Lép Tôn – đã từng nói: “Đọc một quyển sách hay cũng giống như trò chuyện với một người bạn thông minh”. Nhưng khi đọc “Cô gái yêu văn học và chàng trai yêu thích tử thần”, tôi lại cảm thấy như đang đứng giữa một căn phòng duy nhất mà tôi có thể nhìn thấy, với một chiếc gương to trước mặt, và dưới chân là vô số loại mặt nạ với nhiều biểu cảm khác nhau. Đây là lần thứ mấy tôi đọc rồi, nhưng lần đầu tiên, tôi cảm thấy như mình được đẩy ra trước một tòa án, với bản thân là thẩm phán, tự tay mình là công tố viên, và chính mình cũng là luật sư bào chữa.
“Cô gái yêu văn học và Chàng trai yêu thích tử thần” là phần một của loạt tiểu thuyết dài “Cô gái yêu văn học” của nhà văn Nomura Mizuki và được minh họa bởi Takeoka Miho, được phát hành bởi nhà xuất bản Văn học và nhà xuất bản Thái Hà. Nó kể về hai thành viên duy nhất của Câu Lạc Bộ Văn học là Amano Tooko – một cô gái yêu sách đến mức có thể sống chết với tác phẩm văn học, và Inoue Konoha – một học sinh nam cấp ba yên bình và trầm lặng, từng là “nữ nhà văn đeo mặt nạ xinh đẹp bí ẩn” giành giải Vàng trong cuộc thi “Sáng tác của năm dành cho tác giả không chuyên”.
Mở đầu của phần một trong bộ sách này là một đoạn trích ấn tượng từ tác phẩm “Thất lạc trong cuộc sống” của nhà văn kiêm “chuyên gia tự tử” Dazai Osamu, khiến tôi, và có thể nhiều độc giả khác, không thể không rung động: “Tôi đã sống một cuộc đời đầy ân hận.”
Câu chuyện bắt đầu khi Câu lạc bộ nhận được một yêu cầu kỳ lạ: “Xin hai anh chị giúp đỡ chuyện tình cảm của em” từ đàn em Takeda Chia. Ban đầu, mọi thứ dường như chỉ là việc viết một lá thư tình đơn giản, nhưng dần dần, trước mắt hai con người lại mở ra một câu chuyện về sự tuyệt vọng và tiếng khóc ai oán của một “quái vật” cô đơn không thể tìm thấy sự đồng điệu với người cùng loài.
Inoue Konoha nghĩ rằng câu chuyện chỉ dừng lại ở việc viết vài lá thư tình, gửi đi gửi lại cho một đối tượng tên là Kataoka Shuuji mà Takeda Chia thầm thương trộm nhớ là xong, ai ngờ đâu càng viết, cậu càng bị cuốn vào một bi kịch đằng sau đó. Bắt đầu với sự nghi ngờ liệu rằng “Kataoka Shuuji” có thực sự tồn tại hay không, Konoha tự đưa mình vào cuộc tìm kiếm về quá khứ của anh ta. Câu chuyện một lần nữa quay về quá khứ 10 năm trước, khi Shuuji tự tử bằng cách nhảy từ sân thượng xuống. Chia nghi ngờ Soeda Yasuyuki chính là người đã giết Shuuji, vì anh thừa nhận đã đâm Shuuji vào ngực. Nhưng Tooko lại giải thích mọi chuyện theo hướng khác, cô đưa vợ của Soeda là Rihoko tới để đối chứng. Thực ra, Rihoko mới là người có thể nhìn thấu được con người thật của Shuuji, và sau khi Soeda đâm Shuuji, Rihoko đã khuyên Shuuji nhảy xuống, để anh ta tìm được bình yên cuối cùng trong cuộc đời. Lúc đó, Chia cũng thừa nhận mình đã trải qua những điều giống Shuuji, và cô bé cũng chọn nhảy xuống từ sân thượng, nhưng Konoha và Tooko đã kịp cứu cô bé.
Nội dung tóm tắt trên sẽ không đáng chú ý nếu tác giả Nomura Mizuki không khéo léo kết hợp một tác phẩm nổi tiếng khác là “Thất lạc trong cuộc sống” của Dazai Osamu cùng với sự kết hợp của đa ngôi kể, không chỉ trên phương diện của Inoue Konoha, mà còn xen lẫn những lời tâm tình, những lời thú nhận chân thực của “tên hề”.
“Con người” và “Tên hề”
“Cô gái yêu văn học và Tên hề thích tử thần” giống như một cú lừa ngoạn mục, cái vị ngọt ngào bông xốp từ đầu tác phẩm chỉ là sự chuẩn bị cho một bi kịch nhẹ nhàng, của những đắng chát sâu cay như nuốt lấy một lít nước mắt. Bi kịch ấy xoay quanh “con người” và “tên hề”.
Hai khái niệm “con người” và “tên hề” tưởng như không thể so sánh nổi được, nhưng Nomura Mizuki đã đặt chúng lên bàn cân của cuộc sống, khiến chúng trở nên đầy phức tạp, không chỉ bằng mà hơn thua chẳng đo được. Tác phẩm phân tích sâu về khái niệm “tên hề” và “con người”.
Tôi, một kẻ bị coi thường yếu đuối và nhút nhát không thể chịu đựng nỗi thất vọng, chỉ bị chỉ trích và lạnh lùng từ mọi người, chỉ có thể dành phần lớn cuộc đời còn lại để đóng vai một tên hề lừa dối mọi người.
Nếu “con người” được coi là ai đó luôn hưởng thụ cuộc sống vui vẻ, sảng khoái, họ trải qua tuổi trẻ với đủ loại kỷ niệm, từ những cuộc chơi đến những giờ trốn học, chỉ cần nhớ là thấy mình cao quý, tươi đẹp và tuyệt vời, thì lí do cho sự mặc định này là vì hầu hết mọi người trên thế giới đều như vậy, trong khi “tên hề” chỉ là một kẻ bắt chước, đeo mặt nạ của cảm xúc, nhìn thấy người ta cười thì hắn cười, thấy người ta khóc thì hắn khóc, không hiểu vì sao mà mọi người cảm thấy vui buồn như vậy, nhưng hắn không dám hỏi, vì có lẽ mọi người cảm xúc đó là điều hiển nhiên, hắn chỉ biết làm theo để không cảm thấy cô đơn, biến bản thân thành kẻ dễ gần, hòa ái vì “con người” mặc định là như vậy.
Cười. Cười. Cười thôi. Hoặc khóc. Khóc đi. Hoặc cười. Phải cười.
Trời ơi, tại sao mọi thứ đều trở nên khó khăn như vậy, thậm chí cả những điều đơn giản nhất? Mình thật kì lạ.
Bởi vì không thể cảm nhận cùng cảm xúc với mọi người, tôi bắt đầu cảm thấy sợ hãi và xấu hổ, cảm giác như bụng tôi đang co lại từng cơn.
“Tên hề” ở đây, nhưng lại không phải ở đây.
“Tên hề” ấy, là Kataoka Shuuji, nhưng cũng là Takeda Chia, và cũng là Inoue Konoha. Thậm chí Amano Tooko, thoáng qua cái gì đó của một “tên hề”.
Họ xấu hổ với tính cách “tên hề”, nhưng lại chấp nhận nó như một phần của bản thân, không có nó, họ không còn là họ, “vai diễn” chính là cách họ tìm kiếm sự liên kết của bản thân với những người xung quanh.
Vì yếu đuối, nhưng không hoàn toàn, vì sợ hãi, nhưng cũng không chắc?
Cuối cùng, tâm lý con người luôn là điều khó hiểu và đáng sợ nhất, cố gắng hiểu tâm trạng của một người giống như đứng giữa một ngã tư không có tín hiệu đèn hoặc biển báo hiệu.
Ngay cả Takeda Chia cũng không hiểu được bản thân mình, cô bé vẫn nghĩ rằng mình giống Kataoka Shuuji, bị ám ảnh bởi ý nghĩ tự sát, và luôn từ chối chết như nhân vật chính trong “Thất lạc cõi người” và cuối cùng lại tìm đến tự tử giống như Kataoka Shuuji đó.
Anh sẽ giúp em tìm ra một lí do để tiếp tục sống! Vì vậy, hãy đợi thêm một chút nữa rồi quyết định liệu em sẽ sống hay chết! Hãy sống thêm một lần nữa!
Nếu em chưa đọc hết những truyện của Dazai Osamu mà đã chết thì thật là tiếc nuối!
Dành cho những người yêu văn chương và đam mê ẩm thực.
Bút pháp của Nomura Mizuki không chỉ làm lay động những suy nghĩ mong manh về những điều vụn vặt, mà còn khuấy động vị giác, đánh thức sự thèm ăn của mỗi người từng trang sách.
Nghe có vẻ không tin được, nhưng khi đọc “Cô gái văn chương”, tôi cảm thấy bụng mình như đang rung động, cảm giác tai tôi vang lên vài tiếng “ọt ọt” từ cái bụng mềm như nhũn. Nhân vật Amano Tooko với đam mê ẩm thực của mình, người đã từng lỡ ăn mất sách ở thư viện, thậm chí cả những tác phẩm trong sách giáo khoa, đã miêu tả lại những tác phẩm với vị món ăn khác nhau. Mới đầu, nhiều người sẽ thấy việc đấy thật phi lý, nhưng càng suy nghĩ, càng thấy nó thật tinh tế. Tại sao Nomura Mizuki không để “Cô gái văn chương” ấy cảm nhận thông qua khứu giác, hay chỉ đơn thuần là đọc và nêu cảm nhận như bao người bình thường, mà lại chọn việc cho Amano Tooko ăn từng trang sách, mỗi ngày đều ngày măm măm từng trang sách y hệt con dê? Những phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác là không cần thiết với Amano Tooko, vì cô đã ăn thật cảm thật, không phải đọc rồi nói “cay”, mà cô đã cảm nhận vị cay như muốn xé nát lưỡi mình thật. Đối với cô, việc đọc sách như thưởng thức một món ăn ngon, phải cận thận, phải nghiền ngẫm, phải thận trọng, dù là bất kỳ tác phẩm nào, cô cũng cố ăn cho bằng hết, dù rằng mặt nhăn mày xỉa và sắp khóc vì bị đổ cả lọ mù tạt vào miệng. Konoha biết điều đó, nên rất hay viết những câu chuyện tam đề dở.
Không chịu đâu, làm sao mối tình đầu lại kết thúc bằng việc bị hộp bánh nếp dâu tây rơi trúng đầu rồi lăn ra chết thế này. Cứ như súp miso đậu phụ lại bỏ thêm đậu đỏ vậy.
Kết thúc:
Đọc tác phẩm này, tôi thật sự ngạc nhiên bởi cách mà Nomura Mizuki đã kết hợp số phận của các nhân vật một cách hấp dẫn và đầy lôi cuốn với sự trùng hợp ngẫu nhiên của các nhân vật trong tác phẩm “Thất lạc cõi người”. Tác giả đã tạo ra một câu chuyện trinh thám bí ẩn không cần đến những cảnh giết người máu lửa hay các chi tiết kinh dị, mà vẫn thu hút độc giả bằng sự nhẹ nhàng, sâu sắc, hài hước và lãng mạn, kết hợp với nỗi buồn và nỗi cô đơn mà mỗi người đều có thể cảm nhận được. Tác phẩm này dễ khiến người đọc nghiện. Các điểm mạnh của văn học được tác giả thể hiện một cách tự nhiên và giản dị thông qua các nhân vật, khiến độc giả có thể tự mình tìm hiểu và cảm nhận, không cần đến những phân tích phức tạp. Đọc tác phẩm, ta như cảm nhận được một điều gì đó nhẹ nhàng tan chảy trong lòng nhưng vẫn còn chút vị đắng đọng lại, giúp cân bằng lại tâm trạng của mình. Càng đọc “Cô gái văn chương”, độc giả càng muốn khám phá về Amano Tooko – điều gì đã khiến cô ấy có thể ăn sách một cách bình thản như thế? Bí mật của Tooko là gì? Và kết cục của câu chuyện giữa Konoha và Tooko sẽ như thế nào?
Có lẽ ở đâu đó bên trong tôi, vẫn còn hối tiếc về việc tại sao tôi không chết vào ngày hôm đó.
Tuy nhiên, tôi cũng biết ơn hai anh chị ở câu lạc bộ Văn học đã làm cho tôi hiểu rằng “điều tốt nhất là tôi không chết.
Chắc chắn rồi.