Các khu trung tâm đô thị có thể được xem như những bộ phận của khối u ung thư. Các vùng ngoại ô rải rác như các đường diềm không đều của khối u đó. Mạng lưới đường sắt và đường bộ chính là những mạch máu đang cung cấp dinh dưỡng cho sự phát triển của tế bào ung thư.
Một trong những đoạn hội thoại nổi tiếng và mang tính triết học nhất trong bộ phim Matrix (1999) là cuộc trò chuyện giữa đặc vụ Smith và Morpheus, khi chương trình trí tuệ nhân tạo này nhận ra bản chất giống loài của con người:
'Tôi muốn chia sẻ một phát hiện mà tôi mới giác ngộ được trong khoảng thời gian gần đây. Khi cố gắng phân loại giống loài của con người, tôi nhận ra rằng con người không phải là động vật có vú.
Mọi động vật có vú trên hành tinh này đều phát triển tự nhiên và cân bằng với môi trường xung quanh, nhưng loài người thì không.
Con người di cư đến một địa điểm nào đó, rồi tăng số lượng cho đến khi mọi nguồn tài nguyên tự nhiên ở đó đều bị tiêu thụ hết. Cách duy nhất để tồn tại là tiếp tục lây lan sang các khu vực khác.
Có một sinh vật khác trên hành tinh này cũng phát triển theo mô hình tương tự. Bạn có biết nó là gì không? Đó là virus.
Loài người chính là một căn bệnh, một căn bệnh ung thư của hành tinh này. Loài người là một loại dịch bệnh, trong khi (trí tuệ nhân tạo) chúng ta là loại thuốc chữa bệnh'.
Khi viết những dòng này, có lẽ Lana và Lilly Wachowski đã tham khảo đến ý tưởng của William Burroughs, một nhà văn và biên kịch Mỹ đã ví loài người như một loại virus. Điều này đã được Burroughs nhắc đến trong ba cuốn tiểu thuyết Nova Trilogy xuất bản từ năm 1961-1968.
Hơn 4 thế kỷ sau, một lần nữa, ý tưởng này lại được nhấn mạnh bởi James Lovelock, một nhà tương lai học, nhà hoạt động môi trường và cha đẻ của 'thuyết Gaia' cho rằng Trái Đất hoạt động như một hệ thống tự điều chỉnh.
Trong tác phẩm kinh điển của mình, cuốn sách 'Khuôn mặt biến mất của Gaia: Lời cảnh báo cuối cùng', James Lovelock đã mô tả Homo sapien chính là một loại virus.
Chúng ta khai thác quặng kim loại từ bên trong Trái Đất, lấy dầu từ đại dương, phá rừng, và gây ô nhiễm môi trường nước. Tất cả vì mục đích sinh sản và tăng trưởng dân số, loài người đang lan tràn trên mọi lục địa và gây ra tác động tiêu cực cho hành tinh bằng khí thải nhà kính, công nghiệp và các thành phố vô tội.
Ảnh minh họa.
Đô thị hóa giống như sự phát triển của căn bệnh ung thư
Nếu bạn muốn thấy bằng chứng cho các ý tưởng của Lovelock, Lana và Lilly Wachowski hoặc William Burroughs, hãy đọc một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Journal of the Royal Society Interface.
Theo đó, các nhà khoa học từ Đại học College London (UCL) đã dùng mô hình toán học và ảnh vệ tinh để chứng minh:
Quá trình đô thị hóa của loài người có sự tương đồng đáng kinh ngạc với những khối u ung thư trong cơ thể chúng ta, khi được quan sát dưới ảnh CT cắt lớp.
Các khu trung tâm đô thị giống như nhân của khối u ung thư, vùng ngoại ô như đường diềm không đều của khối u đó, và mạng lưới đường sắt, đường bộ cũng giống như mạch máu đang giúp khối u tăng sinh.
Vì vậy, nếu loài người là virus, là căn bệnh ung thư của hành tinh, thì các thành phố thực sự là những khối u di căn trên bề mặt Trái Đất.
Nếu loài người là virus, là căn bệnh ung thư của hành tinh, thì các thành phố thực sự là những khối u di căn trên bề mặt Trái Đất.
Để tìm điểm tương đồng giữa quá trình đô thị hóa và di căn của ung thư, các nhà nghiên cứu tại Đại học College London đã mô phỏng lại sự phát triển của thủ đô London trong 180 năm qua.
Bắt đầu từ một khu vực chỉ có diện tích một 'dặm vuông' vào thời Trung Cổ, London đã mở rộng diện tích của mình lên gấp 600 lần so với lõi lịch sử đó. Để đạt được diện tích lớn như ngày nay, hơn 1.700 km2, thủ đô của Anh đã phát triển như một khối u ung thư tăng sinh từ năm 1831 đến năm 2011.
Các mô hình toán học được Đại học College London nghiên cứu cho thấy trước khi mạng lưới đường sắt thành phố xuất hiện, toàn bộ dân số London chỉ tập trung ở một khu vực trung tâm nhỏ. Việc di chuyển đến các vùng ngoại ô rất tốn kém và khó khăn.
Khi hệ thống đường sắt và sau này là đường sắt đô thị được xây dựng, nó đã cho phép người dân sống xa hơn khỏi khu vực trung tâm. Điều này dường như cũng là xu hướng ở các thành phố khác trên thế giới.
Mô hình mô phỏng sự phát triển của London trong suốt 180 năm.
Nó giống như sự di căn của khối u ung thư.
Các khu đô thị mới nảy sinh giống như căn bệnh di căn
Mọi người thường thích sống ở những khu vực có mật độ dân số thấp hơn nếu có phương tiện di chuyển thuận tiện đến khu trung tâm, các nhà nghiên cứu phân tích.
Họ lập luận rằng những động lực này có thể so sánh với các mạch máu trong khối u ung thư nảy mầm và phân chia, tạo ra những 'con đường' mới tiến vào vùng mô khỏe mạnh để mở rộng hoặc tạo thành khối u di căn mới.
Quá trình này, được các nhà khoa học gọi là 'sự hình thành mạch', chính là thứ cho phép khối u ung thư phát triển tới kích thước lớn. Các mạch máu cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho tế bào ung thư khuếch tán, giống như các con đường giao thông tạo điều kiện cho đô thị lấn chiếm diện tích.
Nguyên tắc tương tự cũng đúng với nhiều thành phố lớn trên thế giới, chẳng hạn như London, Washington DC, Paris và Sydne. Khi các nhà khoa học tại Đại học College London hợp tác với các nhà nghiên cứu tại Đại học Sydney, họ phát hiện ra rằng thành phố cảng Australia phát triển theo cách tương tự như London.
Quá trình mở rộng của thủ đô London dưới mô hình toán học.
Sự phát triển của một khối u ung thư da.
Sử dụng dữ liệu từ năm 1851 đến năm 2011, hệ thống đường sắt của Sydney và dân số đô thị ở đây đã phát triển song song giống hệt nhau trong các mô hình. Tương tự như London, hai yếu tố lớn nhất chi phối sự phát triển của Sydney là khối lượng dân số và tính kết nối của các khu vực.
Đây cũng là những yếu tố chi phối sự phát triển của mô ung thư, nếu coi tế bào ung thư giống như con người và mạch máu giống với hệ thống giao thông đô thị.
'Ngày nay, thế giới đang trải qua quá trình đô thị hóa và số hóa nhanh chóng', các tác giả của nghiên cứu giải thích. 'Trong đó các thành phố thường được coi là những cỗ máy lớn hoặc hệ thống hậu cần có thể được kiểm soát bằng các biện pháp can thiệp từ trên xuống.
Nhưng trên thực tế, chúng tôi nhận thấy các thành phố hành xử giống như những hệ thống thích ứng phức tạp phát triển - ở một mức độ nhất định - chúng giống như các sinh vật sống'.
Sự phát triển của Sydney
Và hình ảnh một khối u ung thư dưới kính hiển vi.
Quy hoạch lại đô thị cũng giống như chữa bệnh ung thư: Rất khó
Cần phải nói rằng, đây không phải lần đầu tiên con người được ví như căn bệnh của Trái Đất, và sự phát triển của các thành phố cũng giống như khối u ung thư trong cơ thể.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Planning Theory vào năm 2012 của nhà phân tích quy hoạch đô thị Melissa J Saunders cũng từng ví quá trình đô thị hóa giống như 'ung thư hóa'. Trong đó, Melissa nhấn mạnh rằng việc các nhà quy hoạch cố gắng sửa đổi một thành phố cũng giống như cách các bác sĩ chữa trị ung thư.
Ban đầu, họ tin rằng có thể loại bỏ khối u bằng cách di dời tất cả trung tâm hành chính từ trung tâm thành phố ra ngoại ô hoặc vùng ven. Nhưng phương pháp này không hiệu quả và gây lãng phí cơ cấu đô thị cũ.
Melissa lập luận rằng bây giờ ung thư có thể được chữa bằng dược phẩm và liệu pháp miễn dịch. Do đó, việc quy hoạch lại đô thị cũng có thể được thực hiện một cách nhẹ nhàng hơn, dựa trên các phương pháp phát triển bền vững ngay trong trung tâm đô thị.
'Sử dụng hiệu quả các biện pháp ẩn dụ sẽ giúp chúng ta tập trung vào giải quyết vấn đề', Melissa viết.
Ảnh minh họa
Các nhà nghiên cứu từ Đại học College London đồng ý với điều này. Qua nghiên cứu của họ, họ hy vọng sẽ cung cấp một so sánh hữu ích giữa hai quá trình tăng trưởng đô thị và tăng sinh của tế bào ung thư.
Điều này sẽ giúp các nhà quy hoạch đô thị tìm ra giải pháp bằng cách học hỏi từ lĩnh vực sinh học đang phát triển:
'Ví dụ, để hạn chế sự tăng trưởng của đô thị trong tương lai, các nhà quy hoạch đô thị có thể xem xét điều chỉnh phát triển của mạng lưới đường bộ, tàu điện ngầm và đường sắt, giống như cách các bác sĩ kiểm soát mạch máu, giảm sự phát triển của ung thư'.
Tham khảo các nguồn thông tin như Sciencealert, Jstor, Royalsocietypublishing