Giống như nhiều người trẻ khác, mình chọn ngành học 'nghịch' và thường không tự tin vào khả năng của mình, nhưng...
Sau nhiều năm cống hiến với sách vở ở nước ngoài, chuyên ngành Quản trị khách sạn và nhà hàng của mình, mình rất trông chờ vào ngày bước lên bục tốt nghiệp. Nhưng lúc đó, thế giới đột ngột xuất hiện một 'quái vật' tên là Covid, làm cho ngành du lịch suy sụp không biết bao giờ mới hồi phục. Cầm tấm bằng tốt nghiệp trong tay mà mình chỉ biết khóc thét.
Mình không biết đã gửi bao nhiêu đơn xin việc, nhưng vẫn không nhận được một hồi âm nào. Tìm kiếm việc làm suốt nửa năm, cuối cùng mình nhận được một thư mời phỏng vấn từ một công ty kiểm toán. Công việc chủ yếu là hỗ trợ các dự án liên quan đến dịch vụ tài chính.
Lúc đó, bản thân mình cũng rất hoang mang, vì công việc này không phải là chuyên ngành mình học nên mình lo lắng không biết phải làm sao. Nhưng vì đã quá tuyệt vọng, nên mình quyết định 'liều'. Mình tự an ủi rằng nếu không thành công thì cũng coi như là một trải nghiệm phỏng vấn.
Mình vẫn nhớ rõ khi chị phỏng vấn mình đã đặt một câu hỏi: Học chuyên ngành quản trị khách sạn và nhà hàng thì em nghĩ mình có thể áp dụng những gì vào công việc liên quan đến tài chính như thế này không?
Lúc đó, mình đã thật lòng trình bày về tình hình cá nhân vì hoàn cảnh thúc đẩy mình phải xin việc ở một ngành khác, sau đó giải thích rằng vì mình đã học về quản trị nên cũng có kiến thức căn bản về kế toán, tài chính và quản lý doanh thu. Ngoài ra, mình cũng thành thạo với tin học văn phòng Microsoft Office và tính toán trên Excel. Chị ấy tỏ ra hài lòng với câu trả lời của mình. Và cuối cùng, mình đã vượt qua được vòng phỏng vấn thứ hai.
Vòng phỏng vấn cuối cùng là vòng kiểm tra kỹ năng giao tiếp bằng viết. Lúc đó, mình cảm thấy lo lắng vô cùng, đặc biệt là với môn viết tiếng Anh. Người duyệt kết quả và cũng là người hướng dẫn vòng kiểm tra này lại ở Nam Phi, dù mình đang xin vào một công ty ở Mỹ.
Trước khi cuộc gọi kết thúc, mình hỏi chị có phải là người ở Johannesburg không, vì mình là fan cuồng của Trevor Noah (Trevor Noah là một người dẫn chương trình, diễn viên hài độc thoại và tác giả người Nam Phi). Khi nghe đến Trevor Noah, chị ấy cười vui vẻ và thừa nhận rằng cũng thích Trevor Noah lắm.
Sau khi viết xong bài, mình gửi đi nhưng trong lòng cảm thấy lo lắng vì nghĩ rằng bài viết của mình chắc chắn sẽ không được đánh giá cao.
Mấy ngày sau, mình nhận được email thông báo trúng tuyển, cảm thấy hơi bất ngờ. Mình suy nghĩ lại, liệu có phải vì cảm xúc fan cuồng với Trevor Noah mà chị ấy quan tâm đến lỗi chính tả của mình không?! Mặc dù đã vượt qua ba vòng phỏng vấn và nhận được lời mời làm việc, mình vẫn cảm thấy hoài nghi về khả năng của bản thân.
Thật sự, việc bắt đầu làm việc mà không có sự đào tạo chuyên sâu về tài chính và kế toán đã khiến mình cảm thấy rất mất lòng tin. Trong đầu mình xuất hiện hàng trăm lý do để từ bỏ, nhưng mình không dám làm điều đó, chỉ vì sợ nếu nghỉ việc thì không biết phải làm thế nào để sống.
May mắn thay, lúc cảm thấy tuyệt vọng nhất, mình gặp được một người bạn đáng trân trọng, người hiện tại cũng là người hướng dẫn của mình.
Lúc đó, mình được phân vào cùng nhóm với một người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành ngân hàng. Người đó đã mất việc vì Covid và mới được tuyển vào làm. Mỗi khi rảnh rỗi, mình lại mang giấy tờ qua hỏi. Người đó thấy mình ham học nên chỉ dạy rất tận tình. Dần dần, mình cũng quen với việc làm giấy tờ, học được nhiều về các loại thuế, tài chính, và cách hoạt động của hệ thống ngân hàng, vv.
Sau khi dự án kết thúc, mình viết email cảm ơn người đó. Nếu không có sự giúp đỡ và chỉ dạy của người đó, mình chắc chắn đã bị sa thải từ lâu. Người đó khuyên mình một câu mà mình luôn nhớ: “Don’t sell yourself short”, tức là “Đừng tự đánh giá thấp bản thân”, để khích lệ mình nên tự tin hơn.
Mặc dù đã sống, học tập và làm việc ở Mỹ trong vài năm, nhưng điểm yếu của mình vẫn là tiếng Anh. Trong các cuộc họp với đồng đội, mình thường ngại lên tiếng. Ngay cả trong những cuộc trò chuyện, mình thường chỉ nghe, mặc dù hiểu hết nhưng ít khi góp ý.
Khác với kỹ năng chuyên môn, kỹ năng giao tiếp bằng ngôn ngữ không thể rèn luyện được trong một hoặc hai ngày. Một lần, công ty giao cho mình nhiệm vụ dịch tài liệu tài chính từ tiếng Việt sang tiếng Anh cho một số doanh nghiệp Việt Nam. Ban đầu, mình suy nghĩ rằng khả năng ngôn ngữ của mình không đủ, không thể chấp nhận nhiệm vụ này.
Sau khi kể lại cho người hướng dẫn nghe, họ nói: “Hãy làm đi, vì họ thấy tiềm năng trong bạn nên mới giao việc cho bạn. Ngoài ra, trong toàn bộ văn phòng chỉ có bạn là người Việt, không ai khác có thể làm được nhiệm vụ này.” Nhớ lời khuyên “Don’t sell yourself short” của hướng dẫn, mình đã chấp nhận. Mất hai ngày để tự học và dịch xong. Khi hoàn thành, giám đốc còn viết email cảm ơn và khen ngợi, khiến mình rất phấn khích.
Qua nhiều trải nghiệm, mình nhận ra rằng suốt thời gian qua, mình luôn tập trung vào những điều không tốt, những điểm yếu của bản thân, trong khi quên mất rằng cũng cần phải tập trung vào việc phát triển những điểm mạnh của mình.
Mặc dù không có kiến thức sâu rộng về tài chính như nhiều đồng nghiệp khác, nhưng nhờ sự chăm chỉ và học hỏi, mình vẫn có thể hoàn thành công việc một cách tốt đẹp. Dù tiếng Anh không giỏi như người bản xứ, nhưng vì biết nói được hai thứ tiếng, nên đôi khi mình cũng được ưu tiên cho công việc.
Điều quan trọng nhất là phải hiểu rõ điểm mạnh và điểm yếu của bản thân để có thể phát triển và tận dụng chúng. Bây giờ, mỗi khi mình đối diện với công việc quan trọng hoặc chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn việc làm, mình thường nhớ câu “Don’t sell yourself short” như một lời thần chú để tăng thêm tự tin.