Trong bài thi IELTS, áp lực thời gian khi làm bài là một việc không thể nào tránh khỏi. Nhất là với kỹ năng Listening, thí sinh không chỉ phải hoàn thành bài làm trong một thời gian ngắn, nhưng còn phải làm được đáp án trong một lần thử duy nhất vì chỉ được nghe một lần. Vậy nên, ngoại trừ trang bị cho mình khả năng ngôn ngữ (tiếng Anh) tốt, các thí sinh còn phải trau dồi thêm các kỹ năng làm bài để có thể phát huy khả năng một cách tối đa. Bài viết này sẽ phân tích phương pháp cải thiện IELTS Listening đó là listening for details – nghe hiểu thông tin cụ thể.
Tổng quan về các kỹ năng nghe
Predicting context – đoán trước nội dung
Listening for gist – nghe hiểu ý chung
Detecting signposts – xác định các từ chuyển ý
Listening for details – nghe chi tiết
Inferring meaning – đoán nghĩa.
Tất cả các kỹ năng trên đều quan trọng và cần có một bài viết riêng để giải thích. Bài viết này sẽ đi sâu vào việc tìm hiểu kỹ năng listening for details – nghe hiểu chi tiết. Nhưng một điều quan trọng mà người học cần lưu ý là tất cả các kỹ năng trên không hề tách rời mà sẽ bổ trợ cho nhau trong quá trình làm bài. Vậy nên, người đọc cần tìm hiểu thêm các bài viết liên quan tới những kỹ năng phía trên để hoàn thiện khả năng nghe hiểu của mình.
Tại sao nên tập trung vào nghe hiểu chi tiết trong việc cải thiện kỹ năng nghe IELTS?
Bài thi nghe của IELTS, sẽ kéo dài trong khoảng 35 phút và bao gồm 4 phần, mỗi phần có nội dung và độ khó khác nhau, tăng dần.
Độ khó của từng phần phụ thuộc vào cách trình bày thông tin: các câu hỏi có bị diễn đạt lại (paraphrase) nhiều không, các thông tin được đưa ra trực tiếp hay là ẩn ý, thứ tự thông tin có được trình bày rõ không?
Part 1 sẽ là phần đơn giản nhất, với nội dung là một cuộc hội thoại thường ngày. Các thông tin chi tiết của phần một thường được trình bày rõ ràng và ít có sự thay đổi hoặc ẩn ý. Thí sinh khi làm phần này không cần phải suy diễn quá nhiều, mà có thể trực tiếp tìm được đáp án.
Part 2 sẽ bao gồm một bài diễn thuyết/độc thoại trong bối cảnh thường ngày (hướng dẫn đường đi, lịch trình, v.v). Thông tin trong phần 2 bắt đầu bị thay đổi (paraphrase) nhiều hơn, thí sinh bắt đầu phải chú ý tới việc suy diễn nghĩa của thông tin.
Còn với Part 3 và Part 4, hai phần này cũng lần lượt bao gồm một cuộc hội thoại và bài diễn thuyết, nhưng là ở trong bối cảnh học thuật với độ khó của thông tin chi tiết cao hơn. Tại đây, các câu hỏi bị diễn đạt lại (paraphrase) rất nhiều, và thí sinh cần phải phân tích kỹ thông tin chi tiết để tìm được câu trả lời.
Các bước để nghe hiểu chi tiết
Bước 1: Đọc đề bài
Trong mỗi phần của bài thi nghe, thí sinh sẽ có một khoảng thời gian ngắn để đọc qua câu hỏi. Khoảng thời gian này rất quan trọng đối với việc nghe hiểu chi tiết.
Đọc qua các tiêu đề của đề bài để đoán trước nội dung và từ vựng
VD: Nếu bài nghe có tiêu đề “Tourist Information Form”
-> Có thể hiểu bài nghe này sẽ nói về các thông tin cá nhân của một vị du khách và thông tin về chuyến đi nghỉ dưỡng của người đó. Từ đó chúng ta sẽ xác định rằng chủ đề từ vựng trong bài sẽ là về Travel and Tourism.
Đọc kỹ các câu hỏi trong đề bài, xác định các từ khóa chính và đoán qua các từ đồng nghĩa hoặc cách paraphrase (diễn đạt lại) trong bài có thể sử dụng
VD: Chúng ta có câu “factors affecting where organisms live”
-> Một số từ khoá chính của câu: factors, where organisms live.
-> Câu này muốn hỏi về các yếu tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn nơi ở của sinh vật.
-> Trong bài nghe, diễn giả có thể dùng các từ đồng nghĩa như là “reasons/lý do”, “habitats/môi trường sống”, hoặc có thể liệt kê luôn những môi trường sống sinh vật đã chọn và những ưu/nhược điểm của nó. Và khi nghe thì thí sinh phải chú ý tới những phần thông tin có liên quan tới việc này.
Bước 2: Trong quá trình nghe
Xác định vị trí thông tin
Trước khi bắt tay vào phân tích các chi tiết trong bài, việc quan trọng nhất là phải xác định chính xác vị trí của thông tin đó. Và để xác định đúng vị trí thông tin, chúng ta sẽ sử dụng 2 kỹ năng: nghe hiểu đại ý – listening for gist và detecting sign pots – phát hiện từ chuyển ý.
Phân tích thông tin
Sau khi xác định được vị trí đại khái của thông tin liên quan tới câu hỏi, việc cần làm tiếp theo là phân tích phần thông tin nghe được để tìm ra đáp án. Việc phân tích thông tin sẽ chủ yếu dựa vào hai cách sau:
Từ đồng nghĩa – synonym: đây là cách diễn đạt lại thông tin thường gặp nhất, là khi bài nghe sử dụng các cụm từ hoặc cấu trúc câu có nghĩa tương đương để thay thế cho từ khóa trong câu hỏi.
VD: Khi muốn nói về con số 25%, bài nghe có thể diễn đạt theo nhiều cách như là: a quarter of, one-fourths of (một phần tư), over one-fifths of (hơn 20%), v.v.
Nghe hiểu paraphrase và ẩn ý: trong những câu hỏi khó hơn của bài nghe, các từ khoá (và từ đồng nghĩa của chúng) trong câu hỏi có thể sẽ không được nhắc đến. Vì thế thí sinh phải hiểu rõ nghĩa của câu hỏi và tìm nghĩa tương tự của nó trong bài. Các nghĩa thường được nói theo dạng ẩn ý như là: đưa ra thông tin khẳng định/phủ định, nói theo ẩn ý phải suy diễn.
VD: Có câu hỏi “Is fat good for your health?” (Chất béo có tốt cho sức khoẻ không?)
Bài nghe không trực tiếp nói về việc “Chất béo có tốt/không tốt cho sức khỏe” mà thay vào đó sẽ liệt kê một số điểm như: “Chất béo tăng tỷ lệ mắc bệnh tim mạch” (Fat increases the rate of cardiovascular diseases).
-> Đây là một điểm tiêu cực, không thuận lợi.
-> Chất béo KHÔNG tốt cho sức khỏe. (Fat is NOT good for your health.)