làm lành thì quan hệ của Hạnh và Hòa còn nhiều phen sóng gió nữa. Mẹ Hòa nhất định tìm mọi cách ngăn cản hai người. Hòa đã phải thuê một ông thầy bói, dặn là nếu mẹ có hỏi, mà chắc chắn sẽ hỏi, về chuyện tình duyên của Hạnh và Hòa thì cứ khen tới tấp cho mẹ vui là được.
Một ngày tháng Mười, Hạnh chăm Thương bị viêm phổi trong bệnh viện. Cuộc sống của Thương tính bằng ngày, quãng thời gian còn lại mà Hạnh được ở gần con. Cũng là thời gian, Hòa và Hạnh nhận ra rằng họ cần nhau hơn bao giờ hết.
Một người mẹ với lịch sử chăm con nằm viện thường xuyên như tôi mà mỗi lần con trở bệnh đều có tâm trạng hoảng hốt lo lắng y như lần đầu, rất them một chỗ dựa. Hòa tới, vô cùng bất ngờ nhưng lại rất đúng lúc. Tôi không thể dối lòng rằng mình còn mong gì hơn.
Tôi hỏi đùa: “Xin phép mẹ chưa mà vào đây?”
…
“Thực ra không phải vì mẹ mà Hòa không dám gặp Hạnh nữa, mà vì chính Hạnh đã đuổi Hòa đi đấy chứ.”
…
“Vậy sao giờ lại tới?”, tôi hỏi.
Hòa nhìn tôi đắm đuối, ánh mắt trực diện, không che đậy, anh trả lời: “Vì nỗi nhớ đã lên đến cực đại, sức chịu đựng đã đạt tới cảnh giới. Nhớ cả hai mẹ con… em”.
Dứt lời, anh kéo tôi vào lòng, ôn rất chặt. Toàn thân tôi được hơi ấm của một người đàn ông đáng tin cậy bao phủ, bất giác mềm ra. Trước giờ, tôi cứ nghĩ rằng, bệnh sợ hãi tiếp xúc sẽ khiến tôi không còn thân mật với ai ngoài bé Thương được nữa, sau những kẻ bệnh hoạn, sau Tiến, sau những ngày tháng ghê tởm phát hiện tôi đang dùng chung chồng với phụ nữ khác.
Cái ôm này, rất thật, rất rõ ràng, giữ thanh thiên bạch nhật, không phải đang mơ. Một cảm giác ngay cả Nam cũng chưa từng mang lại, cảm giác được bảo vệ.
Tôi đỏ mặt, phụ nữ qua một đời chồng, vẫn còn vì rung động mà đỏ mặt, chắc là hiếm. Hòa bẹo má tôi, âu yếm hỏi: “Thích được ôm rồi phải không?”
Trước khi Thương mất, em cũng được sống trong gia đình có cả bố và mẹ, trọn vẹn, đầy đủ và hạnh phúc. Có thể nói, hạnh phúc chẳng thể viên mãn, dù rằng, không lâu Hạnh có thai, một bé trai đúng ước nguyện mà Thương khi còn sống ‘’muốn có thêm một em trai để giống mẹ và cậu Phúc’’. Cậu bé mà Hạnh đã đánh đổi bằng sinh mạng của mình để giữ lại. Đứa bé là sự liên kết duy nhất Hạnh muốn gửi lại cho Hòa, một người đã vì Hạnh mà hy sinh cả tuổi thanh xuân, hy sinh tất cả những gì anh có cho người anh yêu – người đàn ông thứ năm của cuộc đời cô!
‘’… Tôi tên là Hạnh. Hạnh của hạnh phúc không phải bất hạnh…’’
Review chi tiết bởi Thu - MyBook