Các chuyên gia cho rằng đây chính là lượng nước còn lại từ thời kỳ Sao Hỏa còn có điều kiện ẩm ướt.
Nhờ thiết bị khảo sát lòng đất trên Sao Hỏa, các nhà địa chất học đã tìm ra dấu vết của một khối nước ngầm lớn. Theo dữ liệu từ tàu đổ bộ Insight của NASA, lượng nước này có thể phủ kín bề mặt Sao Hỏa với một đại dương sâu từ 1-2 kilomet.
Ảnh chụp Sao Hỏa vào năm 2018 trong một cơn bão bụi, do Kính viễn vọng Không gian Hubble thực hiện.
Mặc dù thông tin này có thể giải thích sự biến mất của đại dương Sao Hỏa cách đây 3 tỷ năm, nhưng nó không giúp ích nhiều cho các kế hoạch định cư trong tương lai. Dữ liệu cho thấy nước tập trung trong các khe nứt và lỗ hổng trong lớp vỏ Sao Hỏa, nằm sâu từ 11,5 đến 20 kilomet dưới bề mặt. Ngay cả trên Trái Đất, việc khoan đến độ sâu này là rất khó khăn.
Trong tương lai xa, khi công nghệ phát triển và con người có thể tiếp cận dễ dàng với lượng nước khổng lồ này, Sao Hỏa có thể trở thành khu vực định cư quy mô lớn. Hiện tại, giá trị chính của nghiên cứu là cung cấp thông tin về lịch sử địa lý và khí hậu của hành tinh này.
“Hiểu biết về vòng đời của nước trên Sao Hỏa sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về quá trình tiến hóa của khí hậu, bề mặt và lòng đất của hành tinh này,” theo Vashan Wright, nhà nghiên cứu tại Viện Hải dương học Scripps thuộc Đại học California San Diego. Wright cho rằng việc xác định vị trí và trữ lượng nước sẽ là cơ sở quan trọng cho các nghiên cứu tiếp theo.
Mô phỏng cắt ngang bên trong Sao Hỏa dưới tàu đổ bộ Insight của NASA cho thấy lớp vỏ trên cùng 5 km có vẻ khô cằn, tuy nhiên nghiên cứu mới đã chỉ ra sự tồn tại của một lớp đá chứa nước lỏng ở độ sâu 11,5-20 km dưới bề mặt.
Vashan Wright, cùng với các đồng nghiệp Michael Manga từ Đại học California San Diego và Matthias Morzfeld từ Viện Scripps, sắp công bố nghiên cứu mới trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, tập trung phân tích lượng nước lớn dưới bề mặt Sao Hỏa.
Dựa trên mô hình toán học mô tả sự tương tác vật lý của đất đá, tương tự như các mô hình khảo sát Trái Đất, nhóm nghiên cứu đã kết luận rằng lớp magma nguội sâu dưới mặt đất chứa nhiều nước.
“Xác nhận sự hiện diện của một hồ chứa nước lỏng cung cấp cái nhìn sâu sắc về khí hậu trong quá khứ hoặc thậm chí tương lai,” theo giáo sư Manga, chuyên gia khoa học trái đất và hành tinh tại UC Berkeley.
“Nước là yếu tố thiết yếu cho sự sống như chúng ta biết. Tôi không thấy lý do gì khiến [hồ chứa dưới lòng đất] không thể là môi trường hỗ trợ sự sống. Điều này đã được chứng minh trên Trái đất — các mỏ sâu và đáy đại dương có sự sống. Dù chưa có bằng chứng về sự sống trên Sao Hỏa, ít nhất chúng ta đã xác định được một nơi có thể duy trì sự sống theo lý thuyết,” ông nói thêm.
Giáo sư Manga chỉ ra rằng có nhiều bằng chứng như kênh sông, đồng bằng, trầm tích hồ và đá bị biến đổi do nước, hỗ trợ giả thuyết về sự tồn tại của nước trên bề mặt Sao Hỏa. Tuy nhiên, thời kỳ ẩm ướt này đã kết thúc hơn 3 tỷ năm trước, sau khi Sao Hỏa mất bầu khí quyển. Các nhà khoa học đã gửi nhiều tàu thăm dò và tàu đổ bộ để tìm hiểu điều gì đã xảy ra với lượng nước trước đây.
Phát hiện mới cho thấy nước không bay hơi ra không gian mà đã thẩm thấu vào sâu trong địa tầng của Sao Hỏa.
Minh họa tàu đổ bộ Insight trên Sao Hỏa, với cánh tay robot đã đặt một máy đo địa chấn (vật thể hình vòm bên trái tàu) và một đầu dò nhiệt trực tiếp lên mặt đất. Sứ mệnh thu thập dữ liệu đã kết thúc vào năm 2022, và hiện tại các nhà khoa học đang phân tích các dữ liệu thu được.
Vào năm 2018, tàu đổ bộ Insight của NASA bắt đầu nghiên cứu các lớp vỏ, manti, lõi và khí quyển của Sao Hỏa. Trước khi sứ mệnh kết thúc vào năm 2022, tàu Insight đã thu thập những dữ liệu quý giá.
“Sứ mệnh đã vượt xa mong đợi của tôi,” theo giáo sư Manga. “Nhờ vào dữ liệu địa chấn từ Insight, chúng ta đã xác định được độ dày lớp vỏ, độ sâu và thành phần của lõi Sao Hỏa, cũng như một số thông tin về nhiệt độ của lớp manti.”
Các báo cáo nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng nước đóng băng không tồn tại ở lớp đất dưới 5 mét. Điều này có nghĩa là các khu vực định cư tương lai sẽ không thể tìm thấy nước ngầm, mà chỉ có thể khai thác nước từ các vỉa băng ở cực Sao Hỏa.
Nghiên cứu mới phân tích các lớp đất sâu hơn và khẳng định “dữ liệu chỉ có thể giải thích hợp lý bằng sự tồn tại của một lớp vỏ giàu nước.” Nhóm nghiên cứu cho rằng nếu thành phần lớp vỏ Sao Hỏa tương tự ở các vùng khác, nước có thể hiện diện ở nhiều khu vực. Tổng thể tích nước ước tính “có thể lấp đầy những đại dương cổ đại từng tồn tại trên Sao Hỏa.”
Theo UCB News
Kim