(Tổ Quốc) - Sau khi trở về, những con sứa sinh sản ngoài Trái đất đột nhiên bắt đầu thể hiện những hành động kỳ lạ.
Mang 2.487 con sứa vào không gian
Từ cuối những năm 1940, con người đã đưa các loài động vật vào không gian để nghiên cứu về ảnh hưởng của môi trường vi trọng lực lên sinh vật. Việc này có ý nghĩa quan trọng với tương lai của con người khi chúng ta khám phá các hành tinh khác trong vũ trụ. Kể từ năm 1948, các nhà khoa học đã gửi nhiều sinh vật lên không gian, bao gồm chó, vượn, bò sát, côn trùng, thực vật và các vi sinh vật khác...
Dự án mang 2.487 con sứa vào không gian của NASA được coi là một thành công lớn. Dự án này thuộc chương trình Sứ mệnh SLS-1 lần đầu tiên của NASA, khởi động vào năm 1991. Hơn 2.000 con sứa đã được đóng gói trong túi nước biển và phóng lên không gian trên tàu con thoi Columbia.
NASA đã mang 2.487 con sứa lên không gian để thí nghiệm. (Ảnh: NASA)
Thí nghiệm đã đạt được kết quả bất ngờ, chỉ sau hơn một nửa tháng bay quanh Trái đất, 2.487 con sứa biển đã sinh sản mạnh mẽ. Số lượng sứa đã tăng lên đến hơn 60.000 con.
Khi đó, các nhà khoa học của NASA đang rất phấn khích về triển vọng của các thí nghiệm tương tự. Họ bắt đầu lập kế hoạch mới để thử nghiệm khả năng sinh sản của các loài thủy sản khác trong không gian. Nếu các thí nghiệm thành công, họ hy vọng rằng con người cũng có thể sinh sống và sinh sản trên không gian. Tuy nhiên, niềm vui của họ không kéo dài lâu, khi theo dõi đàn sứa, các nhà khoa học phát hiện một điều kỳ lạ.
Phát hiện kỳ lạ
Sau khi mang những con sứa sinh sống trong không gian trở lại Trái đất, chúng bắt đầu thể hiện những dấu hiệu kỳ lạ. Chúng bơi trong nước biển với tư thế đầu chìm và di chuyển không ổn định như những người say rượu. Có vẻ như những con sứa này đã trở thành 'sứa ngáo' sau khi quay trở lại Trái đất. Lí do thực sự là gì?
Các chuyên gia đã so sánh những con sứa sinh ra trong không gian với những con sinh ra trên Trái đất. Họ nhận ra rằng những con sứa từ vũ trụ không có khả năng định hướng và di chuyển khó khăn. Do đó, sứa không gian không thích nghi với từ trường của Trái đất.
Sau khi quay trở lại Trái đất, những con sứa không thể di chuyển bình thường. (Ảnh: NASA)
Một con sứa sinh ra trên Trái đất sẽ có nhiều thụ thể xác định từ trường dưới dạng các tinh thể canxi sunfat. Những thụ thể này được giữ trong các túi bao có tế bào lông nhạy cảm. Khi chúng thay đổi hướng di chuyển, các tinh thể canxi sunfat sẽ lặn xuống đáy các túi và báo hiệu cho các tế bào lông cần phải đi theo hướng nào.
Trong sứa không gian, các thụ thể xác định từ trường vẫn tồn tại nhưng chúng không phát huy hiệu quả. Giả thuyết là, những thụ thể này đang bị điều chỉnh sai hoặc không kết nối chính xác với hệ thống thần kinh của sứa.
Nhiều loài động vật sinh sống trong không gian đã ghi nhận hiện tượng tương tự. Sau khi quay trở lại Trái đất, các loài cá và nòng nọc thường di chuyển theo đường vòng chứ không phải đường thẳng.
NASA đã nhiều lần đưa các loài vật khác ngoài sứa lên không gian để thí nghiệm tác động của vi trọng lực. (Ảnh: NASA)
Năm 2007, NASA thực hiện thí nghiệm với một con chuột mẹ vào tuần cuối thai kỳ để xem việc đi vào không gian ảnh hưởng thế nào đến con chuột con. Con chuột con sinh ra ngoài không gian không thể tự lật mình, chúng chỉ có thể nằm ngửa dù ở dưới nước. Tuy nhiên, tình trạng này không kéo dài lâu, cảm giác bình thường về trọng lực được khôi phục dần theo thời gian.
Một thí nghiệm khác vào năm 2011 cho thấy, ốc sên sống trong không gian rất nhạy cảm với trọng lực. Nếu bị nghiêng hoặc lật úp, chúng sẽ cố gắng xoay mình nhưng không phải lúc nào cũng xoay đúng hướng.
Con người cũng có một loại chất lỏng trong tai hoạt động giống như các thụ thể xác định từ trường của sứa. Do đó, khi sống trong môi trường không trọng lực, con người có thể không thể di chuyển bình thường khi quay trở lại Trái đất. Chính vì vậy, các chuyên gia của NASA cần tiến hành nhiều thí nghiệm hơn trước khi đưa con người lên không gian.
*Bài viết được tổng hợp từ The Conversation, PBS, The Atlantic.