Lắng nghe không hiệu quả trong cả lúc học Listening và quan trọng hơn là lúc làm bài thi Listening là một vấn đề nguy hiểm có thể dẫn tới chất lượng làm bài của thí sinh không đạt như kỳ vọng. Việc hiểu được nguyên nhân, tìm ra giải pháp cho vấn đề này là rất quan trọng để chất lượng học kỹ năng nghe của người học Tiếng Anh và đặc biệt là chất lượng học tập và làm bài của thí sinh trong bài thi IELTS Listening ngày càng được nâng cao hơn.
Key Takeaways |
---|
|
Lắng nghe không tập trung là gì?
Việc lắng nghe không hiệu quả trong tiết học IELTS Listening có thể đem lại vô vàn bất lợi, bao gồm:
Khiến người học không thể nắm bắt thông tin một cách chính xác, hiệu quả.
Người học bị lỡ mất phần thông tin quan trọng mang tính chất quyết định đến kỹ năng của bản thân.
Người học bị lãng phí thời gian cho việc nghe lại thông tin.
-
Người học hình thành thói quen nghe không nghiêm túc, đúng trọng tâm.
Dẫn đến sự tương tác tiêu cực giữa 2 phía: giảng viên và học viên.
Một điều may mắn là việc lắng nghe không hiệu quả có thể được cải thiện thông qua thực hành. Một khi chúng ta hiểu những rào cản phổ biến dẫn đến lắng nghe không hiệu quả, chúng ta có thể khắc phục được vấn đề này.
Một số cách thức nghe không hiệu quả
Phê phán qua nghe
Đôi khi, học viên tập trung toàn bộ sức lực vào việc đánh giá những gì được giảng dạy theo quan điểm của họ thay vì cố gắng tiếp thu kiến thức với một tâm hồn cởi mở.
Tự vệ qua việc nghe
Xảy ra khi học viên quá bận tâm đến các tình huống cá nhân và cảm xúc của mình dẫn đến việc họ hoàn toàn không tập trung trong tiết học. Mặc dù học viên có thể diễn như là họ đang thực sự lắng nghe, nhưng sự thực là họ không chú tâm vào bài giảng mà đang nghĩ cách giải quyết các vấn đề cá nhân của mình.
Nghe giả định
Xảy ra khi học viên cho rằng tự họ có thể hiểu hết được ý nghĩa câu từ của giảng viên trong khi giảng viên chưa hoàn toàn nói hết kiến thức bài giảng. Thay vì thực sự nghe những gì đang được dạy, tâm trí của học viên tự thỏa mãn bằng những giả thuyết tự xây dựng trong đầu mình.
Nghe tích cực
Một số học viên chỉ chấp nhận nghe những kiến thức mà họ đồng tình và không bận tâm đến những phần kiến thức mâu thuẫn với hiểu biết của họ. Giảng viên có thể thấy rằng sẽ có lúc học viên tương tác rất tích cực với mình, ngược lại cũng có lúc học viên hoàn toàn lơ là và thậm chí thể hiện thái độ với mình.
Nghe đánh giá
Xảy ra khi học viên có định kiến về giảng viên và không ngừng chỉ trích những gì đang được nói.
Nghe tự vệ
Học viên bảo thủ và ngại thay đổi những gì đã khắc sâu vào tâm trí họ từ trước. Những học viên này cũng có xu hướng gặp khó khăn khi phải tiếp thu những kiến thức, cách học mới hoặc từ vựng mới.
Các vấn đề khác gây ra việc nghe không hiệu quả
Rào cản vật lý và môi trường
Thường những trở ngại về mặt vật lý sẽ là những rào cản lớn nhất dẫn đến tình trạng Lắng nghe không hiệu quả trong các tiết học nghe. Đó có thể là tiếng ồn từ giao thông, âm thanh phát ra từ các phòng học khác, hoặc chỉ đơn giản là tiếng rơi đồ vật, tiết viết sột soạt. Điều này đặc biệt sẽ trở nên nghiêm trọng trong những phòng học quá rộng hoặc âm lượng của tiếng ồn quá lớn.
Khả năng nghe hiệu quả của một người cũng có thể bị cản trở bởi các yếu tố môi trường như nhiệt độ và ánh sáng. Ví dụ: vào mùa hè, khi trời mất điện, một căn phòng nóng bức khó chịu có thể khiến học viên mất tập trung hoàn toàn vào đoạn băng, hoặc một căn phòng quá tối có thể khiến họ mệt mỏi và mất hứng thú do mỏi mắt và buồn ngủ.
Ngay cả cách sắp xếp đồ đạc cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng lắng nghe của một người. Trong khi một số cách sắp xếp chỗ ngồi khuyến khích việc lắng nghe, thì một số cách khác lại không khuyến khích. Ví dụ như, một căn phòng ngăn nắp, gọn gàng và sạch sẽ sẽ khuyến khích người nghe thực hiện bài nghe một cách trơn tru hơn.
Rào cản cảm xúc và tâm lý
Bên cạnh tiếng ồn bên ngoài tạo ra trở ngại cho việc nghe hiệu quả, cũng có một thứ được gọi là tiếng ồn tâm lý.
Đó là sự bất ổn gây ra do tâm trạng hoặc do các sự kiện xấu tác động đến tâm lý học viên. Việc tiếp nhận và xử lý thông tin trở nên khó khăn khi học viên ở trong tâm trạng cực đoan, dù tích cực hay tiêu cực. Ví dụ, các học viên gặp vấn đề về mặt tình cảm, gia đình, hoặc gặp bất hạnh trong cuộc sống sẽ khó tập trung làm bài nghe hơn các học viên khác.
Không chỉ vậy, sự phấn khích, vui mừng tột độ hay tâm trạng lo lắng, bồn chồn cũng có thể tác động tiêu cực đến khả năng lắng nghe của học viên. Một học viên đang rất vui mừng trước những sự kiện tuyệt vời diễn ra có thể sẽ không lắng nghe đầy đủ những gì được trình bày, hay một học viên đang lo lắng về viễn cảnh có thể bị mất việc sẽ không có tâm trí để lắng nghe một cách hiệu quả.
Cách học viên suy nghĩ cũng có thể cản trở việc lắng nghe tích cực. Đôi khi, học viên nhanh chóng đánh giá những gì người khác đang nói, hoặc chúng ta cảm thấy mình biết trước họ sẽ nói gì. Điều này sẽ sinh ra tâm lý tự phụ, chủ quan, từ đó có thể ảnh hưởng đến khả năng nghe những gì đang được truyền đạt.
Rào cản về thể chất
Khi cơ thể học viên không ở trong trạng thái tốt nhất, sẽ rất khó để học viên có thể dành toàn bộ trí lực cho bài nghe. Tương tự, nếu một người đang bị chấn thương, bệnh tật hoặc căng thẳng về thể chất, điều đó cũng có thể cản trở khả năng nghe và xử lý những gì đang được trình bày tới họ.
Rào cản về ngôn ngữ
Một điều khác có thể dẫn đến lắng nghe không hiệu quả là sự hiện diện của rào cản ngôn ngữ. Đặc biệt trong tiết học IELTS Listening, điều này có thể gây ra khi người học chưa có đủ vốn từ vựng hoặc các kiến thức ngữ pháp cần thiết để có thể tiếp nhận thông tin một cách đầy đủ nhất. Rào cản này cũng có thể hiện diện khi giáo viên đến từ một nền văn hóa khác, không thể kiểm soát được sự pha trộn giữa ngôn ngữ dân tộc mình với ngôn ngữ tiếng Anh chính thống.
Số lượng thông tin quá nhiều
Học viên thường sẽ cảm thấy choáng ngợp trước những kiến thức mới mẻ và phức tạp, đến mức họ không thể tiếp nhận thông tin nếu chúng được trình bày một cách dồn dập. Điều này có thể diễn ra ngay cả với những học viên không gặp những rào cản vật lý, sinh lý hay ngôn ngữ. Những học viên có chỉ số IQ thấp hơn thường sẽ gặp khó khăn hơn các đối tượng còn lại trong những tiết học có khối lượng kiến thức lớn và phức tạp.
Nếu một học viên có vẻ không tích cực lắng nghe giảng viên của mình, điều đó chưa hẳn có nghĩa là do họ đang thô lỗ. Có thể là họ đã đạt đến giới hạn về việc tiếp nhận thông tin mới và họ đang giảm dần khả năng tập trung vào tiết học.
Dạng giọng nói
Giọng điệu của giảng viên cũng có thể trở thành rào cản dẫn đến việc lắng nghe không hiệu quả của học viên. Không phải ai cũng sẽ phản ứng giống nhau với các tông giọng khác nhau và hai người có thể nghe thấy cùng một tông giọng theo những cách rất khác nhau.
Ví dụ, một học viên có thể thấy rằng giảng viên đang giảng dạy tràn đầy năng lượng hấp dẫn, trong khi một học viên khác có thể coi giọng giảng viên là nhàm chán và chậm chạp.
Tuy nhiên, thường thì các học viên sẽ phản ứng tích cực nếu giọng giảng dạy hoặc giọng trong băng phát có ngữ điệu, có sự nhấn nhá và tương tác.
Tốc độ phát âm
Khi giảng viên nói quá nhanh, học viên có thể sẽ khó theo kịp được cuộc trò chuyện. Một số người theo bản năng đã có tốc độ nói nhanh, điều này có thể là một điểm trừ rất lớn đối với họ, trong khi những người khác đôi khi chỉ nói nhanh hơn bình thường khi họ lo lắng hoặc vui mừng tột cùng.
Đồng thời, một giảng viên nói quá chậm cũng có thể sẽ không thu hút được sự chú ý của học viên. Nếu họ nói chậm một cách bất thường, học viên có thể sẽ mất hứng thú và không còn lắng nghe tích cực nữa.
Sức ép trong phòng thi
Áp lực trong phòng thi cũng sẽ khiến học viên khó có thể lắng nghe một cách tích cực. Điều này đặc biệt nghiêm trọng khi học viên đang bị một áp lực lớn đè nặng buộc họ phải vượt qua bài thi IELTS bằng mọi giá, hoặc khi học viên gặp một chuỗi câu không nghe được đáp án dẫn đến mất bình tĩnh, mất điểm dừng trong phòng thi.
Gián đoạn trải nghiệm
Khi giảng viên đang nói say sưa, bỗng nhiên ngắt lại giữa chừng để làm việc riêng, điều này sẽ khiến mạch tập trung của học viên bị gián đoạn, nghiêm trọng hơn là họ có thể sẽ không tiếp nhận bài nghe với cùng mạch tập trung tại thời điểm ban đầu.
Trong bài thi Listening cũng vậy, khi phải nghe nhiều, nghe lâu, việc xuất hiện những khoảng gián đoạn có thể khiến những học viên không tỉnh táo gặp khó khăn trong việc duy trì khả năng tập trung của mình.
Giải pháp khắc phục vấn đề không hiệu quả khi lắng nghe
Học nghe trong một không gian không gây ồn ào
Sự tập trung là yếu tố tiên quyết để thí sinh có thể thực hiện bài thi IELTS Listening một cách hiệu quả. Do vậy, để tiết học Listening diễn ra đạt hiệu quả cao nhất, cả học viên và giảng viên cần chọn cho mình một môi trường yên tĩnh, hoàn toàn không có yếu tố tác động từ bên ngoài, đồng thời đầy đủ các cơ sở vật chất cần thiết để tránh những sự cố không đáng có, bất chợt diễn ra trong tiết học khiến việc thực hiện bài nghe không hiệu quả.
Giảng viên có thể lựa chọn những địa điểm yên tĩnh như phòng trang bị hệ thống cách âm, khu vực học tập ở xa nơi đông người. Trong trường hợp khó tìm được những địa điểm đáp ứng tiêu chí trên, giảng viên có thể tận dụng rèm, màn cách âm, sơn phủ tường bằng sơn hấp thụ âm, hạn chế để hở các khe cửa để âm thanh lọt vào, hay lắp đặt hệ kính cách âm. Trong không gian phòng học, giảng viên có thể trang bị loa lớn, hoặc sử dụng hệ thống tai nghe Bluetooth để hạn chế tối đa ảnh hưởng từ những tiếng ồn xung quanh.
Học viên chỉ lắng nghe khi cơ thể ở trạng thái tốt nhất
Học viên cần đảm bảo rằng bản thân mình thực sự đang thoải mái nhất khi tham gia các tiết học nghe, hoàn toàn không bị vướng bận chuyện cảm xúc hay cá nhân. Có như vậy, quá trình tiếp nhận thông tin mới có thể diễn ra hiệu quả.
Trước mỗi tiết học Listening nói riêng hay các giờ học IELTS nói chung, để tránh hiện tượng lắng nghe không hiệu quả, học viên cần ăn uống đầy đủ, đảm bảo thể chất hoàn toàn khỏe mạnh và tâm lý tỉnh táo, không bị tác động bởi các yếu tố cá nhân.
Ngoài ra, các giảng viên có thể tổ chức các bữa ăn nhẹ cho học viên trước mỗi buổi học, chuẩn bị bánh trái hoặc các loại thực phẩm chức năng hỗ trợ sự tập trung của não bộ nhằm cung cấp cho học viên những điều kiện thoải mái nhất.
Đối với những học viên gặp vấn đề về sức khỏe, bị ốm, sốt hoặc đau đầu, các giảng viên cần tạo những điều kiện phù hợp để học viên cải thiện sức khỏe trước khi bước vào tiết học, hoặc có thể giảm bớt yêu cầu trên lớp và tăng cường các học liệu tự học nhằm bù đắp phần kỹ năng bị mất mát do vấn đề sức khỏe gây ra.
Giảng viên truyền đạt bài giảng với tông giọng hấp dẫn và một cách trình bày chỉnh chu
Thay vì chỉ giảng bài với duy nhất một tông giọng, giảng viên cần nhấn nhá các câu từ một cách phù hợp, tránh giảng bài bằng cách nói đều đều khiến học viên không muốn tập trung vào bài giảng. Ngoài ra, giảng viên cần sắp xếp các phần của giáo án một cách khoa học, đi từ cơ bản đến nâng cao, tránh trường hợp đưa quá nhiều kiến thức mới vào cùng một tiết học khiến học viên chưa thể tiếp thu hết toàn bộ kiến thức một cách nhanh chóng.
Trong mỗi tiết học, xen lẫn giữa các bài nghe căng thẳng, giảng viên có thể kể những câu chuyện vui liên quan đến việc học nghe, hoặc chia sẻ các phương pháp học nghe hiệu quả để giảm bớt căng thẳng và tạo hứng thú cho học viên.
Ngoài ra, trong phần giáo trình, giảng viên có thể in thêm phần Transcript sau mỗi phần học để sau mỗi bài nghe, học viên sẽ có học liệu để so sánh, đối chiếu và tự đánh giá kỹ năng nghe của mình. Giảng viên góp ý với học viên bằng tone giọng nhẹ nhàng, lắng nghe những phần học viên nghe chưa tốt, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp cho từng đối tượng học viên.
Học viên nắm vững tất cả các dạng bài trước khi thực hiện bài thi IELTS Listening
Sự lo lắng đôi khi diễn ra do học viên chưa có sự chuẩn bị tốt nhất cho bài nghe. Do đó, để tránh tình trạng lắng nghe không hiệu quả, một cách để tâm lý ổn định nhất đó là sự tự tin. Theo đó, học viên cần trang bị kỹ cho mình vốn kiến thức, từ vựng và kỹ năng làm bài được dạy qua các tiết học để tránh trường hợp mất kiểm soát khi gặp phải những phần kiến thức lạ, khó trong phòng thi.
Cụ thể hơn, trước mỗi kỳ thi, học viên cần ôn tập kỹ các dạng bài được giao. Đặc biệt, học viên cần chú trọng phần kỹ năng làm bài, để với mỗi dạng bài được giao học viên sẽ có chiến lược hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, học viên cần liên tục luyện tập, trau dồi, chăm chỉ làm bài tập về nhà ngay sau mỗi buổi học, tra kỹ những từ vựng mới ở phần Transcript ở mỗi bài, rèn luyện kỹ năng nghe hàng ngày để có thể nâng cao cả về vốn từ vựng, ngữ pháp và khả năng phản xạ khi thực hiện bài thi.
Tổng kết
Nguồn tham khảo:
Liu, Y. (2017). Một nghiên cứu về mối quan hệ giữa chiến lược luyện nghe tiếng Anh, động lực học tiếng Anh và sự hiểu biết khi nghe cho sinh viên đại học tiếng Anh như một ngoại ngữ.
Các rào cản phổ biến đối với việc lắng nghe hiệu quả là gì? (2022, Tháng Tám 16). HRDQ. https://hrdqstore.com/blogs/hrdq-blog/common-barriers-effective-listening