Bạn đã bao giờ tự hỏi về mẹ với một vai trò hoàn toàn khác trong cuộc sống của mình chưa? Đã bao giờ bạn tự hỏi bản thân đã làm gì để đáp lại sự hy sinh của mẹ dành cho bạn chưa? Lật lại những ghi chú của cuộc đời, tôi chợt nhận ra, mọi niềm vui của tôi đều là nhờ mẹ, mọi khó khăn vất vả của mẹ lại là từ tôi. Vậy mà tất cả những dự định trong cuộc sống của tôi lại là việc: mình sẽ thưởng thức tất cả những món ngon trên thế giới, mình sẽ đi du lịch khắp thế gian, mình sẽ làm tất cả những điều mình yêu thích… và tất cả những điều đó đều không cùng mẹ. Chợt nhận ra bao năm qua mình luôn nhận định mẹ chính là mẹ, mẹ không thể là một ai khác, đâu có nghĩ rằng trước khi làm mẹ, mẹ cũng là cô con gái cưng của bà, cũng là đứa em hết mực yêu thương của gia đình
Những Sách Hay Giúp Bạn Thấu Hiểu Tâm Hồn Mẹ Hơn
Món Quà Yêu Thương
Vài câu chuyện, mấy món ngon kết thành cuốn sách này. Điều quan trọng không phải là món ăn ngon hay không mà là đằng sau món ăn ấy là tình cảm mà người nấu cho vào. Đồ ăn có lẽ là thứ người ta có thể thực sự ăn vào tận sâu linh hồn mình
Mỗi người luôn có một kỷ niệm về một người, về một món ăn mà người đó làm ra. Chắc chắn không ai khác có thể khiến bạn xúc động khi thưởng thức món ăn đó ngoài người ấy
Cuốn sách này giới thiệu những món ăn đời thường, với cách chế biến đơn giản, không đòi hỏi yêu cầu hay kỹ thuật cao. Mỗi món ăn là một câu chuyện, là những kỷ niệm khó quên của mỗi tác giả. Như món cánh gà nướng của chị, hoặc hoành thánh rau thịt của ngoại, thịt kho tàu cùng bố, trứng hấp tuyệt vời của mẹ, và bát mì hồn bay phách lạc cho người thương
“Câu chuyện giống như món ăn, náo nhiệt là canh cá, cô đơn là tôm nõn xào tỏi, bi thương là canh măng đắng, vui sướng là đậu phụ ma bà… Có thể một ngày nào đó chúng ta sẽ trở thành câu chuyện, sẽ là món ăn khích lệ hoặc an ủi người khác”
Trong món ăn quen thuộc nhất, có lẽ ẩn chứa một người bạn yêu thương nhất
Hãy chăm sóc mẹ của bạn
Câu chuyện kết hợp giữa hiện tại và quá khứ, qua những ký ức của các nhân vật, hình ảnh người mẹ hiện lên với nhiều góc độ khác nhau: khi trầm ngâm, chịu đựng, khi quả quyết mạnh mẽ, và có lúc vui như đứa trẻ. Tình cảm mẹ dành cho con đã trở thành thói quen, dù là quá khứ, hiện tại hay tương lai, luôn không thay đổi. Cảm động và đầy nuối tiếc.
Cuốn sách mở đầu bằng cuộc họp gia đình sau khi mẹ bị mất tích một tuần tại ga tàu điện ngầm Seoul khi bà đi thăm con trai. Không ai có tin tức của mẹ, kể từ khi mẹ đi lạc, các con của bà mới nhận ra rằng mình không hiểu gì về mẹ. Ngay cả ngày sinh nhật của mẹ cũng không ai chắc chắn. Tất cả những gì họ biết về mẹ chỉ là những gì xảy ra vào ngày bà bị lạc.
Tên: Park So Nyo
Ngày sinh: 24 tháng 7 năm 1936 (69 tuổi)
Hình dáng: Tóc muối tiêu, gò má cao. Khi đi lạc, mẹ mặc áo màu xanh da trời, áo khoác trắng, váy xếp nếp màu be.
Địa điểm lạc: Ga tàu điện ngầm Seoul
Cuộc tìm kiếm rơi vào bế tắc khi mỗi manh mối về mẹ luôn đến chậm một bước. Dù bà đã bị đãng trí nhưng lại nhớ rất rõ từng nơi con trai cả từng sống và đến đó. Khi nhận tin về mẹ, họ nhanh chóng đến nơi nhưng lại phải rời đi vì mẹ không còn ở đó. Mọi người miêu tả mẹ có tóc muối tiêu, gò má cao, mặc áo sơ mi xanh da trời, khoác áo trắng, váy xếp nếp màu be, đi dép lê xanh, bắp chân tím bầm do muỗi cắn, ngón chân bị thương ăn sâu vào móng, gần như thấy cả xương. Nghe miêu tả này, họ chỉ mong đó không phải là mẹ của mình, không tin rằng mẹ có thể thành ra như vậy, nhặt thức ăn thừa từ thùng rác.
Một ngày, một tuần rồi gần một tháng trôi qua. Người chồng và những đứa con đều đã trưởng thành, không chỉ lo lắng mà còn day dứt vì cảm giác tội lỗi, và hoang mang “trong nỗi hoảng loạn như thể tất cả đều bị tổn thương ở vùng não”. Họ băn khoăn tại sao mẹ không biết hỏi đường về nhà con cả, cho đến khi phát hiện ra mẹ không biết chữ, từng phẫu thuật ung thư vú và căn bệnh tai biến đã khiến mẹ không còn minh mẫn.
Khi một người hy sinh quá nhiều cho ta, mà ta chỉ đền đáp được một phần trăm thì chín mươi chín phần trăm còn lại sẽ lắng đọng thành nỗi buồn khổ. Không đền đáp được sẽ rất đau đớn.
Rốt cuộc mẹ đã đi đâu, họ có thể tìm thấy mẹ? “Hãy chăm sóc mẹ” sẽ khiến bạn phải bật khóc khi nghĩ về người mẹ của mình.
“Dù mẹ mất tích, mùa hè vẫn đến, mùa thu lại về, mùa đông cứ sang như thường, và con sẽ sống trong một thế giới không còn mẹ”
Chỉ khi mất đi người yêu thương ta nhất, ta mới nhận ra vị trí của họ trong lòng mình lớn nhường nào, nhưng đã quá muộn để nói lời yêu thương.
“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không…”
Mẹ, cho con thơm một cái
“Anh nằm dư một tuần trong bụng mẹ, vì không chịu rời xa mẹ,”
Tôi ra đời sớm một tuần vì muốn sớm được nhìn thấy mẹ.
Thằng út sinh đúng ngày vì đã có hẹn với mẹ từ trước.
Ba anh em từ trong bụng mẹ đã yêu mẹ theo cách riêng của mình.
Mỗi người có cách thể hiện tình yêu khác nhau, có thể là lòng biết ơn hay những lời yêu thương, nhưng các con đều yêu mẹ bằng tình cảm trong trẻo và thiêng liêng nhất.
Cuốn sách viết dưới dạng hồi ký, kể lại những ngày tháng cùng mẹ vượt qua bệnh ung thư máu trong bệnh viện. Mẹ là một người phụ nữ tuyệt vời, cả đời không nghỉ ngơi, luôn chăm lo cho gia đình, làm tròn bổn phận con dâu hiếu thảo, vợ đảm đang, và mẹ của ba đứa con. Chỉ đến khi mắc bệnh ung thư, mẹ mới tạm dừng công việc để nghỉ ngơi.
“Vài giờ trước, thằng út nói một câu thật hỗn: ‘Mẹ à, cả đời mẹ chưa bao giờ được ngủ ngon, nhân dịp này mẹ hãy nghỉ ngơi đi.’ Chẳng hiểu sao lúc đó rất muốn bảo nó im lặng, dù đó là sự thật.”
22/11/2004, 8 giờ 44 tối, hôm nay là ngày đầu tiên mẹ nằm viện.
23/11/2004, 2 giờ 35 chiều, ngày thứ hai mẹ nằm viện, vẫn lo lắng cho ba ở nhà, dặn dò ba về chỗ để đồ đạc trong nhà.
5/12/2004, hôm nay là sinh nhật mẹ. Mẹ sốt 38,7 độ, Puma cũng bị bệnh theo.
20/12/2004, bà ngoại mất, không biết có nên nói với mẹ hay không.
24/12/2004, Mẹ sốt từ hôm qua đến sáng nay. Mẹ lên cơn sốt hai lần, phải uống 2 viên Panadol, làm mẹ cảm thấy rất bất lực.
25/12/2004, 4 giờ 30 phút, mẹ vẫn sốt 38,9 độ, mẹ đang ngủ mê man, bàn tay nóng rực.
31/12/2004, mặc dù vẫn bị ho sặc sụa chảy nước mắt, nhưng mẹ chỉ sốt nhẹ, không lâu sau thì đổ mồ hôi và hạ sốt, không cần uống thuốc hạ sốt nữa. Bác sĩ đánh giá mẹ có thể xuất viện về nhà.
14/1/2005, mẹ nhập viện làm hóa trị đợt hai.
25/2/2005, mẹ đã đón Tết ở nhà xong, quay lại Chương Cơ để khám lại và bắt đầu đợt hóa trị thứ ba.
20/03/2005, mẹ đã hoàn thành đợt hóa trị thứ ba và chỉ mới nghỉ ngơi tại nhà được một tuần.
16/04/2005, mẹ bắt đầu đợt hóa trị thứ tư. Bác sĩ thông báo kết quả xét nghiệm máu mới nhất của mẹ đều bình thường.
05/05/2005, tóc mẹ đã mọc lại rồi, rất xoăn, xoăn như tóc của người da đen.
07/05/2005, mẹ xuất viện, đã hoàn toàn bình phục và trở về với cuộc sống thường ngày.
Những ngày chăm sóc mẹ trong bệnh viện là những kỷ niệm không thể nào quên với ba anh em. Những hồi ức cũ dần hiện về: người mẹ từng đưa anh đi học, mỗi lần chào tạm biệt anh đều thơm má mẹ; hay mẹ không thích đi xe máy vì lần đầu tập xe mẹ đã không phanh kịp và đâm vào taxi khiến mẹ bị thương. Dù không thích, mẹ vẫn tập đi xe máy vì lời hứa với cậu con út.
Những câu chuyện giản dị, chân thật, những lời tâm tình giữa ba người con trai với mẹ; những dòng tâm sự ngoài lề, những kỉ niệm ấm áp như nắng mai… sẽ làm trái tim người đọc rung lên những nhịp đập đầy thương nhớ, kí ức về mẹ tràn đầy như dòng suối mát lành.
'Khi một người hy sinh cho ta quá nhiều, mà ta chỉ đền đáp được một phần trăm thì chín mươi chín phần trăm còn lại sẽ lắng đọng thành nỗi buồn khổ. Không đền đáp được sẽ rất đau đớn.
“Mẹ, thơm một cái” như câu thần chú mở cửa trái tim, đánh thức tình yêu thương dành mẹ đã ngủ say. Câu chữ trong cuốn sách giản dị đến mức không thể giản dị hơn, gần gũi đến mức không thể gần gũi hơn được nữa.
Giấc mộng Sói Vương
Giấc mộng Sói Vương kể về cuộc đời đầy sóng gió và hi sinh để chăm sóc và nuôi dưỡng đàn con của Tử Lam – một con sói cái đầy tình cảm và dũng mãnh với giấc mộng một ngày không xa một trong những đứa con của mình có thể trở thành Sói Vương thống trị thảo nguyên Ga Marr.
Giấc mộng sói vương của Hắc Tang – chồng Tử Lam, không thành. Khi ở bên Hắc Tang trong những giây cuối cùng, Tử Lam nhận ra niềm hối hận lớn vì chưa hoàn thành giấc mơ, và thấy nỗi căm hận sâu thẳm trong mắt Hắc Tang dù thi thể đã nguội lạnh, Tử Lam quyết định hoàn thành giấc mơ dang dở của chồng. Hắc Tang đã ra đi mãi mãi, nhưng trước khi ra đi, hắn đã để lại những dấu vết mới trong Tử Lam. Huyết mạch của Hắc Tang sẽ được tái sinh và tiếp tục chảy dưới sự bảo vệ của Tử Lam. Giấc mơ và lý tưởng của Hắc Tang sẽ được kế thừa một cách tự nhiên.
Một người mẹ đơn thân cô độc, không chỉ chăm sóc và bảo vệ con khỏi kẻ thù mà còn phải dạy chúng cách sống trong môi trường cạnh tranh khốc liệt. Tử Lam luôn nghiêm khắc, đôi khi tàn nhẫn với con cái, khiến cho chúng dần oán hận mẹ. Nhưng chúng không biết rằng mọi điều Tử Lam làm đều vì muốn tốt cho chúng. Rồi khi các con trưởng thành, gia nhập đàn sói, khi những cuộc chiến nảy lửa bắt đầu, từng con dần rời xa mẹ, từng người một. Vì tham vọng của mình, vì giấc mơ của người chồng đã khuất, Tử Lam dần mất đi tình yêu và gia đình, mất cách thể hiện tình thương với con cái, có thể nói Tử Lam vừa đáng thương vừa đáng trách.
Sau những nỗ lực và hy sinh, giấc mơ của Tử Lam có thành sự thực, một trong số con cái sẽ trở thành Sói Vương trên thảo nguyên rộng lớn?
“Giấc mộng sói vương”, một câu chuyện xúc động chưa từng có.
Một câu chuyện về người mẹ dũng cảm nhất trong lịch sử!
Một câu chuyện sẽ đưa bạn đến thế giới của những loài động vật hoang dã, nơi quy luật sinh tồn được đặt lên trên mọi nguyên tắc khác.
Một câu chuyện không thể không đọc!
Kết
Cuộc sống luôn khiến con người bận rộn, đôi khi bị cuốn đi trong vòng xoáy cơm áo gạo tiền, khiến ta quên đi những yêu thương quanh mình, khiến ta quên cách thể hiện yêu thương. Mong rằng những cuốn sách này sẽ đánh thức trái tim đã nguội lạnh của bạn, khiến nó trở nên ấm áp như xưa. Hãy chọn cho mình một cuốn sách cùng tách cà phê thơm phức, tận hưởng từng câu chữ trong bình yên.
Tác giả: Thanh Dung - MytourBook