Bây giờ là 03:33 phút sáng. Trong phút rảnh rang chờ phần mềm chỉnh sửa video bận render, mình đọc báo mạng. Một bài báo về nghề Telesales đập vào mắt và mình muốn tranh thủ viết về nó, có thể sẽ khá trần trụi nếu bạn không phải người trong ngành kinh tế, marketing. Nhưng phải viết. Để chứng minh luận điểm gì, mình cũng chưa biết. Nhưng nếu muốn hiểu thêm vài khía cạnh xung quanh cái nghề Telesales, bạn cứ đọc tiếp đã.
Telesales ý là sale qua telephone, là tên tây ngắn gọn của công việc chào bán hàng qua điện thoại.
Đây thường được coi là nghề dành cho sinh viên và những bạn mới ra trường xin việc làm vì nó khá dễ xin, các công ty lớn nhỏ thường tuyển nhiều. Mô tả công việc: đi qua chương trình tập huấn, nắm sản phẩm, đọc script (kịch bản), nhận danh sách số điện thoại, ổn định tư thế xuống ghế và bắt đầu gọi. Gọi từ đầu đến cuối. Ai máy bận hoặc không nghe máy thì đánh dấu vàng (hoặc đỏ xanh gì đó), tí gọi lại. Nếu may mắn, bạn sẽ có cơ hội đi gặp những người đồng ý cho bạn cơ hội trình bày và tìm cách chốt một cuộc mua bán thành công. Nếu không may, bạn sẽ cứ ngồi lõm cả cái ghế ấy cả ngày, ngày nào cũng vậy, cứ thế gọi điện thoại.
Mô tả công việc sơ sơ là như vậy, thế còn lương lậu thì sao?
Thường thì các bạn sẽ có lương cứng vài triệu, chẳng thấm vào đâu, nếu bán được hàng mới có tiền, gọi là commission và đây là một % nhỏ trong tổng giá trị đơn hàng mà bạn bán được cho công ty. Dễ hiểu đúng không? Nhưng đây là điều có thể bạn chưa biết: Commission chỉ được tính từ điểm mà nó vượt qua lương cứng. Ví dụ lương cứng của bạn là 3 triệu đồng/ tháng. Một gói sản phẩm mà bạn cần bán có giá 300,000 đồng và bạn ăn (tính xông xênh) là 10% giá trị gói ấy, tức là 30,000 đồng/ sản phẩm là của bạn. Vậy thì 100 sản phẩm đầu tiên bạn bán được sẽ coi như là lương, vì 30 ngàn nhân lên 100 món mới được 3 triệu đồng. Bán từ sản phẩm thứ 101 trở đi thì thu nhập của bạn tháng ấy mới là 3 triệu đồng + Commission. Nếu tháng ấy bạn bán được 101 món, thu nhập của bạn là 3 triệu lẻ 30 ngàn đồng. Nhưng nếu chỉ bán được 99 món, 3 triệu tròn là con số bạn nhận được chứ không hơn. Sau một thời gian làm nghề, hoặc là bạn sẽ “slay” (ý là nổi trội) cả cái phòng sale và lên làm Sales Manager, hoặc là bạn văng ra. Hoặc cũng có thể bạn cứ thế ráng và ráng và ráng với hiệu suất bán hàng tằng tằng, không quá tốt cũng không quá tệ.
Công việc Telesales có thể đối mặt với nhiều khó khăn và căng thẳng, dù có vẻ như chỉ là ngồi trong phòng lạnh.
Có lẽ không có nghề nào phục vụ khách hàng trực tiếp mà không gặp khó khăn, và Telesales không phải là ngoại lệ. Việc bị chửi, cúp máy, và áp lực là điều bình thường hơn là được khách hàng lịch sự và mua hàng.
Điều thú vị là vấn đề mệt mỏi của Telesales thường đến từ phía bên kia của điện thoại.
Danh sách khách hàng mà Telesales sử dụng thường không được phép, và việc sử dụng thông tin này có thể gây ra nhiều vấn đề liên quan đến quyền riêng tư.
Việc tiếp cận thông tin cá nhân của khách hàng một cách không đúng đắn có thể gây ra những hậu quả lớn về quyền riêng tư.
Việc bán thông tin cá nhân không phải là một hành động đạo đức, dù có thể có những trường hợp ngoại lệ.
Làm một khách hàng thời nay cũng có thể vô cùng mệt mỏi. Đồng ý rằng đã sống trong thời đại số, đã dùng Internet tức là quên đi một số sự riêng tư của mình. Nhưng công ty nào cũng hứa lên hứa xuống về “bảo mật thông tin”, sau đó thì cả làng cả chợ ai cũng biết nốt ruồi của mình nằm ở bộ phận cơ thể nào, rồi muốn lên tiếng thì công ty chủ đổ lỗi cho ban quản lý, ban quản lý đổ lỗi cho ngân hàng, ngân hàng đổ lỗi cho nhà thi công, nhà thi công đổ lỗi cho đội thiết kế.
Nhiều bạn Telesales bị mắng thì tủi thân nhưng hãy nghĩ từ vị trí của người bị gọi, không xác định được khởi đầu của vấn đề, không có cách giải quyết, bó tay chịu đựng hàng chục cuộc gọi mỗi ngày là trải nghiệm có lẽ chính bạn cũng sẽ không muốn. Mình hiểu rằng bạn vì miếng cơm manh áo mà cắn răng chịu đựng uất ức để hàng ngày tiếp tục với nghề, nhưng chẳng lẽ những người nghe điện thoại của bạn không có nỗi lo, không có áp lực, không có cuộc sống riêng của họ hay sao?
Đây cũng là điểm tiếp theo mà mình muốn nói đến. Nghề Telesales đã ra đời từ rất lâu trong khi thời đại đã có nhiều thay đổi.
Mình tin rằng mình đại diện cho rất nhiều người tiêu dùng khác khi mình nói rằng mình muốn chủ động tìm đến những thứ mình thích vào thời gian mà mình muốn. Một trong những lý do những thương hiệu như Netflix, YouTube, Shopee, Tiki hay Grab có được thành công là vì họ cho phép người dùng chủ động tìm đến và sử dụng dịch vụ vào thời gian mà người dùng mong muốn sắp xếp thay vì chầu chực giờ mở cửa hàng, lịch chiếu TV hay taxi chạy trên đường. Một phần lớn tiền mà người tiêu dùng bỏ ra là nhằm mua lại thời gian, rút ngắn thời gian, chủ động thời gian. Thời gian là một trong những điều quan trọng nhất trong cuộc sống bên cạnh tiền bạc.
Đây chính là lý do mà nhiều khách hàng từ chối bỏ thời gian của họ để nghe điện thoại của bạn, dựa trên thời gian tiện lợi cho bạn, nhằm mục đích kiếm lời của bạn.
Hạnh phúc là tấm chăn hẹp, muốn bán được nhiều hàng thì phải cạnh tranh. Ai cũng phải vậy thôi. Nhưng người tiêu dùng bây giờ không còn ngờ nghệch như thời mỗi nhà chỉ có một điện thoại cố định cả nhà dùng chung nữa. “Xin chúc mừng anh đã may mắn trúng 1 trong 10 suất thử sản phẩm miễn phí”, “Chị A ơi bạn chị là khách hàng bên em và anh ấy đã chọn chị để nhận quà tặng là suất thử sản phẩm miễn phí”, người tiêu dùng họ biết bạn đang nói xạo. Họ biết đó là script (kịch bản) của công ty bạn. Bạn không phải nhân viên duy nhất trong công ty gọi cho họ với cùng một kịch bản như vậy. Và có lẽ không ai thích bị ném vào mặt những gì không thật.