Chính sự đầu hàng của hậu duệ hoàng tộc nhà Tào đã tạo điều kiện cho Tư Mã Ý và gia đình nhanh chóng nắm quyền chỉ sau một cuộc chính biến, thậm chí về sau chiếm trọn tài sản của ...
Khi nhắc đến thời kỳ Tam Quốc, nhiều người cảm thấy tiếc nuối về một thời đế chế của gia tộc Tào.
Tào Tháo đã dành cả đời chinh chiến khắp nơi để tạo nên cơ đồ, nhưng cuối cùng lại bị Tư Mã Ý và gia tộc của ông chiếm đoạt.
Về việc Tư Mã Ý nắm quyền Tào Ngụy, chuyên trang Qulishi cho rằng trọng trách lớn thuộc về một thành viên của nhà Tào.
Vào thời điểm Tư Mã Ý khởi động chính biến, nếu nhân vật này không nhanh chóng quy phục, cơ nghiệp của nhà Tào đã không thể dễ dàng bị kẻ ngoài tộc thôn tính dần dần.
Người chịu trách nhiệm chính cho tình hình này là Tào Sảng, Đại tướng quân kiểm soát lực lượng quân sự của Tào Ngụy.
Chủ động dâng quyền lực cho kẻ thù, hậu duệ hoàng thất vô tình giao giang sơn cho ngoại tộc
Tào Sảng (? - 249), tự Chiêu Bá, là một nhà quân sự và chính trị quan trọng trong triều đình Tào Ngụy thời Tam Quốc.
Ông được xem là quyền thần xuất chúng, từng công khai đối đầu với Tư Mã Ý dưới thời Ngụy đế Tào Phương, đồng thời tạo ra chuỗi căng thẳng trong chính quyền Tào Ngụy.
Khi phò tá Tân đế lên ngôi, Tào Sảng và Tư Mã Ý cùng chia sẻ quyền lực. Nhưng Tào Sảng đã dùng thủ đoạn chính trị để loại trừ người đồng minh này khỏi vũ đài chính trị.
Năm 247, Tư Mã Ý vì chán cảnh hữu danh vô thực đã xin nghỉ về quê và bắt đầu chuẩn bị kế hoạch trả đũa của mình.
Sử sách ghi lại rằng, vào ngày 6 tháng 1 năm 249, Hoàng đế Tào Phương cùng Đại tướng quân Tào Sảng và một số thân tín đã rời kinh đô Lạc Dương để đến lăng mộ Cao Bình thăm viếng.
Tuy nhiên, ngay khi đoàn người rời khỏi Lạc Dương, Tư Mã Ý đã lập tức tiến hành chính biến, tạo nên sự kiện lăng Cao Bình nổi tiếng trong lịch sử.
Hôm đó, khi Tào Phương và Tào Sảng vừa rời kinh đô, Tư Mã Ý đã triệu tập 3000 binh sĩ trung thành, đóng kín các cổng thành và kiểm soát kho vũ khí, giành quyền chỉ huy binh lực vốn thuộc về Tào Sảng.
Nhờ chuỗi hành động nhanh gọn trên, Tư Mã Ý đã chiếm được toàn bộ Lạc Dương và dâng tấu vạch tội Tào Sảng lên Hoàng đế.
Trước tin dữ này, Tào Sảng hoảng loạn. Dù có xuất thân từ hoàng tộc họ Tào và giữ chức Đại tướng quân, ông vẫn có thể lật ngược thế cờ trong chính biến này.
Tuy nhiên, Tào Sảng đã hành động cảm tính, thiếu hiểu biết về sự khắc nghiệt của chính trị, do đó quyết định hạ vũ khí đầu hàng.
Hành động của Tào Sảng nhằm hướng đến việc giải quyết chính biến lăng Cao Bình trong hòa bình, tránh đổ máu.
Tư Mã Ý tuy khẳng định giải quyết trong hòa hảo, nhưng sau khi nắm đại cục đã xử tử Tào Sảng và phe cánh, thậm chí tru di tam tộc họ.
Trong đợt thanh trừng đó, nhiều người thuộc hoàng tộc Tào Ngụy đã bị tiêu diệt. Gia tộc Tào trải qua một cuộc tắm máu và gần như không còn đủ khả năng chống đỡ.
Từ đây, Tư Mã Ý trở thành quyền thần nắm quyền triều chính Tào Ngụy, đặt nền tảng để nhà Tư Mã thay thế nhà Tào và thống nhất Tam Quốc sau này.
Lý do Tư Mã Ý thành công chỉ với một cuộc chính biến
Nhìn lại sự kiện chính biến lăng Cao Bình, nhiều người đặt câu hỏi tại sao những người từng trung thành với Tào Tháo không ủng hộ Tào Sảng chống lại Tư Mã Ý.
Thời điểm chính biến diễn ra là 29 năm sau khi Tào Tháo qua đời, tuy số lượng lão thần giảm nhưng vẫn còn khá nhiều. Tiêu biểu có thể kể đến các nhân vật như Vương Quán, Tưởng Tế, Vương Lăng, Quách Hoài...
Theo quan điểm của Qulishi, lý do nhóm người này không ủng hộ Tào Sảng mà đứng về phía Tư Mã Ý chủ yếu vì 2 chữ: Lợi ích. Và những lợi ích này có hai khía cạnh chính sau đây.
Đầu tiên, từ khi Tào Sảng nắm quyền, các thuộc hạ cũ của Tào Tháo không còn được trọng dụng.
Trước thời chính biến, các cận thần của Tào Tháo ít được trọng dụng và thường bị Tào Sảng gạt sang một bên. Vì thế, các lão thần này có xu hướng chống đối Tào Sảng vì cảm thấy bất mãn với cách quản lý của ông.
Do đó, khi Tư Mã Ý phát động chính biến, họ hoặc giữ vị thế trung lập hoặc đứng về phía Tư Mã Ý, không ủng hộ Tào Sảng.
Trên thực tế, vào thời điểm chính biến xảy ra, các quyền hành như chỉ huy đại bản doanh và cấm quân đều do các cận thần cũ của Tào Tháo giành được.
Thậm chí, Thái úy Tưởng Tế còn trở thành người thuyết phục cho Tư Mã Ý, viết thư khuyên Tào Sảng đầu hàng với lời hứa sẽ tha mạng. Tuy nhiên, lá thư này đã dẫn đến bi kịch cho Tào Sảng.
Thứ hai, lợi ích của tầng lớp sĩ tộc.
Khi Tào Tháo cầm quyền, ông thường ưu tiên các nhân sĩ có xuất thân nghèo khó. Điều này khiến lợi ích của giới sĩ tộc bị ảnh hưởng.
Từ đó, tầng lớp sĩ tộc trong triều đình Tào Ngụy không được hưởng nhiều nguồn lực, và kinh tế cũng gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, Tư Mã Ý là người xuất thân danh giá và là đại diện tiêu biểu của tầng lớp sĩ tộc thời bấy giờ. Chính biến này có thể được coi là đòn đáp trả của giới sĩ tộc.
Đa số bộ hạ cũ của Tào Tháo đều thuộc giới sĩ tộc hoặc có liên hệ với sĩ tộc. Do đó, việc họ không chống lại hay ủng hộ Tư Mã Ý để đảm bảo lợi ích của mình là điều dễ hiểu.
Từ sau khi Tư Mã Ý nắm quyền đến thời nhà Tây Tấn, tầng lớp sĩ tộc tận hưởng cuộc sống xa hoa với nhiều đặc quyền và ưu đãi.
Thực lực của các gia tộc lớn ngày càng tăng cường, thậm chí có lúc họ nắm quyền phế lập Hoàng đế.
Những lý do trên giải thích vì sao khi Tư Mã Ý phát động chính biến, Tào Sảng không nhận được sự hỗ trợ từ những thuộc hạ kỳ cựu trong triều đình.
Sự phản bội và đầu hàng mù quáng của Tào Sảng đã trao cơ hội cho Tư Mã Ý vươn lên, dẫn đến việc nhà Tư Mã chiếm ưu thế trong cuộc chiến và trở thành kẻ chiến thắng cuối cùng của thời Tam Quốc.
*Dịch từ báo ngoại quốc