Alaska. Alyesa. Nơi sóng vỗ. Nơi xa xôi, giá lạnh. Cô gái bí ẩn, khó lường. Một chuyến đi hai năm tìm kiếm Alaska, Miles vẫn không tìm thấy cô. Alaska chỉ qua lại trong tuổi trẻ của Miles, nhưng những gì cô để lại là một Miles Halter hoàn toàn khác.
Looking for Alaska (Tìm kiếm Alaska) là tác phẩm đầu tiên của John Green – nhà văn viết tiểu thuyết thiếu niên nổi tiếng, tác giả của The fault in our stars (Lỗi thuộc về những vì sao), Paper Town (Thị trấn giấy)…. Looking for Alaska là sự kết hợp của tất cả những điều bạn mong đợi ở một cuốn tiểu thuyết dành cho thiếu niên: những trải nghiệm đầu tiên, những trò chơi tinh nghịch, những nỗi buồn và những khám phá.
Bắt đầu cuốn sách, độc giả được giới thiệu với Miles Halter, nhân vật chính và cũng là người kể chuyện. Miles là một học sinh trung học ở Florida, ngượng ngùng và không có bạn bè. Cuộc sống của Miles xoay quanh việc sưu tầm lời nói của những người nổi tiếng. Miles chuẩn bị chuyển đến trường nội trú Culver Creek, nơi cậu hy vọng tìm được “Điều to lớn” (từ lời nói của Francois Rabelais “Tôi đi tìm điều to lớn.”) Tại Culver Creek, Miles gặp bạn cùng phòng Chip (biệt danh Đại tá), người đặt cho Miles biệt danh là Pudge. Miles trở thành bạn với Đại tá và những người khác trong nhóm, bao gồm Takumi, Lara và Alaska Young. Miles ngay lập tức bị hấp dẫn bởi Alaska, cô gái quyến rũ, thông minh, bí ẩn, không bình thường, hiện thân của “Điều to lớn” mà Miles đang tìm kiếm. Với nhóm bạn này, Miles tham gia vào cuộc sống bình thường của thiếu niên trong trường nội trú với những trò đùa, những lần hút thuốc và uống rượu trộm, người bạn gái đầu tiên, nụ hôn đầu tiên… cho đến khi một sự kiện vô cùng bất thường xảy ra làm đảo lộn cuộc sống của nhóm bạn và cuối cùng đem lại cho Miles những hiểu biết mới.
Cuối cuốn sách là năm câu hỏi liên quan đến các vấn đề trong truyện mà John Green tự đặt ra là “Một số câu hỏi chủ đề mở và mơ hồ”. Tôi, một người đọc ở tuổi thiếu niên, sẽ cố gắng trả lời những câu hỏi này một cách thú vị và mới mẻ hơn để tiếp cận Looking for Alaska.
1. Tha thứ có dành cho tất cả mọi người không? Ý tôi là, liệu tất cả mọi người có thể được tha thứ bất kể trường hợp không? Ví dụ như, liệu người chết có thể tha thứ cho người sống không và ngược lại?
Tha thứ là câu trả lời cuối cùng của Miles dành cho câu hỏi của Alaska, và sau đó là của thầy dạy tôn giáo (biệt danh Ông Già): “Làm sao ta có thể thoát khỏi mê cung khổ đau này?” (câu nói của Simon Bolivar – nhà cách mạng Venezuela) Miles tin rằng Alaska được tha thứ cho tất cả những lần cô nghĩ cô đã làm hỏng mọi thứ, khi cô quên mẹ cô hay tố cáo bạn cùng phòng. Miles cũng tin rằng mình được Alaska tha thứ cho sự ngốc nghếch của mình và Miles cũng tha thứ cho Alaska. Đó là con đường của Miles trong mê cung khổ đau. Tôi không dám chắc mình có thể tin rằng tất cả mọi người đều nhận được sự tha thứ. Có những điều thực sự kinh khủng đã được gây ra bởi con người và yêu cầu nạn nhân của những thảm họa đó tha thứ cho hung thủ là một điều quá đỗi khó khăn. Nhưng tôi nghĩ rằng tha thứ là cần thiết để đi qua mê cung cuộc đời. Tôi nghĩ tôi không thể diễn tả ý tưởng này tốt hơn triết gia Jonathan Lockwood Huie “Tha thứ cho người khác, không phải vì họ xứng đáng được tha thứ, mà vì bạn xứng đáng được thanh thản.” Cũng như vậy, chúng ta có thể tha thứ cho người chết và tin rằng mình được tha thứ bởi họ vì ta cần phải bước tiếp với một điều gì đó tốt hơn là oán hận hay dằn vặt.
2. Tôi sẽ nói rằng trong cả truyện hư cấu và trong đời thực, hút thuốc ở thiếu niên là một hành động mang tính biểu tượng. Bạn nghĩ nó được dự định để biểu tượng điều gì và cuối cùng thực ra biểu tượng của điều gì? Đặt câu hỏi theo một cách khác: Tại sao lại có người trả tiền để đổi lấy khả năng bị ung thư phổi hoặc (và) giãn phế nang?
Tôi rất vui vì John Green đã đặt ra câu hỏi này vì một trong những điều khiến tôi băn khoăn là các nhân vật trong Looking for Alaska hút thuốc quá nhiều. Miles và Đại tá hút thuốc trong nhà tắm để hơi nước đưa khói thuốc bay đi, Alaska nhét một cái áo vào khe cửa để hút thuốc trong phòng, nhóm bạn có một chỗ bí mật để hút thuốc gọi là Hang hút thuốc… Có thể trả lời câu hỏi này theo cách của Alaska: “Các cậu hút thuốc để tận hưởng. Tôi hút thuốc để chết.” Tôi không biết Alaska thực sự muốn chết hay đây chỉ là câu đùa, nhưng tôi nghĩ rằng không phải tất cả những thiếu niên khác đều hút thuốc chỉ vì họ thích. Việc hút thuốc được gắn với hình ảnh phóng khoáng, lãng tử, già dặn và trầm uất trong phim ảnh. Đó là một hình ảnh mà thiếu niên yêu thích và muốn có được. Hút thuốc bị cấm lại càng khiến nó trở nên hấp dẫn hơn. Khi phần lớn bạn bè đều hút thuốc thì đó trở thành một việc cần làm để hòa đồng. Miles không thích điếu thuốc đầu tiên mình hút nhưng vẫn tiếp tục hút khi chơi với Đại tá và Alaska. Cuối cùng thì việc hút thuốc trở thành một phần của tình bạn ở Culver Creek, cũng như trò chơi điện tử và những phi vụ lừa đảo. Tuy nhiên, tôi vẫn sẽ cảm thấy tốt hơn nếu như Miles và các bạn có thể gắn kết bằng những việc không làm cho bản thân họ và những người khác bị ung thư.
3. Bạn có thích Alaska không? Bạn có nghĩ là việc thích các nhân vật là quan trọng không?
Alaska là nhân vật trung tâm của Looking for Alaska, và cũng là nhân vật trung tâm của “Điều có thể vĩ đại” của Miles ở Culver Creek. Cuốn tiểu thuyết được đặt tên là Looking for Alaska (Đi tìm Alaska), vì đó là hành trình của Miles để hiểu được Alaska, và cuối cùng, vẫn còn những điều về Alaska mãi mãi là bí ẩn. Alaska được xây dựng như một nhân vật mà Miles không thể với tới, không thể nắm bắt được: quyến rũ, thông minh,bí ẩn, thất thường. Alaska là một nhân vật thú vị để quan sát. Sự khêu gợi, u buồn, tình yêu thể xác của Alaska đặc biệt gợi cho tôi nhớ đến những ca khúc ám khói và u uất của Lana Del Rey. Alaska đẹp và hay, nhưng tôi không muốn có một Alaska trong đời. Với tôi, Alaska là kiểu người thích tự cho mình là tâm điểm của mọi sự. Giống như Miles nói, Alaska đã “rơi vào sự bí ẩn của chính bản thân cô”. Chỉ vì cô ấy có những nỗi buồn và sai lầm không có nghĩa là những người khác không có vấn đề của họ. Nhưng Alaska chỉ hành động dựa trên cảm xúc của mình, và cuối cùng gây ra đau khổ và dằn vặt cho những người yêu thương cô. Mối quan hệ với Alaska, mặc dù đưa Miles đến những khám phá, trải nghiệm mới, nhưng không phải là một mối quan hệ lành mạnh.
Đến bây giờ thì việc không thích một nhân vật như Alaska với tôi là bình thường. Trước đây, tôi từng nghĩ rằng mình phải thích và đồng tình với các nhân vật được xây dựng là nhân vật chính (tôi từng cảm thấy rất bối rối vì mình không sao thích nổi Heathcliff và Catherine trong Đồi gió hú) Nhưng bây giờ thì tôi nghĩ rằng việc thích các nhân vật chính không còn quan trọng nữa. Nhân vật, xét cho cùng, cũng được xây dựng từ những nguyên mẫu ngoài đời. Một nhà văn tạo ra nhân vật càng thực đến đâu thì càng thành công. Trong thực tế, chúng ta không thể thích tất cả mọi người ta gặp trên đời. Vì thế, hãy cứ coi nhân vật như một người ta mới quen, một người ta cố gắng hiểu nhưng không bắt buộc phải yêu mến.
4. Đến cuối cuốn tiểu thuyết, Pudge (Miles) có rất nhiều điều để nói về sự bất tử và ý nghĩa của cuộc sống (nếu cuộc sống có ý nghĩa). Suy nghĩ của bạn về cái chết định hình cách bạn hiểu về cuộc sống đến mức nào?
Trong phần cuối của Looking for Alaska, Miles suy nghĩ rất nhiều về câu hỏi mà theo cậu là lớn nhất trong tôn giáo: “Con người đi đâu sau khi chết?” Lúc đầu, Miles không tin vào những cách trả lời của các tôn giáo về thiên đường và địa ngục hay thuyết luân hồi. Với Miles, sau khi chết con người chỉ còn lại sự phân hủy của vật chất hữu cơ. Nhưng con người không chỉ là vật chất, và Miles nhận ra một thứ gì đó lớn lao và bí ẩn hơn, kết nối thể xác, tình cảm, kinh nghiệm thành một con người (ta có thể gọi đó là linh hồn). Năng lượng không thể sinh ra và mất đi, vì vậy năng lượng này của con người cũng không thể tự nhiên mất đi khi họ chết. Năng lượng đó vẫn còn tồn tại và đi đến một nơi vô định nào đó, một nơi tốt đẹp, mà Miles kết luận bằng câu nói cuối đời của Edison: “Ở ngoài đó rất đẹp.”
Theo tôi, con người luôn băn khoăn về câu hỏi chuyện gì xảy ra sau khi chết vì ta cần phải tin rằng chúng ta sẽ đi đâu đó khi cuộc đời chấm dứt. Nếu như tất cả những gì xảy ra sau khi sự sống ngừng chỉ là một chuỗi phân hủy và tái chế của vật chất, thì đời sống của chúng ta thật là vô nghĩa. Dù bạn có làm gì trong đời thì cuối cùng bạn cũng trở thành thức ăn cho giun bọ, chẳng có gì lớn lao hơn cả. Theo một cách hiểu, như thế thì chúng ta thật tự do, có thể dùng đời mình để làm bất cứ thứ gì mình thích. Nhưng quá nhiều sự tự do có thể sẽ gây nguy hiểm cho chính bản thân ta và những người khác. Con người cần phải tin vào một cuộc sống sau khi chết để có mục đích sống: dùng gần một thế kỉ đời mình để chuẩn bị cho một hành trình tiếp theo.
1. Cách tôi sẽ đối phó với câu hỏi cuối kỳ mà Ông Già đặt cho học sinh sẽ là thế nào? Phiên bản bài luận của tôi sẽ như thế nào?
2. Câu hỏi cuối kỳ của Ông Già (một giáo viên dạy tôn giáo) cũng chính là câu hỏi gây ám ảnh cho Alaska và Simon Bolivar (một nhà cách mạng của Venezuela):
3. Làm thế nào để chúng ta có thể thoát khỏi mê cung đau khổ này? Câu trả lời của Miles là tha thứ, của Alaska là “Thẳng và nhanh”, còn của Đại tá là “Ước gì tôi biết.”
4. Câu trả lời của tôi sẽ là không nên cố gắng trốn thoát khỏi mê cung. Càng chống đối, cố tránh thì càng gặp khổ đau. Như khi rơi vào cát lún, nếu cố giữa giãy giụa, bạn sẽ chìm sâu hơn. Tôi nghĩ rằng, chúng ta được đưa vào mê cung này và sẽ được đưa ra khỏi nó theo luật tự nhiên. Cuộc sống không chỉ toàn đau khổ. Không ai có thể khẳng định rằng cuộc đời không có chút niềm vui, chút ánh sáng nào. Chúng ta cần tận hưởng niềm vui đó và đương đầu với những khó khăn khi chúng xuất hiện. Có thể những gì chúng ta trải qua trong mê cung này, khi ra khỏi nó, sẽ không bao giờ trở lại hoặc thậm chí không thể tưởng tượng được. Nếu ta có thể trải nghiệm mọi thứ trong mê cung, chấp nhận mọi cảm xúc, thì mê cung cũng không quá tồi tệ.
5. Tôi thích cách mà John Green xen kẽ những phần vui vẻ, nghịch ngợm với những suy nghĩ, nhận định sâu sắc trong Looking for Alaska. Ngôn ngữ trong cuốn tiểu thuyết cũng thế, là sự kết hợp giữa những lời thoại hóm hỉnh và những đoạn mô tả, suy tưởng đầy nghệ thuật. Đó cũng là cảm giác chung của tuổi teen, với nhiều biểu hiện, cảm xúc đa dạng, hồn nhiên nhưng cũng là thời điểm bắt đầu những suy tư, lo lắng về những vấn đề lớn lao và trừu tượng hơn.
1. Vì Looking for Alaska là một cuốn tiểu thuyết dành cho tuổi teen, hãy đọc nó khi còn trẻ để hiểu hết ý nghĩa của nó. Khi già đi, những ý tưởng trong Looking for Alaska sẽ không còn làm bạn bất ngờ và ấn tượng như trước nữa.
2. Looking for Alaska, đối với tôi, là một hình ảnh sống động và gay cấn về thời trẻ, khi chúng ta bắt đầu hành trình tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi lớn. Còn bạn, bạn nghĩ sao về những câu hỏi đó?
3. Đánh giá chi tiết từ Hân Bùi - MytourBook