(Tổ Quốc) - Hãy thử đặt ra một giả thuyết thú vị: Nếu tất cả mọi người trên Trái đất nhảy cùng một lúc, liệu hành tinh có thể di chuyển, hoặc vòng quay của chúng ta có thể chậm lại không?
Trong một thí nghiệm thực hiện vào năm 2015 cho chương trình Earth Lab của BBC, nhà báo và người dẫn chương trình khoa học Greg Foot đã thử kiểm chứng giả thuyết này bằng cách khiến 50.000 người nhảy lên cùng một lúc, sau đó đo lường những rung động có thể xảy ra trong lòng đất từ một khoảng cách 1,5 km.
'Với một chút toán học, tôi có thể mở rộng quy mô đó và xem điều gì sẽ xảy ra nếu mọi người trên Trái đất nhảy cùng một lúc, và liệu điều đó có thể thay đổi tốc độ quay của Trái đất hay không', Foot giải thích trong video.
Theo tính toán, các trận động đất có thể ảnh hưởng đến tốc độ quay của Trái đất. Vào năm 2011, trận động đất và sóng thần tại Nhật Bản đã làm tăng tốc độ quay của Trái đất một chút, làm cho một ngày của chúng ta ngắn hơn khoảng 1,8 micro giây. Do đó, Greg Foot tin rằng nếu tất cả mọi người trên thế giới nhảy cùng một lúc, chúng ta có thể tác động đến vòng quay của Trái đất.
Thí nghiệm với 50.000 người nhảy lên và đáp xuống cùng lúc được thực hiện bởi chương trình BBC Earth đã tạo ra một trận động đất có cường độ 0,5 Richter. Ảnh: BBC Earth
Thực tế, sau khi thí nghiệm với 50.000 người nhảy lên và đáp xuống cùng một lúc, nhóm nghiên cứu đã đo được một trận động đất có cường độ 0,6 độ Richter. Rõ ràng, trận động đất với cường độ 'khiêm tốn' như vậy khó có thể tác động đến Trái đất, ít nhất là trên một cấp độ nào đó. Tuy nhiên, ngay cả khi mở rộng quy mô lên đến 8 tỷ người (tổng dân số của thế giới), cường độ của cú nhảy vẫn không đủ.
'Các trận động đất chỉ ảnh hưởng đến vòng quay của hành tinh khi cường độ của chúng đạt ít nhất 8 độ Richter, và để làm được điều này, bạn cần số người nhiều gấp bảy triệu lần so với số người hiện đang sống trên hành tinh này'.
'Vì vậy, bạn không thể dịch chuyển hành tinh nếu tất cả mọi người trên thế giới nhảy cùng một lúc; thậm chí bạn không thể thay đổi tốc độ quay của nó. Giả thuyết này chẳng có gì có thật cả', Greg Foot kết luận.
Việc hàng tỷ người nhảy cùng một lúc có thể làm Trái Đất di chuyển không?
Liên quan đến vấn đề này, nhà vật lý Rhett Allain đã đưa ra câu trả lời vào năm 2010. Allain đã ước tính sơ bộ khối lượng trung bình của hơn 7 tỷ người lớn và trẻ em (khoảng 363 tỷ kg) vào thời điểm đó, cũng như khối lượng của Trái đất (6 triệu tỷ kg).
Vì con người phân bố trên toàn bề mặt hình cầu của hành tinh, nếu tất cả chúng ta nhảy tại chỗ, không có gì xảy ra. Tất cả lực nâng và tác động của chúng ta sẽ triệt tiêu lẫn nhau, dẫn đến lực tác dụng lên Trái đất bằng không, theo nghiên cứu của nhà vật lý Rhett Allain.
Vào năm 2011, trận động đất và sóng thần lớn tấn công Nhật Bản đã làm tăng tốc độ quay của Trái đất một chút, khiến một ngày của chúng ta bị rút ngắn lại khoảng 1,8 micro giây. Ảnh: Internet
Do đó, thí nghiệm sẽ cần phải tập hợp hàng tỷ người trên thế giới vào cùng một khu vực. Giả sử 10 người có thể đứng trong 1m2, 'đám đông' sẽ hoàn toàn vừa vặn với diện tích tương đương của thành phố New York (27km2). Đồng thời, ông cũng giả định rằng mọi người đều nhảy cao khoảng 0,3 mét và tất cả sẽ thực hiện cú nhảy ở cùng một vị trí, để tránh bước nhảy triệt tiêu lẫn nhau.
Dựa trên dân số thế giới vào thời điểm đó (2010), Allain đã tính toán rằng Trái đất sẽ dịch chuyển khoảng một phần trăm bán kính của một nguyên tử hydro .
'Sau khi tất cả mọi người nhảy lên, họ sẽ 'rơi' xuống - di chuyển về phía Trái đất. Trong thời gian này, Trái đất sẽ di chuyển trở lại. Tất cả sẽ như cũ.', ông nói.
Vào năm 2016, trang tin Business Insider cũng đã mời nhà vật lý thiên văn Paul Sutter tại Đại học bang Ohio và nhà vật lý Mark Boslough tại Phòng thí nghiệm quốc gia Sandia (Mỹ) để xem xét về những tác động có thể xảy ra nếu giả thuyết nói trên được thử nghiệm.
Trước hết, sẽ có rất nhiều năng lượng được giải phóng khi hàng tỷ người đáp xuống mặt đất (tại cùng một địa điểm, và mỗi người được hướng dẫn nhảy một chân lên không trung cùng một lúc). Một số năng lượng đó sẽ quay trở lại giày của chúng ta. Phần còn lại sẽ phân tán vào không khí và mặt đất, dẫn đến một số tác động đáng chú ý.
Chẳng hạn, việc hàng tỷ người nhảy lên và đáp xuống sẽ tạo một âm thanh lớn phát ra ở mức 200 decibel (âm thanh lớn nhất có thể từng được tạo ra trên Trái đất), vốn có thể làm vỡ màng nhĩ. Để so sánh, một động cơ phản lực tạo ra âm thanh 150 decibel khi cất cánh, trong khi ngưỡng chịu đau của chúng ta là 120 decibel. Mặt đất sẽ bắt đầu rung chuyển và nếu cú nhảy xảy ra gần bờ biển, nó có thể gây ra sóng thần với những con sóng cao 30m.
Sự rung lắc cũng có thể dẫn đến một trận động đất rơi vào khoảng 4-8 độ richter. Nó có thể tạo ra rung lắc nhẹ đến những chấn động có thể khiến cầu, đường sắt, đường dây điện và các tòa nhà bị phá hủy. Tuy nhiên, bất chấp tất cả những điều này xảy ra trên mặt đất, các tác động sẽ không được cảm nhận ở ngoài vũ trụ. Nói cách khác, giả thuyết hàng tỷ người nhảy và đáp xuống cùng lúc có thể làm quỹ đạo Trái Đất thay đổi, hay khiến hành tinh dịch chuyển dù chỉ một ít, là điều không thể xảy ra.
Tổng hợp