Bạn không thiếu cái gì. Tiền bạc, bạn vẫn đang kiếm được. Sự nghiệp, cũng có lúc này lúc kia nhưng bạn đang đi đúng hướng. Bạn bè, tốt và rất tốt. Sức khỏe, chẳng có vấn đề gì lớn. Bạn không thiếu cái gì, trừ một cuộc phiêu lưu.
Thời đại này dường như không còn chỗ cho các cuộc phiêu lưu. Ngày trước, Harrison Ford náo loạn đường phố Cairo trong hành trình khai quật chiếc rương của nhà tiên tri Moses, Cary Grant rượt đuổi ngay trên mái tóc của Tổng thống Jefferson ở núi Rushmore, và John Wayne lang thang khắp miền viễn Tây trên lưng con chiến mã. Những cuộc phiêu lưu đó mới là những cuộc phiêu lưu thực sự! Còn bạn, không phải bạn không thích các cuộc phiêu lưu, nhưng bạn muốn đi đâu?
Leonard Cohen chọn không ở đâu cả. Một mùa Đông nọ, cây bút du ký của tờ Time, Pico Iyer, leo lên một dãy núi cao để tới một tu viện nhỏ biệt lập đơn sơ, nơi danh ca Leonard Cohen đang sống những ngày tĩnh lặng. Ngày ngày, Leonard chỉ đi ra và vào làm mấy chuyện vặt vãnh như rửa bát. Khi không rửa bát, Leonard ngồi yên, lắng nghe tiếng dế. Thế mà bao năm qua, chàng du khách ấy luôn được tôn thờ bởi những kẻ ưa lang thang. Chàng luôn đi, đi, đi. Mỗi bài hát là một dặm đường đi. Không phải chàng đã chùn chân mỏi gối, nhưng chàng nhận ra, khi không đi đâu cả cũng là lúc cuộc phiêu lưu thú vị nhất bắt đầu. Như người Kyoto vẫn nói: “Đừng làm gì cả, hãy ngồi ở đây.”
Thế là Pico Iyer cũng chọn một căn phòng nhỏ, tới đó, chỉ để ngồi yên suy nghĩ, ngắm một con nai đang gặm cỏ. Hành trình không đi đâu cả ông kể lại qua mấy dòng trong cuốn Nghệ Thuật của Sự Tĩnh Lặng.
Nghệ Thuật của Sự Tĩnh Lặng – tác giả Pico Iyer
Khi xê dịch trở thành trào lưu thời thượng, mọi người vội vã lên đường và tất cả chiêm ngưỡng các địa điểm đã đến. Nhưng họ quên rằng, những sự kiện đến và đi chỉ kéo dài vài ngày, vài tuần, nhưng những gì ở lại mãi mãi là những kinh nghiệm về từng khoảnh khắc.
Ở thung lũng Silicon, có một ngày lễ được gọi là Internet Sabbath. Vào dịp này, họ tắt mọi thiết bị kết nối internet, rời xa internet. Có rất nhiều tiềm năng ở thế giới bên ngoài cần được khám phá, nhưng lúc này, họ sẽ khám phá thế giới của chính họ. Ai dám nói rằng không có nơi nào trên Trái đất mà các nhà khoa học chưa từng đặt chân tới?
Mà quả thực, các nhà khoa học vẫn chưa khám phá hết Trái đất. Mặc dù đã có Google Earth, Trái đất vẫn là một hành tinh xa lạ. Phát hiện ra một lục địa mới như Columbus ư? Chắc là khó. Nhưng một cuộc phiêu lưu đến vùng hoang dã vẫn có thể đưa bạn tới những miền đất đã chìm vào quên lãng, như hành trình mà cuốn Kỳ bí dòng sông sôi trong lòng Amazon thuật lại.
Vừa tốt nghiệp, nhà địa chất trẻ Andrés Ruzo đã bắt đầu một cuộc hành trình không hẹn ngày về trên chiếc xuồng pekepeke màu nâu đỏ dọc theo thượng nguồn sông Amazon. Để làm gì? Chỉ để tìm kiếm một dòng sông nóng sôi giữa rừng Amazon mà anh từng nghe ông mình kể. Các nhà khoa học kỳ cựu cười nhạo, đừng hão huyền, khu vực đó đã được khám phá hết rồi, không có gì bí mật. Họ nói anh ta ngu ngốc. Anh ta bất chấp.
Xuyên qua dòng nước chảy giữa hai bờ đá xám, vượt qua những vạt rừng u tối và cả những con đường dẫn vòng, như một cảnh quay điện ảnh phi thường, Ruzo được người bản địa dẫn tới một dòng sông bốc hơi nghi ngút: Dòng sông sôi trong truyền thuyết của ông nội anh. Nước sôi sùng sục, đủ để lấy mạng bất cứ kẻ nào, đủ để tạo ra một cú sốc trong ngành địa chất. Và hãy tưởng tượng Ruzo trong buổi bình minh, múc nước sông sủi bọt, pha một ly cà phê thơm ngát, ngâm nhấm, ngắm rừng xanh.
Kỳ bí dòng sông sôi trong lòng Amazon – tác giả Andrés Ruzo.
Những người thích phiêu lưu chưa chắc sẽ tìm ra những điều kỳ diệu, nhưng những điều kỳ diệu sẽ tìm đến những người thích phiêu lưu. Và nếu bạn không muốn uống cà phê giữa lòng Amazon, thì bạn có thể nghĩ đến một ly cà phê trên sao Hỏa?
Trong cuốn Cà phê trên sao Hỏa, nhà báo Stephen Petranek khám phá cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất mà loài người đang hướng tới trong thế kỷ này, cuộc đổ bộ vào hành tinh Đỏ. Khi Robert Goddard tuyên bố tên lửa có thể vươn tới mặt trăng, Thời báo New York đã giễu cợt ông ngay trên trang nhất. Phải đến khi Apollo 11 làm được kỳ tích ấy, họ mới chịu đính chính. Thập niên 1950, von Braun cũng gây dựng dự án đưa con người tới hành tinh xóm giềng của Trái đất, và ông cũng bị coi là ngớ ngẩn. Nhưng nếu kế hoạch Elon Musk lên sống ở sao Hỏa không thay đổi, vài ba năm nữa, có lẽ người ta sẽ phải xin lỗi von Braun.
Đáng buồn là, lẽ ra con người đã tới sao Hỏa từ lâu rồi chứ không cần đợi đến Musk, nếu Nixon không loại bỏ dự án nghiên cứu vũ trụ hậu Apollo 11, nếu người ta đầu tư ít vào chiến tranh hơn và nhiều vào khoa học hơn. Thế giới thực sự cần thêm những người yêu phiêu lưu như Musk.
“Cà phê” trên Sao Hỏa – tác giả: Stephen Petranek.
Trong khi đợi mua vé lên sao Hỏa, vẫn còn nhiều chuyến phiêu lưu khác cho bạn dấn thân. Một chuyến phiêu lưu tình ái không phải là điều hiếm gặp. Nhưng không phải những chuyến phiêu lưu tình ái thông thường, mà là phiêu lưu tình ái bằng cách áp dụng công thức toán học. Bạn có thể dự đoán được mình sẽ hẹn hò với bao nhiêu người trong đời? Và ai là người phù hợp nhất? Bạn không biết. Nhưng toán học biết. Nghe khó tin, nhưng như Hannah Fry đã chứng minh trong cuốn Thuật toán của tình yêu, chỉ cần vài ba phép tính, bạn hoàn toàn có thể biết thời điểm nên dừng lại và thậm chí cách tối đa hóa số lượng người tình.
Hoặc là những chuyến phiêu lưu mà bạn có thể làm hàng ngày ngay giữa khu phố chật chội nơi bạn sống. Khu phố có thể là một nơi để khám phá. Đồng ý, khu phố chẳng có gì, nhưng những người trong khu phố thì sao? Sao không cười với một người lạ đi ngang qua? Sao không khen đôi giày của người tài xế? Sao không nói một câu vô thưởng vô phạt như “Trời đẹp quá nhỉ!” với người đang chạy bộ với bạn trong công viên? Đó là cách mà tác giả Kio Stark đã phiêu lưu trong Người lạ làm thay đổi cuộc sống của chúng ta. Thực ra, chưa chắc họ đã thay đổi được gì ở ta. Nhưng khi Ruzo đi thám hiểm Amazon, anh cũng không chắc mình sẽ tìm được gì đáng kể. Nếu biết chắc chắn đã không gọi là phiêu lưu. Cuộc sống là một trò cá độ, và vui là chính.
Người lạ làm thay đổi cuộc sống của chúng ta – tác giả: Kio Stark.
Năm 1984, khi Richard Wurman thành lập TED, ông không ngờ rằng những ý tưởng đáng để lan tỏa – ideas worth spreading, như khẩu hiệu của tổ chức, sẽ vang xa đến thế. Mỗi ý tưởng được trình bày ở TED lại là một cuộc phiêu lưu kỳ thú thám hiểm vào thế giới phức tạp đa chiều. Con người thực sự thích phiêu lưu. Như Barry Schwartz đã khẳng định trong cuốn Vì sao chúng ta làm việc, các nhà kinh tế tư bản đã hoàn toàn sai lầm khi nhận định: Con người là một sinh vật chây lười và chỉ thích tiền.
Đúng, con người thích tiền, nhưng bên cạnh tiền, con người cũng thích những chuyến phiêu lưu.
Vì sao chúng ta làm việc? – tác giả: Barry Schwartz.
Wurman từng tâm sự, có rất nhiều người trẻ hỏi ông về bí kíp thành công, và ông đã soạn ra một email mẫu để hồi đáp cho tất cả. Nội dung email đó như thế này: Ông Wurman cho rằng câu trả lời cho câu hỏi trên chính là, “Có một cuộc sống thú vị”, và ông ấy muốn bạn biết một điều, rằng hôm nay, cho đến lúc này, là một ngày khá thú vị.
Và để một ngày vô vị trở nên thú vị, một là bạn ngồi yên chiêm nghiệm, không thì hãy bắt chuyện với một người hàng xóm, nói với họ gì đó đại loại như: Trời đẹp quá nhỉ, đi cà phê trên sao Hỏa không?
Nguồn: https://www.elleman.vn/