Là tác phẩm duy nhất được tác giả viết dành cho lứa tuổi thiếu nhi và thiếu niên, “Trên sa mạc và trong rừng thẳm” của Henryk Sienkiewicz là câu chuyện về hai cô cậu bé Stanislas Tarkowski mười bốn tuổi và Nelly Rawlinson tám tuổi trong chuyến hành trình băng qua gần khắp miền đông Phi Châu khô cằn và hoang dại để tìm đường trở về với gia đình sau khi bị bắt cóc bởi lực lượng nổi dậy của Madhi tại Ai Cập. Ngay sau khi xuất bản, tác phẩm đã được chào đón nhiệt liệt, dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài và tái bản ngay sau đó. Trong suốt gần một thế kỉ qua, nhiều thế hệ trẻ đã lấy hình ảnh cậu bé người Ba Lan dũng cảm làm nguồn cảm hứng để phấn đấu vượt qua giới hạn của bản thân và làm nên điều kì diệu.
Tóm tắt:
Câu chuyện xảy ra vào khoảng năm 1881, khi thực dân Anh thao túng chính quyền Ai Cập để thống trị lãnh thổ Sudan. Kĩ sư trưởng người Ba Lan Tarkowski và giám đốc người Anh Rawlinson của công ty kênh đào Suez, đồng thời cũng là cha của Stas và Nell, đã kết thân cùng nhau sau khi góa vợ và xem hai đứa trẻ như con ruột của mình. Trong một lần đi công tác tại El-Medineh, hai người cha đã cho phép bọn trẻ đi cùng dưới sự giám sát của bà vú Dinah. Ba người Sudan Chamis, Idris và Gebhr đã tiếp cận để lấy lòng tin của cả gia đình họ và nhân lúc Stas và Nell phải xuất phát sau cha của mình, họ đã lập tức bắt cóc hai cô cậu bé bằng lạc đà và đi dọc theo sông Nile để đến thành phố Khartoum. Nhóm người Sudan tin rằng bằng việc trao đổi bọn trẻ với vợ và các con của ngài Smain, vốn là anh họ của Đấng Tiên tri Mahdi vĩ đại, họ sẽ nhận được ân sủng của Đức ngài và cuộc sống của họ sẽ bước sang trang mới. Từ đây hành trình đày ải khủng khiếp xuyên qua châu lục nổi tiếng là hoang dã và nguy hiểm của hai cô cậu bé chưa đầy mười lăm tuổi chính thức bắt đầu.
Nhóm người bắt cóc thúc lạc đà chạy vun vút hàng giờ liền xuyên qua sa mạc. Sau nhiều lần cố gắng thuyết phục cũng như đe dọa ba người Sudan, Stas nhận ra khả năng để bọn họ đưa chúng trở về Cairo với cha chúng là bằng không bởi lẽ đức tin của người dân vào đức Mahdi (tên thật là Mohammed Ahmed) quá mạnh mẽ. Vì thế cậu bé tạm thời dành sự ưu tiên của mình vào việc giữ gìn sức khỏe cho Nell bé bỏng của mình sau khi cả đoàn trải qua trận vòi rồng cát kinh hoàng, vì trông cô bé “sống dở chết dở” với “dáng vẻ gầy guộc của một chú chim quá mệt mỏi và khuôn mặt trắng trẻo rám đi vì gió nắng”, mặc dù bản thân cậu cũng không khá gì hơn khi “đầu óc quay cuồng, cổ họng khô bỏng và mồm đầy cát”. Stas cũng từng hai lần nung nấu ý định dùng súng để kết liễu những kẻ bắt cóc và giải thoát cho Nell khỏi cảnh đọa đày, nhưng sự chần chừ khi phải giết chết những con người đang đứng trước mặt khiến em bỏ lỡ cơ hội hết lần này đến lần khác.
Trước khi Stas có thể quyết tâm, họ đã đến thành phố Khartoum, nơi mà các tín đồ Mahdi đã nổi dậy và giết vị tướng Gordon của Anh. Sau khi nói chuyện với Nur el-Tadhil, một viên emir hay còn gọi là thủ lĩnh quân sự tại thành phố, Idris cảm thấy thất vọng và bắt đầu hoang mang khi thái độ của các tín đồ Mahdi không cao trào như hắn tưởng tượng và không khẳng định với bạn đồng hành của mình. Hắn nghĩ rằng khi đưa bọn trẻ đến trại của Mahdi, họ sẽ được chào đón và ngưỡng mộ, nhưng thực tế không phải như vậy. Cùng với sự giúp đỡ của người Hi Lạp, bọn trẻ được ăn uống và dặn dò cách cư xử theo đức Mahdi. Tuy nhiên, Stas từ chối tiếp nhận tin tức của Mahdi và phải chịu hậu quả sau đó là cả em và Nell đều bị đày tiếp tục đến Fashoda. Trong khi đợi, Stas nhận viện trợ từ người Hi Lạp và đi ăn xin để cứu đói cho Nell.
Trong hành trình đi Fashoda, viên tù trưởng Hatim đã chăm sóc bọn trẻ và không để đám người bắt cóc hành hạ chúng. Tuy hằng ngày vẫn nhận nửa viên thuốc kí ninh để phòng tránh sốt rét, nhưng sức khỏe Nell không cải thiện. Cái chết của bà vú Dinah gây thêm đau thương và trách nhiệm cho Stas. Khi đoàn phát hiện họ sẽ không gặp ngài Smain tại Fashoda, ba tên bắt cóc quyết định tiếp tục hành trình.
Sự xuất hiện của con sư tử đã làm thay đổi hành trình của bọn trẻ. Ba người Sudan đã đưa súng của Stas cho em bắn hạ sư tử, nhưng cũng phải bỏ mạng vì quyết định của mình. Stas cảm thấy đau lòng khi phải nhìn thấy ba xác chết. Nhóm bốn người cùng với chú chó Saba và một con voi đã chiến đấu với nhiều loài thú dữ và xây dựng nơi trú ẩn tạm thời. Nell bị sốt rét, nhưng Stas may mắn tìm thấy một người Thụy Sĩ tên Linde giúp đỡ.
Hình ảnh của cậu thiếu niên Ba Lan trong tác phẩm
Có lẽ nhân vật để lại cảm xúc mãnh liệt nhất trong “Trên sa mạc và trong rừng thẳm” chính là cậu bé Stanislas. Với cơ thể khỏe mạnh, đôi mắt can đảm, bộ óc sắc sảo và tình cảm dành cho Nell, cậu bé là nguồn cảm hứng về lòng yêu nước và tình yêu cho nhiều thế hệ. Hai người cha tự hào về sự can đảm của cậu bé.
Nổi bật nhất là khả năng nắm bắt tình hình và giải quyết tình huống của Stas. Từ nhỏ, Stas đã được gọi là “đứa con của sa mạc” với kỹ năng bơi lội, bắn súng, chèo thuyền và cưỡi ngựa đều ở mức thượng thừa. Với năng khiếu ngoại ngữ tuyệt vời (Stas nói được nhiều ngôn ngữ như Ba Lan, Anh, Pháp và Ả Rập), cậu có thể giao tiếp và để lại ấn tượng tốt với hầu hết người dân, từ kỹ sư, công nhân thuế quan đến người Ả Rập và người da đen. Những chuyến đi cùng các nhóm người ở nhiều lĩnh vực khác nhau và trí nhớ tuyệt vời đã giúp cậu tích lũy kiến thức khổng lồ về sinh tồn ở châu Phi. Stas nhanh trí thả găng tay xuống đường, giống như Mị Châu, để dẫn đường cho cha tìm mình sau khi phát hiện ra sự thật kinh hoàng rằng cậu và Nell đã bị bắt cóc. Cậu còn nhận biết chúng đã di chuyển ra xa sông Nile chỉ bằng việc quan sát vị trí của Mặt Trời. Dù tim thắt lại vì “nỗi đau đớn, sợ hãi và hổ thẹn” khi nhận ra mình quá nhỏ bé để kháng cự, cậu không ngừng suy nghĩ cách giải thoát Nell. Những tính toán và diễn biến tâm lí phức tạp của cậu bé mười bốn tuổi giữa hai lựa chọn trốn thoát và giết người được tác giả lột tả một cách chân thực đến rùng mình.
“Bọn Sudan và Bedouin khi tỉnh dậy mà không thấy mình sẽ lập tức lao ra khỏi hang, khi ấy, bằng hai phát đạn, ta sẽ hạ ngay hai tên đầu tiên, và trước khi hai tên sau kịp chạy tới thì khẩu súng đã được nạp đạn rồi. Chỉ còn lại mỗi mình Chamis thôi, với tên này thì ta đối phó dễ dàng rồi.
…
Giết bốn mạng người! Dù đó là bốn thằng vô lại đi nữa thì chuyện ấy cũng thật kinh khủng... Tội lỗi và kinh khủng!... Không! Không! Em không bao giờ làm nổi chuyện ấy.
…
Nếu vì bản thân, có lẽ em không làm chuyện ấy. Nhưng ở đây, em phải bảo vệ Nell, phải cứu lấy mạng sống của Nell, vì cô bé không thể chịu đựng nổi và chắc chắn sẽ chết dọc đường hoặc giữa các bộ tộc hoang dã đã biến thành “thú dữ” của tín đồ Hồi giáo. So với cuộc sống của Nell, máu của những kẻ khốn nạn kia liệu có nghĩa lí gì? Trong tình thế này, làm sao có thể do dự được.
Vì Nell! Vì Nell!”
Một nhà khuyết danh từng nói: “Nghịch cảnh tiết lộ bản chất của một con người”. Có những người khi đứng trước ranh giới sinh tử, họ để lộ sự ích kỉ, yếu đuối và chấp nhận hi sinh để cứu lấy chính mình. Ông lão người Hi Lạp Kaliopuli là một ví dụ điển hình, khi ông từ bỏ đạo Thiên Chúa để cải đạo theo Đức Mahdi với lí do “cần phải nhẫn nhục trước bạo lực, dù chỉ là nhẫn nhục hình thức”. Nhưng vẫn có những con người như Stas, càng bị dồn vào đường cùng, nhân cách cao đẹp càng trở nên mạnh mẽ và rõ nét hơn. Ánh mắt quyết đoán và lời đáp trả khẳng khái của cậu bé khiến vị lãnh tụ cao nhất của người Sudan “bối rối và không tìm được ngay câu trả lời”, đến mức phải uống nước để che giấu sự lúng túng. Tự hỏi, khi đứng trước những người có địa vị rất cao như Mahdi, có bao nhiêu người đủ can đảm lên tiếng bảo vệ đức tin của mình, bất chấp hiểm họa như Stanislas?
“Thưa tiên tri, tôi không biết thứ khoa học của Người, nên nếu tôi có thừa nhận nó thì chẳng qua cũng chỉ là sợ hãi, như một thằng hèn, như một người tồi tệ mà thôi. Liệu Người có muốn những kẻ hèn nhát và đểu cáng thu nhận học thuyết của Người?”
Sẽ có người hỏi rằng, động lực nào giúp Stas làm được những điều mà chính em chưa từng nghĩ mình có thể làm? Tôi tin rằng các bạn đọc cũng đã cảm nhận được câu trả lời trên từng trang giấy. Từ việc liều mình đánh nhau với gã Gebhr to lớn, trộm súng từ tay bọn bắt cóc, chiến đấu với thú hoang, băng qua rừng đêm một mình để tìm thuốc kí ninh chữa sốt rét, đến việc không do dự nổ súng vào bốn người có sức lực và vóc dáng lớn hơn em, tất cả đều vì mục đích duy nhất: giải cứu Nell bé nhỏ và đưa cô về nhà an toàn. Nếu tác giả có thể định nghĩa giúp tôi tình cảm của Stas dành cho Nell chính xác là gì, có lẽ tôi đã không bâng khuâng và trằn trọc nhiều đến thế.
Nếu nói rằng đó là tình cảm và trách nhiệm của một người anh trai dành cho cô em gái bé bỏng thì vẫn chưa đủ.
Nếu gọi đó là tình yêu nam nữ, tôi lại cảm thấy không đúng, vì các em còn quá nhỏ để hiểu và cảm nhận sâu sắc mọi khía cạnh của tình yêu.
Tôi nghĩ tình cảm của Stas có lẽ bao gồm cả hai điều ấy, cùng với trách nhiệm từ lời hứa danh dự rằng dù thế nào cũng sẽ không bao giờ bỏ rơi cô bé. Tất cả những cảm xúc ấy hòa quyện như bảng màu rực rỡ, và mỗi khi giông tố ập đến, Stas lại dùng vẻ đẹp tâm hồn của mình để vẽ nên những ước mơ và niềm tin về tương lai tươi sáng, tạo động lực cho mọi người tiến về phía trước. Chỉ những nhà văn kiệt xuất như Henryk Sienkiewicz mới có thể truyền tải cảm xúc và tính cách của Stas một cách sống động và tinh tế đến vậy:
“Trong trái tim cậu bé dâng tràn một tình thương bao la. Em cảm thấy mình vừa là người đỡ đầu, vừa là anh lớn, và là người duy nhất bảo vệ Nell lúc này; em cảm thấy thương yêu cô bé vô cùng, hơn nhiều so với trước kia. Hồi ở Port Said, em cũng đã yêu thương cô bé, nhưng vẫn coi đó là một “nhóc con” nên không bao giờ nghĩ đến chuyện hôn tay cô bé trước khi đi ngủ. Nếu ai bảo em làm thế, em sẽ nghĩ rằng điều đó tổn hại đến danh giá và tuổi tác của mình. Còn giờ đây, nỗi bất hạnh chung đã thức tỉnh sự âu yếm trong lòng em, em hôn không chỉ một mà cả hai bàn tay cô bé”.
Phong cách văn học đậm chất Henryk Sienkiewicz
Ít ai ngờ rằng một nhà văn chuyên viết truyện ngắn và tiểu thuyết lịch sử Ba Lan lại có thể sáng tác một kiệt tác văn học thiếu nhi xuất sắc đến vậy. Với giọng văn tinh khiết và giàu cảm xúc, tác giả đã khắc họa rõ nét toàn bộ hành trình xuyên châu Phi qua góc nhìn của hai đứa trẻ ngoại quốc. Từng cử chỉ, hành động của nhân vật trở nên sống động qua ngòi bút tài hoa, khiến câu chuyện thêm phần cuốn hút:
“Và bỗng nhiên em cảm thấy mũi và gò má lạnh toát, nhưng là cái lạnh khác hẳn, không phải từ nỗi sợ mà từ quyết định kinh khủng không gì lay chuyển nổi, khiến trái tim em như biến thành sắt thép.
…
Mày sẽ không thể giết được Nell nữa đâu - em nhắc lại.”
Không chỉ khắc họa sự trưởng thành của Stas, tác giả còn lưu giữ nét ngây thơ hồn nhiên hiếm hoi của cậu bé khi ở bên Nell, như muốn nhắc nhở rằng Stas vẫn chỉ là một cậu bé mà thôi:
- Đồ Saba đáng ghét! Đáng ghét! Khi nó về, em sẽ không thèm nói chuyện với nó nữa, em sẽ nói rằng nó thật xấu xí.
Dù không muốn cười, Stas cũng phải mỉm cười và hỏi:
- Làm sao em vừa không nói chuyện với nó mà lại bảo nó biết rằng nó xấu xí được?
- Nó sẽ nhìn vào mặt em và biết thôi.
- Có thể. Nhưng nó cũng không có lỗi gì, và sau đó nó đã xông vào cứu chúng ta mà.
- Được rồi, nhưng người lịch thiệp đâu có sủa khi chào hỏi.
- Người lịch thiệp thì cũng không sủa khi từ biệt, trừ khi anh ta là một con chó, mà Saba đúng là chó còn gì nữa.
Bên cạnh những cuộc truy đuổi và những trận đấu trí hồi hộp đến nghẹt thở, nhà văn không quên tôn vinh vẻ đẹp hoang dã của thiên nhiên Phi châu, nơi mà vào thời điểm đó chưa có nhà thám hiểm châu Âu nào đặt chân đến. Chỉ cần nhắm mắt lại, những câu văn sống động sẽ ngay lập tức đưa ta vào thế giới trong truyện với những “thân cây mục màu xám trông như một tấm thảm thêu”, “những bông hoa rực rỡ như cánh bướm” và những loài vật kỳ lạ mà ta chưa từng biết đến như loài voi nước và báo wobo khiến cho các bộ tộc da đen không khỏi khiếp sợ. Đọc từng trang truyện mà cảm giác như tác giả đã khám phá, quan sát và ghi chú tỉ mỉ vẻ đẹp hoang sơ của nơi này vậy:
“Nơi nào có ánh nắng mặt trời chiếu tới, ở đó mặt đất lại vàng rực bởi những loài lan kỳ lạ, nhỏ bé, màu vàng, với hai cánh hoa vươn cao bên cạnh cánh thứ ba, trông giống như đầu một loài nào đó có đôi tai dài nhọn hoắt. Đôi khi khu rừng được trang điểm bởi những bụi nhài dại, tạo thành những tràng hoa từ những dây mỏng manh nở hoa hồng nhạt.
…
Hoàn toàn không nghe thấy tiếng chim hót, mà thay vào đó trên các ngọn cây lại vang lên những âm thanh kỳ lạ nhất: lúc thì như tiếng cưa rít, lúc như tiếng gõ thùng, khi lại như tiếng cò kêu, tiếng cửa cọt kẹt, tiếng vỗ tay, tiếng mèo kêu meo meo, thậm chí như tiếng trò chuyện to tiếng và kích động của con người.
Nhà văn cũng rất chú trọng đến văn hóa và lối sinh hoạt của người da đen tại đây. Ông đã tìm hiểu kỹ về cách gọi tên, cách nói chuyện, chiến đấu cũng như những phong tục đặc trưng của thổ dân để mang lại kiến thức thú vị cho độc giả tò mò. Chính Henryk đã cho chúng ta biết rằng ngoài giáo và tên, người da đen thường chiến đấu “bằng lửa, tiếng kêu la, giả tiếng gà, đào hố sâu và đặt bẫy gỗ”. Họ gọi các vị thần là “Mzimu” (trong truyện, nhờ sự trợ giúp của chú voi King và cậu bé Kali mà Nell được tôn sùng làm “Mzimu Tốt”) và lời của thần được truyền đạt qua thầy phù thủy (thực chất là những kẻ lừa gạt dân làng bằng tiếng trống lớn từ thân cây rỗng và da khỉ). Họ kết nghĩa huynh đệ bằng cách chia nhau lá gan dê và đọc niệm chú trong khi vị chủ tọa ban phù chú và điệu nhảy thần linh. Dù có chiến tranh giữa các bộ lạc, phụ nữ hai bên vẫn đi chợ và trao đổi buôn bán bình thường trong một khu vực gọi là Luela. Nếu không có kiến thức uyên thâm về thiên nhiên và con người nơi đây, chắc hẳn tác giả không thể kể về họ một cách tự nhiên và rành mạch như vậy.
Lời kết
Có thể nói “Trên sa mạc và trong rừng thẳm” là tác phẩm kinh điển mà mọi thiếu nhi trên thế giới nên đọc một lần trong đời. Tác phẩm gợi nên khát vọng sống tươi đẹp, ước mơ đi tới những chân trời xa, thực hiện những kỳ tích phi thường, vượt qua mọi hiểm nguy và chiến thắng mọi bất công tàn ác. Dù gặp bao nhiêu chông gai thử thách, chỉ cần với một trái tim can đảm và trong sạch, chắc chắn bạn sẽ làm được những điều kỳ diệu. Thượng đế sẽ không quay lưng với những ai không bỏ cuộc cho đến giây phút cuối cùng.
Ở Phi châu xa xôi ấy, có một bản hùng ca về những chiến binh nhỏ tuổi can trường vang lên khắp hoang mạc và trong rừng thẳm.
Người viết: Ngọc Thanh - MytourBook