(NLĐO) - Trên bức ảnh NASA vừa công bố nhân dịp năm mới, một chuỗi 'bữa tiệc pháo hoa' rực rỡ đang diễn ra giữa không gian. Điểm đặc biệt trong bức ảnh là cụm 'pháo hoa' bùng nổ giữa vật thể lao về phía dải Ngân Hà, cùng với viễn cảnh đầy huyền bí của Đám mây Magellan Lớn.
Theo NASA, hình ảnh này được chụp bằng camera JPL trên kính viễn vọng không gian Hubble, cho thấy một hiện tượng giống như vụ nổ đang xảy ra khi vật thể lao thẳng vào Ngân Hà, phát ra những sợi tia sáng rực rỡ đi khắp hướng.
Cụm 'bữa tiệc pháo hoa' giữa Đám mây Magellan Lớn - một thiên hà vệ tinh của Ngân Hà. Ảnh: NASA
Sự kiện này được xác định là một siêu tân tinh, tức là một vụ nổ lớn của sao, đánh dấu cái chết của một thiên thể trong không gian.
Nơi vụ nổ diễn ra là Đám mây Magellan Lớn, một thiên hà vệ tinh của Ngân Hà, nằm trong vũ trụ gần Trái Đất. Ngân Hà, hay còn gọi là Dải Ngân Hà, là một thiên hà xoắn ốc khổng lồ.
Dải Ngân Hà được quan sát từ Trái Đất như một dải sáng vắt ngang bầu trời, do vị trí của chúng ta nằm ở rìa của thiên hà. Đây là lý do tại sao nó thường được gọi là 'dải Ngân Hà'.
Cùng với đó, Đám mây Magellan Lớn và Đám mây Magellan Nhỏ là hai vệ tinh thiên hà quen thuộc, đều thuộc loại thiên hà lùn nhỏ.
Dự kiến trong khoảng 2 tỉ năm tới, Đám mây Magenllan Lớn - đang tăng tốc lao thẳng về phía Ngân Hà - sẽ va chạm.
Sự va chạm này có thể đẩy Trái Đất ra khỏi 'vùng sống' của hệ Mặt Trời và tác động đến một số hệ sao khác.
Với kích thước của hai vệ tinh thiên hà, Đám mây Magellan Lớn gần như chắc chắn sẽ bị hấp thụ.
Thực tế, trong quá khứ, Ngân Hà của chúng ta - một thiên hà khổng lồ - được tin là đã hấp thụ gần 20 thiên hà khác.
Dù cực kỳ khắc nghiệt, nhưng sự kiện này cũng kích thích quá trình hình thành sao mạnh mẽ, có thể làm nền tảng cho việc hình thành các 'hành tinh giống Trái Đất' với sự sống khác biệt.