Hôm nay có vẻ như là ngày định mệnh của các mối quan hệ. Nhưng điều đó đã được dự báo từ trước khi mà vị hoàng đế Intel ngày càng suy yếu.
Hôm nay có vẻ như là ngày rạn nứt của các mối quan hệ, khi cả Apple và Microsoft đều đồng loạt tỏ ý muốn chia tay với Intel. Apple thì mời kiến trúc sư thiết kế chip ARM về làm việc để nuôi tham vọng tự sản xuất chip cho máy tính Mac, Microsoft thì tuyên bố có thể chuyển sang sử dụng chip AMD trên thế hệ Surface tiếp theo.
Triều đại chip máy tính đang dần kết thúc
Intel đã từng là người chiến thắng trên thị trường chip máy tính từ khi ra mắt bộ vi xử lý thương mại đầu tiên vào năm 1971. Tuy nhiên hiện nay nhiều thứ đã thay đổi, thị trường máy tính cá nhân đang suy yếu, khiến cho nhu cầu chip máy tính cũng giảm sút. Làn sóng smartphone đang nổi lên, nhưng Intel lại không kịp thời và bị tụt lại phía sau. Đối thủ AMD đang tạo ra áp lực cạnh tranh ngày càng tăng.
Không chỉ là những vấn đề về mặt khách quan, mà sự suy yếu của Intel cũng phần nào là do những vấn đề về mặt chủ quan. Đó là sự đấu tranh và nghiên cứu công nghệ chip xử lý của Intel đã gặp phải nhiều khó khăn. Thế hệ chip xử lý mới dựa trên công nghệ 10nm của Intel đã được dự kiến ra mắt vào cuối năm 2016. Tuy nhiên, chỉ có thể mong chờ đến cuối năm nay mới có thể ra mắt.
Những vấn đề không thể vượt qua trong việc thu nhỏ kích thước và tăng số lượng bóng bán dẫn, có thể khiến cho định luật Moore không còn hiệu nghiệm nữa. Trong khi đó, AMD đã ra mắt các con chip 7nm đầu tiên. Còn các nhà sản xuất chip di động như TSMC đã bắt đầu thảo luận về kiến trúc 2nm.
Ngoài ra, những nỗ lực mới của Intel để mở rộng hoạt động kinh doanh, đặc biệt là vào thị trường chip cho điện thoại thông minh, đã thất bại hoàn toàn. Nhờ có sự hỗ trợ từ Apple, Intel bắt đầu nghiên cứu và sản xuất chip modem cho điện thoại thông minh. Tuy nhiên, những con chip modem của Intel chưa bao giờ được xem xét là có thể cạnh tranh được với Qualcomm.
Sau khi hòa giải với Qualcomm, Apple cũng từ bỏ những nỗ lực hợp tác với Intel để phát triển chip modem 5G. Kết quả là Intel phải đóng cửa hoàn toàn mảng kinh doanh này, và gần đây đã phải bán toàn bộ bằng sáng chế công nghệ liên quan.
Apple và Microsoft đều có kế hoạch riêng
Apple vẫn luôn có tham vọng lớn, đó là tự sản xuất những con chip của riêng mình để có thể đồng bộ hóa tốt nhất với các thiết bị phần cứng. Điều này đã trở thành hiện thực đối với các thiết bị di động như iPhone hay iPad, nhưng Apple vẫn chưa thể tự sản xuất chip cho máy tính Mac.
Tuy nhiên, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ hiện nay, các bộ vi xử lý di động dựa trên kiến trúc ARM ngày càng mạnh mẽ hơn và có thể thay thế cho chip máy tính cá nhân.
Apple cũng đã thuê kiến trúc sư trưởng thiết kế chip từ ARM về, rõ ràng thể hiện tham vọng muốn tự sản xuất chip dựa trên kiến trúc di động ARM để trang bị cho máy tính Mac. Khi mục tiêu này trở thành hiện thực, đương nhiên Intel sẽ lại bị bỏ lại phía sau.
Trái lại, gã khổng lồ phần mềm Microsoft muốn chuyển sang sử dụng chip của AMD trên các thế hệ Surface tiếp theo. Các con chip của AMD được sản xuất trên tiến trình 7nm hoàn toàn mới, không chỉ mạnh mẽ hơn mà còn tiết kiệm điện năng hơn.
Microsoft cũng khao khát sử dụng các chip di động ARM. Có dấu hiệu cho thấy việc sử dụng chip di động trên laptop đang trở nên phổ biến, nhằm thay thế cho các bộ vi xử lý máy tính truyền thống. Trong khi đó, Intel đang dần bị lạc hậu so với xu hướng mới này.
Intel đang tìm cách giải quyết vấn đề và tiếp tục tìm kiếm thành công
Đối mặt với nhiều khó khăn và không tìm ra cách giải quyết, Intel đã chi một khoản tiền lớn vào các cuộc chiến. Từ việc mua lại các công ty và nhà sản xuất chip, đến việc đầu tư và phát triển công nghệ mới.
Năm 2015, Intel đã mua lại Altera, một công ty chuyên sản xuất chip máy chủ, với giá 16,7 tỉ USD. Vào năm 2017, họ tiếp tục thâu tóm Mobileye, một nhà sản xuất chip thị giác máy tính cho xe tự lái, với giá 15,3 tỉ USD.
Bên trong công ty, Intel đã đầu tư vào mọi thứ từ quang học (sử dụng ánh sáng để truyền thông tin giữa các chip) cho đến Optane, một công nghệ bộ nhớ đệm mới giúp máy tính hoạt động nhanh và ổn định hơn. Họ còn đang phát triển loại chip GPU riêng của mình.
Tất nhiên không thể bỏ qua nỗ lực phát triển và sản xuất chip modem cho điện thoại thông minh. Theo Pierre Ferragu, một chuyên gia phân tích tại New Street Research, Intel đã chi khoảng 19 tỉ USD từ năm 2012 để tiến vào thị trường này, nhưng cuối cùng lại thất bại trước sự thống trị của Qualcomm.
Intel vẫn có thể tồn tại tốt nhờ sản xuất chip cho máy tính và máy chủ, cũng như dịch vụ trung tâm dữ liệu. Với sự phát triển của dịch vụ internet và điện toán đám mây, có cơ hội tốt để bán chip xử lý máy chủ và trung tâm dữ liệu. Tuy nhiên, rõ ràng Intel đang mất dần vị thế số 1 của mình.