Công nghiệp là một phần quan trọng của nền kinh tế, bao gồm việc sản xuất các sản phẩm vật chất thông qua 'chế tạo, chế biến, chế tác, và chế phẩm' để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hoặc phục vụ cho các hoạt động kinh doanh khác. Đây là hoạt động sản xuất quy mô lớn, được thúc đẩy mạnh mẽ bởi sự tiến bộ trong công nghệ, khoa học và kỹ thuật.
Lịch sử
Công nghiệp, với vai trò là ngành sản xuất hàng hóa và vật chất, đã trở thành động lực chính của nền kinh tế ở Châu Âu và Bắc Mỹ trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp. Sự phát triển của ngành công nghiệp đã làm thay đổi trật tự nền kinh tế phong kiến và thương mại nhờ vào hàng loạt tiến bộ công nghệ như động cơ hơi nước, máy dệt và sản xuất thép quy mô lớn. Các quốc gia công nghiệp đã áp dụng chính sách kinh tế tư bản, phát triển đường sắt và tàu thủy hơi nước để mở rộng thị trường toàn cầu, tạo ra sự phát triển chưa từng có về quy mô và sự giàu có. Sau Cách mạng công nghiệp, sản lượng kinh tế toàn cầu chủ yếu đến từ các ngành công nghiệp chế tạo, vượt xa giá trị của nông nghiệp.
Những ngành công nghiệp đầu tiên bắt đầu từ việc sản xuất những hàng hóa có giá trị cao như vũ khí, vải vóc, và đồ gốm sứ. Ở Châu Âu thời Trung cổ, các phường thợ tại các thành phố và thị trấn chi phối sản xuất. Những tổ chức này củng cố quyền lợi của hội viên, đảm bảo chất lượng sản phẩm và duy trì các chuẩn mực đạo đức trong hành vi.
Vào những năm 60 của thế kỷ XVIII, Cách mạng công nghiệp khởi đầu tại Anh rồi sau đó lan rộng sang các quốc gia khác như Pháp, Đức, tạo nên sự phát triển của các nhà máy với quy mô lớn và những biến đổi xã hội tiếp theo. Ban đầu, các nhà máy sử dụng năng lượng hơi nước, sau đó chuyển sang năng lượng điện khi lưới điện được hình thành.
Danh sách các nhà phát minh tại Anh:
- Năm 1764, James Hargreaves phát minh ra máy kéo sợi và đặt tên máy theo tên con gái ông là Jenny
- Năm 1769, Richard Arkwright sáng chế máy kéo sợi sử dụng sức nước
- Năm 1785, Edmund Cartwright chế tạo máy dệt đầu tiên
- Năm 1784, James Watt cải tiến động cơ hơi nước
Sản xuất dây chuyền cơ khí hóa được giới thiệu để lắp ráp sản phẩm, với mỗi công nhân chỉ đảm nhận một nhiệm vụ cụ thể trong quá trình sản xuất. Phương pháp này đã nâng cao hiệu suất sản xuất một cách đáng kể và giảm chi phí. Sau đó, tự động hóa dần thay thế công việc của con người. Sự phát triển của máy tính và robot đã thúc đẩy quá trình này tiến xa hơn.
Về mặt lịch sử, một số ngành công nghiệp đã suy giảm do nhiều yếu tố kinh tế như sự phát triển của công nghệ thay thế hoặc mất lợi thế cạnh tranh. Chẳng hạn, ngành chế tạo toa xe đường sắt giảm dần sự quan trọng khi ô tô trở nên phổ biến hơn.
Phân loại
Vì hoạt động công nghiệp rất đa dạng, có nhiều cách để phân loại, chẳng hạn như:
- Phân loại theo mức độ đầu tư vốn và sự tập trung lao động: Công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ
- Phân loại theo sản phẩm và ngành nghề: công nghiệp dầu khí, công nghiệp ô tô, công nghiệp dệt, công nghiệp năng lượng, v.v.
- Phân loại theo cấp quản lý: công nghiệp địa phương và công nghiệp trung ương.
Tại một số quốc gia như Việt Nam và Nhật Bản, ngành công nghiệp bao gồm các lĩnh vực sau:
- Khai thác khoáng sản, than, đá và dầu khí
- Chế biến và chế tạo, bao gồm cả chế biến thực phẩm và gỗ
- Sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước
- May mặc và đồ dùng gia đình
- Chế biến và sản xuất các hóa chất cần thiết
Ở Anh và Hoa Kỳ, hệ thống phân loại hoạt động kinh tế không có mục công nghiệp riêng biệt. Thay vào đó, các ngành công nghiệp được phân loại theo hoạt động kinh tế. Trong cách phân loại này, công nghiệp là phần chính của khu vực thứ hai trong nền kinh tế. Công nghiệp chế biến thường được gộp chung với xây dựng và lắp đặt vào khu vực thứ hai do tính chất hoạt động tương đồng và khó phân định ranh giới giữa chúng.
Chuẩn phân loại ngành công nghiệp toàn cầu (GICS)
GICS, viết tắt của 'Global Industry Classification Standard', là hệ thống phân loại do tổ chức Morgan Stanley Capital International (MSCI) và Standard & Poor's phát triển từ năm 1999. Bản cập nhật gần đây nhất được công bố vào năm 2020. GICS được thiết lập để cung cấp một tiêu chuẩn đồng nhất cho việc phân loại các công ty theo các ngành và nhóm ngành liên quan.
- Các tiêu chí xây dựng chuẩn GICS
- Tính toàn cầu (Universal)
- Độ tin cậy (Reliable)
- Mức độ linh hoạt (Flexible)
- Khả năng phát triển (Evolving)
GICS hiện tại bao gồm 11 nhóm ngành chính (sectors), 24 nhóm ngành (industry groups), 69 ngành (industries) và 158 ngành phụ trợ (sub-industries).
- 11 nhóm ngành chính trong hệ thống GICS
- Năng lượng (Energy): Bao gồm các công ty liên quan đến thăm dò, khai thác, chế biến và vận chuyển nhiên liệu như dầu khí và than đá, cùng các sản phẩm và phụ phẩm liên quan.
- Nguyên vật liệu (Materials): Nhóm ngành này bao gồm các công ty sản xuất hóa chất, vật liệu xây dựng, kính, giấy, lâm sản, cùng với các công ty khai thác mỏ và luyện kim; các doanh nghiệp sản xuất bao bì (giấy, kim loại, thủy tinh).
- Công nghiệp (Industrials): Gồm các công ty chế tạo máy móc công nghiệp, thiết bị điện, ngành quốc phòng, xây dựng, giao thông vận tải và các dịch vụ liên quan.
- Hàng tiêu dùng không thiết yếu (Consumer Discretionary): Bao gồm các sản phẩm nhạy cảm với chu kỳ kinh tế như ô tô, đồ điện tử gia dụng, quần áo và thiết bị giải trí, giáo dục; cùng với dịch vụ khách sạn, nhà hàng, trung tâm giải trí và truyền thông.
- Hàng tiêu dùng thiết yếu (Consumer Staples): Bao gồm các công ty sản xuất và phân phối thực phẩm, nước giải khát, thuốc lá, sản phẩm gia dụng không lâu bền và vật dụng cá nhân, cùng siêu thị và trung tâm bán lẻ thực phẩm và thuốc.
- Chăm sóc sức khoẻ (Health Care): Bao gồm các công ty cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, thiết bị y tế, và các công ty nghiên cứu, sản xuất dược phẩm và công nghệ sinh học.
- Tài chính (Financials): Gồm ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư tài chính và bất động sản, cùng các dịch vụ tài chính khác.
- Công nghệ thông tin (Information Technology): Bao gồm các công ty phát triển phần mềm và dịch vụ liên quan, sản xuất thiết bị công nghệ phần cứng, chất bán dẫn và thiết bị bán dẫn.
- Dịch vụ viễn thông (Communications Services): Gồm các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông như dịch vụ cố định, không dây và truy cập dữ liệu băng thông rộng.
- Dịch vụ tiện ích (Utilities): Bao gồm các công ty sản xuất và phân phối điện, quản lý hệ thống nước và khí gas sinh hoạt.
- Bất động sản (Real Estate)
Một số ngành công nghiệp hiện có
- Công nghiệp văn hóa
- Công nghiệp sáng tạo
- Công nghiệp khai thác khoáng sản
- Công nghiệp năng lượng
- Công nghiệp luyện kim
- Công nghiệp cơ khí
- Công nghiệp hóa chất
- Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng
- Công nghiệp thực phẩm
- Công nghiệp điện tử và tin học
- Công nghiệp chế tạo ô tô
- Công nghiệp dệt may
- Công nghiệp đóng tàu
- Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng
- Công nghiệp quốc phòng
Danh sách các quốc gia theo sản lượng công nghiệp
Economy | Countries by Industrial Output (in nominal terms) at peak level as of 2018 (billions in USD)
| ||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
(01) Trung Quốc | 5,316
| ||||||||
(—) Liên minh châu Âu | 4,757
| ||||||||
(02) Hoa Kỳ | 3,877
| ||||||||
(03) Nhật Bản | 1,842
| ||||||||
(04) Đức | 1,213
| ||||||||
(05) Nga | 744
| ||||||||
(06) Hàn Quốc | 651
| ||||||||
(07) Ấn Độ | 619
| ||||||||
(08) Pháp | 589
| ||||||||
(09) Anh | 586
| ||||||||
(10) Ý | 576
| ||||||||
(11) Brasil | 549
| ||||||||
(12) Canada | 518
| ||||||||
(13) México | 415
| ||||||||
(14) Indonesia | 409
| ||||||||
(15) Úc | 409
| ||||||||
(16) Tây Ban Nha | 381
| ||||||||
(17) Ả Rập Xê Út | 340
| ||||||||
(18) Thổ Nhĩ Kỳ | 302
| ||||||||
(19) Ba Lan | 221
| ||||||||
(20) Đài Loan | 217
| ||||||||
The twenty largest countries by industrial output (in nominal terms) at peak level as of 2018, according to the IMF và CIA World Factbook. |
Economy | Top 20 Countries by Industrial Output (in nominal terms) in 2015 (millions in 2005 constant USD and exchange rates)
|
---|---|
(01) Hoa Kỳ | 3,042,332
|
(02) Trung Quốc | 2,837,667
|
(03) Nhật Bản | 1,415,551
|
(04) Đức | 889,336
|
(05) Ấn Độ | 499,519
|
(06) Anh | 468,181
|
(07) Hàn Quốc | 454,504
|
(08) Pháp | 415,400
|
(09) Canada | 370,732
|
(10) Ý | 369,751
|
(11) México | 365,959
|
(12) Nga | 277,858
|
(13) Brasil | 267,769
|
(14) Úc | 261,385
|
(15) Ả Rập Xê Út | 256,969
|
(16) Tây Ban Nha | 254,480
|
(17) Đài Loan | 204,109
|
(18) Indonesia | 198,254
|
(19) Thổ Nhĩ Kỳ | 177,586
|
(20) Ba Lan | 141,921
|
- Các lĩnh vực kinh tế
- Ngành chế tạo
- Nông nghiệp
- Dịch vụ
Tài nguyên tham khảo bên ngoài
- Tài liệu liên quan đến Industries trên Wikimedia Commons
- Ngành công nghiệp trong Từ điển bách khoa Việt Nam
- Industry trên Encyclopædia Britannica (tiếng Anh)