1. Nấm độc là gì và một số loại nấm độc ở Việt Nam
Về thắc mắc “nấm độc là gì”, các chuyên gia giải thích rằng nấm độc là những loại nấm khi ăn vào sẽ gây ngộ độc và đe dọa tính mạng. Dưới đây là một số loại nấm độc thường gặp ở Việt Nam:
- Nấm độc tán trắng: Loại nấm này chứa amanitin, độc tính rất cao, có thể mọc đơn hoặc thành cụm trong rừng. Đặc điểm của loại nấm này như sau:
+ Mũ nấm thường có bề mặt bóng nhẵn, màu trắng và dính chặt vào cuống nấm. Khi còn trẻ, mũ nấm hình trứng nhưng khi trưởng thành, mũ sẽ trở nên phẳng hơn và đường kính khoảng từ 5 đến 10 cm. Khi già đi, mép của mũ nấm sẽ cụp xuống.
+ Phiến nấm thường màu trắng.
+ Cuống nấm có dạng củ và màu trắng. Gốc có hình đài hoa.
+ Thịt nấm cũng màu trắng, rất mềm và có mùi thơm nhẹ.
- Nấm độc trắng hình nón: Đây cũng là loại nấm có độc tính khá cao. Đặc điểm gần giống với loại nấm độc tán trắng đã nêu trên. Tuy nhiên, thịt nấm thường có mùi khó chịu.
Nấm độc trắng hình nón
- Nấm mũ khía nâu xám: Độc tố có trong loại nấm này là muscarin. Nấm mũ khía nâu xám có thể mọc ở nhiều nơi như rừng hoặc những khu vực có nhiều lá cây mục nát.
Dưới đây là một số đặc điểm của nấm:
+ Mũ nấm có hình nón hoặc hình chuông có đường kính từ 2 đến khoảng 8cm. Từ đỉnh xuống phần mép của mũ sẽ có những sợi tơ màu vàng đến màu nâu. Ở những cây nấm già, phần mép mũ nấm sẽ xẻ thành nhiều tia riêng rẽ.
+ Phiến nấm: Khi còn trẻ, phiến nấm có màu hơi trắng và dính chặt vào cuống nấm. Tuy nhiên, khi nấm già, phiến sẽ chuyển thành màu xám hoặc nâu và tách ra khỏi cuống nấm.
+ Phần cuống nấm có màu từ trắng đến nâu và thịt nấm thường màu trắng.
- Nấm ô tán trắng phiến xanh: Loại nấm này thường có độc tố thấp hơn so với các loại nấm độc khác. Thường chỉ gây rối loạn tiêu hóa. Nấm ô tán trắng phiến xanh thường mọc ở các vị trí như bãi cỏ, ven chuồng trâu, ruộng ngô, ...
Nấm ô tán trắng phiến xanh
Một số đặc điểm của nấm ô tán trắng phiến xanh như sau:
+ Mũ nấm: Khi còn non, mũ nấm thường màu vàng nhạt, hình bán cầu dài. Ở cây nấm trưởng thành, mũ nấm lại màu trắng và thường phẳng hoặc hình ô.
+ Phiến nấm: Khi còn non, phiến nấm màu trắng. Khi trưởng thành, phiến nấm chuyển sang màu xanh.
+ Cuống nấm: Độ dài của cuống nấm thường từ 10 đến 30 cm và có màu trắng, xám hoặc nâu.
+ Phần thịt nấm màu trắng.
2. Lưu ý để tránh bị ngộ độc nấm
Để tránh bị ngộ độc nấm, bạn cần chú ý những điều sau:
- Phân biệt nấm thường và nấm độc: Để phân biệt chính xác nấm độc và nấm thường, cần có kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng. Tuy nhiên, để giảm nguy cơ ăn phải nấm độc, bạn cần lưu ý:
+ Tránh ăn các loại nấm có màu sặc sỡ.
+ Không ăn các loại nấm có mùi đặc biệt hoặc mùi lạ.
Không nên ăn nấm mọc hoang
+ Không nên ăn nấm quá non hoặc quá già. Khi nấm quá non, mũ nấm chưa mở hết nên không thể nhận biết được đặc điểm cấu tạo của nó và không thể xác định nấm có độc hay không.
+ Tránh ăn các cây nấm đã chảy sữa.
Tuy nhiên, có nhiều trường hợp ngoại lệ, mặc dù là nấm độc nhưng có hình dáng và màu sắc giống nấm thường, làm cho việc nhận biết nấm độc trở nên khó khăn. Do đó, chuyên gia khuyên rằng, nếu không có đủ kiến thức và kinh nghiệm phân biệt, hãy coi tất cả các loại nấm trong rừng là nấm độc và tuyệt đối không ăn. Chỉ ăn nấm khi chắc chắn là loại nấm an toàn.
Bên cạnh đó, cần chú ý, một số loại nấm không độc nhưng do môi trường ô nhiễm hoặc đất có chứa chất độc hại, đặc biệt là phốt pho, có thể gây ngộ độc nấm, rất nguy hiểm.
Nấu chín nấm để tránh ngộ độc
- Lưu ý khi chế biến nấm:
+ Khi nấm tươi, nên chế biến ngay. Tránh ăn nấm đã ôi thiu, bị dập nát vì có thể gây ra độc tố và ngộ độc cho người ăn.
+ Khi chế biến nấm, cần đảm bảo đun chín kỹ, tránh để nấm sống dính vào đồ ăn đã được nấu chín.
+ Nếu đã ăn nấm, tốt nhất không nên uống rượu. Một số thành phần trong nấm có thể phản ứng hóa học với rượu và gây ngộ độc.
Cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế nếu có biểu hiện bất thường sau khi ăn nấm
Trong trường hợp bị ngộ độc nấm, cần xử trí theo hướng dẫn dưới đây:
+ Khi phát hiện dấu hiệu nguy hiểm của ngộ độc nấm như đau bụng, buồn nôn, nôn ra máu, đi ngoài nhiều lần, cảm giác mệt mỏi,... cần ngay lập tức đưa người bệnh tới các cơ sở y tế để được chăm sóc kịp thời. Không chỉ riêng người bị triệu chứng bất thường mà ngay cả những người cùng thưởng thức nấm đó và không có dấu hiệu gì lạ cũng cần đưa đi kiểm tra y tế. Khi đến bệnh viện, nhớ mang theo mẫu nấm hoặc món ăn từ loại nấm đó để bác sĩ phân loại nấm chính xác, phục vụ cho việc điều trị.
+ Ở các cơ sở y tế, bác sĩ sẽ tiến hành rửa dạ dày hoặc cho người bệnh uống than hoạt tính ngay.
+ Nếu nhận thấy biểu hiện ngộ độc nấm trên 6 giờ sau khi ăn nấm, người bệnh cần được chuyển tới các bệnh viện cấp cứu để tiến hành lọc máu, cấp cứu, giữ an toàn cho tính mạng của họ.
Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về “nấm độc”. Chuyên gia khuyên bạn không nên tự hái và ăn nấm từ bên ngoài. Hãy mua nấm từ những cửa hàng uy tín để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, giảm thiểu nguy cơ ngộ độc nấm.